Giải pháp hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024

07/11/2024 - 18:50
(Bankviet.com) Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, trong phiên họp toàn thể tại hội trường Quốc hội, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho rằng, cần tập trung vào các nhóm động lực tăng trưởng và giảm thuế VAT để đạt được mục tiêu đề ra trong những tháng còn lại của năm 2024.

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, trong phiên họp hôm này (ngày 4/11), Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về Đánh kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.

Tập trung vào các động lực tăng trưởng

Phát biểu tại nghị trường, đại biểu Trình Lam Sinh - Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang, đánh giá cao công tác điều hành rất chủ động và quyết liệt của Chính phủ trong thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội thời gian qua. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đề ra trong những tháng còn lại của năm 2024, đại biểu cho rằng, Chính phủ cần tiếp tục triển khai thực hiện các kịch bản nhằm chủ động và kịp thời phản ứng với các mức độ tăng trưởng của nền kinh tế; thực hiện hiệu quả các giải pháp tập trung vào các động lực tăng trưởng truyền thống, nhất là xuất khẩu; đồng thời đẩy mạnh thực hiện các động lực tăng trưởng mới.

trinh-lam-sinh.jpg
Đại biểu Trình Lam Sinh - Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang

Dẫn báo cáo của Chính phủ về dự báo tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2024 ở mức kỷ lục, đại biểu Trình Lam Sinh cho rằng, mức dự báo này cho thấy sự phục hồi sản xuất trong nước và cầu tiêu dùng của các thị trường. Trong đó, xuất khẩu khu vực FDI đạt tỷ trọng cao cho thấy các doanh nghiệp của khu vực này đang làm ăn rất tốt, trên cơ sở các cơ chế, chính sách ưu đãi hỗ trợ của nhà nước; thể hiện qua việc nhiều tập đoàn lớn đến nghiên cứu và cam kết đầu tư trong các lĩnh vực điện tử, chip bán dẫn, năng lượng tái tạo…

Tuy nhiên, đại biểu của Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang cũng nhìn nhận, số liệu doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường cho thấy các doanh nghiệp trong nước còn gặp nhiều khó khăn.

“Đề nghị Chính phủ tiếp tục hỗ trợ về mặt chính sách, nhằm giúp các thành phần kinh tế trong nước tháo gỡ khó khăn; đồng thời, ban hành các chính sách hỗ trợ quyết liệt hơn, nhằm bảo hộ và kích cầu tiêu dùng hàng hóa trong nước trước sự xâm nhập của hàng hóa giá rẻ từ nước ngoài, thông qua thương mại điện tử và mạng xã hội”, đại biểu Trình Lam Sinh đề xuất.

tran-hoang-ngan.jpg
Đại biểu Trần Hoàng Ngân - Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh

Đại biểu Trần Hoàng Ngân - Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh thì cho rằng, cần tập trung phân tích vào nhóm giải pháp 3 động lực tăng trưởng của Chính phủ, gồm:

Thứ nhất, về xuất khẩu, 9 tháng năm 2024, Việt Nam tiếp tục tăng trưởng 15,4% nhưng tỷ trọng khu vực trong nước còn chiếm tỷ lệ thấp, chỉ khoảng 28%. Vì vậy, cần phải có chính sách để kết nối các doanh nghiệp FDI với các doanh nghiệp trong nước. Cùng với đó là chiến lược phát triển công nghiệp cơ khí, công nghiệp dịch vụ phụ trợ, công nghiệp vật liệu, phụ kiện. Đặc biệt, cần quan tâm hơn nữa tới các sản phẩm mang thương hiệu Việt, nông sản, thủy sản, quan tâm xuất khẩu tại chỗ qua khuyến khích phát triển du lịch.

Thứ hai, tổng vốn đầu tư xã hội tiếp tục tăng lên nhưng khu vực dân doanh tăng thấp trong khi khu vực có vốn đầu tư nước ngoài lại tăng cao. Do đó, cần phải có các chính sách quan tâm tổng thể để tiếp sức cho doanh nghiệp Việt, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Thứ ba, tiêu dùng nội địa, mặc dù có phục hồi mạnh, trong 9 tháng tăng trưởng 8,8% nhưng vẫn còn thấp so với thời điểm trước dịch COVID-19 (tăng trưởng 2 con số).

Do đó, cần phải có chính sách hỗ trợ cho tiêu dùng, nhất là giảm thuế cũng như khuyến khích người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Bên cạnh đó là quan tâm đến việc điều chỉnh lương hưu, trợ cấp xã hội, bảo hiểm và trợ cấp ưu đãi người có công trong năm 2025...

