Gilimex: Ông Nguyễn Việt Cường từ nhiệm thành viên HĐQT sau hơn 11 năm cống hiến

09/10/2024 - 00:38
(Bankviet.com) Ông Nguyễn Việt Cường đã chính thức từ nhiệm khỏi vị trí thành viên Hội đồng quản trị Gilimex sau hơn 11 năm cống hiến. Việc từ nhiệm diễn ra trong bối cảnh Gilimex đã bắt đầu có những dấu hiệu tích cực từ sau vụ "gã khổng lồ" Amazon quay lưng.

Vừa qua, Hội đồng quản trị Công ty CP Sản xuất Kinh doanh Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (Gilimex, HOSE: GIL) đã nhận được đơn xin từ nhiệm của ông Nguyễn Việt Cường khỏi vị trí thành viên Hội đồng Quản trị với lý do cá nhân, có hiệu lực từ ngày 1/10.

Gilimex: Ông Nguyễn Việt Cường từ nhiệm thành viên HĐQT sau hơn 11 năm cống hiến
Gilimex: Ông Nguyễn Việt Cường từ nhiệm thành viên HĐQT sau hơn 11 năm cống hiến.

Ông Nguyễn Việt Cường, sinh năm 1976, có trình độ cử nhân kinh tế - Chuyên viên Kế toán, kiểm toán quốc tế (FCCA). Ông từng làm kiểm toán viên cao cấp tại Công ty TNHH Kiểm toán quốc tế KPMG, trưởng phòng kế toán quản trị tại Công ty TNHH Unilever Bestfoods Vietnam, giám đốc đầu tư tại VinaCapital Investment Management Ltd, phó giám đốc điều hành tại VinaCapital Corporate Finance VN Co., Ltd.

Ông Cường bắt đầu gắn bó với Gilimex từ tháng 3/2013 và từng nhiều lần đại diện thay mặt Chủ tịch Lê Hùng điều hành các Đại hội đồng cổ đông trong thời gian qua. Sau hơn 11 năm cống hiến, quyết định từ nhiệm của ông Nguyễn Việt Cường khiến nhiều người không khỏi ngạc nhiên.

Ánh sáng cuối đường hầm

Được thành lập năm 1982, Gilimex ban đầu hoạt động mạnh trong lĩnh vực dệt may với các sản phẩm như hộp lưu trữ, giỏ đựng đồ gặt, balo và túi xách bằng vải. Trước đây, doanh thu của công ty thường đạt hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm. Tuy nhiên, tình hình tài chính của Gilimex rơi vào khó khăn bất ngờ khi công ty quyết định khởi kiện Amazon Robotics LLC vào cuối năm 2022, cáo buộc vi phạm cam kết hợp tác giữa hai bên.

Từ quý III/2022, hoạt động kinh doanh của Gilimex tụt dốc mạnh mẽ khi Amazon, đối tác lớn nhất của công ty, cắt giảm đơn hàng. Doanh thu trong quý III năm đó giảm hơn 80%, khiến doanh thu cả năm 2022 giảm 24%. Lợi nhuận cốt lõi – sau khi trừ chi phí tài chính, bán hàng và quản lý – gần như bị xóa sổ, chỉ còn 12 tỷ đồng, giảm tới 97%.

Sang năm 2023, Gilimex tiếp tục gặp khó khăn khi lãi ròng giảm tới 92% và dòng tiền kinh doanh ghi nhận mức âm kỷ lục (-319 tỷ đồng). Sự phụ thuộc quá lớn vào một khách hàng duy nhất như Amazon đã khiến doanh nghiệp này rơi vào thế bị động khi Amazon thay đổi nhu cầu và cắt giảm hợp đồng.

Amazon từng được xem là đối tác chiến lược của Gilimex từ năm 2014, đặc biệt trong giai đoạn thương mại điện tử bùng nổ. Để đáp ứng nhu cầu của Amazon, Gilimex đã đầu tư hàng chục triệu USD vào cơ sở hạ tầng sản xuất, thuê hơn 7.000 nhân viên để sản xuất hơn 1 triệu đơn vị sản phẩm mỗi năm. Họ thậm chí từ chối hợp tác với các khách hàng lớn khác như IKEA, Columbia Sportswear và tiến hành di dời các cơ sở sản xuất để phục vụ riêng cho Amazon.

