Vẽ lại số phận
Giữa bối cảnh thị trường vàng trong nước chưa ngừng biến động, sự quan tâm của dư luận không chỉ gói gọn trong phạm vị hoạt động của các nhà vàng lừng lẫy như Bảo Tín Minh Châu, PNJ, Doji... mà những doanh nghiệp khai thác vàng kín tiếng cũng đang đặc biệt được chú ý tới.
Ở Việt Nam, Phước Sơn (Quảng Nam) là một trong những mỏ vàng có trữ lượng lớn nhất cả nước, thậm chí là có "số má" trong khu vực Đông Nam Á, châu Á, theo đánh giá của giới quan sát.
Giới chủ mỏ vàng Phước Sơn có mối liên kết chặt chẽ với VietABank và Tập đoàn Đầu tư Việt Phương của đại gia Phương Hữu Việt. (Ảnh minh họa) |
Chủ mỏ vàng Phước Sơn là Công ty TNHH Vàng Phước Sơn (viết tắt là Công ty Phước Sơn), doanh nghiệp ra đời vào tháng 10/2003 trên cơ sở liên doanh giữa Công ty Cổ phần Kỹ nghệ Khoáng sản Quảng Nam (UPCoM: MIC) và Công ty New Vietnam Mining Corp (Canada, thành viên của Tập đoàn Besra), trong đó, đa số cổ phần thuộc về nhà đầu tư nước ngoài.
Công ty Phước Sơn có sứ mệnh đầu tư, thực hiện dự án mỏ vàng Phước Sơn - hay còn được biết tới với cái tên mỏ vàng Đăk Sa. Thời hạn hoạt động của dự án là 30 năm kể từ ngày cấp phép đầu tư.
Ít ai ngờ, việc khai thác mỏ vàng Phước Sơn lại gặp rất nhiều khó khăn, trắc trở nên không lâu khi cho ra mẻ vàng đầu tiên vào năm 2011, Công ty Phước Sơn lâm vào tình trạng báo động về tài chính. Đến cuối năm 2013, đầu 2014, doanh nghiệp phải ngừng hoạt động do thua lỗ và nợ nần.
Khoản nợ thuế gần 400 tỷ đồng khi ấy là nguồn cơn dẫn tới lệnh cưỡng chế thuế của Cục Thuế tỉnh Quảng Nam đối với doanh nghiệp, mặt khác, các chủ nợ khác như nhà băng (tiêu biểu là Ngân hàng TMCP Việt Á - VietABank) và nhiều hộ buôn bán, kinh doanh cũng liên tục gây sức ép lên chủ mỏ vàng Phước Sơn.
Tình cảnh điêu đứng của Công ty Phước Sơn chính là những gì Công ty TNHH Vàng Bồng Miêu, một thành viên khác của Tập đoàn Besra, đơn vị khai thác mỏ vàng Bồng Miêu đang gánh chịu. Cũng nợ nần bết bát nhiều năm, nhưng số phận của chủ mỏ này sớm đã được định đoạt vào năm 2018, bị phá sản và để lại nỗi uất ức cho rất nhiều chủ nợ từ nhà cung cấp, người lao động, nợ bảo hiểm, nợ thuế... với số tiền cả ngàn tỷ đồng.
Giấy phép khai thác khoáng sản của doanh nghiệp tại mỏ vàng Bồng Miêu (xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh, Quảng Nam) trước đó hết hạn từ năm 2016. Tại thời điểm cuối năm 2017, chủ đầu tư ghi nhận lỗ lũy kế hơn 1.028 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm hơn 966 tỷ đồng, giá trị tài sản còn lại được thẩm định chỉ có 34,8 tỷ đồng.
May mắn hơn Công ty Bồng Miêu, nhà khai thác mỏ vàng Phước Sơn nhận được sự hỗ trợ tích cực từ nhiều bên, hăng hái nhất là VietABank của Chủ tịch Hội đồng quản trị Phương Hữu Việt nên đã "cải tử hoàn sinh". Văn bản công bố hồi tháng 10/2015 cho biết, phía Tập đoàn Besra đã chuyển nhượng 35% vốn cho Công ty Cổ phần Vàng Việt Á (sau đổi tên thành Công ty Cổ phần Vàng Vaco), hạ tỷ lệ sở hữu xuống 50%; 15% còn lại trong tay Công ty Kỹ nghệ Khoáng sản Quảng Nam.
Cần nhắc lại, VietABank, Tập đoàn Đầu tư Việt Phương hay cá nhân ông Phương Hữu Việt chưa một lần thừa nhận mối quan hệ trên mức đối tác với Công ty Phước Sơn. Tuy nhiên, ông Phương Hữu Việt là cái tên xuất hiện trong cơ cấu cổ đông của Công ty Vàng Vaco, đồng thời, Tập đoàn Đầu tư Việt Phương ("sếu đầu đàn" của hệ sinh thái đại gia Phương Hữu Việt) cũng là cổ đông lớn sở hữu vài chục phần trăm cổ phần tại Công ty Kỹ nghệ Khoáng sản Quảng Nam, tính đến thời điểm hiện tại.
