Hà Nội: Giải mã thương vụ chuyển nhượng Dự án King Palace và lý do chậm sổ hồng

05/12/2023 - 17:10
(Bankviet.com) Việc chuyển nhượng một phần dự án và chậm xác định giá đất chính là nguyên nhân cư dân Dự án King Palace (số 108 Nguyễn Trãi, Hà Nội) chậm được cấp sổ hồng.
King Palace Hà Nội tạo cơn sốt tại Hàn Quốc King Palace - "điểm hẹn" an cư của người nước ngoài tại Việt Nam Điều gì khiến King Palace lọt vào "mắt xanh" của Hoa hậu Dương Thùy Linh?

Sang nhượng dự án, thay đổi quy hoạch và cơ cấu sử dụng đất

Những năm qua, cư dân tòa A, Dự án King Palace (số 108 Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội) nhiều lần căng băng rôn yêu cầu chủ đầu tư dự án là Công ty Cổ phần Bất động sản Hoa Anh Đào thực hiện cam kết hoàn thiện các thủ tục cấp sổ hồng cho người dân. Chủ đầu tư dự án đã nhiều lần hứa hẹn song tới nay, cụ thể thời điểm nào cư dân được cấp sổ hồng vẫn là một câu hỏi lửng.

Mới đây, Kết luận Thanh tra số 5626 KL/TTTP-P5 của Thanh tra TP. Hà Nội đã giải mã phần nào sự chậm trễ này. Theo đó, ngày 25/10/2010, UBND TP. Hà Nội có Quyết định số 5256/QĐ-UBND, về việc thu hồi 18.531m2 đất tại số 108 Nguyễn Trãi, phường Thượng Đình, quận Thanh Xuân do Công ty Cổ phần Dụng cụ số 1 đang sử dụng; giao Công ty TNHH MTV QL & PT nhà Hà Nội để thực hiện dự án xây dựng Khu hỗn hợp trung tâm thương mại, dịch vụ công cộng, văn phòng và nhà ở để bán (sau đây gọi chung là Dự án).

Hà Nội: Giải mã thương vụ chuyển nhượng Dự án King Palace và lý do chậm sổ hồng
Cư dân Dự án King Palace nhiều lần căng băng rôn yêu cầu chủ đầu tư thực hiện cam kết hoàn thiện các thủ tục cấp sổ hồng cho người dân

Trong đó có 2.985m2 (lô 1) để xây dựng công trình hỗn hợp gồm khối nhà cao tầng 25 tầng và 29 tầng, diện tích sàn xây dựng 41.850m2 không kể 2 tầng hầm; 610m2 (lô 2) để xây dựng công trình nhà ở 15 tầng, diện tích sàn xây dựng 570m2; 1.445,2 (lô 4) để xây dựng nhà ở thấp tầng; 1.936m2 (lô 5) để xây dựng nhà ở thấp tầng. Hình thức có giáo đất có thu tiền sử dụng đất, thời hạn sử dụng lâu dài.

Ngày 25/7/2011, UBND TP. Hà Nội có Quyết định số 3445/QĐ-UBND, về phê duyệt đơn giá thu tiền sử dụng đất dự án. Theo đó, xác định diện tích phải nộp tiền sử dụng đất là 6.976m2 x 48.777.726 đồng/m2 = hơn 340 tỷ đồng.

Tiếp đó, ngày 24/4/2015, Công ty TNHH MTV QL & PT nhà Hà Nội ký Hợp đồng số 89/2015/CNDA, chuyển nhượng cho Công ty Cổ phần BĐS Hoa Anh Đào một phần dự án với diện tích 6.975m2 (trong đó có 2.985m2 đất (lô 1) để xây dựng công trình hỗn hợp cao 25-29 tầng; 4.892m2 đất để làm bãi đỗ xe, tầng hầm, trồng cây xanh, hạ tầng kỹ thuật phục vụ tòa nhà).

Chi cục Thuế quận Thanh Xuân sau đó xác nhận về việc Công ty TNHH MTV QL & PT nhà Hà Nội đã ủy quyền cho Công ty Cổ phần BĐS Hoa Anh Đào đã thực hiện nộp số tiền 123,8 tỷ đồng tiền sử dụng đất đối với đất xây dựng khối nhà 25-29 tầng, diện tích 2.985m2.

