Giải pháp nào khai thác tốt hơn thị trường nội địa năm 2024?

01/01/2024 - 19:31
(Bankviet.com) Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2023 tăng 9,6%, vượt mục tiêu đề ra (tăng 9%), là động lực để thị trường nội địa bứt phá năm 2024.
PGS.TS Trần Đình Thiên: Phải kích cầu, củng cố thị trường nội địa vì đây là thị trường trọng yếu! Thị trường nội địa sôi động dịp cuối năm Doanh nghiệp chung tay sản xuất và tiêu thụ hàng Việt Nam

Ứng dụng công nghệ trong bán hàng – xu hướng không thể khác

Mới đây, Viện Nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh đã phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, UBND quận 1 tổ chức nhiều phiên livestream và livestream bán hàng bằng AI (trí tuệ nhân tạo), mời hàng trăm người nổi tiếng... để hỗ trợ tiểu thương chợ Bến Thành bán hàng, quảng cáo sản phẩm. Đây được đánh giá là sự kiện mang tính bước ngoặt giúp tiểu thương chợ truyền thống tại TP. Hồ Chí Minh hướng đến mô hình kinh doanh mới.

Theo thống kê của TikTok, trong 77 phiên livestream tại chợ Bến Thành trong 5 ngày (từ ngày 11 đến tối 15/12), đã có hơn 18.200 đơn hàng được bán, doanh thu đạt 4,2 tỉ đồng.

Giải pháp nào khai thác tốt hơn thị trường nội địa năm 2024?
Phiên livestream bán hàng tại chợ Bến Thành thu hút rất đông người tiêu dùng (Ảnh: Thành Vũ)

Bên cạnh các hot TikToker, người nổi tiếng, người tiêu dùng có sức ảnh hưởng, sự kiện còn có sự tham gia bán hàng trực tiếp của những người ảo Al. Đặc biệt, chỉ trong 18 tiếng livestream, người ảo Al đã giúp tiểu thương chợ Bến Thành bán hơn 900 đơn hàng, thu về hơn 150 triệu đồng.

Đáng chú ý, sau chương trình livestream ở chợ Bến Thành, nhiều chợ đầu mối quy mô lớn tại TP. Hồ Chí Minh như An Đông, Tân Bình... cũng đang xem xét áp dụng mô hình này nhằm hỗ trợ việc kinh doanh cho tiểu thương. Hiện nay rất nhiều nhà vườn cũng đang tận dụng các nền tảng như Facebook, TikTok để bán hoa Tết.

Đây được coi là một trong những điểm sáng của thị trường nội địa nói chung, mở ra xu hướng kinh doanh mới tại chợ truyền thống nói riêng sau một thời gian dài kênh bán lẻ này đối diện với sự đìu hiu vì không có khách.

Năm 2024, Đảng, Chính phủ đã đặt ra những mục tiêu tăng trưởng GDP ở mức 6-6,5%. Để làm được điều này, phải thúc đẩy các động lực tăng trưởng gồm: Đầu tư công, xuất khẩu, tiêu dùng nội địa, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước phát triển, thúc đẩy nhiều hơn nữa đầu tư từ doanh nghiệp trong nước và đầu tư nước ngoài. Trong đó, thị trường nội địa được coi là một trong những động lực quan trọng nhất.

Giải pháp nào khai thác tốt hơn thị trường nội địa năm 2024?
Thị trường nội địa sẽ vẫn là một trong những động lực tăng trưởng kinh tế năm 2024

Vai trò của thị trường nội địa ngày càng được khẳng định khi đây là yếu tố vĩ mô hiếm hoi có sự tăng trưởng vượt kế hoạch trong năm 2023 (tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2023 đã tăng 9,6%), vượt mục tiêu Chính phủ đề ra, đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, thị trường nội địa phụ thuộc rất lớn vào nhu cầu tiêu dùng của người dân. Nhu cầu tiêu dùng lại phụ thuộc vào mức sống, thu nhập và niềm tin của người dân về triển vọng kinh tế. Do đó, để thị trường trong nước giữ vững vai trò “chủ công” trong thực hiện các mục tiêu kinh tế vĩ mô thì việc vực dậy thị trường nội địa cần sự chung tay của nhiều bộ, ngành, địa phương, cũng như sự nhạy bén của doanh nghiệp trong nắm bắt xu hướng của người tiêu dùng Việt.

