Hàng Việt vươn mình cùng Hiệp định CPTPP

29/09/2023 - 23:04
(Bankviet.com) Xuất khẩu hàng Việt sang nhiều thị trường trong khối CPTPP đã có sự tăng trưởng rất cao sau khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực.
Xuất khẩu hàng Việt Nam sang nước ngoài: Doanh nghiệp cần chú trọng yếu tố bền vững 3 nước nào được bổ sung áp dụng thuế xuất nhập khẩu ưu đãi theo Hiệp định CPTPP? Phát triển thương hiệu Việt Nam tại thị trường CPTPP

Xuất khẩu hàng Việt khởi sắc

Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực từ ngày 14/1/2019.

Ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên - Bộ Công Thương chia sẻ, sau gần 5 năm CPTPP có hiệu lực, kim ngạch xuất khẩu hàng hoá vào hai thị trường Canada, Mexico đã có sự tăng trưởng rất đáng khích lệ. Kể cả trong thời kỳ Covid-19 hay thời kỳ có những biến động về địa chính trị trên thế giới thì tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hoá Việt sang hai thị trường này luôn tăng trưởng hai chữ số. Ngoài ra, thặng dư thương mại mà chúng ta có được từ hai thị trường này thường chiếm từ 1/3 cho đến 1/2 thặng dư thương mại của các quốc gia trong khối CPTPP.

1946-xk-thyy-syn
Thuỷ sản là mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang khối thị trường CPTPP

“Với thị trường Peru, dù nhiều ý kiến cho rằng đây là thị trường khiêm tốn nhưng thực tế dư địa tăng trưởng của thị trường này lại rất cao. Có những năm tăng trưởng xuất khẩu hàng Việt Nam vào CPTPP có thể lên đến ba chữ số. Đây là một điểm minh chứng rõ ràng rằng doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng rất tích cực các cơ hội CPTPP mang lại” – ông Ngô Chung Khanh nói.

Tuy nhiên, nhìn chung, dư địa để hàng Việt Nam thâm nhập sâu hơn nữa vào các thị trường như Canada, Mexico và Peru còn rất lớn. Có những mặt hàng hiện nay nước ta chỉ chiếm khoảng 3 – 5% thị phần tại các thị trường. Với những thị trường có dung lượng lớn như Canada hay Mexico thì đấy là những con số đáng suy ngẫm, cho thấy doanh nghiệp cần phải suy nghĩ làm thế nào có thể nâng tỷ lệ hàng Việt Nam tại các thị trường đó.

Một vấn đề nữa chính là hình ảnh về thương hiệu của Việt Nam tại các thị trường này còn tương đối khiêm tốn. Ví dụ, người tiêu dùng ở các thị trường đó đã biết đến cà phê Việt Nam, gạo Việt Nam, thuỷ sản Việt Nam… thế nhưng lại chưa biết đến một thương hiệu cụ thể nào của Việt Nam.

Chia sẻ về nguyên nhân của tình trạng này, ông Khanh cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn ngại xây dựng thương hiệu, chấp nhận gia công thuần túy.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế về năng lực. Trong khi đó, để làm thương hiệu thì phải có nguồn lực, từ tài chính, nhân lực, kiến thức, kinh nghiệm của mình, từ tư duy chiến lược… Đấy là điều không phải doanh nghiệp Việt Nam nào cũng có.

Lý do thứ ba nữa là thiếu các mối quan hệ tại thị trường sở tại.

Giải pháp nào xây dựng thương hiệu tại thị trường các nước CPTPP?

Chia sẻ về giải pháp để xây dựng thương hiệu hàng Việt tại CPTPP, ông Ngô Chung Khanh cho rằng, về vấn đề xây dựng thương hiệu, các doanh nghiệp không nên cứng nhắc. Các doanh nghiệp nên “đi bằng hai chân”.

Theo đó, một mặt doanh nghiệp không nên từ chối các đơn hàng mang tính chất gia công, bởi vì sẽ giúp ổn định sản xuất kinh doanh, ổn định nguồn tiền, dòng tiền để có công ăn việc làm cho công nhân.

Nhưng nếu doanh nghiệp chỉ quan tâm đến việc làm gia công thì những giá trị sẽ càng ngày càng mòn đi và các cơ hội thị trường mà chúng ta có được từ các FTA càng ngày càng giảm dần.

Giá trị doanh nghiệp có được từ đơn gia công thực sự rất khiêm tốn. Ví dụ cùng 1 loại gạo, song Tập đoàn Lộc Trời ký hợp đồng bán gạo 1.500 Euro/tấn, tức là một con số rất là tốt. Hay kể cả bên Trung An, gạo Trung An cũng bán khoảng hơn 1.000 USD/tấn, như vậy là gấp đôi hoặc thậm chí gấp hai lần rưỡi so với chúng ta bán theo giá gia công. Còn cũng mặt hàng đấy mà vào siêu thị là 4.500 Euro/tấn, cao gấp 9 lần so với giá bán thông thường của doanh nghiệp. Đây chính là giá trị của thương hiệu.

Từ đấy để thấy rằng rõ nếu doanh nghiệp chỉ đi theo con đường gia công thuần túy, trong giai đoạn ngắn hạn và trung hạn giúp chúng ta ổn định về đơn hàng, nhưng về dài hạn không phải giải pháp tối ưu. Doanh nghiệp phải tính đến dài hạn đó là phải xây dựng một thương hiệu riêng.

Để xây dựng thương hiệu riêng thực sự không dễ. Song doanh nghiệp phải xác định là làm được, phải nghĩ trong đầu là làm được thì mới có những giải pháp khác.

Ông Ngô Chung Khanh chia sẻ, kinh nghiệm từ các doanh nghiệp đã xây dựng thành công thương hiệu cho thấy, tư duy các lãnh đạo đều có một điểm chung là họ dám làm, dám chơi và dám chấp nhận những rủi ro.

Thứ hai là có một chiến lược tiếp cận xác định, tìm hiểu thị trường xem có những yêu cầu gì. Mỗi thị trường như Canada hay Hoa Kỳ hay Nhật Bản, EU đều có tiêu chuẩn khác nhau và doanh nghiệp phải nghĩ đến tiêu chuẩn đó. Doanh nghiệp phải xác định nghiên cứu yêu cầu thị trường rồi mới nhìn lại doanh nghiệp xem mình có gì.

“Thực tế tôi thấy xây dựng thương hiệu không phải cần rất nhiều tiền ngay mà là phải sẵn sàng làm. Không nhất thiết phải nguồn lực lớn vẫn có thể làm được nhưng quan trọng là có chiến lược” – ông Khanh nhấn mạnh.

Thứ ba là có một chỉ dẫn và bám sát vào chỉ dẫn như của Cục Xúc tiến thương mại – Bộ Công Thương, hay Thương vụ tại nước ngoài… Bởi vì họ hiểu thị trường, họ có những quan hệ, kết nối mà không có những kết nối đó, không có quan hệ đó thì thực tế rất khó vào thị trường.

Bảo Ngọc

Theo: Báo Công Thương