Giáo dục tài chính cho trẻ em

20/09/2024 - 14:01
(Bankviet.com) Nâng cao dân trí tài chính là một yêu cầu cấp bách và việc bắt đầu từ thế hệ trẻ là một bước đi quan trọng. Giáo dục tài chính từ sớm không chỉ giúp trẻ em hiểu biết về quản lý tài chính cá nhân, mà còn là nền tảng cho một tương lai tài chính ổn định và bền vững sau này.

I. Đặt vấn đề

Trong những năm gần đây, vấn đề dân trí tài chính đã trở thành một mối quan tâm lớn tại Việt Nam. Dân trí tài chính là khả năng hiểu biết và áp dụng các kiến thức tài chính trong cuộc sống hàng ngày, giúp cá nhân quản lý tài sản, lập kế hoạch tài chính và đưa ra các quyết định đầu tư một cách hiệu quả. Dân trí tài chính thấp không chỉ ảnh hưởng đến tài chính cá nhân mà còn gây ra những tác động tiêu cực đến nền kinh tế. Người dân thiếu hiểu biết về tài chính dẫn đến những hệ quả không nhỏ như rủi ro bị lừa đảo, mất mát tài sản trong các hoạt động tài chính, mắc nợ không kiểm soát, tình trạng tài chính ‘bấp bênh”, kéo theo đó là những bất ổn cho xã hội.

Do đó, nâng cao dân trí tài chính là một yêu cầu cấp bách và việc bắt đầu từ thế hệ trẻ là một bước đi quan trọng. Giáo dục tài chính từ sớm không chỉ giúp trẻ em hiểu biết về quản lý tài chính cá nhân, mà còn là nền tảng cho một tương lai tài chính ổn định và bền vững sau này.

II. Thực trạng dân trí tài chính ở Việt Nam

1. Dân trí tài chính và thực trạng dân trí tài chính của Việt Nam

Dân trí tài chính (financial literacy) là mức độ hiểu biết, kỹ năng và thái độ để đưa ra các quyết định tài chính đúng đắn và quản lý tài chính cá nhân một cách hiệu quả. Dân trí tài chính giúp các cá nhân biết cách lập kế hoạch tài chính, tiết kiệm, đầu tư và quản lý nợ, từ đó giúp giảm thiểu rủi ro tài chính và cải thiện khả năng đạt được các mục tiêu tài chính dài hạn.

Dân trí tài chính có thể được đo lường qua nhiều phương pháp, bao gồm: (i) khảo sát mức độ hiểu biết kiến thức tài chính; (ii) khảo sát khả năng quản lý tài chính cá nhân, khả năng ra quyết định tài chính; (iii) mức độ tiếp cận và sử dụng dịch vụ tài chính (số lượng tài khoản ngân hàng, thẻ tín dụng, tham gia bảo hiểm, các sản phẩm đầu tư...). Trong đó, phương pháp thứ ba thường được sử dụng tại Việt Nam cho thấy thực trạng dân trí tài chính của Việt Nam còn khá thấp:

- Theo khảo sát về dân trí tài chính toàn cầu của Standard & Poor's năm 2015, chỉ có khoảng 24% người trưởng thành ở Việt Nam có kiến thức tài chính cơ bản, thấp hơn đáng kể so với mức trung bình toàn cầu là 33%.

- Theo Báo cáo về khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính (2016) của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (World Economic Forum), Việt Nam đứng thứ 103/144 quốc gia về mức độ sẵn có của dịch vụ tài chính.

- Theo Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (World Bank) về tài chính toàn diện (2021), tỷ lệ người dân Việt Nam có tài khoản ngân hàng chỉ đạt 69% vào năm 2021, thấp hơn so với các quốc gia phát triển (80-100%).

- Theo số liệu từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước năm 2023, số lượng tài khoản chứng khoán tại Việt Nam đạt hơn 7 triệu tài khoản, chỉ chiếm hơn 7% quy mô dân số; số lượng tài khoản chứng chỉ quỹ mở có hoạt động đạt gần 300.000 tài khoản, chỉ chiếm 0,3% quy mô dân số.

