Tóm tắt: Những năm gần đây, thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam có sự phát triển mạnh cả về quy mô và số lượng doanh nghiệp phát hành, đa dạng kỳ hạn trái phiếu. Tổng giá trị trái phiếu phát hành không ngừng tăng cao qua các năm, mặc dù có giảm từ quý IV/2022 đến nay. Các doanh nghiệp tham gia phát hành ngày càng đa dạng trong các lĩnh vực kinh doanh khác nhau: bất động sản, ngân hàng, sản xuất kinh doanh và dịch vụ khác. Sự phát triển của thị trường trái phiếu góp phần làm giảm áp lực lên vốn tín dụng ngân hàng, nhất là vốn trung dài hạn cho đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp. Môi trường pháp lý cho lĩnh vực này cũng ngày càng được hoàn thiện. Tuy nhiên, sự phát triển nóng của thị trường trái phiếu, cũng như việc thiếu kiểm tra chặt chẽ mục đích sử dụng tiền phát hành trái phiếu của doanh nghiệp đang gây những rủi ro tiềm ẩn cho nền kinh tế, điển hình như vụ việc Tân Hoàng Minh. Bên cạnh đó là khả năng thanh toán thời gian tới của trái phiếu doanh nghiệp bất động sản cũng đang đặt ra những vấn đề cần được đặc biệt quan tâm. Bài viết sử dụng phương pháp nghiên cứu định tính, phân tích và đánh giá dựa trên số liệu và tư liệu thứ cấp của một số cơ quan chức năng, làm rõ nội dung nói trên, đưa ra một số khuyến nghị có liên quan.
SOLUTIONS FOR SUSTAINABLE DEVELOPMENT OF VIETNAM CORPORATE BOND MARKET
Abstract: In recent years, the Vietnam corporate bond market has expanded strongly, both in scale and number of issuers with, diversified bond terms. The total value of bonds issued has continuously increased over the years, although it has decreased from the fourth quarter of 2022 to present. From the side of bond issuers, enterprises involved are increasingly diversified in different business fields: real estate, banking, manufacturing and other services. The development of bond market has contributed to reduce pressure on bank capital, especially medium and long-term capital. The legal environment in this sector is also further improved. However, the hot development of the bond market, as well as the lack of strict inspection of real purpose of bond issuance as well as the use of funds are causing potential risks to the economy, of which Tan Hoang Minh is a typical case. Besides, the interest payment capability of real estate sector is also raising issues of concern. The article uses qualitative research methods, analysis and evaluation based on data and secondary documents from a number of authorities to clarify the above content and makes some recommendations.
1. ĐẶT VẤN ĐỀ
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) là một bộ phận của thị trường tài chính, là nội dung quan trọng trong quản lý, điều hành chính sách tài chính quốc gia. Trong những năm gần đây, với việc không ngừng đổi mới chính sách tài chính, thị trường TPDN ở Việt Nam đã có bước phát triển quan trọng. Các doanh nghiệp trực tiếp huy động vốn trên thị trường tài chính, phù hợp với thông lệ khu vực và quốc tế, giảm áp lực lên vốn tín dụng trung dài hạn của hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM). Môi trường pháp lý không ngừng hoàn thiện để giảm thiểu rủi ro sự phát triển của thị trường TPDN. Tuy nhiên, trước yêu cầu tiếp tục mở cửa thị trường tài chính, hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, cũng như xu hướng phát triển thị trường TPDN ở Việt Nam hiện nay cũng như những năm tới, đòi hỏi chính sách tài chính quốc gia cần tiếp tục được đổi mới hơn nữa và phối hợp đồng bộ hơn nữa với chính sách tiền tệ quốc gia.
2. CƠ SỞ LÝ THUYẾT VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
2.1. Cơ sở lý luận về TPDN
Luật Chứng khoán số 54/2019/QH14 quy định, trái phiếu là một sản phẩm chứng khoán xác nhận về quyền lợi và lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu trái phiếu đối với phần nợ của đơn vị phát hành. Tổ chức phát hành có trách nhiệm thực hiện cam kết về thanh toán các khoản lãi suất định kỳ, đồng thời khi đáo hạn phải hoàn lại số tiền ban đầu về cho nhà đầu tư. Tổ chức phát hành có thể là chính phủ hoặc doanh nghiệp.
