Kênh đào Funan Techo Campuchia và bài học hợp tác khai thác sông Mê Kông Các nước Tiểu vùng sông Mê Kông: Cộng đồng kinh tế liên kết Nhiều loài cá trên sông Mê Kông đối mặt nguy cơ tuyệt chủng |
Trước thông tin về dự án kênh đào Funan Techo (hay còn gọi là dự án kênh đào Phù Nam - Techo) của Campuchia sẽ đảo lộn hệ sinh thái miền Tây; có thể lấy mất 50% lượng nước của sông Mê Kông;… Giáo sư - Tiến sĩ, Nhà giáo Nhân dân Võ Tòng Xuân là một nhà khoa học thuộc lĩnh vực nông nghiệp - cho rằng, về sơ bộ việc này không quá quan ngại như thông tin được đưa ra của một số báo chí thời gian vừa qua. Tuy nhiên cũng cần đợi những số liệu cụ thể để đánh giá.
Sơ đồ kênh đào Phù Nam - Techo của Campuchia. Ảnh: Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam |
“Tôi không có số liệu chính xác về dòng chảy trong mùa khô tại sông Tiền, sông Hậu cũng như lượng nước Campuchia sẽ lấy và lượng nước sẽ chảy qua bên Việt Nam, tuy nhiên, về sơ bộ, tôi cho rằng việc này cũng không quá quan ngại”, Giáo sư Võ Tòng Xuân cho hay.
Theo Giáo sư Võ Tòng Xuân, hiện chúng ta đang lấy nước từ sông Tiền, sông Hậu để tưới cho khu vực Đồng Tháp Mười và khu vực Tứ giác Long Xuyên, hiệu quả rất cao. Mặt khác, trong mùa lũ, nước từ Campuchia rất nhiều và tràn qua Tứ giác Long Xuyên, một phần xuống Hồng Ngự (Đồng Tháp).
Giáo sư Võ Tòng Xuân cho rằng, lưu lượng nước xuống Đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới không thay đổi bao nhiêu. Do đó, chúng ta chưa vội nói việc xây dựng dự án kênh đào Funan Techo gây thiệt hay không. Tuy nhiên, ông cho rằng việc này sẽ không gây thiệt hại lớn cho Việt Nam.
Hiện, Campuchia đang làm đánh giá tác động môi trường của dự án. Chúng ta vẫn đang phải chờ các thông tin từ việc đánh giá này. Nếu họ làm con kênh quá rộng và quá sâu sẽ gây thiệt hại cho Việt Nam. Khi đó, Việt Nam sẽ có ý kiến để họ thu hẹp lại.
Giáo sư Võ Tòng Xuân |
“Chúng ta chỉ lo ngại về lượng nước trong mùa khô, còn mùa mưa thì chúng ta không đáng lo ngại”, Giáo sư Võ Tòng Xuân chia sẻ và cho rằng trong thông báo của Campuchia có đề cập là tác động của dự án là không đáng kể. Con số họ đưa ra như vậy nhưng không biết thực tế sẽ ra sao.
Ủy hội sông Mê Kông quốc tế đã họp, nhưng chưa tin hoàn toàn vào báo cáo mà Campuchia đã nộp và đang đề nghị Campuchia điều tra kỹ lại. Chúng ta cũng đang chờ con số chính xác.
Về giải pháp, Giáo sư Võ Tòng Xuân cho rằng, một mặt chúng ta sẽ kiến nghị lên Ủy hội sông Mê Kông quốc tế hỗ trợ các quốc gia tiến hành một nghiên cứu chung về tác động xuyên biên giới của dự án tới tất cả các lĩnh vực và đề xuất các biện pháp giảm thiểu tác động.
