Luật Hợp tác xã (sửa đổi): Thiếu cơ chế kiểm tra, giám sát Phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trong giai đoạn mới Chủ tịch Quốc hội chủ trì cuộc làm việc về dự án Luật Hợp tác xã |
Đề nghị chưa luật hóa các nội dung về liên đoàn hợp tác xã
Báo cáo tại Hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) hiện nay gồm 12 chương với 115 điều, tăng 4 điều so với dự thảo Luật do Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) |
Về việc thể chế hóa nội dung 8 chính sách tại Nghị quyết số 20-NQ/TW, Thường trực Ủy ban Kinh tế tiếp thu nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội, rà soát và chỉnh lý quy định về nguyên tắc, tiêu chí và nguồn vốn thực hiện chính sách; bổ sung, điều chỉnh các nội dung về 8 chính sách từ 1 điều tại dự thảo Luật do Chính phủ trình Quốc hội thành 8 điều quy định riêng về nội dung từng chính sách, rà soát các quy định bảo đảm phù hợp và thể chế hóa chủ trương tại Nghị quyết số 20-NQ/TW…
Bên cạnh đó, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị chưa luật hóa các nội dung về liên đoàn hợp tác xã tại dự thảo Luật. Để thực hiện chủ trương của Nghị quyết số 20-NQ/TW, đề nghị Chính phủ khẩn trương xây dựng và hoàn thiện hồ sơ, trình Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết về thí điểm một số liên đoàn hợp tác xã theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Sau thời gian thí điểm, sẽ tiến hành đánh giá tổng kết và nghiên cứu đề nghị Quốc hội bổ sung tại Luật những quy định phù hợp, khả thi, đã được kiểm nghiệm trên thực tiễn liên quan đến mô hình liên đoàn hợp tác xã.
Liên quan đến quy định chuyển nhượng phần vốn góp của thành viên trong hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã (Điều 78), Thường trực Ủy ban Kinh tế tiếp thu và chỉnh lý theo hướng cho phép các thành viên chuyển nhượng phần vốn góp trong nội bộ hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và với các thành viên hiện hữu nhằm bảo đảm sự ổn định về cơ cấu thành viên, bảo đảm quyền lợi cho các thành viên khi có nhu cầu chuyển nhượng phần vốn góp, tạo điều kiện cho các thành viên liên kết góp vốn, thành viên liên kết không góp vốn có thể chuyển đổi thành thành viên chính thức...
Trường hợp hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, các thành viên khác không nhận chuyển nhượng phần vốn góp và thành viên không còn nhu cầu là thành viên của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thì có thể xin ra khỏi hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và chấm dứt tư cách thành viên, được trả lại phần vốn góp theo quy định của Luật này và Điều lệ.
Dự thảo Luật không đặt vấn đề chuyển nhượng phần vốn góp cho cá nhân, tổ chức chưa phải là thành viên của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã. Quy định như vậy phản ánh đúng bản chất của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã là tương trợ lẫn nhau nhằm đáp ứng nhu cầu chung về kinh tế, văn hóa, xã hội và tránh hiện tượng mua, bán phần vốn góp tương tự như hoạt động của công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, "doanh nghiệp hóa hợp tác xã", hạn chế việc thâu tóm, chi phối hoạt động hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã của một số tổ chức, cá nhân, đặc biệt là đối với một số hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã đã được Nhà nước hỗ trợ nhiều nguồn lực.
Thường trực Ủy ban Kinh tế đã phối hợp cùng các cơ quan, trong đó có Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu rà soát, chỉnh lý tại Điều 83, trong đó thay đổi thuật ngữ “hoạt động tín dụng nội bộ” thành “hoạt động cho vay nội bộ” và khẳng định hoạt động này không phải hoạt động ngân hàng, không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Các tổ chức tín dụng.
Đồng thời bổ sung quy định về điều kiện của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được thực hiện hoạt động cho vay nội bộ, trong đó có điều kiện hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã cho vay nội bộ khi bảo đảm nguồn vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh; không sử dụng nguồn vốn huy động trong và ngoài thành viên để thực hiện hoạt động cho vay nội bộ.
Đánh giá kỹ hiệu quả công tác của hợp tác xã, tổ hợp tác
Góp ý về dự thảo Luật, đại biểu Trần Văn Lâm - đoàn Bắc Giang đánh giá cao dự thảo luật được nghiên cứu, tiếp thu khá công phu rất nhiều ý kiến các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4.