Còn TPDN, là trái phiếu do doanh nghiệp phát hành, dưới dạng chứng chỉ hoặc bút toán ghi nợ. Doanh nghiệp có nghĩa vụ thanh toán cả lãi lẫn gốc cho chủ sở hữu trái phiếu khi đến kỳ hạn.
Trên thị trường Việt Nam, TPDN được chia làm 2 loại:
- TPDN niêm yết: Là loại trái phiếu được đăng ký chính thức và lưu ký tập trung tại Trung tâm lưu ký chứng khoán (gọi tắt là VSD). Trái phiếu niêm yết được giao dịch rộng rãi và công khai trên các sàn giao dịch tập trung như HOSE hay HNX. Trong quá trình giao dịch, phải tuân theo các quy định hoạt động được ban hành của Sở giao dịch Chứng khoán.
- TPDN chưa niêm yết (còn được gọi là trái phiếu OTC): Ngược lại với trái phiếu niêm yết, trái phiếu chưa niêm yết là loại trái phiếu chưa được đăng ký trên VSD. Giao dịch giữa các loại trái phiếu này chỉ được thực hiện trên thị trường OTC theo nguyên tắc “thuận mua – vừa bán” giữa các nhà đầu tư, tự do và không chịu sự quản lý của bất kỳ cơ quan nào.
2.2. Phương pháp nghiên cứu
Bài viết sử dụng phương pháp nghiên cứu định tính truyền thống, tổng hợp tư liệu và số liệu thứ cấp của các cơ quan chức năng, như: Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội… để tập trung phân tích, đánh giá làm rõ những nội dung nói trên, đưa ra khuyến nghị có liên quan, đáp ứng tính cấp thiết đó.
3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN
3.1. Khái quát quá trình phát triển thị trường TPDN Việt Nam dưới góc độ pháp lý
Để tạo cơ sở pháp lý đầu tiên cho sự ra đời và phát triển thị trường TPDN, thực hiện các cam kết của WTO về mở cửa thị trường tài chính, ngày 14/10/2011, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 90/2011/NĐ-CP quy định việc phát hành trái phiếu riêng lẻ trên phạm vi lãnh thổ Việt Nam và phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế của doanh nghiệp. Đối tượng điều chỉnh là các công ty cổ phần và công ty trách nhiệm hữu hạn. Theo quy định, việc phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, ngoài việc tuân thủ quy định của Nghị định này, phải thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành liên quan. Trường hợp quy định của pháp luật chuyên ngành khác với quy định tại Nghị định này, doanh nghiệp phát hành trái phiếu thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
Để phù hợp với yêu cầu của thực tiễn, năm 2018, Bộ Tài chính tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định 163/2018/NĐ-CP quy định phát hành TPDN, có hiệu lực từ ngày 1/2/2019, thay thế cho Nghị định 90/2011/NĐ-CP.
Đến tháng 7/2020, Bộ Tài chính tiếp tục tham mưu, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 81/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 163/2018/NĐ-CP, quy định về phát hành TPDN. Ngày 14/8/2020, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 77/2020/TT-BTC, hướng dẫn một số nội dung của Nghị định số 81/2020/NĐ-CP. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 28/9/2020.
Từ cuối năm 2020, các quy định pháp lý tiếp tục được sửa đổi, bổ sung theo hướng quản lý chặt chẽ hơn việc phát hành TPDN. Cụ thể, Nghị định số 153/2020/NĐ-CP, ngày 31/12/2020 quy định về chào bán, giao dịch TPDN riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán TPDN ra thị trường quốc tế. Tiếp đó là Nghị định 65/2022/NĐ-CP, ngày 16/09/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch TPDN riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán TPDN ra thị trường quốc tế. Nghị định này đã thắt chặt những quy định về cả phía cung và phía cầu đối với thị trường TPDN.
Gần đây nhất, Nghị định số 08/2023/NĐ-CP ngày 5/3/2023 sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các Nghị định (153 và 65) quy định về chào bán, giao dịch TPDN riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán TPDN ra thị trường quốc tế. Nghị định cho phép các do-anh nghiệp phát hành trái phiếu đàm phán với các nhà đầu tư thanh toán gốc, lãi bằng tài sản hợp pháp của công ty, gia hạn nợ thêm thời gian tối đa 2 năm.