2. Hệ quả của dân trí tài chính thấp

Dân trí tài chính thấp có thể dẫn đến những hệ quả như sau:

  • Mất tiền trong các vụ lừa đảo tài chính

Một trong những hậu quả rõ rệt nhất của dân trí tài chính thấp là nhiều người dân bị lừa đảo bởi các mô hình đa cấp trái phép. Nhiều nạn nhân tham gia vào các mô hình này mà không hiểu rõ rủi ro tài chính và cơ cấu hoạt động, dẫn đến mất những khoản tiền rất lớn.​

  • Đầu tư sai, mất vốn

Trong những năm qua, nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ đã tham gia đầu tư vào các sản phẩm tài chính mà không hiểu rõ về rủi ro (trái phiếu doanh nghiệp,..). Khi các đơn vị huy động vốn thông qua qua các sản phẩm này gặp khó khăn tài chính, nhiều nhà đầu tư đã mất trắng hoặc chỉ thu hồi được một phần nhỏ vốn đầu tư.

  • Khủng hoảng nợ cá nhân

Việc người dân không nắm rõ kiến thức tài chính dẫn đến tình trạng vay tiêu dùng không kiểm soát. Một số người đã vay tiêu dùng với lãi suất cao mà không có kế hoạch trả nợ cụ thể, dẫn đến tình trạng nợ nần chồng chất hoặc không có khả năng trả nợ. Điều này đã ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của nhiều hộ gia đình.

Thiếu chuẩn bị cho tương lai tài chính

Một hệ quả khác của dân trí tài chính thấp là nhiều người dân không có kế hoạch tài chính dài hạn, đặc biệt là không có kế hoạch hưu trí. Khi đến tuổi nghỉ hưu, họ phải đối mặt với khó khăn tài chính do không có nguồn thu nhập ổn định. Điều này đặt áp lực lớn lên hệ thống bảo trợ xã hội và gia đình.

Tại Việt Nam, tính đến năm 2022, chỉ có khoảng 17,5 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, trong khi lực lượng lao động của Việt Nam là 51,7 triệu người. Điều này có nghĩa là khoảng 34,2 triệu người lao động – tương đương 66% lực lượng lao động – chưa có bất kỳ khoản bảo hiểm hưu trí nào và có thể họ sẽ phải phụ thuộc chủ yếu vào các khoản tiết kiệm cá nhân tích lũy cho cuộc sống sau khi nghỉ hưu.

Theo kết quả khảo sát do nhóm nghiên cứu thực hiện tại Việt Nam tháng 9/2024 về hệ quả của dân trí tài chính thấp, 78% cho rằng hệ quả nghiêm trọng nhất là bất ổn trong tương lai về mặt tài chính, 75% cho rằng hệ quả nghiêm trọng nhất là mất tiền trong các vụ lừa đảo tài chính hoặc đầu tư sai lầm, mất mát tài sản.

3. Sự cần thiết của việc giáo dục tài chính cho trẻ em – Vì sao nên giáo dục quản lý tài chính cho trẻ ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường?

Để đánh giá sự cần thiết của việc giáo dục tài chính cho trẻ em, nhóm nghiên cứu đã thực hiện khảo sát, theo đó gần 75% số người được hỏi cho rằng, giáo dục tài chính cho trẻ em là cần thiết.

Nhìn chung, giáo dục tài chính cho trẻ rất quan trọng vì 3 lý do như sau:

  • Độ tuổi có nhiều môi trường tiếp xúc

Trẻ em và thanh thiếu niên là đối tượng có mức độ tiếp xúc cao nhất với các môi trường như gia đình, nhà trường, xã hội và các chính sách từ nhà nước. Điều này tạo ra một cơ hội tuyệt vời để tiếp cận và giáo dục tài chính cho các em từ nhiều phía.

  • Tác động sâu rộng và dài hạn

Khi giáo dục tài chính được thực hiện sớm ở độ tuổi này, những kiến thức và thói quen tài chính tích cực sẽ không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống cá nhân của các em mà còn có thể lan tỏa đến gia đình và cộng đồng, tạo ra những tác động tích cực và bền vững cho toàn xã hội.

