Giải pháp nào phát triển thị trường vàng an toàn và bền vững?

25/01/2024 - 16:54
(Bankviet.com) Để tìm lời giải cho câu hỏi này, sáng 25/1, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức Tọa đàm "Giải pháp phát triển thị trường vàng an toàn và bền vững".
Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng phương án bình ổn thị trường vàng, tăng cung vàng SJC Ngân hàng Nhà nước đề nghị các bộ, ngành phối hợp quản lý thị trường vàng

Toạ đàm có sự tham dự của các vị khách mời là Đại biểu Quốc hội, lãnh đạo cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp để hệ thống hóa, phân tích, kiến giải, luận bàn... về các giải pháp quản lý thị trường vàng.

Với tính chất một sản phẩm hàng hóa đặc thù, có tính thanh khoản cao; đồng thời cũng là tài sản cất trữ, nguồn vốn lưu thông, kênh đầu tư quan trọng của thị trường… Có thể nói, vàng có vai trò và vị trí hết sức quan trọng đối với nền kinh tế của các quốc gia nói chung và của nước ta nói riêng.

Giải pháp nào phát triển thị trường vàng an toàn và bền vững?
Tọa đàm "Giải pháp phát triển thị trường vàng an toàn và bền vững" sáng 25/1.

Thời gian qua, các cơ chế, chính sách về quản lý, phát triển thị trường vàng ở nước ta được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan chức năng đặc biệt quan tâm, không ngừng bổ sung và hoàn thiện. Qua đó, thị trường vàng cơ bản có sự phát triển ổn định, có những đóng góp hết sức hiệu quả đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước cũng như mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, thị trường vàng của Việt Nam cũng còn những tồn tại, bất cập trong công tác quản lý, xuất phát từ các nguyên nhân chủ quan và khách quan khác nhau liên quan đến cơ chế, chính sách, tâm lý người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư… Từ đó đã kiến một lượng lớn kim loại quý hiếm này bị "đóng băng", chôn chặt trong két của người dân; không có sự liên thông, liên hoàn giữa thị trường vàng trong nước với thị trường vàng thế giới; biên độ, sự chênh lệnh về giá vàng giao dịch trong nước và thế giới ở một số thời điểm là rất lớn; nhiều hoạt động trong giao dịch của thị trường vàng còn méo mó; xuất hiện các hành vi vi phạm pháp luật như buôn lậu, trục lợi, đầu cơ, thao túng vàng để trục lợi…

Vừa qua, trước những diễn biến phức tạp của thị trường trong nước làm giá vàng biến động mạnh, tăng cao, khoảng cách chênh lệnh giữa giá vàng trong nước và thế giới lớn, có thể gây nên những rủi ro, tác động tiêu cực đến sự an toàn của thị trường tài chính, tiền tệ, nền kinh tế và tâm lý xã hội… Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời ban hành Công điện 1426/CĐ-TTg ngày 27/12/2023 về các giải pháp quản lý thị trường vàng với những yêu cầu, nhiệm vụ rất quyết liệt, đồng bộ và cụ thể đối với các bộ, ngành chức năng, trong đó nhấn mạnh yêu cầu: "Dứt khoát không để tình trạng 'vàng hóa' nền kinh tế, không để tác động tiêu cực đến tỉ giá, lãi suất, thị trường tiền tệ, ngoại hối và an toàn, an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia".

Vậy, làm gì để tiếp tục phát huy được sự đóng góp tích cực của thị trường vàng đối với nền kinh tế; đâu là những điểm "nghẽn" và "nút thắt" của thị trường vàng hiện nay với tư cách là nguồn vốn lưu thông, kênh đầu tư quan trọng của thị trường; dự báo xu thế phát triển thị trường vàng thời gian tới; giải pháp nào để phát triển an toàn, lành mạnh, hiệu quả, bền vững;… thị trường vàng trong bối cảnh nền kinh tế nước ta đang có sự phục hồi mạnh sau dịch COVID – 19…? Báo Công Thương sẽ có bài viết sâu về nội dung này.

Đỗ Nga

Theo: Báo Công Thương