Giải bài toán vốn cho phát triển khu công nghiệp

19/01/2024 - 22:31
(Bankviet.com) Theo tính toán của Viện Nghiên cứu Đầu tư quốc tế, từ nay đến năm 2030, Việt Nam cần khoảng 700 tỷ USD để đầu tư hạ tầng và lấp đầy các khu công nghiệp.
Cần lực đẩy mạnh mẽ hơn cho phục hồi sản xuất công nghiệp Đẩy mạnh xúc tiến thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ

Hơn 700 tỷ USD để đầu tư hạ tầng và lấp đầy các khu công nghiệp

Theo quy hoạch sử dụng đất quốc gia được Quốc hội thông qua vào cuối năm 2021, đến năm 2030, diện tích đất phát triển các khu công nghiệp sẽ đạt khoảng 210.930 ha. Như vậy, từ nay đến năm 2030 sẽ có thêm khoảng 120.000 ha khu công nghiệp, trong đó diện tích đất công nghiệp cho thuê khoảng 80.000-85.000 ha.

Giải bài toán vốn cho phát triển khu công nghiệp
Theo quy hoạch sử dụng đất quốc gia được Quốc hội thông qua vào cuối năm 2021, đến năm 2030, diện tích đất phát triển các khu công nghiệp sẽ đạt khoảng 210.930 ha

Hiện đơn giá đền bù đất, giải phóng mặt bằng và định mức xây dựng hạ tầng khu công nghiệp đã được điều chỉnh so với giai đoạn trước. Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu Đầu tư quốc tế (ISC), ước tính chi phí đầu tư phát triển 1 ha đất khu công nghiệp bình quân hiện nay khoảng 600.000 USD/ha.

Như vậy, theo TS Ngô Công Thành – Phó Chủ tịch Viện Nghiên cứu Đầu tư quốc tế: Nhu cầu vốn đầu tư phát triển hạ tầng các khu công nghiệp đã được quy hoạch đến năm 2030, đang và sẽ triển khai xây dựng vào khoảng 72 tỷ USD.

Cũng theo ông Ngô Công Thành, nhu cầu thu hút đầu tư vào các dự án sản xuất, kinh doanh trong khu công nghiệp đang rất lớn. Nếu tính suất đầu tư bình quân 6,5 triệu USD/ha đất công nghiệp thì nhu cầu thu hút vốn đầu tư lấp đầy diện tích còn lại của các khu công nghiệp Việt Nam đã được quy hoạch vào khoảng 600-650 tỷ USD.

“Như vậy, tổng vốn đầu tư phát triển hạ tầng khu công nghiệp và lấp đầy các khu công nghiệp vào khoảng 670-720 tỷ USD” – ông Ngô Công Thành nhấn mạnh và cho biết thêm: Ngoài ra còn phải tính đến nhu cầu vốn đầu tư đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, tái cấu trúc và chuyển đổi 293 khu công nghiệp hiện hữu thành các khu công nghiệp sinh thái để thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh theo cam kết của Chính phủ và cộng đồng quốc tế.

Trong một báo cáo gần đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đặ mục tiêu thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, khu kinh tế đến năm 2030. Theo đó, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt khoảng 390-460 tỷ USD, trong đó vốn trong nước khoảng 2,7 triệu-3,2 triệu tỷ đồng (tương đương 110-130 tỷ USD); vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt khoảng 280-330 tỷ USD. Trong đó, vốn đầu tư thực hiện khoảng 300-370 tỷ USD, trong đó vốn trong nước đạt 1,5 triệu-2,0 triệu tỷ đồng (tương đương 60-80 tỷ USD); vốn FDI 240-290 tỷ USD.

Giải bài toán vốn cho phát triển khu công nghiệp
Để thúc đẩy các khu công nghiệp phát triển, nhiều giải pháp đã được đưa ra, trong đó có những giải pháp về tài chính

Giải bài toán vốn cho phát triển khu công nghiệp

Tại hội thảo về phát triển khu công nghiệp diễn ra mới đây, các chuyên gia kinh tế cho rằng, hiện nay doanh nghiệp đầu tư bất động sản khu công nghiệp dựa vào 3 nguồn vốn chính gồm vốn tự có của doanh nghiệp, vốn vay ngân hàng và nguồn vốn ứng trước của khách hàng.

Ở góc độ vốn vay, theo tính toán của Bộ Xây dựng và Ngân hàng Nhà nước, tính đến hết tháng 8/2023, dư nợ tín dụng cho các khu công nghiệp là 56,6 nghìn tỷ đồng, tăng 41% so với cuối năm 2022 (cao hơn mức tăng gần 22% của tín dụng kinh doanh bất động sản và cao hơn mức tăng 13,7% tín dụng toàn nền kinh tế năm 2023), song chỉ chiếm 5,7% tổng dư nợ kinh doanh bất động sản. Trong khi đó, kênh huy động vốn thông qua kênh phát hành trái phiếu doanh nghiệp đang chững lại.

Theo TS Cấn Văn Lực, điều này cho thấy nguồn vốn phát triển khu công nghiệp hiện nay còn hạn chế, chưa đáp ứng đủ nhu cầu phát triển.

Ông Ranjit Thambyrajah - Chủ tịch quỹ đầu tư Acuity Funding (Australia), cho biết: Việt Nam hiện đang thiếu các sản phẩm tài chính đa dạng và các dịch vụ chuyên biệt cần thiết cho sự tăng trưởng đang diễn ra. Việt Nam đang cần nguồn tài trợ dài hạn và quy mô lớn. Theo đó, Acuity Funding chủ yếu thu xếp các khoản nợ ưu tiên từ 100 triệu USD lên đến 1 tỷ USD, với tỷ lệ cho vay 60% trên mức định giá sau khi hoàn tất.

“Đặc biệt, khi cần thiết, chúng tôi có thể hỗ trợ tìm nguồn tham gia cổ phần ưu đãi để hỗ trợ các dự án tốt cần thêm vốn chủ sở hữu cho đủ điều kiện cho các khoản vay của chúng tôi”- ông Ranjit Thambyrajah cho biết thêm.

Còn theo ông Ngô Công Thành, để huy động được nguồn vốn to lớn đầu tư vào các khu công nghiệp, trong những năm tới đòi hỏi phải có những thay đổi căn bản trong việc khai thông các dòng vốn, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tiếp cận thuận lợi các yếu tố sản xuất và đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư.

Để thúc đẩy các khu công nghiệp phát triển, nhiều giải pháp đã được đưa ra, trong đó có những giải pháp về tài chính. Hệ thống chính sách tài chính hỗ trợ cho các khu công nghiệp hiện nay đã bao gồm 5 nhóm chính sách, bao gồm: Chính sách thuế phí; chính sách đầu tư; chính sách tín dụng; chính sách đất đai; các chính sách khác. Tuy vậy, nguồn lực tài chính cho phát triển hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp còn rất hạn chế, đẫn đến việc hạ tầng chưa hoàn thiện, quá trình xây dựng chậm trễ, kéo dài nên khó thu hút đầu tư.

Nguyễn Hòa

Theo: Báo Công Thương