Tuy nhiên, khi Amazon đột ngột thay đổi kế hoạch và giảm nhu cầu vào năm 2022-2023, Gilimex nhanh chóng rơi vào tình trạng dư thừa năng lực sản xuất và tồn kho lớn. Tại thời điểm cuối năm 2023, tổng tài sản của công ty giảm 16%, xuống còn 3.359 tỷ đồng, trong đó hàng tồn kho chiếm hơn 40%, tương đương 1.364 tỷ đồng.

Ngoài ra, doanh nghiệp ngành dệt may cũng đối mặt với những khó khăn chung khi nhu cầu toàn cầu giảm mạnh, đơn hàng khan hiếm. Gilimex buộc phải cắt giảm một nửa số lượng nhân viên, từ 1.818 người vào đầu năm 2023 xuống còn 968 người vào cuối năm.

Tuy nhiên, với những chuyển đổi chiến lược và dấu hiệu phục hồi của ngành, Gilimex đang dần tìm thấy những tín hiệu khả quan hơn trong năm 2024. Cụ thể, kết thúc nửa đầu năm, Gilimex ghi nhận doanh thu đạt 366,57 tỷ đồng, giảm 13,9% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, điểm sáng lớn nhất đến từ lợi nhuận sau thuế, đạt 10,97 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước công ty lỗ tới 43,99 tỷ đồng, tương đương mức tăng trưởng ấn tượng 54,96 tỷ đồng. Đáng chú ý, biên lợi nhuận gộp đã cải thiện rõ rệt từ 1,2% lên mức 18,6%, thể hiện sự chuyển biến tích cực trong hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

Cụ thể, lợi nhuận gộp của Gilimex tăng 11,88 lần, tương đương mức tăng thêm 62,99 tỷ đồng, đạt 68,29 tỷ đồng so với cùng kỳ. Tuy nhiên, doanh thu tài chính giảm mạnh 58,2%, chỉ còn 28,49 tỷ đồng. Đồng thời, chi phí tài chính giảm 37,3% xuống còn 21,34 tỷ đồng, trong khi chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp lại tăng 10,3%, đạt 84,04 tỷ đồng. Lợi nhuận khác ghi nhận lãi 27,23 tỷ đồng, tăng thêm 29,48 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái.

Gilimex đã đặt mục tiêu doanh thu năm 2024 là 1.500 tỷ đồng, tăng 60,2% so với năm trước. Lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 100 tỷ đồng, gần gấp đôi so với năm 2023, và mức cổ tức dự kiến là 10%. Tuy nhiên, kết thúc nửa đầu năm 2024, công ty mới chỉ hoàn thành 18,6% kế hoạch lợi nhuận cả năm khi lợi nhuận trước thuế đạt 18,6 tỷ đồng.

Trên thị trường chứng khoán, tính đến thời điểm 9h20 phiên giao dịch ngày 3/10, cổ phiếu GIL của Gilimex đang được giao dịch ở mức 30.050 đồng/cp, tăng khoảng 20% so với thời điểm hồi đầu năm.

Chủ tịch và Thành viên HĐQT Dược phẩm Hà Nội bất ngờ rời ghế giữa nhiệm kỳ

Ngày 30/09/2024, cả Chủ tịch HĐQT Bùi Thị Minh Tâm và Thành viên HĐQT Nguyễn Việt Cường của CTCP Dược phẩm Hà Nội đồng loạt ...

Savico: Biến động lớn về nhân sự, ông Nguyễn Việt Cường bất ngờ từ nhiệm sau 6 tháng

Công ty CP Dịch vụ Tổng hợp Sài Gòn (Savico) đã nhận đơn từ nhiệm của ông Nguyễn Việt Cường khỏi chức vụ thành viên ...

Phạm Hường

Phạm Hường

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán