Thống kê trong 13 năm giai đoạn 2010 - 2022, VN-Index tăng điểm trong 8/13 năm. Mức tăng cao nhất ghi nhận trong năm 2013 với 15,97%. Trong 5 năm trở lại đây, mức tăng cao nhất của VN-Index lên đến 12,81% vào năm 2018. Đây cũng là thời điểm chỉ số trên con đường chinh phục ngưỡng 1.200 điểm quý đầu năm 2018.
Thống kê cho thấy, VN-Index thường có chuỗi tăng liên tiếp. Trong 5 năm của giai đoạn 2011 - 2015, chỉ số này đều tăng. Ba năm 2012 - 2014 đều ghi nhận mức tăng trên 10%. Tuy nhiên, trong ba năm gần đây VN-Index đều giảm điểm. Mức giảm mạnh nhất vào năm 2021 với 4,28%. Năm ngoái chỉ số này cũng giảm 1,29%.
Nhịp tăng của VN-Index trong tháng 1/2023 vẫn là một dấu hỏi lớn? |
Trong bối cảnh thị trường chung vẫn còn khá nhiều thách thức sau đà giảm gần 33% của năm 2022 đã qua, nhịp tăng của VN-Index trong tháng 1/2023 vẫn là một dấu hỏi lớn.
Trở lại hiện tại, VN-Index đang khởi động 2 phiên đầu năm 2023 vô cùng khởi sắc, mang tới kỳ vọng "vạn sự hanh thông" cho giới đầu tư sau chuỗi ngày ảm đạm cuối năm 2022. Đáng chú ý, phiên giao dịch đầu tiên của năm mới, thị trường chứng khoán Việt Nam ngập tràn sắc xanh tăng điểm trong hầu hết thời gian. Hàng loạt nhóm cổ phiếu đồng thuận tăng giá đẩy chỉ số VN-Index nới rộng đà tăng và kết phiên tại mức điểm cao nhất phiên. Đóng cửa ngày 3/1, chỉ số chính tăng 36,81 điểm (3,66%) lên mức 1.043,9 điểm. VN30-Index thậm chí tăng tới hơn 42 điểm lên tương ứng gần 4,2%.
Việc tăng gần 37 điểm trong phiên đầu năm giúp VN-Index lập kỷ lục khi có phiên tăng điểm cao nhất trong lịch sử hơn 22 năm hoạt động . Tính theo số tương đối, mức tăng gần 3,7% cũng đứng thứ 2 trong lịch sử, chỉ thấp hơn mức tăng 4,5% trong phiên 4/1/2010 (tăng hơn 22 điểm).
Diễn biến đầy khả quan trong phiên đầu năm đang giúp gỡ bỏ phần nào tâm lý thận trọng của nhà đầu tư. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường chung vẫn còn khá nhiều thách thức, cho nên nhịp tăng của VN-Index trong tháng 1/2023 vẫn là một dấu hỏi lớn.
Một thông tin tích cực, đó là tổng cộng có tới 12 lần trong tháng 1 chỉ số VN-Index tăng điểm so với đầu tháng, cao hơn so với 10 tháng giảm. Đà tăng cũng áp đảo, giá trị bứt phá mạnh nhất diễn ra vào tháng 1/2007 khi chỉ số sàn HoSE tăng hơn 38,5%; năm 2013 cũng ghi nhận mức tăng xấp xỉ 16% hay mức tăng hơn 28% cũng được ghi nhận vào tháng 1/2004.
Thêm một yếu tố khác để kỳ vọng là định giá P/E của VN-Index hiện đạt xấp xỉ 10,5 lần, tiệm cận mức thấp nhất trong 10 năm (10,3 lần) vào ngày 5/11/2012. Mức định giá này cũng gần về định giá mà VN-Index đã từng ghi nhận trong làn sóng Covid thứ nhất vào ngày 31/3/2020. So với mức định giá trung bình 10 năm khoảng 16 lần và mức trung vị 10 năm 16,23 lần, mức định giá theo P/E hiện tại của VN-Index thấp hơn đáng kể.
Theo FIDT, khi so sánh với các chỉ số quốc tế và khu vực, P/E của VN-Index đang ở mức thấp nhất so với các thị trường khu vực và quốc tế. Dù P/B của VN-Index thấp hơn trung bình các thị trường và cao hơn khối ASEAN-5 và Trung Quốc, nhưng khi xét đến yếu tố ROE (thước đo quan trọng cho mức P/B hợp lý) thì định giá thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn tương đối rẻ hơn các thị trường khu vực và quốc tế nhờ có mức định giá hấp dẫn.
Hơn nữa, thống kê trong hơn 22 năm giao dịch của thị trường chứng khoán Việt Nam, hiệu suất trung bình của VN-Index trong vòng một tháng đạt mức cao nhất là vào tháng 12 và tháng 1 hàng năm. Cụ thể, trong giai đoạn từ năm 2000 tới hiện tại, hiệu suất trung bình của VN-Index trong tháng 12 đạt 3,45%, cao nhất cả năm; xếp tiếp theo là tháng 1 liền sau đó với mức hiệu suất trung bình cũng lên tới 2,82%.