Đơn cử, vừa qua, KIDO cũng đã kết hợp với Tiktok xây dựng kênh bán hàng, hỗ trợ các tiểu thương tăng doanh số. Ông Trần Lệ Nguyên - Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn KIDO cho biết: "Khi các doanh nghiệp Việt Nam thấy được xu hướng thì cần phải nhanh chóng chuyển hướng, thay đổi”.

Theo ông Trần Lệ Nguyên, hiện các chợ đầu mối, tiểu thương bế tắc về đầu ra, ế ẩm. Trong khi một xu hướng ở các nước châu Á, điển hình là Trung Quốc triển khai bán hàng online rất mạnh mẽ, đặc biệt là qua Tiktok, người tiêu dùng vừa giải trí vừa mua sắm. KIDO mới đây đã kết hợp với Tiktok xây dựng kênh bán hàng, hỗ trợ các tiểu thương tăng doanh số.

Ông Trần Lệ Nguyên cho biết: “Như chương trình bán hàng online kích cầu ở Cần Giờ, lượng hàng bán được gấp 10 lần bình thường. Các tiểu thương chợ Bến Thành livestream bán hàng cũng đạt doanh số gấp 10 lần cho thấy cần phải tiếp tục triển khai cho các chợ đầu mối, tiểu thương tiếp cận xu hướng này. Các doanh nghiệp muốn bán được hàng trên các nền tảng phải có đầu mối hỗ trợ về xây dựng nền tảng, nội dung”.

Cùng xu hướng này, đại diện Liên hiệp HTX Thương mại TP.Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) cho biết, trong chương trình Tết năm nay, đơn vị dự kiến sẽ đón xu hướng mua sắm mới này bằng cách tổ chức 8 phiên livestream bán hàng trên website và ứng dụng theo 8 chủ đề riêng biệt để giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ đặc trưng của hệ thống Co.opmart.

Trong đó, phiên livestream ngày 14/1/2024 sẽ dành riêng cho các mặt hàng nhãn riêng Co.op, phiên ngày 24/1/2024 sẽ giới thiệu, tư vấn cho khách hàng cách sắm sửa cho năm mới sung túc. Phiên livestream cuối cùng diễn ra vào 31-1-2024, giới thiệu mâm cúng ông Táo cuối năm. Đây là hoạt động trong chương trình "Đến Co.op chở Tết về" trên website Co.oponline và app Saigon Co.op.

Tận dụng tối đa quá trình số hoá

Ông Nguyễn Anh Đức - Chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam, Tổng giám đốc Saigon Co.op, cho biết năm 2023 là năm đầu tiên chỉ số niềm tin người tiêu dùng Việt Nam thấp nhất Đông Nam Á, theo Nielsen.

Cũng trong năm 2022-2023, lần đầu tiên tỉ lệ đóng góp của các nhà bán lẻ thuần Việt giảm xuống còn dưới 40%. Với lợi thế dân số đông nên thời gian qua dù chịu tác động của suy thoái kinh tế song thị trường bán lẻ Việt Nam có sức hút với các nhà đầu tư ngoại, các đối tác nước ngoài.

Việc này tác động rất lớn đến chuỗi phân phối giá trị ở thị trường Việt Nam. Các thách thức của biến động thế giới ngày càng rõ rệt hơn, trong khi thị trường bán lẻ nội địa vẫn thiếu sự kết nối hài hòa giữa phân phối và sản xuất để tạo giá trị lớn hơn và bền chặt hơn.