Bên cạnh việc khuyến khích phát triển các động lực mới như khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn… đại biểu Trần Hoàng Ngân cũng đề nghị, cần đánh thức 3 động lực nội sinh, đó là: khu vực nông nghiệp, văn hóa và du lịch. Đây là những thế mạnh của Việt Nam. Ba lĩnh vực này mới thực sự là chủ công của đất nước. Do đó, Chính phủ quan tâm nhiều hơn nữa đến 3 lĩnh vực này.

Giảm thuế VAT, tháo gỡ nút thắt để hỗ nền kinh tế

Nhấn mạnh lạm phát tăng trong 4 năm qua nhưng mức thu nhập chịu thuế không tăng, đại biểu Trần Thị Quỳnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định đề nghị nghiên cứu nới mức thu nhập chịu thuế nhằm tăng thu nhập khả dụng cho người chịu thuế, góp phần cải thiện chi tiêu.

tran-thi-quynh.jpg
Đại biểu Trần Thị Quỳnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định

Ngoài ra, đại biểu Trần Thị Quỳnh cũng kiến nghị tiếp tục nới lỏng có thực chất chính sách tài khóa, nghiên cứu hỗ trợ mạnh hơn cho những gia đình, doanh nghiệp bị thiệt hại bởi bão lũ, thiên tai; đồng thời, tiếp tục tháo gỡ nút thắt để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.

Trong khi đó, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình nhìn nhận, để tiếp tục thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ cần tập trung chỉ đạo thực hiện 3 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu gồm:

Thứ nhất, đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, tạo môi trường thuận lợi cho tăng trưởng, tập trung vào việc ban hành và thực thi hiệu quả các chính sách, giải pháp tháo gỡ các vướng mắc, nhất là về pháp lý, định giá đất và tiếp cận vốn. Triển khai hiệu quả Nghị định 73 về khuyến khích bảo vệ cán bộ năng động, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

tran-thi-hong-thanh.jpg
Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình

Thứ hai, chỉ đạo phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp an toàn, chuyên nghiệp và bền vững, thông qua cải cách thủ tục, điều kiện, rút gọn thời gian cấp phép phát hành, bổ sung chính sách khuyến khích định hạng tín nhiệm, đa dạng hóa sản phẩm trái phiếu, hoàn thiện hạ tầng thị trường và nâng cao chất lượng nhà đầu tư cá nhân.

Thứ ba, tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thông qua thực hiện hiệu quả Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động, xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, hoàn thiện chính sách quản lý nguồn nhân lực, đào tạo và nâng cao kỹ năng số cho người lao động, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao từ nước ngoài, và nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp và người lao động trong đào tạo, bồi dưỡng.

Thảo luận tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh cho biết, thời gia qua đất nước ta đã hứng chịu hậu quả nặng nề của thiên tai, trong đó có cơn bão số 3 (Yagi) và cơn bão Trà Mi… Sau khi những cơn bão đi qua, còn rất nhiều vướng mắc. Do đó, Chính phủ cần quan tâm chỉ đạo rốt ráo hơn nữa để khắc phục, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.

Do vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương chủ động đề xuất ban hành các cơ chế, chính sách đủ mạnh, hỗ trợ các ngành, lĩnh vực đang bị ảnh hưởng nặng nề, xây dựng đề án tái thiết nền kinh tế sau bão; thực hiện miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất cho các doanh nghiệp, tổ chức, người dân bị ảnh hưởng thiệt hại; ưu tiên bố trí nguồn lực để sớm khắc phục các sự cố, hư hỏng về hệ thống giao thông, đê điều, hồ chứa thủy lợi…

Trước những thiệt hại nặng nề do thiên tai, bão lũ gây ra, đại biểu Hà Sỹ Đồng - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị đề nghị: “Chúng ta cần có những giải pháp mạnh mẽ từ sớm, từ xa. Không thể mỗi đợt thiên tai lại cướp đi sinh mạng hàng trăm, hàng ngàn người như thời gian vừa qua”.

Nhằm bảo đảm hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đại biểu đề nghị cần ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, tiếp tục làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống; đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới. “Trong thời gian tới, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần quan tâm, có giải pháp căn cơ để chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phát triển xanh”, đại biểu Hà Sỹ Đồng đề nghị.

Minh Nhật

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