Một mặt để có thêm thông tin, trong khuôn khổ Hiệp định sông Mê Kông 1995, Việt Nam hoàn toàn có quyền kiến nghị phía Campuchia hợp tác, cung cấp bổ sung thông tin với Ủy hội quốc tế sông Mê Kông và Việt Nam về các nội dung như: Qui trình vận hành 3 khóa âu; Mục đích khác của tuyến kênh như phục vụ sản xuất nông nghiệp, diện tích cụ thể tưới bao nhiêu ha; Kết nối tuyến kênh với hệ thống sông kênh rạch hiện hữu nơi tuyến kênh giao thông thủy cắt qua; Giải pháp đảm bảo an toàn khi có sự cố xảy ra. Khi đó, các tác động bất lợi do tuyến kênh gây ra sẽ được tính toán đầy đủ và kiến nghị giải pháp giảm thiểu.
Theo thông tin từ cuộc họp tham vấn về dự án kênh đào Phù Nam - Techo của Campuchia do Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam (VNMC) tổ chức hôm 23/4 tại TP. Cần Thơ, dự án kênh đào Phù Nam - Techo nối sông Bassac ra cảng Kep của Campuchia, với tổng chiều dài khoảng 180 km.
Theo đó, kênh đào này được thiết kế với kích thước đủ lớn, cụ thể, bề rộng đáy kênh 5 m, bề rộng mặt kênh từ 80-120 m và chiều sâu mực nước trong kênh 4,7 m để các tàu tải trọng đến 1.000 tấn có thể đi qua.
Dự án sẽ xây dựng 3 cống (âu thuyền) để điều tiết dòng chảy, duy trì sự ổn định của mực nước trong kênh giao thông thủy và chống xâm nhập mặn. Các cống này có chiều dài 135 m, chiều rộng 18 m, độ sâu 5,8 m. Bên cạnh các hạng mục công trình trên, dự án cũng tiến hành xây dựng 11 chiếc cầu giao thông (dài 161 m, rộng 12 m) bắc qua tuyến kênh để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.
Dự kiến dự án sẽ được phía Campuchia khởi công trong năm 2024 và hoàn thành vào năm 2027 với tổng lượng hàng hóa lưu thông qua tuyến đường thủy mới này là 7 triệu tấn/năm.
Trước đó, ngày 8/8/2023, Campuchia gửi thông báo cho Ban thư kí Ủy hội sông Mê Kông quốc tế (MRC) về Dự án đường thủy nội địa Funan Techo. Một số thông tin về tuyến kênh: Dài x rộng x sâu của tuyến kênh: LxBxH = 180 km x 50m x 4,7m; có 3 âu kiểm soát mực nước và lưu lượng tuyến giao thông (LxBxH: 135x18x5,8 m); lưu lượng lớn nhất bình quân ngày qua âu là 3,6 m³/s.
Sông Tiền hay Tiền Giang dài 234 km là nhánh hạ lưu bên trái (tả ngạn) của sông Mê Kông, theo hướng Tây Bắc – Đông Nam, chảy từ Phnom Penh, qua Kandal, dọc theo ranh giới tự nhiên giữa tỉnh Prey Veng thuộc Campuchia, chảy vào Đồng bằng sông Cửu Long, thuộc lãnh thổ Việt Nam bắt đầu ở xã Vĩnh Xương (Tân Châu, An Giang) và Thường Phước 1 (Hồng Ngự, Đồng Tháp). Sông Hậu hay Hậu Giang dài bằng sông Tiền cũng tách ra khỏi sông Mê Kông (phía hữu ngạn) ở Phnom Penh (Campuchia) chảy trong địa phận Kandal rồi vào lãnh thổ Việt Nam tại xã Khánh An, huyện An Phú (An Giang). Sông Tiền và sông Hậu tạo nên Đồng bằng sông Cửu Long lớn nhất nước ta, rộng khoảng 4 triệu ha đất phù sa màu mỡ, trong đó 1,2 triệu ha dọc sông rất thích hợp để cây lúa phát triển. Mạng lưới sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, rất thuận lợi trong khâu cung cấp nước cho sản xuất lúa, hoa màu, nuôi trồng và đánh bắt hải sản và đi lại bằng thuyền. |