Theo ông Nguyễn Anh Đức, những thách thức này khiến cạnh tranh trong thị trường bán lẻ năm 2024 sẽ trở nên gay cấn hơn. Cuộc đua ưu tiên quá trình số hóa tiếp diễn, trong đó tập trung vào trải nghiệm của người tiêu dùng.

Ông Trần Lệ Nguyên chia sẻ thêm, livestream bán hàng không phải là trào lưu mà các doanh nghiệp muốn bán được hàng trên các nền tảng phải có đầu mối hỗ trợ về xây dựng nền tảng, nội dung… Cùng với việc hỗ trợ mở các khóa đào tạo với sự tham gia của những người có tầm ảnh hưởng (KOL, KOC)… giúp các tiểu thương thì cần chính sách, định hướng mạnh mẽ hơn từ các cơ quan chức năng của thành phố.

Lấy đơn cử từ thành công của các doanh nghiệp ở Trung Quốc hiện tại đã thâm nhập rất tốt vào lĩnh vực này, CEO KIDO cho hay, họ đầu tư kho bãi, có những nền tảng livestream bán hàng chuyên nghiệp.

Một trường hợp khác là Klook - nền tảng thương mại điện tử dành cho trải nghiệm và dịch vụ du lịch cũng đang đầu tư mạnh mẽ cho công nghệ để tăng doanh số. Năm 2023, bất chấp thị trường trong giai đoạn đầu của quá trình hồi phục, Klook đã ghi nhận tình hình kinh doanh bùng nổ. Thành công của công ty đến từ việc xây dựng và áp dụng một cách chiến lược hướng tiếp cận ưu tiên ứng dụng di động (app-first approach) để thu hút và giữ chân khách hàng.

Nhờ đó, lượng khách hàng mới có được trong năm 2023 đã tăng hơn gấp đôi so với năm 2019, trong khi lượng khách hàng thường xuyên đóng góp tới hơn một nửa tổng số lượng đơn đặt, điều này cho thấy mức độ trung thành của khách hàng được thúc đẩy bởi chính nền tảng.

Đồng tình với việc phải ứng dụng công nghệ để theo kịp nhu cầu thị trường, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng, chinh phục khách hàng, chất lượng hàng hoá vẫn phải là yếu tố quan trọng nhất. Để thị trường nội địa phát huy được vai trò “chủ công” trong kinh tế vĩ mô, cần triển khai các giải pháp như: Tổ chức sản xuất hàng hoá theo quy hoạch, năng suất chất lượng, hiệu quả, an toàn thực phẩm, hướng tới sản xuất, tiêu dùng xanh và có sức cạnh tranh trên thị trường nội địa. Sản xuất phải có thương hiệu, mã số vùng trồng.

Hệ thống phân phối khi có sản xuất lớn, cánh cửa hệ thống phân phối phải mở rộng, phát huy hiệu quả của các kênh bán lẻ, chợ ở cả đồng bằng và miền núi. Mối quan hệ giữa sản xuất, phân phối phải chặt chẽ, minh bạch, có sàn giao dịch hàng hoá tại chợ đầu mối, không độc quyền, không o ép.

Ngoài ra, sự liên kết vùng miền để thực hiện tốt quy hoạch trồng trọt, chăn nuôi, phát triển xanh, phát triển tuần hoàn cần phải được đẩy mạnh, quy hoạch cần gắn với vùng sản xuất, tiêu thụ, chế biến, bán buôn và bán lẻ.

Đặc biệt, việc sản xuất kinh doanh, lưu thông phân phối phải được bảo vệ bằng lực lượng quản lý thị trường, chặn gian lận từ gốc chứ không phải chờ hàng hoá vào nội địa rồi mới đi kiểm tra thì không kịp” – ông Vũ Vinh Phú nhấn mạnh.

Bảo Ngọc

Theo: Báo Công Thương