Về phía ngành Ngân hàng, bên cạnh một số điều khoản trong một số văn bản có liên quan đã ban hành trước đây, thời gian gần đây có một số văn bản liên quan đến TPDN, đó là, Thông tư 03/2021 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quy định về việc tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Tiếp theo đó là Thông tư 02/2022 quy định về cho vay đặc biệt đối với TCTD được kiểm soát đặc biệt. Các Thông tư này cho phép các TCTD được mua ngay lại TPDN phát hành mà không cần chờ sau 1 năm và hỗ trợ giãn hạn nợ nhưng vẫn được giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng vay vốn đang gặp khó khăn.
3.2. Thực trạng phát triển của thị trường TPDN Việt Nam từ năm 2018 đến nay
Năm 2018
Tính đến hết năm 2018, quy mô huy động vốn qua thị trường TPDN đạt 8,57% GDP. Con số này vượt qua mục tiêu năm 2020 là 7% GDP. Dư nợ thị trường TPDN tại thời điểm cuối năm 2018 là 474.500 tỷ đồng, bằng 8,57% GDP năm 2018 và tăng 53% so với dư nợ thị trường TPDN tại thời điểm cuối năm 2017. Lãi suất TPDN trong năm 2018 ở mức 10%/năm, thấp hơn so với mức trung bình 10,3%/năm trong năm 2017.
Năm 2019
Có 211 doanh nghiệp chào bán tổng cộng 300.588 tỷ đồng trái phiếu trong năm này. Tổng số trái phiếu phát hành cả năm là 280.141 tỷ đồng, tương đương 93,2% giá trị chào bán và tăng 25% so với năm 2018. Lượng phát hành lớn trong năm 2019 cũng khiến quy mô thị trường TPDN tăng từ 9% GDP trong năm 2018 lên khoảng 11,3% GDP, tổng lượng trái phiếu lưu hành đạt gần 670.000 tỷ đồng. Lãi suất phát hành TPDN bất động sản và cơ sở hạ tầng cao nhất, lên tới 10,5% - 11%/năm, lĩnh vực ngân hàng và định chế tài chính từ 6,8% đến 7,2%/năm.
Năm 2020
Năm 2020, khối lượng phát hành TPDN tại thị trường trong nước tăng 29% so với năm 2019, đạt khoảng trên 430.000 tỷ đồng, trong đó: Phát hành riêng lẻ chiếm 93,4% tổng khối lượng phát hành, tăng 30,4% so với năm 2019; phát hành ra công chúng tăng 33% so với năm 2019. Lãi suất TPDN trong năm 2020 bình quân khoảng 9,2%/năm, cao hơn lãi suất cho vay trung dài hạn bình quân của các NHTM; trong đó lãi suất riêng của khối doanh nghiệp bất động sản (BĐS) trong năm 2020 ở mức cao nhất bình quân khoảng 10,15% nhưng không quá dao động so với 2019.
Năm 2021
Trong năm 2021, tổng giá trị phát hành TPDN là 495.029 tỷ đồng, tăng 23,6% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó phát hành riêng lẻ đạt 467.583 tỷ đồng, phát hành ra công chúng đạt 27.436 tỷ đồng. Tỷ trọng TPDN phát hành riêng lẻ trong năm 2021 có xu hướng giảm, trong khi khối lượng phát hành ra công chúng có xu hướng tăng cho thấy đã bước đầu có sự dịch chuyển từ phát hành riêng lẻ ra công chúng, góp phần tăng tính công khai, minh bạch, hạn chế rủi ro trên thị trường.
Trong năm 2021, các TCTD có khối lượng phát hành lớn nhất thị trường trái phiếu phát hành riêng lẻ, chiếm 37,9%, tăng 67% so với năm 2020. Các doanh nghiệp BĐS phát hành chiếm 30,6%, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm 2020, nhưng không còn là nhà phát hành lớn nhất trên thị trường.
Tính đến cuối năm 2021 quy mô thị trường TPDN của Việt Nam tương đương 15% GDP, đạt khoảng 1,3 triệu tỷ đồng. Trong đó, 70% tổng khối lượng phát hành thuộc về các TCTD, doanh nghiệp BĐS và công ty chứng khoán. Các doanh nghiệp BĐS chiếm tỷ lệ cao trên 30% tổng khối lượng trái phiếu phát hành.
