Hỗ trợ tiêu thụ 30 tấn hành tím qua sàn thương mại điện tử và “Gian hàng Việt trực tuyến” Trung Quốc là thị trường nhập khẩu hành, hẹ, tỏi lớn nhất của Việt Nam Hành tím Sóc Trăng lại mất giá, nông dân lỗ vốn |
Hành tím là một trong những cây trồng đặc sản của tỉnh Sóc Trăng, được trồng tại huyện Trần Đề và thị xã Vĩnh Châu. Tổng diện tích xuống giống hành tím hằng năm 6.500 ha, năng suất bình quân 18 tấn/ha, sản lượng trên 90.000 tấn.
Hành tím là một trong những cây trồng đặc sản của tỉnh Sóc Trăng |
Về tình hình tiêu thụ hành tím mùa vụ 2022 – 2023, ông Trần Trọng Khiêm - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng - thông tin, trước Tết Nguyên đán, giá hành tím thương phẩm dao động từ 38.000 – 45.000 đồng/kg chủ yếu là hành sớm (tương đương với giá hành năm trước). Sau Tết giá hành bắt đầu giảm, tính đến hiện nay giá hành dao động từ 15.000 – 26.000 đồng/kg.
Theo ông Khiêm, hiện đang là thời điểm hành bước vào giai đoạn thu hoạch rộ, do đó, với sản lượng lớn, Sóc Trăng mong được phát triển liên kết tiêu thụ sản phẩm với tất cả các địa phương, doanh nghiệp, siêu thị... trên cả nước. “Tỉnh Sóc Trăng sẵn sàng tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp thu mua, chế biến, tiêu thụ hành phát triển các chuỗi liên kết để khai thác hết tiềm năng của sản phẩm hành tím. Từ đó, nâng cao giá trị sản phẩm hành, gia tăng thu nhập cho người nông dân”, ông Trần Trọng Khiêm cho hay.
Cùng với Sóc Trăng, Hải Dương cũng là một trong những địa phương có diện tích trồng hành củ lớn trên cả nước. Bà Phạm Thị Đào - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương - thông tin, trong vụ đông 2022 - 2023, tổng diện tích trồng hành củ của địa phương là 5.785 ha với sản lượng của 110.000 tấn.
Về tiêu thụ, giá hành đầu vụ (từ cuối tháng 12 đến hết tháng 1) luôn cao, ổn định ở mức từ 25.000 - 27.000 đồng/kg (cao hơn cùng kỳ năm trước từ 5.000 - 7.000 đồng/kg). Từ đầu tháng 2 đến nay, giá bán dao động từ 15.000 - 18.000 đồng/kg.
Đối với hành lá (còn gọi là hành hoa hoặc mủa), tổng diện tích toàn tỉnh cả năm đạt trên 350 ha. Về giá bán, trung bình dao động từ 8.000 - 15.000 đồng/kg, có thời điểm 20.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, theo bà Đào, sản xuất tiêu thụ hành của Hải Dương vẫn gặp nhiều khó khăn ở khâu chế biến và bảo quản. Hình thức bảo quản chủ yếu là thủ công, chưa có hệ thống kho bảo quản hiện đại nên tỷ lệ hoa hụt cao. Việc xây dựng chuỗi vẫn còn hạn chế, chủ yếu tiêu thụ trong nước, thiếu tính ổn định…
Trên cơ sở đó, bà Đào đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan liên quan, quan tâm, hỗ trợ Hải Dương đầu tư xây dựng hệ thống sấy và bảo quan hành sau thu hoạch, giảm áp lực cho tiêu thụ tươi. Tăng cường kết nối với các doanh nghiệp, siêu thị để sản phẩm hành của Hải Dương thuận lợi đi vào thị trường nhiều hơn….
Tương tự, tại Nghệ An, với diện tích canh tác hàng năm xấp xỉ 1.000 ha/năm, sản lượng đạt khoảng 15.000 - 20.000 tấn/năm, trong đó hành lá chiếm 90%. Hiện nay, sản phẩm hành hoa, hành lá được tiêu thụ theo bán sản phẩm tươi theo thu hoạch, giá bán phụ thuộc nhu cầu của thị trường từng thời điểm song có sự biến động lớn, dao động từ 2.000-10.000 đồng/kg.
