Hà Nội tặng quà 30/4 - 1/5: Món quà nhỏ, dấu ấn lớn

01/05/2025 - 23:41
(Bankviet.com) Trong kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5, Hà Nội tặng 50.000 suất quà cho du khách đến thăm, viếng Lăng Bác để lại ấn tượng sâu sắc về thành phố, điểm đến hiếu khách.
Hà Nội kể chuyện di sản qua từng món quà du lịch Hãy để mỗi món quà là một dấu ấn Hà Nội Trải nghiệm mới tại Công viên Thống nhất dịp nghỉ lễ

Hà Nội - Điểm đến của lòng hiếu khách

Theo Sở Du lịch Hà Nội, đây là hoạt động thường niên, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện tình cảm của Thủ đô Hà Nội đối với đồng bào cả nước và du khách; đồng thời, góp phần quảng bá hình ảnh du lịch thành phố là điểm đến "thân thiện, chất lượng, hấp dẫn”.

Hà Nội tặng quà 30/4-1/5: Món quà nhỏ, dấu ấn lớn
Hà Nội tổ chức tặng quà du khách tại Lăng Bác dịp 30/4 - 1/5. Ảnh minh họa

Trong bối cảnh cạnh tranh điểm đến du lịch giữa các địa phương ngày càng khốc liệt, một món quà nhỏ nhưng chứa đựng sự trân trọng có thể để lại dấu ấn lớn trong lòng du khách. Đây cũng là cách làm mềm hóa hoạt động xúc tiến du lịch, khẳng định Hà Nội là trung tâm của văn hóa với những trải nghiệm thân thiện, hấp dẫn.

Việc tặng quà còn là một kênh giao tiếp phi ngôn ngữ hiệu quả. Khi du khách nhận được món quà, họ cũng nhận về cảm xúc tích cực, từ đó lan tỏa sự yêu mến, chia sẻ hình ảnh đẹp của Hà Nội lên mạng xã hội, tạo hiệu ứng quảng bá tự nhiên mà hiệu quả.

Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, ông Phạm Hải Quỳnh - Viện trưởng Viện Phát triển du lịch châu Á nhận định: Việc Hà Nội dành tặng 50.000 suất quà cho du khách đến viếng Lăng Bác trong dịp 30/4 - 1/5 là hành động không chỉ mang ý nghĩa tri ân mà còn mở ra hướng tiếp cận mới trong quảng bá du lịch.

Đây là cách làm tinh tế để lan tỏa hình ảnh điểm đến Hà Nội. Mỗi món quà được trao tận tay là lời chào thân thiện, là sự trân trọng của thành phố dành cho từng du khách. Từ đó, tạo cảm xúc tích cực, tăng khả năng quay lại và chia sẻ trải nghiệm.

Theo ông Quỳnh, tặng quà tại một điểm đến mang đậm giá trị lịch sử như Lăng Bác còn là hình thức giáo dục truyền thống yêu nước, nuôi dưỡng niềm tự hào dân tộc, đặc biệt đối với thế hệ trẻ. “Chính những điều giản dị nhất lại chạm vào cảm xúc sâu nhất” - ông Quỳnh nói.

Không chỉ vậy, trong xu thế cạnh tranh hiện đại, chiến lược thu hút khách không chỉ dựa vào quy mô sự kiện, mà còn đến từ những trải nghiệm cảm xúc và sự chân thành từ những điều nhỏ nhất. Do đó, trong ngắn hạn, đây là hình thức truyền thông mềm hiệu quả. Về dài hạn, nếu được duy trì thành thông lệ có thể tạo ra nét riêng cho Hà Nội - một thành phố, điểm đến biết nói lời cảm ơn đúng lúc, đúng dịp, đúng cách.

Nhân rộng sáng kiến tại các điểm đến nổi tiếng

Việc tặng quà trong những ngày lễ lớn là thông lệ đã quen thuộc ở nhiều nước phát triển, nhất là trong các hoạt động kết nối du lịch, văn hóa cộng đồng. Tuy nhiên, ở Việt Nam, cách làm này chưa thật phổ biến.

Vì vậy, để sáng kiến, mô hình này đạt hiệu quả lan tỏa lâu dài, ông Phạm Hải Quỳnh nhấn mạnh, ngoài Hà Nội, các địa phương, điểm đến du lịch khác trong nước nên triển khai thực hiện. Trong đó, ông gợi ý quà tặng cần được thiết kế mang bản sắc vùng miền, có tính ứng dụng cao, phù hợp với đa dạng đối tượng du khách. Đồng thời, hoạt động tặng quà cần được tổ chức chỉn chu, văn minh.

Bên cạnh đó, truyền thông giữ vai trò quan trọng. Việc chủ động thông báo, quảng bá chương trình trên các nền tảng truyền thông sẽ giúp nâng cao sức hút, kích thích nhu cầu tham quan và tiêu dùng du lịch. “Nếu được duy trì và phát triển đúng hướng, sẽ giúp gia tăng sức cạnh tranh cho điểm đến” - ông Phạm Hải Quỳnh nhấn mạnh.

Ngoài ra, theo ông Phạm Hải Quỳnh, mỗi năm, dịp lễ 30/4 - 1/5 là thời điểm Hà Nội, các địa phương đón lượng lớn khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm. Vì vậy, về lâu dài hoàn toàn có thể biến chương trình tặng quà thành một mô hình gắn liền với các hoạt động xúc tiến du lịch, thương mại, văn hóa thường niên.

Cụ thể, thay vì chỉ 1 chai nước và 1 cái bánh mì hoặc 1 hộp sữa hay là món quà mang tính biểu trưng các điểm đến có thể phối hợp với các hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất hàng lưu niệm, sản phẩm nông nghiệp chế biến, hàng thủ công mỹ nghệ... để đưa các mặt hàng tiêu biểu đến tay du khách qua những món quà mang tính bản sắc. Điều này không chỉ tạo ra hệ sinh thái hỗ trợ sản phẩm địa phương mà còn góp phần phát triển thương hiệu sản phẩm, cũng như tăng trưởng kinh tế của địa phương.

Theo Sở Du lịch Hà Nội, từ nay đến hết năm 2025, trong các kỳ lễ lớn của tổ quốc như: Sinh nhật Bác (19/5), Ngày Quốc khánh (2/9), Sở Du lịch Hà Nội tiếp tục phối hợp với Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức tặng quà cho du khách đến viếng Lăng Bác, với tổng số quà tặng lên đến 60.000 suất quà.

Theo đó, đưa tổng số quà tặng cho du khách đến viếng Lăng Bác trong các ngày lễ lớn trong năm 2025 lên đến 110.000 suất quà.

Bảo Thoa

Theo: Báo Công Thương