  • Giai đoạn đầu tiên của vòng đời tài chính

Độ tuổi thiếu niên nằm trong giai đoạn đầu của vòng đời tài chính, nơi các cá nhân bắt đầu tiếp thu những kiến thức cơ bản về tiền bạc và tài chính. Giai đoạn này là tiền đề cho giai đoạn tiếp theo là giai đoạn tích lũy tài sản (accumulation phase), nơi mà các cá nhân bắt đầu có thu nhập ổn định và xây dựng tài sản cho tương lai. Để giai đoạn tích lũy tài sản được hiệu quả, việc có nền tảng kiến thức tài chính từ sớm là vô cùng quan trọng. Chỉ khi có sự hiểu biết và kỹ năng tài chính vững chắc từ sớm, các cá nhân mới có thể lập kế hoạch tài chính một cách hiệu quả, đầu tư hợp lý và chuẩn bị tốt nhất cho các giai đoạn tiếp theo của cuộc đời, bao gồm giai đoạn bảo vệ tài sản và giai đoạn tiêu dùng trong hưu trí.

III. Giải pháp

1. Tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia phát triển

Giáo dục tài chính cho trẻ em là một yếu tố quan trọng trong việc chuẩn bị cho thế hệ trẻ đối mặt với những thách thức tài chính trong tương lai. Nhiều quốc gia trên thế giới đã triển khai các chiến lược và chương trình đa dạng nhằm trang bị cho trẻ em những kiến thức và kỹ năng cần thiết để quản lý tài chính một cách hiệu quả.

Dưới đây là tổng hợp các ví dụ về cách thức mà gia đình, nhà trường, xã hội (bao gồm doanh nghiệp và ngân hàng) và nhà nước đã thực hiện giáo dục tài chính cho trẻ em.

Vai trò của gia đình

Gia đình đóng vai trò nền tảng trong việc hình thành thói quen và nhận thức tài chính cho trẻ em. Thông qua việc hướng dẫn trực tiếp, làm gươngsử dụng các công cụ công nghệ, phụ huynh có thể giúp con cái hiểu và áp dụng các nguyên tắc quản lý tiền bạc từ sớm.

Châu lục
Quốc gia
Giải pháp
Châu Mỹ
Hoa Kỳ
Lập ngân sách cùng con cái; Phong bì tiết kiệm; Hoạt động hàng ngày
Châu Á
Singapore
App POSB Smart Buddy
Nhật Bản
Ghi chép chi tiêu hàng ngày (Kakeibo); Tiền tiêu vặt có điều kiện
Hàn Quốc
Thói quen tiết kiệm sớm; Trải nghiệm thực tế; App Shinhan Kids Bank
Trung Quốc
Thói quen tiết kiệm gia đình; App Ant Financial's Alipay for Kids
Ấn Độ
Học hỏi qua thực hành; Tiết kiệm truyền thống

Vai trò của nhà trường

Nhà trường là môi trường quan trọng để truyền đạt kiến thức và kỹ năng tài chính một cách có hệ thống và bài bản. Nhiều quốc gia đã tích hợp giáo dục tài chính vào chương trình giảng dạy chính thức cũng như tổ chức các hoạt động ngoại khóa phong phú.

Châu lục
Quốc gia
Giải pháp
Châu Mỹ
Hoa Kỳ
Chương trình giáo dục tài chính ngoại khóa Junior Achievement (JA)
Châu Âu
Anh Quốc
Giáo dục tài chính được đưa vào chương trình giảng dạy từ cấp tiểu học đến trung học, với các bài học được thiết kế phù hợp với từng độ tuổi
Phần Lan
Phương pháp học tập tích hợp; Dự án học tập liên môn
Châu Á
Hàn Quốc
- Giáo dục tài chính được đưa vào chương trình học với nội dung chi tiết về quản lý tiền bạc, đầu tư, tín dụng và bảo hiểm
- Sử dụng công nghệ trong giảng dạy, các lớp học sử dụng các công cụ công nghệ như phần mềm mô phỏng thị trường chứng khoán và trò chơi giáo dục để giúp học sinh hiểu rõ hơn về các khái niệm tài chính phức tạp
Trung Quốc
Tích hợp giáo dục tài chính vào chương trình học từ cấp tiểu học đến trung học; Tổ chức các hoạt động thực hành, như mô phỏng giao dịch chứng khoán và lập kế hoạch ngân sách; Câu lạc bộ tài chính học sinh
Châu Úc
Úc
Chương trình giáo dục tài chính ngoại khóa MoneySmart Teaching

Vai trò của xã hội

Các doanh nghiệp, đặc biệt là ngân hàng đóng góp quan trọng trong việc giáo dục tài chính thông qua phát triển các ứng dụng, chương trình đào tạo và tổ chức các hoạt động thực tiễn giúp trẻ em cũng như thanh thiếu niên hiểu và thực hành quản lý tài chính một cách hiệu quả.

