Theo xếp hạng mới nhất của MSCI vào tháng 6/2023, Việt Nam đang trong nhóm các thị trường cận biên với nhiều điểm cần cải thiện. MSCI vẫn giữ nguyên quan điểm về thị trường chứng khoán Việt Nam so với thời điểm một năm trước với với các điểm nghẽn ở sở hữu nước ngoài, các tài liệu tiếng Anh, thị trường ngoại hối, thanh toán bù trừ, thủ tục đăng ký đối với nhà đầu tư nước ngoài.
FTSE Russell đã đưa Việt Nam vào “danh sách chờ” từ tháng 9/2018 nhưng cho đến nay, Việt Nam vẫn chưa có nhiều cải thiện đáng kể. Nếu không có những nỗ lực rõ ràng thì có khả năng Việt Nam bị đưa ra khỏi danh sách này sau lần đánh giá sắp tới.
Việc nâng hạng sẽ dẫn tới sự thay đổi cả về lượng (thanh khoản thị trường tăng, đón làn sóng đầu tư từ nhà đầu tư nước ngoài) và chất (thị trường minh bạch hơn). |
Trong chương trình “Gõ cửa tháng mới” của SSI Research, ông Bùi Văn Tốt, Giám đốc Đầu tư Công ty Quản ký quỹ SSI (SSIAM) đã có những chia sẻ về vấn đề nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam.
Ông Tốt cho biết, hiện nay có hai vấn đề cốt lõi cần giải quyết trong thời gian tới để có thể nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ nhóm thị trường cận biên (frontier) lên thị trường mới nổi (emerging).
Thứ nhất là vấn đề ký quỹ trước giao dịch (prefunding). Theo Thông tư 120 của Bộ Tài chính quy định nhà đầu tư nước ngoài phải có đủ 100% tiền trong tài khoản trước khi thực hiện lệnh giao dịch. Trường hợp nhà đầu tư có tài khoản tại ngân hàng lưu ký và không có đủ tiền giao dịch, ngân hàng lưu ký phải xác nhận và đảm bảo việc thanh toán cho lệnh đó. Tuy nhiên, về phía Ngân hàng Nhà nước lại có quy định không cho phép các ngân hàng lưu ký cấp tín dụng cho nhà đầu tư nước ngoài để mua bán chứng khoán.
Do đó, dẫn đến một thực tế hiện nay nhà đầu tư nước ngoài phải có đủ 100% tiền trong tài khoản để thực hiện lệnh giao dịch chứng khoán, điều này dẫn tới những bất lợi cho nhà đầu tư như: Chuyển tiền sang Việt Nam không đúng thời gian có thể bị mất cơ hội mua, hoặc nếu các lệnh thực hiện không thành công thì nhà đầu tư nước ngoài vẫn phải trả những khoản phí chuyển đổi, chuyển tiền... Đây là những rủi ro gây trở ngại cho nhà đầu tư nước ngoài.
Ông Bùi Văn Tốt nhận thấy, hiện nay có một số đề xuất đang được thảo luận như sửa đổi Thông tư 120, bỏ quy định nhà đầu tư nước ngoài cần phải có đủ 100% tiền trong tài khoản để thực hiện lệnh. Ủy ban Chứng khoán có thể cấp margin dựa trên tài sản đảm bảo của nhà đầu tư nước ngoài dựa trên tài sản đảm bảo nều tài sản này nằm ở ngân hàng lưu ký thì công ty chứng khoán, khách hàng và ngân hàng lưu ký phải làm việc với nhau về tài sản đó, đây là một giải pháp ngắn hạn.
Một giải pháp dài hạn hơn cho thị trường là vận hành mô hình đối tác thanh toán bù trừ trong đó khách hàng lưu ký cũng là thành viên bù trừ.