Ông Nguyễn Xuân Dinh - Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu (tỉnh Nghệ An) - cho hay, huyện cũng có liên kết làm theo hình thức hành lá sấy khô phục vụ một số nhà máy công ty song không được thường xuyên và khối lượng hạn chế. Do đó, mong muốn các doanh nghiệp, các cấp có thể nắm bắt tình hình và quan tâm, hỗ trợ thúc đẩy phát triển sản xuất, kết nối tiêu thụ sản phẩm, đầu tư liên kết chế biến đối với hành nói chung và các đối tượng rau khác góp phần ổn định đầu ra sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân của huyện.
Ông Lê Vương Quốc - Phó Giám đốc Công ty CP Gimex Việt Nam - cho biết, hành tím Sóc Trăng, Quảng Ngãi, Ninh Thuận sản lượng nhiều, đủ sức đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước nhưng chúng ta nhập từ các nước về rất nhiều, gây áp lực cho tiêu thụ nội địa. Và giá hành của họ luôn rẻ hơn của chúng ta, cụ thể hành Ấn Độ củ tròn từ 3 cm trở lên giá chỉ 250 USD/tấn, trong khi của Việt Nam là 25.000 – 30.000 ngàn đồng/kg, mà còn nguyên bó, chưa cắt rời.
Để tăng tính cạnh tranh về giá trên thị trường cả trong nước và xuất khẩu, ông Lê Vương Quốc đề nghị ngành nông nghiệp cần hỗ trợ nông dân thay đổi quy trình sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật nhằm tăng năng suất và giảm giá thành.
Hành Ấn Độ củ tròn từ 3 cm trở lên giá chỉ 250 USD/tấn, trong khi của Việt Nam là 25.000 – 30.000 ngàn đồng/kg, mà còn nguyên bó, chưa cắt rời. |
Cùng với bán tươi, hành tím và hành lá là mặt hàng mà các đơn vị chế biến lương thực thực phẩm sử dụng rất nhiều. Cụ thể, riêng mặt hàng mì ăn liền, tại TP. Hồ Chí Minh, mỗi năm các doanh nghiệp sản xuất ra trên 7 tỷ gói, nên cần rất nhiều mặt hàng hành, rau sấy khô để làm gói gia vị.
Bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Thực phẩm (FFA) - đề xuất, trong điều kiện chúng ta đang thực hiện số hóa, nên sớm xây dựng dữ liệu dùng chung trong sản xuất nông nghiệp theo từng nhóm hàng, để tạo điều kiện thuận lợi cho liên kết sản xuất, tiêu thụ.
Để giải quyết vấn đề dội hàng rớt giá, bà Lý Kim Chi cho hay, các thành viên FFA đang đầu tư kho lạnh tại vùng sản xuất để lưu trữ, bảo quản một số mặt hàng gia vị như hành tím, hành lá, ớt... có thể bảo quản được 3 - 4 tháng, giúp giảm áp lực tiêu thụ khi vào vụ thu hoạch rộ.
Hành, tỏi là một trong những sản phẩm chính được tiêu thụ trong hệ thống siêu thị của Central Group, doanh nghiệp này đang có mong muốn tăng cường tiêu thụ. "Hành, tỏi là sản phẩm nằm trong mỗi bữa cơm của người Việt. Tuy nhiên, chúng tôi cần phân loại sản phẩm theo chất lượng để có thể đưa các sản phẩm chất lượng phù hợp với từng đối tượng. Ví dụ, khách mua trong siêu thị cần có mẫu mã đẹp và có thể là các thương hiệu uy tín", ông Paul Le - Phụ trách xúc tiến thương mại Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam - chia sẻ và cho rằng, Sóc Trăng là địa phương đứng đầu về sản xuất hành tím, nên tỉnh cần nhấn mạnh thêm thương hiệu của nông sản này, nêu được nguồn gốc, chất lượng của sản phẩm.
Cũng theo ông Paul Le, trong tương lai, các sản phẩm gia vị như hành, tỏi, ớt rất có tiềm năng để xuất khẩu đi các thị trường quốc tế. Vì vậy, bên cạnh việc tiêu thụ trong nước, chúng ta cần quan tâm đến mẫu mã, đóng gói, thương hiệu để có thể chiếm lĩnh được thị trường quốc tế.
Nguyễn Hạnh