Ngày 10/6/2017, UBND TP. Hà Nội có Quyết định số 3532/QĐ-UBND điều chỉnh chủ trương đầu tư, theo đó chấp thuận điều chỉnh, bổ sung một số nội dung về chủ trương đầu tư Dự án. Tên dự án sau điều chỉnh là Toà nhà hỗn hợp thương mại, dịch vụ, văn phòng, khách sạn căn hộ và nhà ở để bán – King Palace; chủ đầu tư là Công ty Cổ phần BĐS Hoa Anh Đào.

Tiếp đó, ngày 4/8/2017, UBND TP. Hà Nội có Quyết định số 5217/QĐ-UBND về việc thu hồi 6.973m2 đất tại số 108 đường Nguyễn Trãi do Công ty TNHH MTV QL & PT nhà Hà Nội quản lý giao cho Công ty Cổ phần BĐS Hoa Anh Đào để thực hiện Dự án.

Do đó, Dự án phải xác định lại tiền sử dụng đất nộp bổ sung do thay đổi cơ cấu sử dụng đất, điều chỉnh quy hoạch nhưng đến thời điểm ban hành kết luận thanh tra là tháng 11/2023, UBND TP. Hà Nội vẫn chưa có quyết định phê duyệt giá đất.

Chậm trễ trong phê duyệt giá đất

Theo kết luận thanh tra, sau khi được giao đất, các sở, ngành, đơn vị có liên quan đã có sự chậm trễ trong việc trình UBND TP. Hà Nội ban hành quyết định phê duyệt giá đất.

Cụ thể, tại Hợp đồng số 31401/HĐ-VVFC ngày 14/3/2022 giữa Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) và đơn vị tư vấn là Công ty Cổ phần Định giá và Dịch vụ tài chính Việt Nam (VVFC) quy định sau 2 ngày làm việc kể từ ngày ký hợp đồng, Sở TN&MT có trách nhiệm cung cấp hồ sơ theo quy định.

Trên thực tế, sau 114 ngày làm việc, Sở TN&MT mới cung cấp hồ sơ; sau 47 ngày làm việc, Văn phòng Đăng ký đất đai thành phố cung cấp thông tin về các hợp đồng…; sau 19 ngày làm việc, sau khi VVFC có chứng thư thẩm định giá đất, Sở TN&MT mới có tờ trình gửi Hội đồng thẩm định giá đất cụ thể thành phố…

Thanh tra TP. Hà Nội xác định, trách nhiệm thuộc về Sở TN&MT. Trách nhiệm cá nhân thuộc về lãnh đạo Phòng Kế hoạch – tài chính, Phòng Kinh tế đất và cán bộ được giao thụ lý hồ sơ. Ngoài ra, có trách nhiệm của Phó giám đốc Sở TN&MT phụ trách lĩnh vực thời điểm năm 2022-2023.

Đối với Sở Tài chính và Tổ giúp việc Hội đồng thẩm định giá đất cụ thể Thành phố, Thanh tra TP. Hà Nội xác định, sau 40 ngày kể từ ngày nhận được tờ trình của Sở TN&MT, Sở Tài chính mới có văn bản báo cáo Chủ tịch và Ủy viên Hội đồng thẩm định giá đất cụ thể Thành phố về kết quả xác định giá đất là chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm theo quy định.

Trách nhiệm thuộc về Sở Tài chính. Trách nhiệm cá nhân thuộc về lãnh đạo Phòng Quản lý Giá và cán bộ được giao thụ lý hồ sơ. Ngoài ra, có trách nhiệm của Phó giám đốc Sở Tài chính phụ trách lĩnh vực thời điểm năm 2023.

Bên cạnh đó, Thanh tra TP. Hà Nội cũng xác định có trách nhiệm của Giám đốc VVFC khi chậm trễ trong việc đề nghị Sở TN&MT cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan làm căn cứ xác định giá đất khởi điểm…; có chứng thư thẩm định giá...

Thanh tra TP. Hà Nội kiến nghị UBND TP. Hà Nội giao Sở TN&MT, Sở Tài chính kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với tập thể, cá nhân để xảy ra tình trạng chậm xác định giá đất để tính tiền sử dụng đất đối với Dự án.

Hội đồng thẩm định giá cụ thể Thành phố tổ chức họp xem xét báo cáo của Sở Tài chính, báo cáo kết quả rà soát phương án xác định giá đất cụ thể làm căn cứ tính nghĩa vụ tài chính bổ sung tại Dự án.

Báo Công Thương sẽ tiếp tục thông tin./.

Phong Vân

Theo: Báo Công Thương