Đặc biệt, tháng 3/2019 chứng kiến sự kiện quan trọng khi Tập đoàn Besra chính thức rút khỏi Công ty Phước Sơn. 50% cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đã bất ngờ được chuyển sang cho nữ doanh nhân trẻ sinh năm 1992 - chị Nguyễn Đắc Quỳnh Anh, khi ấy chỉ 27 tuổi.
Việc nắm mỏ vàng có trữ lượng lớn nhất Việt Nam khiến dân tình lúc này đổ xô lùng sục tin tức về nữ đại gia Quỳnh Anh, nhưng không có nhiều thông tin xuất hiện trên truyền thông đại chúng, chỉ biết gốc gác của doanh nhân ở huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh - tình cờ cũng là nơi xuất thân của ông Phương Hữu Việt. Các hoạt động làm ăn của nữ đại gia này cũng gắn chặt với VietABank, sẽ được nhắc đến dưới đây.
Ngược lại thời gian, dấu ấn của ông Phương Hữu Việt tại Công ty Phước Sơn là không thể phủ nhận. Sau khi đặt chân vào bộ máy quản lý của Công ty Phước Sơn, từ tháng 8/2016, VietABank chính thức đứng ra bảo lãnh cho Công ty Phước Sơn trả nợ thuế theo hình thức nộp dần, số tiền khoảng 335 tỷ đồng theo đó được chia làm 11 tháng (bình quân trên dưới 30 tỷ đồng/tháng).
Cùng lúc, sự bảo lãnh thanh toán của VietABank giúp chủ mỏ vàng sửa chữa máy móc, thiết bị, tái khởi động hoạt động khai thác, đưa nhà máy chế biến vàng vận hành trở lại... Từ đó từng bước phục hồi sản xuất kinh doanh, tạo ra doanh thu mới.
Ai là chủ mỏ vàng Phước Sơn?
Đi qua những ngày giông bão, thành công vượt "cửa tử", Công ty Phước Sơn sau đó tiếp tục phát triển lớn mạnh, mở rộng quy mô hoạt động, tiêu biểu là tháng 6/2022, doanh nghiệp thực hiện tăng vốn điều lệ từ 400 tỷ đồng lên 1.340 tỷ đồng (gấp 3,35 lần).
Đến nay, ông Phương Hữu Việt đã rời khỏi VietABank nhưng hình bóng của ông tại ngân hàng vẫn chưa hoàn toàn phai nhạt. Tương tự ở Công ty Phước Sơn, dù trên giấy tờ ông không dính dáng gì nhưng giới tài chính vẫn đồn đoán sức ảnh hưởng của ông tại mỏ vàng trữ lượng lớn nhất nhì đất nước là không nhỏ.
Theo danh sách cổ đông mới nhất của Công ty Phước Sơn cập nhật tháng 6/2022, chị Nguyễn Đắc Quỳnh Anh đã hạ tỷ trọng xuống 24,925% tương đương 334 tỷ đồng; bà Lương Thị Linh (SN 1955) cũng giảm từ 76,448% xuống 22,836% (306 tỷ đồng), đổi lại bà Nguyễn Thị Mừng (SN 1974) thành nữ chủ mới của mỏ vàng Phước Sơn, nắm tới 52,239% (700 tỷ đồng).
Về chị Nguyễn Đắc Quỳnh Anh, bên cạnh thông tin vừa đề cập, chị còn là chủ của Công ty TNHH Đầu tư xây dựng công trình Thảo Nguyên, Công ty TNHH Thương mại xây dựng đầu tư AH, Công ty TNHH Thương mại đầu tư tổng hợp Hà Anh, Công ty TNHH Thương mại dịch vụ tổng hợp Phú An Phát... đều có trụ sở ở Hà Nội. Chị Quỳnh Anh có thói quen đem hết cổ phần doanh nghiệp làm tài sản thế chấp cho VietABank tại ba chi nhánh quen mặt là Hoàng Mai, Hà Nội và Hà Đông.
Đến nay, ông Phương Hữu Việt đã rời khỏi VietABank nhưng hình bóng của ông tại ngân hàng vẫn chưa hoàn toàn phai nhạt. Tương tự ở Công ty Phước Sơn, dù trên giấy tờ ông không dính dáng gì nhưng giới tài chính vẫn đồn đoán sức ảnh hưởng của ông tại mỏ vàng trữ lượng lớn nhất nhì đất nước là không nhỏ. (Ảnh minh họa) |
Đây cũng là điểm chung giữa chị Nguyễn Đắc Quỳnh Anh và bà Lương Thị Linh. Chẳng hạn tháng 8/2018, bà Lương Thị Linh cùng chồng là ông Phương Hữu Lĩnh (anh trai ông Phương Hữu Việt) cũng đưa 262.500 cổ phần Công ty Cổ phần Ngọn Hải Đăng cho VietABank - Chi nhánh Hà Nội làm tài sản bảo đảm cho một giao dịch tín dụng.