Châu lục
Quốc gia
Giải pháp
Châu Mỹ
Hoa Kỳ
Hands on Banking của Wells Fargo là chương trình giáo dục tài chính miễn phí trực tuyến được Wells Fargo phát triển, cung cấp tài liệu cho mọi độ tuổi từ trẻ em đến người lớn
Châu Âu
Anh
Young Enterprise là tổ chức từ thiện hàng đầu tại Anh chuyên cung cấp các chương trình giáo dục kinh doanh và tài chính cho thanh thiếu niên cung cấp các hoạt động trải nghiệm kinh doanh thực tế, hỗ trợ từ cố vấn doanh nghiệp, cuộc thi cấp quốc gia và quốc tế về quản lý tài chính
Châu Úc
Úc
Chương trình NAB Schools First hỗ trợ các trường học trong việc phát triển các dự án giáo dục tài chính và khởi nghiệp cho học sinh, cung cấp tài trợ, hội thảo và đào tạo
Châu Á
Singapore
POSB Smart Buddy là kết quả của sự hợp tác giữa Ngân hàng DBS và các trường học tại Singapore, nhằm tạo ra một hệ sinh thái giáo dục tài chính toàn diện cho trẻ em
Hàn Quốc
Shinhan Kids Bank của ngân hàng Shinhan với các hoạt động giáo dục bổ sung như chương trình tham quan ngân hàng, cuộc thi tiết kiệm/đầu tư do ngân hàng tổ chức
Trung Quốc
Ant Financial's Alipay thuộc tập đoàn Alibaba, đã phát triển chương trình giáo dục tài chính trực tuyến thông qua ứng dụng Alipay Tencent đã tích hợp các công cụ giáo dục tài chính vào WeChat, giúp trẻ em và thanh thiếu niên học cách quản lý tài khoản WeChat Pay của mình, theo dõi chi tiêu và tiết kiệm
Tổ chức cuộc thi tài chính học sinh quốc gia
Ấn Độ
Chương trình Financial Literacy Week của RBI cung cấp hội thảo, tài liệu, hoạt động tương tác

Vai trò của nhà nước

Chính phủ các quốc gia đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy và hỗ trợ giáo dục tài chính thông qua việc phát triển chiến lược quốc gia, cung cấp tài nguyên giáo dục và khuyến khích sự tham gia của các bên liên quan.

Châu lục
Quốc gia
Giải pháp
Châu Mỹ
Canada
National Strategy for Financial Literacy - Chiến lược quốc gia về nâng cao hiểu biết tài chính gồm các sáng kiến chính tích hợp giáo dục tài chính vào trường học, chiến dịch nâng cao nhận thức, hợp tác liên ngành
Châu Úc
Úc
ASIC's MoneySmart Program - Ủy ban Chứng khoán và Đầu tư Úc (ASIC) triển khai chương trình MoneySmart nhằm cung cấp tài nguyên và công cụ giáo dục tài chính cho người dân Úc ở mọi lứa tuổi
Châu Á
Singapore
Financial Literacy Steering Committee - Chính phủ Singapore thành lập Ủy ban Chỉ đạo Giáo dục Tài chính nhằm thúc đẩy và điều phối các nỗ lực giáo dục tài chính trên toàn quốc
Hàn Quốc
National Financial Education Strategy - Chính phủ Hàn Quốc triển khai chiến lược quốc gia về giáo dục tài chính nhằm nâng cao hiểu biết và kỹ năng tài chính cho toàn bộ dân số, đặc biệt là trẻ em và thanh thiếu niên
Trung Quốc
- Chiến lược quốc gia về giáo dục tài chính: Chính phủ Trung Quốc đã phát triển và triển khai chiến lược giáo dục tài chính quốc gia nhằm nâng cao nhận thức và kỹ năng tài chính cho người dân, đặc biệt là trẻ em và thanh thiếu niên
- Hợp tác công-tư trong giáo dục tài chính: Chính phủ Trung Quốc khuyến khích sự hợp tác giữa các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp tư nhân trong việc phát triển và triển khai các chương trình giáo dục tài chính. Nhiều ngân hàng và tổ chức tài chính đã hợp tác với các trường học và cơ quan chính phủ để tổ chức các khóa học, hội thảo và cuộc thi tài chính cho học sinh