Đại biểu Trần Văn Lâm - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang phát biểu |
Góp ý về một số nội dung cụ thể, đại biểu cho rằng, tại Điều 48 về công bố nội dung đăng ký pháp nhân, nội dung giải trình về việc hợp tác xã, liên hợp tác xã phải nộp phí khi công bố nội dung đăng ký chưa thực sự thuyết phục. Bởi pháp nhân khi đi đăng ký với cơ quan nhà nước đã nộp phí để được đăng ký công nhận là pháp nhân. "Nếu cần thiết, việc công bố do cơ quan Nhà nước thực hiện, tại sao yêu cầu bắt buộc pháp nhân phải công bố" - đại biểu đoàn Bắc Giang nói.
Bên cạnh đó, theo ông Lâm, cơ quan Nhà nước lại giao cho trung tâm hỗ trợ nghiệp vụ đăng ký doanh nghiệp quản lý cơ sở dữ liệu này và nêu rằng đây là đơn vị sự nghiệp công lập nên phải nộp phí để người ta quản lý, lưu giữ thông tin.
Cơ quan Nhà nước và Trung tâm hỗ trợ nghiệp vụ đăng ký kinh doanh là hai đơn vị có thể trao đổi dữ liệu cho nhau, có thể lấy dữ liệu từ cơ quan đăng ký để công bố. Hơn nữa, Trung tâm hỗ trợ nghiệp vụ đăng ký kinh doanh cung cấp dịch vụ cho cơ quan quản lý Nhà nước nước thì cơ quan Nhà nước phải trả phí.
Vì vậy, để đẩy mạnh cải cách hành chính, giảm các thủ tục cũng như giảm chi phí cho doanh nghiệp, hợp tác xã, đại biểu đề nghị quy định hợp tác xã không cần nộp phí để lưu giữ thông tin, cơ sở dữ liệu của các chủ thể kinh doanh.
Tại Điều 105 về kiểm toán đối với các pháp nhân, đại biểu cho rằng quy định như vậy khắt khe hơn so với doanh nghiệp và chưa tuân thủ nguyên tắc được ưu tiên, ưu đãi, được hỗ trợ thuận lợi hơn so với các loại hình mô hình tổ chức kinh tế khác.
Về chuyển nhượng vốn góp tại Điều 78, dự thảo không đặt vấn đề chuyển nhượng phần vốn góp cho các cá nhân, các tổ chức không phải là thành viên hợp tác xã để tránh việc mua bán cổ phần như đối với doanh nghiệp.
Đại biểu Trần Văn Lâm cho rằng quy định như vậy chưa thật sự thuyết phục, bởi vốn các thành viên đóng góp vào các tổ chức kinh tế tập thể là tài sản. Đối với mỗi cá nhân, tài sản phải được bảo đảm theo quy định của Hiến pháp và pháp luật… Đại biểu đề nghị xem xét nghiên cứu thêm, không nên giới hạn quyền chuyển nhượng, mua bán của các chủ thể đóng góp tài sản hình thành tài sản của tổ chức kinh tế tập thể…
Đại biểu Dương Khắc Mai - đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông đồng tình cao với nhiều nội dung trong các báo cáo, đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung nội dung về đánh giá hiệu quả, mức độ đóng góp cho nền kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh của khu vực kinh tế hợp tác, liên hiệp hợp tác xã, các tổ hợp tác trên phạm vi cả nước.
Theo đại biểu đoàn Đắk Nông, nội dung này sẽ góp phần thể chế hóa chủ trương của Đảng về thực tiễn đóng góp của khu vực kinh tế tập thể cho phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, làm cơ sở pháp lý cho công tác thống kê, đánh giá đóng góp của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác với phát triển kinh tế, xã hội trên phạm vi cả nước và từng địa phương.
Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị quy định ngày 11/4 hàng năm là ngày hợp tác xã Việt Nam, ngày truyền thống của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác trên địa bàn cả nước. Quy định này sẽ có tác dụng nâng cao nhận thức của hợp tác xã, thành viên hợp tác xã, các cấp, các ngành và toàn xã hội về vai trò, tầm quan trọng của hợp tác xã trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đồng thời tạo cơ sở pháp lý để các cơ quan hữu quan làm tốt công tác tuyên truyền về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã.
Quỳnh Nga