Năm 2022
Có 420 đợt phát hành TPDN riêng lẻ trong năm 2022, với trị giá đạt 269.733 tỷ đồng, giảm 64,4% so với năm 2021. Năm 2022, các doanh nghiệp đã mua lại 210.830 tỷ đồng, tăng 46% so với năm 2021. Trong đó, hầu hết là trái phiếu phát hành riêng lẻ và không có đợt phát hành trái phiếu công chúng nào. Từ quý III/2022, Chính phủ, Bộ Tài chính thắt chặt việc quản lý thị trường TPDN, do đó, giá trị phát hành trái phiếu giảm mạnh, chỉ đạt 3.619 tỷ đồng, giảm 94,5% so với quý II/2022 và giảm 98,8% so với cùng kỳ năm 2021. Có hai nguyên nhân chính của sự sụt giảm này: (1) Nghị định 65/2022/NĐ-CP đã thắt chặt những quy định về cả phía cung và phía cầu đối với thị trường TPDN; (2) Niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường giảm đi sau khi cơ quan quản lý Nhà nước chỉ ra một loạt sai phạm của doanh nghiệp phát hành.
Năm 2023
Từ đầu năm đến nay, thị trường trái phiếu khá trầm lắng. Tính đến ngày 28/7/2023, cả nước đã có 36 doanh nghiệp phát hành TPDN riêng lẻ, với khối lượng 62.300 tỷ đồng, giảm 77,8% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó doanh nghiệp BĐS chiếm tới 54,2%, tiếp đến là TCTD chiếm 31,6%. Trong số này, số lượng trái phiếu phát hành có tài sản bảo đảm chiếm 60,5%. Dư nợ TPDN riêng lẻ đến hết tháng 7/2023 khoảng 1,02 triệu tỷ đồng, chiếm 10,8% GDP năm 2022, thấp hơn tỷ lệ 8,57% vào cuối năm 2018; bằng 8,2% tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế.
Trong năm 2023, có khoảng 289.819 tỷ đồng trái phiếu đến hạn thanh toán. Song với việc cơ cấu lại và biện pháp khác nhau, tổng giá trị trái phiếu đến hạn trong 5 tháng cuối năm 2023 là 195.090 tỷ đồng và nhóm BĐS dẫn đầu về giá trị đến hạn với 101.179 tỷ đồng, theo sau là nhóm TCTD với 31.661 tỷ đồng.
3.3. Đánh giá về môi trường pháp lý và thực trạng phát triển thị trường TPDN
3.3.1. Ưu điểm
Trước tiên, các doanh nghiệp đã chủ động huy động vốn trên thị trường tài chính cho mình khi doanh nghiệp thực sự có uy tín, làm ăn có hiệu quả, có khả năng thanh toán được trái phiếu khi đến hạn, minh bạch thông tin báo cáo tài chính và phương án phát hành, sử dụng TPDN. Tốc độ tăng trưởng của thị trường TPDN đạt bình quân 48%/năm trong giai đoạn 2017-2020 là tín hiệu đáng mừng, thêm một kênh cạnh tranh với hoạt động tín dụng trung dài hạn của các NHTM, buộc các NHTM phải đổi mới hơn nữa hoạt động cho vay của mình. Đây là cũng là xu hướng tất yếu, phù hợp với thông lệ quốc tế trong điều kiện nền kinh tế Việt Nam đang hội nhập sâu rộng, có độ mở ngày càng lớn với cộng đồng kinh tế toàn cầu và đang thực hiện 17 Hiệp định thương mại song phương và đa phương.
Song quy mô và tốc độ tăng trưởng thị trường TPDN từ giữa năm 2022 đến nay cũng thu hẹp dần và giảm, đó cũng là đáng mừng khi môi trường pháp lý ngày càng chặt chẽ hơn, thị trường minh bạch hơn.
Thứ hai, thị trường TPDN phát triển làm giảm gánh nặng rủi ro tín dụng lên hệ thống ngân hàng. Bởi vì bản chất ngân hàng chỉ huy động cho vay vốn ngắn hạn là chính; cơ cấu vốn huy động kỳ hạn từ 12 tháng chiếm tới 80%, còn lại không quá 36 tháng. Chính vì vây, NHNN đã ban hành quy định tỷ lệ vốn ngắn hạn được sử dụng cho vay trung dài hạn của các NHTM. Cụ thể, gần đây nhất, đó là Thông tư 08/2020/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 22/2019/TT-NHNN về quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Theo đó, NHNN quyết định lùi thời hạn áp dụng tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung dài hạn thêm 1 năm so với lộ trình đã đưa ra trước đó. Cụ thể, từ ngày 1/1/2020 đến hết ngày 30/9/2021, tỷ lệ này là 40%; từ ngày 1/10/2021 đến hết ngày 30/9/2022: 37%; từ ngày 1/10/2022 đến hết ngày 30/9/2023 là 34%; từ ngày 1/10/2023, tỷ lệ này là 30%.
