Phát biểu khai mạc Hội thảo, Tổng Biên tập Báo Lao Động Nguyễn Ngọc Hiển cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, NHNN đã chỉ đạo Ngân hàng thương mại triển khai Chương trình tín dụng 15.000 tỷ đồng, với lãi suất thấp hơn tối thiểu từ 1- 2%/năm so với mức lãi suất cho vay bình quân cùng kỳ hạn. Chỉ sau chưa đầy 1 năm triển khai, gói tín dụng này hoàn thành giải ngân cho trên 6.000 lượt khách hàng. Tốc độ này cho thấy, nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp ngành lâm - thủy sản là rất lớn. Đây cũng được xem là giải pháp thiết thực và ý nghĩa, thể hiện tinh thần đồng hành của ngành Ngân hàng trong việc hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định và duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tại Hội thảo các đại biểu đã tham luận, hiến kế để dòng vốn tiếp tục chạy mạnh vào nền kinh tế, trong đó có ngành lâm, thuỷ sản, cả doanh nghiệp và ngân hàng cùng kiến nghị nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn chung của ngành lâm - thuỷ sản.
Tại hội thảo, bà Phạm Thị Thanh Tùng - Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - NHNN khẳng định, về phía ngành Ngân hàng, NHNN luôn xác định nông nghiệp, nông thôn, trong đó có ngành lâm sản, thủy sản là một trong những lĩnh vực ưu tiên đầu tư vốn. Do đó, thời gian qua, đã ban hành, triển khai nhiều chính sách để hướng dòng vốn tín dụng vào lĩnh vực này.
Quang cảnh Hội thảo
Đơn cử như điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an toàn hệ thống các TCTD, hỗ trợ tích cực quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, qua đó tạo thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Quy định chính sách trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND thấp hơn (hiện nay là 4%/năm) đối với các lĩnh vực ưu tiên (trong đó có ngành lâm sản, thủy sản). Đồng thời, có chính sách khuyến khích TCTD đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn thông qua tái cấp vốn hoặc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, giảm hệ số rủi ro đối với các khoản phải đòi của cá nhân vay vốn trong lĩnh vực này.
Theo bà Phạm Thị Thanh Tùng, nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, chính sách, kết quả cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt nhiều kết quả khả quan với trên 90 TCTD và gần 1.100 Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) tham gia cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn.
Đến cuối tháng 12/2023, quy mô tín dụng đã lên đến 3,3 triệu tỷ đồng, tăng 11,56% so với 2022. Trong đó, dư nợ ngành thủy sản đạt 236.624 tỷ đồng tăng 12,26%; dư nợ cho vay ngành lâm sản đạt 204.813 tỷ đồng, tăng trên 35%. Đặc biệt, vừa qua, gói tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản quy mô khoảng 15.000 tỷ đồng đã được các ngân hàng triển khai thành công, dù thời gian triển khai đến hết 30/6/2024 nhưng đến cuối tháng 1/2024, 13 NHTM tham gia chương trình đã giải ngân hoàn thành 100% mục tiêu của chương trình cho gần 6.000 lượt khách hàng vay vốn.
Nhằm tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp lâm sản và thủy sản phục hồi và phát triển sản xuất trong thời gian tới, Thống đốc NHNN đã yêu cầu các TCTD xem xét việc nâng quy mô Chương trình tín dụng 15.000 tỷ đồng để trở thành gói 30.000 tỷ đồng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản và đã nhận được sự đồng thuận của các ngân hàng. Theo bà Tùng, đến nay các NHTM đã hoàn thành việc đăng ký nâng quy mô và tiếp tục giải ngân cho vay với doanh số lũy kế trên 17.500 tỷ đồng với trên 6.500 lượt khách hàng vay vốn.
Còn tại Nam A Bank, ông Hà Huy Cường – Phó Tổng Giám đốc ngân hàng cho biết, Nam A Bank cũng đã và đang tiếp tục ưu tiên thực hiện nhiều chính sách, cơ chế ưu đãi, liên kết và hỗ trợ quyết liệt cho các doanh nghiệp sản xuất, chế biến nông lâm và thủy sản trong giai đoạn sắp tới. Qua đây nhằm giúp các khách hàng tiếp tục ổn định, phát triển kinh doanh trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế và giữ vững thị phần xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.
Theo ông Cường, định hướng kinh doanh trọng tâm của Nam A Bank là tiếp tục tập trung nghiên cứu chuyên sâu, thiết kế và xây dựng các gói giải pháp, dịch vụ tài chính cho chuỗi giá trị ngành trên cơ sở lấy yếu tố quản lý công nghệ làm trung tâm. Từ đó, giúp gia tăng lợi ích toàn diện cho tất cả các chủ thể tham gia vào chuỗi giá trị ngành lâm, thủy sản, đồng thời hỗ trợ tối đa cho ngành nông lâm thủy sản phát triển xuyên suốt và bền vững.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã triển khai nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trong đó có doanh nghiệp thủy sản. Cụ thể, hoàn thiện pháp lý, tạo điều kiện cho ngân hàng có quyền chủ động trong việc quyết định cho vay, trao quyền cho các NHTM đánh giá năng lực doanh nghiệp để cho vay thế chấp, tín chấp.
Ngoài ra, NHNN cũng đã nhiều lần giảm lãi suất điều hành, từ đó chỉ đạo NHTM xem xét áp dụng mức lãi suất cho vay hợp lý. Bên cạnh đó còn các chính sách về giãn, hoãn nợ, cải cách các thủ tục hành chính, áp dụng công nghệ, cho vay qua mạng, qua app một cách an toàn…
Trong thời gian tới, Phó Thống đốc đề nghị, các ngân hàng và doanh nghiệp cần hợp tác trên tinh thần sẻ chia. Ngân hàng mạnh dạn hơn trong việc tăng hạn mức cho vay đối với doanh nghiệp, linh hoạt trong vấn đề tài sản thế chấp nhưng vẫn phải đảm bảo nguyên tắc bất di bất dịch là đảm bảo thu hồi được vốn, còn doanh nghiệp cũng phải chia sẻ trước nỗi lo về khả năng mất vốn của ngân hàng. Muốn ngân hàng đồng hành, sẻ chia thì doanh nghiệp cũng phải cởi mở, chia sẻ với ngân hàng về thông tin tài chính, báo cáo tài chính, từ đó ngân hàng mới xác định được dòng tiền và mạnh dạn cho vay.
Đối với gói tín dụng 30.000 tỷ đồng cho lâm, thuỷ sản, Phó Thống đốc nhấn mạnh, đây là gói tín dụng NHNN đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ rất ủng hộ. “Nếu hết 30.000 tỷ đồng, tôi sẵn sàng đề suất 45.000 tỷ đồng thậm chí 50.000 tỷ đồng. Đây là chính sách hỗ trợ rất tốt cho doanh nghiệp vượt khó trong giai đoạn hiện nay”, Phó Thống đốc chia sẻ.
Theo sbv.gov.vn