Hoàn thiện hàng lang pháp lý, quản lý chặt chẽ kinh doanh karaoke

16/06/2023 - 20:01
(Bankviet.com) Ngành văn hóa các cấp cần quan tâm tập trung các biện pháp nhằm sửa đổi, hoàn thiện hàng lang pháp lý, quán lý chặt chẽ kinh doanh karaoke một cách phù hợp.
Karaoke tại Hà Nội: Đình chỉ trên 300 cơ sở không đạt yêu cầu về phòng cháy chữa cháy "Giảm nhiệt" trong quy định phòng cháy chữa cháy, karaoke tạm đóng cửa

Ngày 19/6/2019, Chính phủ ban hành Nghị định số 54/2019/NĐ-CP quy định về kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường trong đó quy định rõ các điều kiện về kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường. Trong đó, thực hiện, cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh như: cải cách thủ tục hành chính trong cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường; đảm bảo việc thẩm định cấp phép đăng ký kinh doanh, đăng ký ngành nghề đúng tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục tránh gây phiền hà cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ này.

Hoàn thiện hàng lang pháp lý, quản lý chặt chẽ kinh doanh karaoke

Tại Hội nghị đánh giá triển khai thực hiện một số văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực Văn hóa cơ sở, ngày 15/6, theo Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Nghị định số 54/2019/NĐ-CP được ban hành và đi vào triển khai thực hiện đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước, phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế hiện nay.

Cục Văn hóa cơ sở đánh giá, gần 5 năm triển khai thực hiện Nghị định số 54/2019/NĐ-CP, hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường đã dần đi vào nề nếp, nâng cao được hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước.

Đáng kể, Cục Văn hóa cơ sở ghi nhận, hầu hết các địa phương đều cho rằng, Nghị định đã tạo hành lang pháp lý đồng bộ, trách nhiệm của các Bộ, ngành liên quan được phân công cụ thể, rõ ràng là cơ sở để các địa phương triển khai thực hiện. Các văn bản pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường đã được các địa phương tuyên truyền triển khai, hướng dẫn kịp thời.

Tuy nhiên, thời gian qua nhiều cơ sở đã xảy ra hỏa hoạn, cháy nổ gây nguy hiểm thiệt hại tính mạng người và tài sản để lại hậu quả rất đáng tiếc. Một số quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về phòng cháy chữa cháy hiện hành khó thực hiện đối với các công trình hiện hữu (đặc biệt là các công trình có thay đổi, cải tạo) liên quan đến bậc chịu lửa, khoảng cách an toàn phòng cháy chữa cháy, lối thoát nạn (buồng thang kín), giải pháp ngăn cháy...

Đặc biệt, theo Cục Văn hóa cơ sở sau gần 2 năm đóng cửa vì ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, được hoạt động trở lại, hiện nay hàng loạt cơ sở karaoke lại tiếp tục phải đóng cửa do không đảm bảo quy định về an toàn phòng cháy chữa cháy. Nhiều cơ sở karaoke đứng trước nguy cơ phá sản...

Số liệu thống kê từ Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, toàn quốc có 15.161 cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường; 8.876 cơ sở do UBND cấp xã quản lý. Đa số cơ sở này được xen cài trong khu dân cư; nhà xây nhiều tầng, diện tích mặt bằng nhỏ và ngăn chia thành nhiều phòng hát; sử dụng nhiều vật dụng, chất cháy; thường xuyên tập trung đông người đã sử dụng rượu, bia, hạn chế khả năng tự thoát nạn.

Từ năm 2020 đến nay đã xảy ra hơn 45 vụ cháy cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường và đặc biệt là 6 tháng cuối năm 2022 xảy ra 3 vụ, làm chết 32 người, bị thương 17 người và 3 cán bộ chiến sĩ đã hi sinh trong khi làm nhiệm vụ, gây thiệt hại lớn về tài sản, hoang mang dư luận và ảnh hưởng đến an ninh trật tự

Từ những bấp cập của kinh doanh dịch vụ karaoke, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Ninh Thị Thu Hương nhấn mạnh, khi xảy ra những vụ việc, nguyên nhân chủ yếu về an toàn phòng chống cháy nổ, thuộc trách nhiệm của Bộ Công an. Theo đó, ngành văn hóa các cấp cần quan tâm tập trung các biện pháp nhằm sửa đổi, hoàn thiện hàng lang pháp lý, siết chặt quản lý lĩnh vực kinh doanh này như thế nào. “Đây là một lĩnh vực nóng, nhạy cảm và rất khó trong công tác quản lý. Tuy nhiên, càng khó càng không thể buông lơi, càng đòi hỏi các nhà quản lý phải quyết liệt, siết chặt bằng những quy định chặt chẽ”- bà Hương cho hay.

Còn Trung tá Lê Minh Hải - Trưởng Phòng Công tác Phòng cháy, Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho rằng, để tăng cường công tác quản lý ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự, trong đó có kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường, các Bộ, ngành có liên quan cần rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành phù hợp tình hình mới.

Bên cạnh đó, làm tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn, vận động quần chúng nhân dân tham gia giám sát, phòng chống tội phạm trong lĩnh vực kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự, trong đó có kinh doanh karaoke, vũ trường.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - bà Trịnh Thị Thủy nhìn nhận, quản lý kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường là những lĩnh vực nóng, đòi hỏi công tác quản lý phải sát sao, chặt chẽ, đặc biệt phải có sự phối hợp đồng bộ giữa các Bộ, ngành và tăng cường trách nhiệm của các địa phương. Vì vậy, theo bà Thủy cần có nhận thức và đối xử công bằng đối với các loại hình dịch vụ kinh doanh karaoke, vũ trường, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động kinh doanh diễn ra chặt chẽ, an toàn, đúng các quy định pháp luật.

Bảo Thoa

Theo: Báo Công Thương