Năm nay, các điểm đến di tích, văn hóa trên địa bàn thành phố vẫn tạm dừng hoạt động, chưa được mở cửa đón khách trở lại nên bảo tàng, công viên, khu sinh thái, điểm du lịch nghỉ dưỡng ở khu vực ngoại thành… là điểm đến thu hút đông du khách.
Đơn cử như Vườn Quốc Gia Ba Vì đã đón 13.000 lượt khách, Vườn Thú Hà Nội đón khoảng 28.000 lượt khách, Công viên Thiên đường Bảo Sơn 15.000 lượt khách, Khu du lịch Tản Đà 1.000 lượt khách, Khu du lịch Ao Vua 300 lượt khách, Làng sinh vật cảnh Hồng Vân 700 lượt khách…
Tại nhiều địa điểm tổ chức chợ hoa, chợ Tết cũng thu hút đông đảo người dân trên địa bàn thành phố đến mua sắm, chụp ảnh như: Chợ hoa truyền thống và các hoạt động tại không gian bích họa phố Phùng Hưng; đường hoa Xuân chào đón Tết Nguyên “Hành trình vàng son Tết Việt”; hội chợ Xuân Nhâm Dần với chủ đề “Nơi hội tụ hương vị Xuân đất Việt”…
Điểm khác so với mọi năm là khách du lịch đi theo nhóm nhỏ, hộ gia đình. Dù dịch bệnh đã được kiểm soát song hoạt động đón khách tại các điểm đến luôn thực hiện nghiêm túc biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19, trong đó yêu cầu du khách khai báo y tế bằng mã QR Code, đeo khẩu trang, sát khuẩn tay trước khi tham quan, thực hiện giãn cách, hạn chế tiếp xúc gần trong quá trình tham quan.
Bà Đặng Hương Giang - Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội - cho biết: Qua kiểm tra, rà soát, về cơ bản tại các điểm đến đang hoạt động đã tập trung, tăng cường công tác sẵn sàng đón tiếp khách du lịch, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường, chú trọng công tác phòng, chống dịch Covid-19. Các cơ sở cung cấp dịch vụ, hàng quán được sắp xếp ngăn nắp, niêm yết giá đầy đủ; việc trông giữ xe ô tô, xe máy, xe đạp được bố trí tại khu vực riêng.
Để đảm bảo công tác phòng, chống dịch, các lễ hội Xuân trên địa bàn thành phố như lễ hội Đền Sóc, lễ hội Đống Đa, lễ hội Hai Bà Trưng, lễ hội Tản Viên Sơn Thánh… tạm dừng tổ chức, khu Di tích thắng cảnh chùa Hương chỉ tổ chức nghi lễ mở cửa rừng. Song trong những ngày Tết, vẫn có một số điểm đến mở cửa cho du khách vào chiêm bái như: Đền Và (Thị xã Sơn Tây), Đền Ngọc Sơn (quận Hoàn Kiếm), tuy nhiên, du khách đi theo từng nhóm nhỏ, ban tổ chức có thường trực, nhắc nhở du khách biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Tại khu vực phố cổ, tuyến phố đi bộ xung quanh Hồ Hoàn Kiếm, bãi đá sông Hồng, Thung lũng hoa Hồ Tây và một số làng nghề truyền thống (Làng gốm Bát Tràng, Làng lụa Vạn Phúc, Làng nghề gỗ mỹ nghệ Thiết Úng...), lượng du khách đến tham quan, mua sắm cũng giảm mạnh so với dịp Tết của các năm trước.
Về hoạt động kinh doanh dịch vụ, du lịch, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, số ca F0 trung bình mỗi ngày tại thành phố khoảng trên 2.500 ca nên lượng khách du lịch lưu trú tại Hà Nội không cao. Công suất bình quân sử dụng buồng phòng khối cơ sở lưu trú từ 1-5 sao uớc tính đạt 22.4%, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm 2021.
Riêng hệ thống mua sắm đạt chuẩn phục vụ khách du lịch, có một số trung tâm đã mở cửa từ ngày 5/1/2022 nhưng chủ yếu là khách tham quan, sức mua không cao, ước tính doanh thu giảm 50% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong những ngày Tết vừa qua, khách du lịch đến Hà Nội không chỉ là người dân Thủ đô đi du xuân mà còn có đông du khách đến từ một số tỉnh thành lân cận như Hà Nam, Thái Bình, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An... Các điểm đến luôn kín khách trong 7 ngày Tết tiêu biểu như: Tản Đà spa Resort, khu du lịch Ao Vua, Vườn thú Hà Nội, điểm làng nghề sinh vật cảnh... |