Trong ngành công nghiệp luyện thép đầy khắc nghiệt, nơi từng tấc chi phí đều có thể quyết định ranh giới giữa lãi và lỗ, Tập đoàn Hòa Phát đang lặng lẽ tạo nên cuộc cách mạng bằng một chiến lược tưởng như đơn giản nhưng đầy sức nặng, đó là việc biến nhiệt và khí dư từ quá trình luyện thép thành nguồn điện tự chủ. Chính lựa chọn này đã giúp tập đoàn thép lớn nhất Việt Nam vững vàng vượt sóng gió, hướng tới mục tiêu doanh thu cao kỷ lục trong năm 2025.
![]() |
Hòa Phát 'đãi vàng' từ chính lò luyện thép của mình – tận dụng nhiệt và khí dư để phát điện, mang lại giá trị kinh tế hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm |
Năm 2024, tổng lượng điện tự phát tại các nhà máy nhiệt điện dư thuộc hai Khu liên hợp sản xuất gang thép của Hòa Phát tại Hải Dương và Dung Quất đạt tới 3,18 tỷ kWh, tăng tới 29% so với năm trước đó. Trong đó, riêng khu Dung Quất đóng góp tới 2,39 tỷ kWh, đảm bảo hơn 90% nhu cầu điện nội bộ của toàn khu liên hợp. Tại Hải Dương, con số này là 788 triệu kWh. Với tổng sản lượng tự phát như vậy, Hòa Phát đã có thể tự vận hành như một nhà máy nhiệt điện quy mô tầm trung, tiết kiệm được khoảng 5.400 tỷ đồng nếu quy đổi theo giá điện hiện hành. Không chỉ là con số tài chính khổng lồ, đó còn là biểu tượng cho một tư duy sản xuất tiết kiệm, hiệu quả và bền vững.
Một dấu mốc ấn tượng khác đã được thiết lập vào đầu tháng 2/2025: Nhà máy Nhiệt điện thuộc Công ty Thép Hòa Phát Dung Quất chính thức chạm mốc 10 tỷ kWh điện lũy kế kể từ ngày đi vào vận hành. Đây không chỉ là thành quả của một quá trình tích lũy sản xuất, mà còn là bằng chứng sống động cho thấy việc “đãi vàng” từ khí và nhiệt dư không phải là khẩu hiệu, mà là hiện thực đã và đang diễn ra từng giờ trong lòng các khu liên hợp của Hòa Phát.
Đằng sau thành tựu ấy là hệ thống giải pháp công nghệ đồng bộ và tầm nhìn chiến lược rõ ràng. Tập đoàn đã đầu tư mạnh mẽ vào dây chuyền hiện đại từ các nước G7 – nhóm các quốc gia đi đầu về công nghệ luyện kim sạch và hiệu quả. Công nghệ dập cốc khô, thu hồi nhiệt và khí từ lò cốc, lò cao, lò thổi, sử dụng tuabin gió lò cao tiết kiệm điện, tận dụng nhiệt trong quá trình thiêu kết quặng... tất cả được tích hợp để tối ưu hóa từng phân đoạn trong chuỗi sản xuất.
Nổi bật hơn cả là công nghệ Đúc – Cán liên tục, nơi phôi thép sau khi đúc ở nhiệt độ 750-900°C không còn bị để nguội mà được chuyển ngay sang dây chuyền cán. Nhiệt lượng chưa kịp thoát đi ấy trở thành thứ tài nguyên vô giá giúp tiết giảm tối đa năng lượng, hạ giá thành, giảm phát thải CO₂ trên mỗi tấn thép thành phẩm. Đây chính là bí quyết giúp Hòa Phát giữ vững lợi thế cạnh tranh khi giá năng lượng ngày càng đắt đỏ, còn áp lực môi trường ngày một lớn hơn.
Tất cả những giải pháp này không chỉ tạo lợi thế cho Hòa Phát trước các biến động của thị trường năng lượng, mà còn góp phần giảm áp lực lên hệ thống điện lưới quốc gia – một lợi ích song song về kinh tế và xã hội mà không phải doanh nghiệp nào cũng dễ dàng đạt được.
Với nền tảng tự chủ vững chắc ấy, Hòa Phát đang hướng đến mục tiêu doanh thu 170.000 tỷ đồng trong năm 2025 – tăng trưởng 21% so với năm 2024. Nếu hoàn thành, đây sẽ là cột mốc cao nhất trong lịch sử hoạt động của tập đoàn. Con số ấy không chỉ đến từ thép, mà còn đến từ tư duy quản trị hiệu quả, từ mỗi kWh điện được sinh ra trong chính lòng những lò luyện – nơi Hòa Phát đã thành công trong việc "đãi vàng" từ tro lửa của chính mình.
![]() | Sau một năm đại thắng, sếp lớn Hòa Phát thu nhập ra sao? Năm 2024 đánh dấu một bước tiến vượt bậc của Tập đoàn Hòa Phát với lợi nhuận sau thuế vượt ngưỡng 12.000 tỷ đồng. Tuy ... |
![]() | Ống thép Việt Đức sẽ khởi công dự án nhà ở xã hội 15.700m2 trong tháng 4/2025 Ống thép Việt Đức đặt mục tiêu doanh thu 6.700 tỷ đồng năm 2025 và khởi công 352 căn nhà ở xã hội tại dự ... |
Thu Hà