Các nước RCEP nỗ lực ký kết Hiệp định trong năm 2020 Chính thức ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực RCEP |
Các tàu hàng chở 18 tấn quýt orah đã khởi hành từ cảng Qinzhou thuộc cảng Vịnh Bắc Bộ phía nam Trung Quốc vào cuối tháng 3, đánh dấu lô trái cây ngọt đầu tiên được xuất khẩu qua tuyến đường biển này.
Với sự hỗ trợ của chuỗi hậu cần lạnh, đặc sản địa phương của Nam Ninh, thủ phủ của Quảng Tây, dự kiến sẽ đến Thái Lan trong khoảng 8 ngày. Xuất khẩu trái cây của Trung Quốc đã tăng mạnh với sự phát triển của chuỗi hậu cần lạnh như vậy. He Jian - Giám đốc dự án của công ty hậu cần tại cảng Vịnh Bắc Bộ cho biết, kể từ đầu năm nay, cảng Vịnh Bắc Bộ đã vận chuyển khoảng 2.850 đơn vị tương đương 20 foot (TEU), bao gồm 500 TEU trái cây tươi. Có nhiều phương tiện vận chuyển khác nhau để sầu riêng Thái Lan thâm nhập thị trường Trung Quốc. Mạng lưới giao thông và hậu cần ngày càng thuận tiện cho phép nhiều hàng hóa ASEAN vào Trung Quốc và chia sẻ cơ hội thị trường.
Nhờ việc xây dựng liên tục Hành lang thương mại đất - biển quốc tế mới, một hành lang thương mại và hậu cần do các khu vực cấp tỉnh ở phía tây Trung Quốc và các thành viên ASEAN cùng xây dựng, cảng Vịnh Bắc Bộ đóng vai trò then chốt trong việc cung cấp vận tải hàng hải với khối lượng vận chuyển lớn và hạ giá thành, đáp ứng hiệu quả nhu cầu tiêu dùng.
Nhiều loại đặc sản của miền tây Trung Quốc, bao gồm các sản phẩm cây kỷ tử từ Ninh Hạ, các loại hạt từ Tân Cương và trà từ Quý Châu, đã được xuất khẩu thông qua các dịch vụ đa phương thức đường sắt - đường biển của hành lang trong những năm qua. Các sản phẩm đặc trưng của địa phương đã trở thành động lực mới thúc đẩy tăng trưởng ngoại thương của Trung Quốc trong khu vực, đặc biệt là sau khi Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) có hiệu lực vào ngày 1/1/2022.
RCEP cũng tạo điều kiện thuận lợi cho việc nhập khẩu các mặt hàng như gạo nếp Thái Lan, cá basa Việt Nam và chuối Campuchia. Với thương mại bùng nổ, tổng số chuyến tàu qua dịch vụ đa phương thức đường sắt - đường biển của hành lang đã tăng từ 178 vào năm 2017, khi tuyến bắt đầu hoạt động thường xuyên, lên 8.820 vào năm ngoái.
Nhiều sản phẩm cao cấp hơn với giá trị gia tăng cao hơn, như ô tô, đang tăng cường sự hiện diện trong hành lang thương mại. Kể từ năm 2022, cảng Vịnh Bắc Bộ đã triển khai các tuyến thương mại nước ngoài cụ thể bao gồm các điểm đến ở các quốc gia RCEP.
Cảng hiện có 34 tuyến vận chuyển đến các cảng ở các nước RCEP và có kế hoạch phát triển thêm thị trường nguồn hàng hóa ở các nước như Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. Chỉ riêng năm ngoái, hàng hóa Trung Quốc đến các nước RCEP được vận chuyển qua hành lang thương mại đã tăng 9,7% so với cùng kỳ năm ngoái lên 69.000 TEU.
Việc thực thi RCEP cho phép các doanh nghiệp được hưởng mức thuế ưu đãi cho hàng xuất khẩu, giúp mở rộng thị trường ở Đông Nam Á. Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Học viện Khoa học Xã hội Quảng Tây, cho biết với sự mở cửa và phát triển nhanh chóng của Trung Quốc, hành lang thương mại dự kiến sẽ thúc đẩy hơn nữa tăng trưởng kinh tế của khu vực RCEP trong tương lai.
Duy Hưng (tổng hợp)