Thứ ba, tư duy và cách tiếp cận cởi mở hơn với thị trường TPDN. Trên cơ sở đó góp phần đổi mới tư duy quản trị điều hành doanh nghiệp, với tư duy truyền thống là cứ thiếu vốn lại đến vay ngân hàng trước tiên, một tư duy ngược nguyên lý thị trường đã dẫn đến việc phân bổ nguồn lực tài chính trong nền kinh tế không hiệu quả.
Thứ tư, cùng với quy định về TPDN riêng lẻ nêu trên, các quy định mới về phát hành TPDN ra công chúng tại Luật Chứng khoán, Nghị định số 155/2020/NĐ-CP, các Nghị định được ban hành trong các năm 2021-2023 như đề cập ở trên của Chính phủ hình thành bộ khung khổ pháp lý thống nhất để phát triển thị trường TPDN, góp phần phát triển thị trường vốn theo hướng công khai, minh bạch và an toàn, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp huy động vốn, thực hiện mục tiêu cân bằng hơn với thị trường tín dụng ngân hàng nhằm phát triển đồng bộ các kênh cung ứng vốn cho nền kinh tế.
Thứ năm, việc sàn giao dịch trái phiếu riêng lẻ chính thức đi vào hoạt động mới đây với quy mô cho phép giao dịch đến 3.000 lệnh/giây, 1 triệu lệnh/ngày được kỳ vọng là một “sân chơi” minh bạch, tạo thanh khoản, từ đó lấy lại niềm tin của nhà đầu tư với kênh huy động vốn quan trọng của nền kinh tế. Mặc dù kết quả hoạt động vẫn còn khiêm tốn, mới chỉ có 25 mã đã được giao dịch, giá trị vào khoảng 3.500 tỷ đồng, song về lâu dài sàn giao dịch này sẽ góp phần tăng tính minh bạch, thúc đẩy thanh khoản cho thị trường.
3.3.2. Hạn chế
Một là, hệ số vay nợ chung của doanh nghiệp Việt Nam trong nền kinh tế là 2,5 lần so vốn chủ sở hữu, trong khi thông lệ quốc tế chỉ khoảng 1,5-1,6 lần. Thực tế này khá quan ngại khi lạm dụng quá mức đòn bẩy tài chính doanh nghiệp, làm cho khối nợ của doanh nghiệp ngày một phình to hơn. Thị trường phát hành TPDN tăng nóng cũng làm gia tăng nguy cơ rủi ro chồng rủi ro, rất khó lường đối với doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung. Khi đánh giá rủi ro nói chung, cần cái nhìn tổng thể đối với nền kinh tế và toàn thị trường, không cắt khúc từng thị trường để thấy rằng vấn đề đáng lo ngại. Nên nhớ, nếu rủi ro vỡ nợ doanh nghiệp gia tăng thì hệ thống tài chính nói chung và ngân hàng nói riêng cũng không ngoài vòng xoáy đó.
Hai là, môi trường pháp lý chạy sau thực tiễn, thiếu tính dự báo và chưa lường trước rủi ro thị trường. Một số văn bản pháp lý chưa được triển khai đầy đủ, kịp thời, nhất về thành lập tổ chức đánh giá và xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp.
Ba là, việc kiểm tra hiệu quả và mục đích sử dụng vốn phát hành trái phiếu của doanh nghiệp, đảm bảo tiền huy động sử dụng đúng mục đích chưa được phối hợp thực hiện tốt giữa các cơ quan quản lý.
Bốn là, rủi ro trái phiếu của các doanh nghiệp BĐS là rất lớn. Nhiều doanh nghiệp BĐS phát hành trái phiếu lớn gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu, có trường hợp gấp 40 lần. Kỳ hạn phát hành ngắn, từ 3-5 năm, nhưng lại huy động vốn để thực hiện các dự án kéo dài trên 5 năm. Bên cạnh đó, tài sản bảo đảm cho TPDN là các dự án bất động sản được định giá không sát với thực tế, cao hơn giá trị thực, gây rủi ro cao.