Các chuyên gia cho rằng, dù chưa kịp gom cổ phiếu trong tháng cuối năm 2022, hiện tại nếu mua cổ phiếu vào tháng 1 và bán ra trong tháng 2 thì nhà đầu tư vẫn có thể đạt hiệu suất trung bình tương đối ấn tượng.
Ông Trương Thái Đạt, Giám đốc khối Phân tích Chứng khoán DSC khuyến nghị: “Một nhà đầu tư chuyên nghiệp sẽ không để tâm lý nghỉ Tết ảnh hưởng đến hoạt động giao dịch, họ tiếp tục duy trì chiến lược giao dịch và nắm giữ các cổ phiếu còn dư địa tăng giá”.
Chứng khoán SHS cho rằng, thị trường cuối năm và phiên đầu năm đã phát đi những tín hiệu tích cực, chúng tôi vẫn luôn nhận định cơ hội cho nhà đầu tư trung, dài hạn đang ngày càng rõ ràng trong thời gian vừa qua. Nhà đầu tư dài hạn hoàn toàn có thể tiếp tục gia tăng tỷ trọng nắm giữ cổ phiếu trong giai đoạn hiện tại để đón đầu giai đoạn mới tích lũy và bùng nổ của thị trường. Hướng giải ngân nên tập trung vào các cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt, các cổ phiếu dẫn đầu ngành và vẫn duy trì được tăng trưởng lợi nhuận và tiếp tục có kỳ vọng tăng trưởng trong năm tới.
Theo nhận định của ông Nguyễn Thành Trung, Trường phòng Phân tích Công ty chứng khoán Thành Công, nhóm tài chính có khả năng sẽ "chạy" trước thị trường và đưa ra 2 nhóm ngành được lựa chọn. Đầu tiên, ngân hàng là nhóm ngành có khả năng ngân hàng dẫn dắt thị trường. Bản chất ngân hàng đã đi ngang rất lâu nên năm 2023 sẽ là điểm sáng. Tiếp theo là nhóm ngành mang tính chất chu kỳ cao và có độ nhạy với thị trường là nhóm chứng khoán.
Năm 2022, nhiều cổ phiếu chứng khoán và ngân hàng đã giảm 60 – 70%, P/B nhiều mã đã về quanh 1 lần, thậm chí dưới 1 lần. Do đó, đây sẽ là hai nhóm cổ phiếu sẽ bật tăng trước khi thị trường hồi phục từ đáy.
Trong nhóm ngân hàng, nhà đầu tư có lựa chọn rủi ro cao có thể xem cổ phiếu có kế hoạch tăng trưởng cao trong năm 2023. Nếu khả năng chịu đựng rủi ro thấp thì nhà đầu tư có thể lựa chọn ngân hàng ít bị ảnh hưởng bởi vấn đề nợ xấu và trái phiếu.
Đối với nhóm chứng khoán, nhà đầu tư nên tập trung vào những công ty chứng khoán top đầu, có thị phần cao, tập trung vào hoạt động môi giới và có định giá P/B tầm quanh 1 lần. Từ tháng 3/2020, thị trường tạo đáy khi Covid xảy ra, cổ phiếu chứng khoán cũng tăng gấp 5 – 10 lần trong giai đoạn năm 2021.
Bên cạnh đó, những cổ phiếu giảm giá sâu, có dòng tiền ổn định và trả cổ tức cao cũng là một sự lựa chọn phù hợp cho nhà đầu tư ưa thích sự an toàn. Theo đó, những cổ phiếu ngành điện được cho là khá hấp dẫn để đầu tư trong bối cảnh vĩ mô năm 2023 vẫn còn nhiều bất ổn. Dù vậy, tùy khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư mà lựa chọn cổ phiếu phù hợp. Với những nhà đầu tư khả năng chịu đựng thấp, cần tập trung vào những doanh nghiệp, cổ phiếu phù hợp với mục tiêu của mình.
Dòng tiền qua quỹ ETF vào TTCK Việt Nam trong năm 2022 đạt gần 24.000 tỷ đồng Lũy kế cả năm 2022, các quỹ ETF đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam hút ròng khoảng hơn 23.886 tỷ đồng, gấp ... |
Chứng khoán phiên sáng 5/1: Tiếp đà tăng nhẹ Thị trường chứng khoán phiên giao dịch sáng ngày 5/1 mở cửa với trạng thái tăng nhẹ nhờ nỗ lực của các cổ phiếu nhóm ... |
Các công ty chứng khoán đưa ra kịch bản nào cho VN-Index trong năm 2023? Trải qua một năm biến động mạnh với nhiều biến cố khó lường đi ngược với những dự báo trước đó, các công ty chứng ... |
Quỳnh Nga