2. Liên hệ với Việt Nam

Vai trò của gia đình, nhà trường và chính phủ

+ Thói quen tiết kiệm và quản lý chi tiêu: Gia đình Việt Nam thường nhấn mạnh tầm quan trọng của tiết kiệm và quản lý chi tiêu. Phụ huynh thường dạy con cái cách tiết kiệm từ sớm, như việc bỏ tiền vào heo đất (hộp tiết kiệm) và khuyến khích các em ghi chép chi tiêu hàng ngày. Tuy nhiên, mức độ phổ biến còn hạn chế, chưa có sự hệ thống hóa hoặc sử dụng công nghệ hỗ trợ như ở các quốc gia khác.

+ Giáo dục tài chính trong chương trình học chính thức: Bộ Giáo dục và Đào tạo đã bắt đầu tích hợp một số nội dung về giáo dục tài chính vào các môn học như Toán và Giáo dục công dân, nhưng vẫn còn ở giai đoạn thử nghiệm và chưa được triển khai đồng bộ trên toàn quốc.

+ Các chương trình giáo dục tài chính ngoại khóa: Một số trường học, đặc biệt là tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, đã bắt đầu tổ chức các hoạt động giáo dục tài chính ngoại khóa. Các câu lạc bộ tài chính đã được thành lập tại một số trường trung học, nơi học sinh được khuyến khích tham gia vào các cuộc thi lập kế hoạch tài chính hoặc quản lý ngân sách cho các dự án lớp học. Tuy nhiên, các chương trình này còn hạn chế và chưa được phổ biến rộng rãi.

+ Các chương trình giáo dục tài chính kết hợp thực tiễn: Một trong những nỗ lực gần đây với sự tham gia của nhiều tổ chức tại Việt Nam là chương trình MoneyVerse. Đây là một sáng kiến giáo dục tài chính được triển khai tại các trường đại học trên toàn quốc, nhằm mục tiêu nâng cao nhận thức và kiến thức tài chính cho sinh viên – đối tượng chuẩn bị bước vào giai đoạn tự lập tài chính sau khi tốt nghiệp. MoneyVerse được thiết kế dưới hình thức các buổi hội thảo, cuộc thi và lớp học thực hành, nơi sinh viên được cung cấp những kiến thức căn bản về tài chính cá nhân. Chương trình đã nhận được nhiều sự hỗ trợ từ các tổ chức tài chính, ngân hàng và doanh nghiệp trên cả nước.

Vai trò của các ngân hàng thương mại

Các ngân hàng thương mại đã tham gia ngày càng sâu rộng và có nhiều sáng kiến trong việc hỗ trợ phổ biến giáo dục tài chính cho trẻ em tại Việt Nam:

+ Một số ngân hàng đã phát triển các ứng dụng riêng để giúp phụ huynh giáo dục tài chính cho con em (như BIDV Smart Kids, TPBank MyMoney), các ứng dụng này cho phép trẻ em học cách quản lý tiền tiêu vặt, thiết lập mục tiêu tiết kiệm và hiểu về các khái niệm tài chính cơ bản thông qua các trò chơi và hoạt động tương tác.

+ Một số ngân hàng và tổ chức tài chính tại Việt Nam, như VietcombankTechcombank, đã tổ chức nhiều buổi hội thảo và chương trình giáo dục tài chính dành cho học sinh và sinh viên. Các chương trình này thường nhắm đến việc nâng cao nhận thức về quản lý tài chính cá nhân và giúp người trẻ hiểu rõ hơn về các sản phẩm tài chính như tiết kiệm, đầu tư, và tín dụng.

Theo kết quả khảo sát do nhóm nghiên cứu thực hiện tại Việt Nam tháng 9/2024, 97% số người được hỏi cho rằng chủ thể đóng vai trò quan trọng nhất trong giáo dục tài chính cho trẻ em là gia đình, xếp thứ hai là nhà trường (84%), nhà nước và các tổ chức tài chính đứng thứ ba (27%).

