Vinafood 2 từng là nhà sản xuất gạo lớn nhất cả nước với 22 công ty con và công ty liên kết được hưởng nhiều ưu đãi của Chính phủ. Tuy nhiên, kể từ năm 2013 đến nay, doanh nghiệp này đã liên tục chìm trong thua lỗ kéo dài.
Năm 2018, bầu Hiển bỏ ra hơn 1.200 tỷ đồng sở hữu 25% cổ phần Vinafood 2 được kỳ vọng sẽ giúp công ty cải thiện tình hình hoạt động. Tuy vậy hàng loạt những bất cập khiến cho những kỳ vọng khi xây dựng phương án cổ phần hóa đến nay vẫn chưa thể thực hiện được.
Tình trạng bộ máy cồng kềnh, bộ máy kinh doanh thiếu và yếu, mất khách hàng truyền thống… đã diễn ra từ lâu nhưng công ty vẫn chưa có phương án giải quyết triệt để trong khi rủi ro mất thanh khoản do ngân hàng dừng giải ngân luôn cận kề.
Ngoài ra, Vinafood 2 còn liên tục vướng vào nhiều lùm xùm pháp lý trong việc quản lý, sử dụng sai quy định và gây thất thoát tài sản Nhà nước với số tiền lên tới hàng nghìn tỷ đồng.
Về kết quả kinh doanh quý IV/2021, VSF đạt 4.108 tỷ đồng doanh thu - tăng 13% so với cùng kỳ; doanh thu tài chính tăng 58% lên mức 24,5 tỷ đồng nhưng chi phí tài chính và chi phí bán hàng tăng cao trong kỳ khiến cho công ty tiếp tục rơi vào thua lỗ 87 tỷ đồng. Đây là quý thứ 9 thua lỗ liên tiếp của VSF.
Lũy kế cả năm 2021, Vinafood 2 thu về 16.563 tỷ đồng doanh thu thuần; lỗ 326 tỷ đồng sau thuế, cùng kỳ lỗ 239 tỷ đồng. Tính đến hết năm 2021, lỗ lũy kế của Vinafood 2 là 2.654 tỷ đồng.
Tính riêng trong giai đoạn từ sau khi chuyển thành công ty cổ phần vào ngày 9/10/2018 đến nay, Vinafood 2 đã lỗ hơn 2.000 tỷ đồng. Bên cạnh việc trích lập dự phòng phải thu gần 1.200 cho những khoản phát sinh từ giai đoạn trước được thực hiện ngay sau khi chuyển sang công ty cổ phần thì Vinafood 2 vẫn lỗ tới hơn 800 tỷ từ hoạt động kinh doanh.
Kết phiên 21/2/2022, thị giá cổ phiếu VSF là 7.100 đồng/cp với lượng thanh khoản thấp chỉ hơn 2000 đơn vị khớp lệnh trung bình 10 phiên.
Lan Phương
Kiến thức Đầu tư - Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam