Hiệp định RCEP mang lại lợi thế vượt trội để doanh nghiệp xuất khẩu gỗ sang Hàn Quốc Hiệp định RCEP: Mở cửa thị trường qua ứng dụng điện tử |
Đặc biệt, Hiệp định RCEP cũng có thể mang đến sức ép cạnh tranh đối với hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và khu vực, gây ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu cùng với xu hướng bảo hộ mậu dịch đang nổi lên, Hiệp định RCEP chính thức có hiệu lực năm 2022 được kỳ vọng mang lại nhiều lợi ích kinh tế ngay lúc hiệp định được thực thi và cả trong dài hạn cho Việt Nam.
Doanh nghiệp cần thay đổi tư duy kinh doanh trong bối cảnh mới để tận dụng cơ hội từ Hiệp định RCEP Ảnh: TTXVN |
Bộ Công Thương nêu rõ, một trong những lợi ích rõ rệt nhất mà RCEP đem lại là áp dụng 1 bộ quy tắc xuất xứ duy nhất, thay vì 5 bộ quy tắc xuất xứ riêng ở các Hiệp định thương mại tự do (FTA) ASEAN+ trước đây.
Đáng chú ý, việc thiết lập Hiệp định RCEP sẽ tạo cơ hội để kích hoạt, phát triển chuỗi cung ứng mới trong khu vực mà doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia nhằm thúc đẩy thương mại, đầu tư, tiết kiệm chi phí sản xuất bằng cách tối ưu hóa nguồn nguyên liệu chính cho chuỗi sản xuất thế giới, tiêu biểu như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và các nước ASEAN.
Ngoài ra, khi RCEP có hiệu lực, các nước thành viên sẽ tiếp tục nghiên cứu, thảo luận về khả năng áp dụng quy tắc cộng gộp toàn phần (quy tắc xuất xứ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ từng bước tham gia chuỗi cung ứng khu vực).
Bên cạnh đó, quy định về chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa của RCEP cũng đa dạng hơn các FTA ASEAN+1, góp phần tạo thuận lợi cho doanh nghiệp giảm thiểu thời gian xin cấp Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) truyền thống, cắt giảm chi phí giao dịch và chủ động hơn trong việc phát hành hoá đơn thương mại.
Mặt khác, việc thực thi RCEP sẽ tạo nên một khuôn khổ ràng buộc pháp lý trong khu vực về thương mại, đầu tư, sở hữu trí tuệ, thương mại điện tử, giải quyết tranh chấp. Qua đó, tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng, thúc đẩy Việt Nam trở thành điểm đến đáng tin cậy cho các nhà đầu tư.
Tuy nhiên, Bộ Công Thương đánh giá, đặc điểm của nền kinh tế trong khu vực RCEP cho thấy, nhiều đối tác có cơ cấu sản phẩm tương tự, năng lực cạnh tranh mạnh hơn Việt Nam trong khi chất lượng và hàm lượng giá trị gia tăng của hầu hết sản phẩm của nước ta còn khiêm tốn.
Vì vậy, khi Hiệp định RCEP đi vào hiệu lực, sức ép cạnh tranh sẽ gia tăng. Ngoài ra, hiện, đầu vào sản xuất của Việt Nam vẫn còn phụ thuộc nhất định vào các nguồn nhập khẩu, trong khi khả năng cải thiện vị trí trong chuỗi giá trị khu vực còn hạn chế cũng như mức độ tham gia cung cấp thương mại dịch vụ toàn cầu còn khá khiêm tốn.
Vì vậy, để xử lý các thách thức do Hiệp định RCEP đem lại, Bộ Công Thương cho rằng, ngoài điều kiện cần là các giải pháp đồng bộ từ Chính phủ, bộ, ngành cũng như các địa phương; sự chủ động và tích cực của doanh nghiệp mới là điều kiện đủ để hiện thực hóa lợi ích và cơ hội mà các FTA mang lại.
Trong đó, các doanh nghiệp cần phải lưu ý một số giải pháp, như: Chủ động tìm hiểu thông tin về RCEP để nắm vững cam kết của Việt Nam và các thị trường đối tác quan tâm. Đặc biệt, để khai thác hiệu quả của hiệp định này, chúng ta không chỉ quan tâm riêng cam kết của Việt Nam mà cần nắm bắt được Việt Nam có cam kết gì với 13 đối tác còn lại.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp được khuyến nghị, cần thay đổi tư duy kinh doanh trong bối cảnh mới, lấy sức ép về cạnh tranh là động lực để đổi mới và phát triển. RCEP và các FTA khác sẽ mang lại cơ hội cho doanh nghiệp nào chủ động đáp ứng với những thay đổi về môi trường kinh doanh do quá trình hội nhập kinh tế quốc tế mang lại thông qua việc xây dựng và điều chỉnh kế hoạch kinh doanh cho giai đoạn trung và dài hạn, nhằm thúc đẩy dòng chảy của hàng hóa vào các thị trường đối tác.
Hoa Quỳnh