Bị ngân hàng kiện siết nhà, uống thuốc ngủ suýt chết vì đầu tư theo Shark Thủy Cổ phiếu IBC của Apax Holdings bị bán giải chấp nhưng không thể khớp lệnh Apax Holdings giải trình việc cổ phiếu IBC liên tục giảm sàn lần thứ 3 |
Mới đây, Công ty cổ phần Apax Holdings (mã cổ phiếu IBC) vừa công bố báo cáo kết quả giao dịch cổ phiếu IBC của Chủ tịch Hội đồng quản trị Nguyễn Ngọc Thủy (Shark Thủy) và công ty mẹ là Công ty cổ phần Tập đoàn Giáo dục Egroup (Tập đoàn Egroup).
Cụ thể, từ ngày 20/12 đến 22/12, Shark Thủy đã bị Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) bán giải chấp 113.800 cổ phiếu IBC, giảm sở hữu của ông từ 6,69 triệu cổ phiếu xuống còn 6,58 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 7,9%.
Bên cạnh đó, Tập đoàn Egroup (công ty mẹ của Apax Holdings) do ông Shark Thủy làm Chủ tịch Hội đồng quản trị cũng bị bán giải chấp 71.900 cổ phiếu IBC trong ngày 19/12. Việc bán giải chấp này đã khiến sở hữu của Tập đoàn Egroup tại Apax Holdings giảm xuống còn 58,8%.
Tiếp đó, Tập đoàn Egroup còn bị Công ty cổ phần Chứng khoán Mirae Asset bán giải chấp 716.800 cổ phiếu IBC.
Được biết, các giao dịch bán giải chấp cổ phiếu IBC được các công ty chứng khoán thực hiện bằng phương pháp thỏa thuận/khớp lệnh liên tục.
Shark Thủy trong chương trình Shark Tank (ảnh: Shark Tank Việt Nam) |
Đáng chú ý, đợt bán giải chấp này diễn ra trong bối cảnh cổ phiếu IBC đang có chuỗi giảm sàn 23 phiên liên tiếp. Chốt phiên giao dịch 26/12, thị giá IBC tiếp tục giảm kịch biên độ xuống còn 2.790 đồng/cp, tương ứng mức giảm 85% so với thời điểm đầu tháng 11.
Liên quan đến giá cổ phiếu IBC giảm mạnh thời gian qua, lãnh đạo doanh nghiệp này cho biết nguyên nhân giá cổ phiếu giảm mạnh đến từ việc nhà đầu tư có vay ký quỹ/thế chấp bị bán chủ động/bán giải chấp từ các công ty chứng khoán để nhanh chóng thu hồi vốn và hiện tượng này vẫn tiếp tục xảy ra.
Trước đó, Công ty cổ phần Chứng khoán Mirae Asset cho biết đã thực hiện giải chấp 300.000 cổ phiếu IBC thuộc sở hữu của Tập đoàn Egroup, thời gian diễn ra từ ngày 25/11 đến ngày 9/12 nhưng không cổ phiếu nào được khớp lệnh.
Thời gian gần đây, Công ty cổ phần Anh ngữ Apax (công ty con của Apax Holdings) liên tục vướng nhiều lùm xùm liên quan đến chất lượng dạy học, chậm trả lương, nợ lương giáo viên... Nhiều phụ huynh đã đề nghị Apax English hoàn trả hàng tỷ đồng tiền học phí khi không thực hiện đúng cam kết đào tạo.
Bên cạnh đó, rất nhiều người đầu tư theo Shark Thủy đã liên tục đòi tiền. Sau đó, Shark Thủy đã thừa nhận những vấn đề trên đang là những tồn tại trên và xin lỗi nhà đầu tư. Lãnh đạo của Apax English cho rằng đang phối hợp với Apax Holdings để có những phương án xử lý phù hợp.
Tuy nhiên, sau những lời xin lỗi, lời hứa hẹn, nhà đầu tư vẫn uất hận vì không đòi được tiền, phải bán nhà và đi ở nhà thuê.
PV