3. Nâng cao vai trò của các ngân hàng thương mại trong việc giáo dục tài chính cho trẻ em

Ở Việt Nam, một đặc điểm nổi bật là khoảng 80% người dân vẫn dựa vào tiết kiệm ngân hàng như là một nguồn chính để đảm bảo cuộc sống khi về hưu. Điều này tạo ra cơ hội đồng thời cũng là trách nhiệm cho các ngân hàng trong việc nâng cao dân trí tài chính, đặc biệt là cho trẻ em.

Lợi thế của các ngân hàng thương mại

+ Tiềm lực tài chính: Với nguồn lực tài chính mạnh mẽ, ngân hàng có khả năng đầu tư vào công nghệ hiện đại, tổ chức các chương trình giáo dục tài chính và phát triển ứng dụng.

+ Năng lực chuyên môn: Ngân hàng sở hữu đội ngũ chuyên gia tài chính giàu kinh nghiệm và kiến thức chuyên sâu, cung cấp các nội dung giáo dục tài chính tin cậy, cập nhật và dễ hiểu.

+ Mạng lưới đối tác: Khả năng hợp tác đa dạng với các tổ chức giáo dục, chính phủ và doanh nghiệp trong và ngoài nước giúp ngân hàng mở rộng phạm vi và tác động của chương trình giáo dục tài chính.

+ Mạng lưới khách hàng: Với mạng lưới khách hàng rộng lớn, ngân hàng dễ dàng tiếp cận và triển khai các chương trình giáo dục đến nhiều đối tượng khác nhau.

+ Uy tín: Ngân hàng thương mại có uy tín cao, được cộng đồng tin tưởng, giúp thu hút sự tham gia tích cực của phụ huynh, nhà trường và học sinh vào các chương trình giáo dục tài chính.

Lợi ích khi triển khai

+ Nâng cao uy tín thương hiệu: Tham gia giáo dục tài chính giúp ngân hàng củng cố hình ảnh là một tổ chức có trách nhiệm xã hội, người tiêu dùng thêm tin tưởng và sẵn sàng trở thành khách hàng của ngân hàng.

+ Phát triển khách hàng tương lai: Giáo dục tài chính từ sớm tạo ra một thế hệ khách hàng hiểu biết và trung thành thông qua việc nắm giữ tài khoản tại ngân hàng mà họ tiếp xúc từ nhỏ.

+ Tăng cường quan hệ khách hàng: Các chương trình này tạo sự gắn kết mạnh mẽ với khách hàng hiện tại; khách hàng tăng cường sử dụng dịch vụ khi ngân hàng tham gia các hoạt động xã hội.

+ Đáp ứng tuân thủ và trách nhiệm xã hội (CSR): Tham gia giáo dục tài chính giúp ngân hàng đáp ứng yêu cầu pháp lý và nâng cao vị thế trong các báo cáo về CSR.

Các giải pháp ngân hàng có thể triển khai

Các ngân hàng tại Việt Nam có thể rút ra nhiều bài học từ những nỗ lực giáo dục tài chính ở các quốc gia phát triển và những sáng kiến đã được triển khai trong nước.

+ Xây dựng và triển khai các ứng dụng tương tác: Các ngân hàng có thể phát triển các ứng dụng tài chính dành riêng cho trẻ em, tương tự như Smart Kid của BIDV hoặc MyMoney của TPBank. Ứng dụng này nên bao gồm các tính năng như quản lý tiền tiêu vặt, tiết kiệm mục tiêu và các trò chơi giáo dục tài chính. Ứng dụng cũng có thể bao gồm các hoạt động tương tác để giúp trẻ em hiểu rõ hơn về các khái niệm tài chính cơ bản.

+ Sử dụng công nghệ để cá nhân hóa trải nghiệm: Các ứng dụng có thể tích hợp AI để cung cấp nội dung giáo dục tài chính phù hợp với từng độ tuổi và khả năng của trẻ em, giúp tăng cường sự hứng thú và hiểu biết.

+ Tổ chức các chương trình giáo dục tài chính ngoại khóa:

  • Hợp tác với trường học: Ngân hàng có thể phối hợp với các trường học để tổ chức các buổi hội thảo, lớp học ngoại khóa hoặc các cuộc thi về tài chính dành cho học sinh. Các chương trình này không chỉ giúp học sinh nắm bắt các kỹ năng tài chính cần thiết mà còn tạo cơ hội cho ngân hàng xây dựng hình ảnh tích cực trong cộng đồng.
  • Câu lạc bộ tài chính trong trường học: Ngân hàng có thể tài trợ và hỗ trợ thành lập các câu lạc bộ tài chính trong trường học, nơi học sinh có thể tham gia vào các hoạt động thực hành tài chính như quản lý ngân sách cho các dự án hoặc mô phỏng giao dịch chứng khoán.