Doanh nghiệp này là chủ dự án Khu du lịch Ngọn Hải Đăng ở huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận. Có quy mô cả chục hecta nhưng chỉ là dự án "bánh vẽ" vi phạm tiến độ sử dụng đất trên địa bàn tỉnh, gây lãng phí đất đai, bức xúc trong dư luận, đã bị chính quyền tỉnh "bêu tên" hồi tháng 10/2022. Xuất hiện trong nhóm cổ đông Công ty Ngọn Hải Đăng, còn có bà Phương Minh Huệ - Tổng giám đốc Tập đoàn Đầu tư Việt Phương, cựu Thành viên Hội đồng quản trị VietABank.
Không ngoại lệ, người giữ 52,239% mỏ vàng Phước Sơn - bà Nguyễn Thị Mừng cũng có liên hệ sâu sắc tới VietABank. Bà là người đại diện, chủ của Công ty TNHH Dịch vụ đầu tư Đông Dương, pháp nhân từng được nhắc tới nhiều lần trên truyền thông khi có khoản nợ phải trả 810 tỷ đồng tại Công ty Cổ phần SAM Holdings (HOSE: SAM). Nhưng không nhiều người biết rằng, toàn bộ cổ phần tại Công ty Đông Dương của bà Mừng đang nằm trong "két" của VietABank - Chi nhánh Hà Nội từ tháng 9/2022, dưới dạng tài sản thế chấp...
Vẫn theo tài liệu của Báo Công Thương, phần vốn góp của chị Nguyễn Đắc Quỳnh Anh hay bà Nguyễn Thị Mừng đều xuất phát từ khoản nợ trước đó cho Công ty Phước Sơn vay. Việc chuyển đổi nợ thành vốn góp là phương án giải quyết nợ được hai bên thống nhất theo biên bản thỏa thuận số 01/2022/TT/PS-CN và số 02/2022/TT/PS-CN ngày 21/6/2022.
Còn đó những nỗi lo
Ngày 24/1/2024, Công ty Phước Sơn đón tin vui khi UBND tỉnh Quảng Nam có văn bản gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường, Cục Khoáng sản Việt Nam về việc gia hạn giấy phép khai thác khoáng sản tại các khu vực Bãi Gõ, Bãi Đất - mỏ vàng Đăk Sa của doanh nghiệp.
Tỉnh Quảng Nam thống nhất với đề nghị của Công ty Phước Sơn về việc xin gia hạn giấy phép khai thác khoáng sản vàng gốc tại các khu vực Bãi Gõ, Bãi Đất - mỏ vàng Đăk Sa với thời gian đề nghị gia hạn là 8 tháng để hoàn chỉnh các hồ sơ, thủ tục điều chỉnh thiết kế bản vẽ thi công khai thác mỏ, lập hồ sơ xin cấp giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp và có thời gian khai thác hết trữ lượng quặng còn lại tại mỏ...
Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam khẳng định, Công ty Phước Sơn đã cơ bản chấp hành đúng các quy định pháp luật, đến ngày 20/12/2023, công ty không có nợ thuế (theo xác nhận của Cục Thuế tỉnh). Trong giai đoạn thị trường vàng đang tăng hồ hởi, đây là cơ hội hiếm có đối với Công ty Phước Sơn, mang tới kỳ vọng lớn cho doanh nghiệp.
Song, Công ty Phước Sơn vẫn còn đó những nỗi lo về tài chính. Số vốn góp của cổ đông (1.340 tỷ đồng), tính đến cuối năm 2023 chỉ còn lại 201 tỷ đồng, do khoản lỗ lũy kế 1.138 tỷ đồng gần như "nuốt chửng" vốn chủ sở hữu.
Mặc dù doanh nghiệp đang có những nỗ lực đáng ghi nhận các năm trở lại đây, bắt đầu báo lãi trở lại từ năm 2021 (215 tỷ đồng), 2022 (177 tỷ đồng) và 2023 (50,8 tỷ đồng), nhưng hành trình "vá lỗ" có thể kéo dài đến thập kỷ kế tiếp nếu dựa vào mức thu nhập bình quân 3 năm gần nhất (lãi ròng khoảng 150 tỷ đồng/năm).
Điểm sáng là trong khối nợ phải trả 553 tỷ đồng (cao gấp 2,75 lần vốn chủ sở hữu), các chủ nợ đều là người quen, có quan hệ nhất định với doanh nghiệp nên quá trình thương lượng sẽ dễ dàng hơn, áp lực trả nợ qua đó giảm tải so với giai đoạn khi tái cấu trúc.
Chẳng hạn như chị Nguyễn Đắc Quỳnh Anh đang cho doanh nghiệp nợ khoảng 130 tỷ đồng, bà Phương Minh Huệ, ông Trần Văn Hải, Công ty Vàng Vaco... Ngoài ra, doanh thu của họ đang dần được cải thiện, lần lượt đạt 201 tỷ đồng (2020), 497 tỷ đồng (2021), 747 tỷ đồng (2022) và 700 tỷ đồng (2023).