Hồi phục ngoạn mục sau sự cố hi hữu, ông lớn phân đạm miền Bắc báo lãi trở lại
Sau sự cố sét đánh khiến nhà máy dừng 45 ngày năm ngoái, doanh nghiệp ngành đạm đã phục hồi mạnh, ghi nhận lãi trong quý II/2025.
Công ty CP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc (Đạm Hà Bắc; UPCoM: DHB) đã ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực trong quý II/2025 với lợi nhuận sau thuế đạt 42 tỷ đồng, phục hồi mạnh mẽ so với khoản lỗ 137 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Kết quả này có được nhờ giá ure tăng và hoạt động sản xuất không còn gặp sự cố như năm 2024.
.jpg)
Theo báo cáo tài chính, quý II năm nay, Đạm Hà Bắc đạt gần 1.200 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 24% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, giá vốn chỉ tăng nhẹ 2%, giúp lãi gộp đạt 154 tỷ đồng, chuyển biến tích cực so với mức lỗ gộp 59 tỷ đồng cùng kỳ.
Doanh nghiệp cho biết, sản lượng tăng nhờ quá trình vận hành ổn định hơn. Cùng kỳ năm 2024, nhà máy gặp sự cố dừng hoạt động 45 ngày do sét đánh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và doanh thu.
Một yếu tố quan trọng giúp cải thiện kết quả kinh doanh là giá ure trên thị trường thế giới diễn biến thuận lợi trong quý II/2025. Công ty tập trung tiêu thụ trong nước, phần còn lại xuất khẩu sang các thị trường như Hàn Quốc, Nhật Bản góp phần làm tăng doanh thu vượt trội.
Doanh thu tài chính trong kỳ tăng 92%, đạt gần 10 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí tài chính giảm 20%, còn 66 tỷ đồng. Tuy nhiên, chi phí bán hàng tăng 47%, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 10%. Một điểm đáng chú ý là lợi nhuận khác giảm mạnh 86%, còn 7.2 tỷ đồng. Dù vậy, nhờ lợi nhuận gộp tăng mạnh, Công ty vẫn đạt lãi ròng 42 tỷ đồng trong quý II.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2025, Đạm Hà Bắc ghi nhận hơn 2.400 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 19% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 58 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2024 lỗ 99 tỷ đồng.
So với kế hoạch đề ra tại ĐHĐCĐ thường niên 2025, Công ty đã hoàn thành 51% chỉ tiêu doanh thu và gần 47% mục tiêu lợi nhuận sau thuế sau nửa đầu năm.

Tính đến cuối tháng 6/2025, tổng tài sản của DHB đạt 5.800 tỷ đồng, giảm 7% so với đầu năm. Trong đó, tài sản ngắn hạn chiếm hơn 1.160 tỷ đồng, giảm 9%. Lượng tiền mặt và tiền gửi đạt gần 350 tỷ đồng (giảm 17%), hàng tồn kho ghi nhận 479 tỷ đồng (giảm 11%).
Về cơ cấu nguồn vốn, nợ phải trả chiếm phần lớn với hơn 5.100 tỷ đồng, chủ yếu là nợ dài hạn. Nợ ngắn hạn ghi nhận hơn 1.000 tỷ đồng, giảm 14%, trong đó nợ vay ngắn hạn xấp xỉ 414 tỷ đồng - gần như không đổi. Nợ vay dài hạn ghi nhận hơn 2.000 tỷ đồng, phần lớn từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) và Ngân hàng BIDV.