+ Cung cấp tài liệu và công cụ giáo dục tài chính:

  • Phát hành sách hướng dẫn và tài liệu giảng dạy: Ngân hàng có thể phát hành các tài liệu giảng dạy về tài chính dành cho giáo viên và học sinh, bao gồm sách hướng dẫn, bài tập thực hành và video giáo dục. Những tài liệu này có thể được cung cấp miễn phí cho các trường học hoặc thông qua các kênh trực tuyến.
  • Tạo ra các công cụ giáo dục trực tuyến: Phát triển các trang web hoặc nền tảng học tập trực tuyến chuyên về giáo dục tài chính, nơi trẻ em có thể truy cập và học hỏi thông qua các bài học, video, và bài kiểm tra trực tuyến.

+ Tổ chức các cuộc thi và chương trình thực tế:

  • Cuộc thi lập kế hoạch tài chính và tiết kiệm hoặc đầu tư: Ngân hàng có thể tổ chức các cuộc thi lập kế hoạch tài chính hoặc tiết kiệm, đầu tư cho học sinh, với các giải thưởng hấp dẫn để khuyến khích sự tham gia. Các cuộc thi này có thể được tổ chức ở cấp trường, cấp khu vực, hoặc toàn quốc, và có thể kết hợp với các hoạt động như mô phỏng quản lý tài chính cá nhân hoặc doanh nghiệp.
  • Chương trình thực tập và trải nghiệm thực tế: Ngân hàng có thể tổ chức các chương trình thực tập hoặc trải nghiệm thực tế ngắn hạn dành cho học sinh, giúp các em tiếp cận và hiểu rõ hơn về hoạt động của ngành ngân hàng và tài chính.

+ Đẩy mạnh truyền thông và chiến dịch nâng cao nhận thức:

  • Chiến dịch truyền thông xã hội: Sử dụng các kênh truyền thông xã hội để tạo ra các chiến dịch nâng cao nhận thức về giáo dục tài chính, nhắm đến đối tượng trẻ em và phụ huynh. Các nội dung có thể bao gồm video hướng dẫn, infographic, và bài viết ngắn gọn về các chủ đề tài chính.
  • Tổ chức sự kiện công cộng: Ngân hàng có thể tổ chức các sự kiện công cộng như hội chợ tài chính hoặc ngày hội gia đình, nơi trẻ em và gia đình có thể tham gia vào các hoạt động giáo dục tài chính và nhận được sự hướng dẫn từ các chuyên gia.

Theo kết quả khảo sát do nhóm nghiên cứu thực hiện tại Việt Nam tháng 9/2024, 85% số người được hỏi biết đến các hoạt động của các NHTM góp phần giáo dục tài chính cho trẻ em là thông qua các ứng dụng app tài chính, 38% biết đến thông qua vai trò tài trợ của các NHTM đối với các hoạt động giáo dục tài chính, 44% biết đến thông qua các cuộc thi giáo dục tài chính do NHTM tổ chức, 41% biết đến thông qua các chương trình thực tập, kiến tập của các NHTM dành cho trẻ em.

IV. Kết luận

Giáo dục tài chính cho trẻ em là một yêu cầu cấp bách nhằm góp phần nâng cao dân trí tài chính và giảm thiểu rủi ro tài chính trong tương lai. Độ tuổi thiếu niên nằm trong giai đoạn đầu của vòng đời tài chính, nơi các cá nhân bắt đầu tiếp thu những kiến thức cơ bản về tiền bạc và tài chính. Giai đoạn này là tiền đề cho giai đoạn tiếp theo là giai đoạn tích lũy tài sản, khi có sự hiểu biết và kỹ năng tài chính vững chắc từ sớm, các cá nhân có thể lập kế hoạch tài chính một cách hiệu quả, đầu tư hợp lý và chuẩn bị tốt nhất cho các giai đoạn tiếp theo của cuộc đời, bao gồm giai đoạn bảo vệ tài sản và giai đoạn tiêu dùng trong hưu trí. Gia đình, nhà trường, và chính phủ đóng vai trò then chốt trong việc phổ biến và nâng cao hiểu biết tài chính, kết hợp với sự tham gia tích cực từ các ngân hàng thương mại thông qua các ứng dụng công nghệ và hoạt động đào tạo thực tiễn. Nỗ lực này không chỉ mang lại lợi ích cá nhân cho trẻ em mà còn góp phần xây dựng một nền kinh tế vững mạnh, ổn định và bền vững.