Năm là, rủi ro trái phiếu của các doanh nghiệp BĐS là rất lớn. Nhiều doanh nghiệp BĐS phát hành trái phiếu lớn gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu, có trường hợp gấp 40 lần. Kỳ hạn phát hành ngắn, từ 3-5 năm, nhưng lại huy động vốn để thực hiện các dự án kéo dài trên 5 năm. Bên cạnh đó, tài sản bảo đảm cho TPDN là các dự án bất động sản được định giá không sát với thực tế, cao hơn giá trị thực, gây rủi ro cao.
3.4. Khuyến nghị
Từ những nội dung phân tích và đánh giá ở trên, để góp phần phát triển bền vững thị trường TPDN, tác giả xin đưa ra một số khuyến nghị sau:
Một là, cần có các quy định, yêu cầu xếp hạng tín nhiệm đối với các doanh nghiệp muốn phát hành trái phiếu ra công chúng và phân rõ ngưỡng yêu cầu để các nhà đầu tư có thể tham gia mua trong đợt phát hành riêng lẻ trong Luật Chứng khoán (hiện đang dự thảo sửa đổi, bổ sung).
Theo kế hoạch thực hiện Chiến lược Tài chính đến năm 2020, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 450/QĐ-TTg ngày 18/4/2012, đến năm 2020, Việt Nam sẽ có khoảng 5 công ty xếp hạng tín nhiệm ra đời, nhưng đến nay mới có 2 công ty được cấp phép. Đối với hoạt động xếp hạng tín nhiệm, khung pháp lý tại Việt Nam thực tế đã có từ năm 2014 tại Nghị định 88. Các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế cũng cần xuất hiện ở Việt Nam, bởi vì tới đây thị trường TPDN của Việt Nam sẽ có nhu cầu với các dịch vụ do các tổ chức này cung cấp. Việc so sánh mức độ rủi ro cần dựa trên hệ số tín nhiệm (credit rating) của các tổ chức. Khi quyết định mua trái phiếu các nhà đầu tư sẽ phải tìm hiểu mức độ rủi ro của doanh nghiệp, so sánh với mức độ rủi ro của ngân hàng đang gửi tiền. Các cơ quan chức năng của Việt Nam cần xúc tiến, đẩy nhanh nhanh hoạt động xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp, xếp hạng tín nhiệm quốc tế tại Việt Nam, để các nhà đầu tư có thể phân biệt được mức độ tín nhiệm của các doanh nghiệp.
Hai là, sau Nghị định 163/2018/NĐ-CP, Nghị định số 81/2020/NĐ-CP, cùng một số Nghị định khác, tới đây là Luật Chứng khoán sửa đổi, cũng tập trung vào mục tiêu tăng tính minh bạch và phân tách rõ ràng giữa hai hình thức phát hành riêng lẻ và phát hành ra công chúng, sẽ có tác động tiếp tục thúc đẩy thị trường TPDN phát triển. Có một số yếu tố sẽ tác động khá rõ nét lên thị trường trái phiếu. Chẳng hạn, quy định giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn về mức 40%; giảm xuống 30% từ ngày 1/10/2023. Quy định này khiến room tài trợ vốn dài hạn của các NHTM phải thu nhỏ lại. Thay vì đi vay ngân hàng, phát hành trái phiếu sẽ là một kênh thay thế mà các doanh nghiệp có thể lựa chọn. Đồng thời, các NHTM hạn chế cho vay BĐS và đầu tư cổ phiếu, chứng khoán vì yêu cầu phòng ngừa rủi ro. Bởi vậy các doanh nghiệp BĐS, các doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư cổ phiếu, mua doanh nghiệp hay thâu tóm doanh nghiệp khác sẽ đẩy mạnh phát hành TPDN. Việc thị trường TPDN phát triển sẽ mang đến một cú hích mới cho thị trường chứng khoán Việt Nam, vốn trước đây chỉ là sân chơi cho các nhà đầu tư cổ phiếu.
Ngoài ra, các NHTM tiếp tục tìm đến nguồn vốn dài hạn từ trái phiếu để nâng cao năng lực tài chính của đáp ứng chuẩn Basel II khi khả năng tăng vốn điều lệ còn gặp nhiều hạn chế.