Ông Bùi Văn Tốt, Giám đốc Đầu tư Công ty Quản ký quỹ SSI (SSIAM) |
Thứ hai là vấn đề độ mở của thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài (room ngoại). Vị chuyên gia cho biết theo Nghị định 31 hướng dẫn Luật Đầu tư của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện room ngoại tối đa đối với các ngành kinh doanh không có điều kiện là 100%, với các ngành có điều kiện tuỳ thuộc vào tỷ lệ sở hữu do luật quy định (ví dụ ngân hàng tối đa là 30%). Tuy nhiên, việc room ngoại tối đa cụ thể là bao nhiêu lại tuỳ thuộc vào quyết định của từng công ty, điều này dẫn đến việc một số ngành, công ty vì lý do nào đó giữ mức room ngoại thấp hơn mức tối đa được cho phép.
Ví dụ như một số ngân hàng có room ngoại tối đa thấp hơn 30%, họ đóng băng room đó lại để có thể phát hành cho các đối tác chiến lược khác. Hay như ngành bánh lẻ hiện vẫn giữ mức room này ở 49% do việc mở cửa hàng mới của các công ty bán lẻ có vốn đầu tư nước ngoài sẽ khó khăn hơn nhiều so với các công ty nội địa.
Về giải pháp, trong dài hạn cần phải đưa room ngoại lên tối đa cho đa số các ngành và chỉ giới hạn ở một số ngành thực sự cần thiết. Một giải pháp khác đang được bàn luận nhiều là sản phẩm chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (non-voting depositary receipt – NVDR), sản phẩm này đã được Thái Lan áp dụng thành công trong một giai đoạn dài.
Với những quyết tâm hiện tại của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng như các bên liên quan, những vấn đề trên sẽ được giải quyết trong thời gian tới. Còn việc nâng hạng thị trường ở FTSE Russell sẽ khả thi, còn MSCI phải cần thêm thời gian do các quy định ở đây cao hơn.
Ông Bùi Văn Tốt cho biết, việc nâng hạng thị trường sẽ mang lại tín hiệu rất tích cực cho thị trường chứng khoán. Việc nâng hạng sẽ dẫn tới sự thay đổi cả về lượng (thanh khoản thị trường tăng, đón làn sóng đầu tư từ nhà đầu tư nước ngoài) và chất (thị trường minh bạch hơn).
"Việc nâng hạng từ frontier lên emerging thường diễn ra trong khoảng ba năm với ba mốc chính, bao gồm mốc đề xuất nâng hạng, sau đó một năm là công bố về việc nâng hạng, sau đó một năm nữa mới chính thức nâng hạng. Giai đoạn một năm trước khi được đề xuất, độ mở của định giá P/E thị trường trung bình khoảng 10 – 15%. Trong giai đoạn từ đề xuất đến công bố, độ mở của P/E vẫn tăng nhưng với tốc độ chậm hơn. Sau thời điểm công bố thị trường có xu hướng đi ngang và không còn tăng nhiều. Đối với các công ty đơn lẻ nằm trong bộ chỉ số có độ mở P/E lớn hơn, khoảng 35% trong cả quá trình.", ông Tốt cho biết.
Về mặt dòng tiền, theo một thống kê từ năm 2021, các quỹ ETF và các quỹ chủ động sẽ đổ tiền vào Việt Nam từ 10 - 13 tỷ USD. Con số này có thể thay đổi trong tương lai tùy điều kiện cụ thể.
FTSE Russell: Thị trường chứng khoán Việt Nam là điểm sáng của châu Á Theo FTSE Russell, tăng trưởng lợi nhuận lũy kế 10 năm của các cổ phiếu trên sàn chứng khoán Việt Nam đạt 107,8%, trong khi ... |
Chủ tịch UBCKNN: Hai nhóm vấn đề cần làm để đạt kế hoạch nâng hạng thị trường Tại sự kiện Đối thoại tháng 7 với chủ đề “Kinh tế vĩ mô và thị trường chứng khoán” diễn ra vào sang 26/7, bà ... |
Việt Nam phấn đấu rút ngắn lộ trình nâng hạng thị trường chứng khoán Ngày 29/8/2023, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) - bà Vũ Thị Chân Phương đã chủ trì Hội nghị Gặp gỡ các ... |
Khánh Vân