Phụ lục: Kết quả khảo sát về tài chính cho trẻ em

(khảo sát trên 236 trẻ em gen Z)

Câu hỏi số 1: Theo bạn, vì sao giáo dục tài chính cho trẻ em lại cần thiết?

Câu hỏi số 2: Hãy đánh giá mức độ nghiêm trọng của việc thiếu kiến thức tài chính với 1 là thấp nhất, 5 là cao nhất.

Câu hỏi số 3: Theo bạn, vai trò của chủ thể nào sau đây là quan trọng trong giáo dục tài chính cho trẻ em?

Câu hỏi số 4: Theo bạn, đâu là giải pháp giáo dục tài chính cá nhân hợp lý nhất cho trẻ em Việt Nam?

Câu hỏi số 5: Bạn biết các hoạt động nào của các Ngân hàng thương mại đã góp phần giáo dục tài chính cho trẻ em Việt Nam?

(*) Phó Giám đốc - Ban Khách hàng Bán lẻ, Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam

(**) Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam

Tài liệu tham khảo:

  1. Standard & Poor's Global Financial Literacy Survey năm 2015
  2. Báo cáo về khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính (2016) của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (World Economic Forum)
  3. Báo cáo ngành Quỹ 2023 của UBCKNN
  4. Báo cáo quỹ hưu trí của Dragon Capital
  5. Nghiên cứu của Edelman Trust Barometer (2022)
  6. Báo cáo của Ngân hàng Thế giới về tài chính toàn diện (2021)
  7. Báo cáo của Accenture (2021)
  8. Số lượng tài khoản chứng khoán tại Việt Nam năm 2023: (https://thitruongtaichinhtiente.vn/viet-nam-co-hon-7-2-trieu-tai-khoan-chung-khoan-ca-nhan-sau-nam-2023-55362.html)
  9. Cách tiết kiệm của người Nhật: Kakeibo (https://www.prudential.com.vn/vi/blog-nhip-song-khoe/cach-tich-luy-tien-hieu-qua-voi-phuong-phap-kakeibo-nhat-ban/)
  10. Shinhan Kids Bank (https://shinhan.com.vn/vi/promotion/cung-sol-kham-pha-dat-nuoc-con-tu-lap-kidzania.html)
  11. Ant Financial's Alipay for Kids (https://techtechchina.com/alipays-new-feature-helps-parents-manage-minors-games-payments/)
  12. POSB Smart Buddy (https://www.posb.com.sg/personal/deposits/bank-with-ease/posb-smart-buddy)
  13. MoneySmart Teaching (https://moneysmart.gov.au/teaching)
  14. Junior Achievement (JA) (https://jausa.ja.org/programs/)
  15. Hands on Banking của Wells Fargo (https://handsonbanking.org/)
  16. Young Enterprise (https://www.young-enterprise.org.uk/)
  17. Chương trình NAB Schools First (https://www.bulletpoint.com.au/nab-schools-first/)
  18. Chương trình Financial Literacy Week của RBI (https://www.rbi.org.in/FinancialEducation/)
  19. National Strategy for Financial Literacy (https://www.canada.ca/en/financial-consumer-agency/programs/financial-literacy/financial-literacy-strategy-2021-2026.html)
  20. ASIC's MoneySmart Program (https://moneysmart.gov.au/)
  21. Financial Literacy Steering Committee Singapore (https://ifl.org.sg/)
  22. National Financial Education Strategy South Korea (https://www.fsc.go.kr/eng/pr010101/22382)
  23. MoneyVerse tại Việt Nam (https://www.moneyverse.com.vn/)
  24. BIDV - Ứng dụng Smart Kids (https://bidv.com.vn/smartbanking/smartkids/)
  25. TPBank – MyMoney (https://ebank.tpb.vn/retail/vX/).

ThS. Phạm Thị Thành (*) - Lê Hoàng Gia Bảo (**)

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