Ba là, việc huy động TPDN có lãi suất lên đến 10%-12%/năm sẽ là kênh cạnh tranh đối với các kênh khác như: Gửi tiết kiệm ngân hàng, đầu tư cổ phiếu hay mua bất động sản, mua vàng, dù là các kênh đầu tư khác nhau nhưng chúng lại là các bình thông nhau. Vấn đề quan trọng hơn là trong nền kinh tế thực, rất ít ngành, lĩnh vực có được mức lợi nhuận để chịu đựng mức lãi suất lên tới 10-12%/năm. Bài học về các vụ án huy động vượt trần lãi suất của các ngân hàng những năm 2011-2012 vẫn còn nguyên giá trị. Vì vậy, cần tăng cường phối hợp giữa điều hành chính sách tài chính và chính sách tiền tệ trong vấn đề lãi suất trái phiếu. Trong điều hành chính sách tài chính, Bộ Tài chính, các bộ ngành có liên quan cần dự báo sát và đánh giá đúng tình hình để chủ động có biện pháp phòng ngừa, hạn chế rủi ro đối với nền kinh tế.
Bốn là, Bộ Tài chính cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của thị trường TPDN, giám sát chặt chẽ các doanh nghiệp trong thực hiện các quy định mới về phát hành TPDN, phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh những vi phạm; đồng thời, sửa đổi, bổ sung những quy định mới khi cần thiết. Đồng thời, cũng cần đề xuất kịp thời các giải pháp thiết thực, khả thi, hiệu quả để xử lý dứt điểm các vấn đề tồn tại, hạn chế về các doanh nghiệp phát hành trái phiếu liên quan đến lĩnh vực BĐS hiện nay.
Bộ Tài chính và NHNN tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong giải trình, xử lý các khâu kỹ thuật có liên quan để đảm bảo hoàn thành việc tăng vốn cho các NHTM Nhà nước đã cổ phần hóa, giảm bớt quy mô phát hành trái phiếu NHTM để tăng vốn cấp II, bảo đảm tiêu chuẩn an toàn của Ba-sel II.
4. KẾT LUẬN
Đầu tư vào trái phiếu nói chung, TPDN nói riêng sẽ tiếp tục tăng trưởng là xu hướng tất yếu trong quá trình hội nhập thị trường tài chính khu vực và quốc tế. Các doanh nghiệp, NHTM cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh kênh này để hút vốn dài hạn trong bối cảnh NHNN ngày càng siết chặt tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của ngân hàng. Với hành lang pháp lý ngày càng hoàn thiện và nhu cầu vốn ngày càng tăng của cộng đồng doanh nghiệp, chắc chắn thị trường phát hành trái phiếu sẽ tăng trưởng mạnh trong những năm sắp tới. Tuy nhiên, cần có những biện pháp đảm bảo sự phát triển bền vững của thị trường TPDN, giảm thiểu những rủi ro có thể xẩy ra như đã được khuyến nghị ở trên
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Bộ Tài chính (2019-2023): truy cập tại http://www.mof.gov.vn” các mục: tin tức, văn bản pháp luật, thông cáo báo chí; thời gian truy cập từ ngày 18-20/8/2023.
2. HNX (2019-2023): Số liệu về giao dịch thị trường hàng ngày tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội; truy cập tại: www.hnx.vn; thời gian truy cập từ ngày 18-20/8/2023.
3. SBV (2019- 2022): NHNN Việt Nam truy cập tại www.sbv.gov.vn: Mục tin tức, văn bản quy phạm pháp luật; Các thông tin có liên quan đã được công bố; truy cập từ ngày 18-20/8/2023
4. SSI (2019-2023): “Báo cáo phân tích thị trường tài chính hàng tháng”; các tháng trong các năm 2019 – 2021 và đến tháng 8/2023”; Công ty CP chứng khoán Sài Gòn - file mềm gửi qua thư điện tử cho các Nhà đầu tư mở tài khoản tại SSI, Hà Nội, 2019-2023.
5. SSC (2019-2023): truy cập tại www.ssc.gov.vn, thông tin thị trường tài chính, trao đổi diễn đàn thị trường tài chính, các tháng trong năm 2019-2022, Ủy ban chứng khoán nhà nước; truy cập từ ngày 18-20/8/2023.
6. VBPL (2014-2023): Một số văn bản quy phạm pháp luật: Quốc hội (2014): Luật Chứng Khoán năm 2019 số 54/2019/QH14; Chính phủ (2018): Nghị định 163/2018/NĐ-CP.
Bài đăng trên Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ số 15 năm 2023
ThS. Phạm Tiến Đức