Sơn La: Hướng phát triển kinh tế mới từ quýt Chiềng Cọ Sử dụng phân bón khoa học để hồi sinh ‘vương quốc quýt hồng’ |
Sản phẩm quýt Ôn Châu được người tiêu dùng ưa chuộng. (Nguồn: UBND huyện Cao Phong) |
Những ngày cuối tháng 8, trên thủ phủ đất cam Cao Phong (Hòa Bình), người dân nơi đây đang phấn khởi bắt tay vào thu hoạch giống cây xen canh - quýt Ôn Châu vụ mùa 2023.
Mùa vụ này, quýt Ôn Châu đạt năng suất, chất lượng ổn định, giá bán cao hơn so với năm ngoái.
Hiện, giá bán tại vườn dao động từ 24.000-26.000 đồng/kg. Sản phẩm được tiêu thụ mạnh trên khắp thị trường trong và ngoài tỉnh.
Quýt Ôn Châu là cây ăn quả chín sớm, được trồng xen canh với các giống cam như: Cam lòng vàng, cam mát, cam Canh, cam Xã Đoài... tại các vườn trồng thuộc thị trấn Cao Phong, xã Tây Phong, Dũng Phong, Bắc Phong...
Quýt Ôn Châu vỏ mỏng, mọng nước, tép vàng và không có hạt; có thể dùng tay bóc vỏ ăn trực tiếp hoặc vắt nước uống và được người tiêu dùng rất ưa thích.
Thời vụ thu hoạch quýt Ôn Châu thường kéo dài khoảng 2 tháng. Sau đó thủ phủ cam Cao Phong sẽ bước vào thu hoạch các giống cam như Lòng vàng, Cam mát…
Tại nhà vườn ông Nguyễn Ngọc Hà, xã Tây Phong (Cao Phong), năm nay gia đình ông trồng xen canh quýt Ôn Châu khoảng 1.000 m2. Sản lượng đạt khoảng 7-8 tạ quả.
Thời điểm này, tư thương xếp hàng từng chuyến ôtô tải đều đặn vào vườn thu mua quýt.
Ông Hà chia sẻ: "Gia đình tôi sẽ tiếp tục duy trì diện tích trồng quýt hiện có, nâng cao chất lượng sản phẩm bằng việc nghiêm túc tuân thủ quy trình trồng theo tiêu chuẩn VietGAP."
Chị Vũ Thị Lệ Thủy, Giám đốc Hợp tác xã 3T Farm, khu 1, thị trấn Cao Phong, huyện Cao Phong chia sẻ quýt Ôn Châu đang là sản phẩm rất được người tiêu dùng ưa chuộng.
Các thành viên hợp tác xã đã trồng quýt Ôn Châu theo đúng quy trình VietGAP đảm bảo tuyệt đối về quy trình chăm sóc vệ sinh an toàn thực phẩm.
Sau khi thu hoạch, quýt Ôn Châu sẽ được rửa sạch bằng hệ thống máy sục ozone, sau đó đóng hộp để làm quà tặng phân phối đến khách hàng với giá 45.000 đồng/kg và giá bán ngoài thị trường dao động 30.000-35.000 đồng/kg.
Các quán càphê, giải khát rất thích mua quýt Ôn Châu để vắt nước, bởi quả mọng nước và màu nước vàng rất bắt mắt.
Ông Bùi Văn Dán, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Cao Phong cho biết quýt Ôn Châu chủ yếu được trồng xen với các giống cam khác, nhờ ứng dụng tốt khoa học kỹ thuật, tuân thủ quy trình về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm nên chất lượng quả ngày càng cao.
Người trồng cam quýt Ôn Châu huyện Cao Phong hướng tới sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ; tăng cường tuyên truyền, quảng bá sản phẩm để người tiêu dùng biết đến các sản phẩm cam quýt mang thương hiệu Cao Phong, người tiêu dùng được thưởng thức các sản phẩm chất lượng và an toàn.
Với sản lượng, chất lượng, giá bán tương đối ổn định, giống quýt Ôn Châu đang mang lại giá trị kinh tế cao cho các hộ trồng cam ở huyện Cao Phong.
Địa phương và người dân đang tiếp tục nỗ lực duy trì các vùng trồng, giữ gìn, phát triển thương hiệu cam Cao Phong, trong đó, có giống quýt Ôn Châu.
Niên vụ năm 2023, diện tích cam, quýt toàn huyện Cao Phong khoảng 1.358ha, sản lượng trên 20.000 tấn.
Nhiều diện tích được sản xuất theo quy trình VietGAP, các hợp tác xã, tổ hợp tác trên địa bàn tiếp tục duy trì thực hiện các biện pháp kỹ thuật chăm sóc cây có múi, nhằm nâng cao chất lượng quả, cải thiện mẫu mã sản phẩm, từng bước chinh phục các thị trường trong nước và hướng đến xuất khẩu./.
www.vietnamplus.vn