Hôm nay, cựu chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết hầu tòa, số lượng người tham gia đạt kỷ lục

22/07/2024 - 17:07
(Bankviet.com) Sau hơn 2 năm điều tra, sáng nay (22/7), TAND Thành phố Hà Nội đã mở phiên toà xét xử vụ án liên quan ông Trịnh Văn Quyết, xảy ra tại Tập đoàn FLC và các đơn vị liên quan. Với danh sách hàng chục nghìn người có liên quan, TAND Thành phố đã chuẩn bị hội trường rộng để đón tiếp. Các màn hình lớn được lắp tại các hội trường để tiện cho các nhà đầu tư theo dõi.

50 bị cáo hầu tòa

7 giờ sáng ngày 22/7, cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết cùng các bị cáo được dẫn giải đến TAND TP Hà Nội để xét xử về các tội: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Thao túng thị trường chứng khoán, Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và Cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán.

Hôm nay, cựu chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết hầu tòa, số lượng người tham gia đạt kỷ lục
Cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết được dẫn giải đến toà sáng ngày 22/7

Vụ án có 50 bị cáo hầu tòa, gồm 27 người bị tạm giam, 23 người được tại ngoại. Ông Trịnh Văn Quyết bị truy tố về 2 tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và thao túng thị trường chứng khoán. Hai em gái ông Quyết bị truy tố với vai trò đồng phạm, gồm Trịnh Thị Minh Huế và Trịnh Thị Thúy Nga.

Nhiều cựu lãnh đạo Tập đoàn FLC và các công ty trong "hệ sinh thái" cũng vướng lao lý, gồm: Hương Trần Kiều Dung (cựu Phó chủ tịch thường trực HĐQT Tập đoàn FLC), Nguyễn Thiện Phú (cựu Kế toán trưởng Tập đoàn FLC), Nguyễn Quỳnh Anh (cựu Tổng giám đốc Công ty CP Chứng khoán BOS)…

Ngoài ra, hàng loạt cựu lãnh đạo, cán bộ thuộc Ủy ban Chứng khoán nhà nước, Sở giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) bị xét xử với trách nhiệm liên đới. Điển hình như: Trần Đắc Sinh (cựu Chủ tịch HĐQT HOSE), Lê Hải Trà (cựu Phó giám đốc HOSE), Lê Công Điền (cựu Vụ trưởng Vụ Giám sát công ty đại chúng, Ủy ban Chứng khoán nhà nước)…

Thẩm phán Vũ Quang Huy, Phó Chánh tòa Tòa án hình sự, TAND TP Hà Nội ngồi ghế chủ tọa. Phiên tòa kéo dài trong nhiều ngày.

Với số lượng người tham gia phiên tòa rất lớn, TAND TP.Hà Nội bố trí 1 hội trường xét xử chính, 1 hội trường họp và 1 khu vực dựng rạp ngoài trời. Với 3 hội trường này, sức chứa tối đa có thể lên tới 2.500 người.

Tính đến thời điểm hiện tại đã có hơn 50 luật sư đăng ký tham gia bào chữa cho các bị cáo. Trong đó, bị cáo Trịnh Văn Quyết có 4 luật sư tham gia bào chữa.

Ngay tại hội trường xét xử chính, tòa trang bị hơn 50 chiếc máy tính xách tay để phục vụ luật sư trong quá trình tranh tụng.

Với số lượng người tham gia phiên tòa kỷ lục, công tác y tế, hậu cần, phòng cách ly… cũng được TAND TP.Hà Nội lên kế hoạch, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan để chuẩn bị tốt nhất có thể.

Khối tài sản của cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết

Ông Trịnh Văn Quyết sinh năm 1975, ở Vĩnh Tường - Vĩnh Phúc. Ông khởi nghiệp bằng việc thành lập Công ty Tư vấn Đầu tư SMiC (từ năm 1999 đến năm 2004), sau đó mở văn phòng Luật sư SMiC (từ 2004 đến 2008).

Hai năm sau đó (tháng 8/2010), ông Quyết làm Chủ tịch Công ty cổ phần Tập đoàn FLC. Vị trí này được ông Quyết đảm nhận đến khi bị bắt.

Ngoài ra, ông Quyết còn từng nắm quyền điều hành nhiều doanh nghiệp trong hệ sinh thái FLC, như Công ty cổ phần Nông dược H.A.I (HAI), Công ty cổ phần Xây dựng Faros (ROS); Công ty cổ phần Đầu tư khoáng sản AMD Group (AMD), Công ty cổ phần Chứng khoán Artex (ART), Công ty cổ phần Liên doanh Đầu tư Quốc tế KLF (KLF), Công ty cổ phần GAB (GAB).

Cựu Chủ tịch FLC còn từng là Chủ tịch HĐQT Công ty CP Hàng không Tre Việt (chủ hãng bay Bamboo Airways).

Theo báo cáo quản trị mới nhất mà FLC công bố, tại ngày 31/12/2023, ông Trịnh Văn Quyết sở hữu hơn 215,4 triệu cổ phiếu FLC, tương ứng tỷ lệ 30,34% vốn điều lệ công ty. Ngoài ông Quyết, các thành viên trong gia đình có liên quan, bao gồm vợ - bà Lê Thị Ngọc Diệp - đều không sở hữu cổ phần. Chủ tịch FLC đương nhiệm là ông Lê Bá Nguyên (anh vợ ông Quyết) cũng không nắm cổ phần công ty.

Năm 2017, ông Quyết bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán 65 triệu đồng về hành vi bán 57 triệu cổ phiếu FLC nhưng không báo cáo về dự kiến giao dịch đối với người nội bộ theo quy định.

Cũng vào cuối năm này, ông Quyết trở thành người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam, vượt qua tỷ phú Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Vingroup. Tính theo lượng cổ phiếu được sở hữu trực tiếp bởi cá nhân, tài sản ông Quyết đạt 58.851 tỷ đồng, tăng 25.045 tỷ đồng so với năm trước đó. Lúc này, ông Quyết nắm hơn 135 triệu cổ phiếu FLC, hơn 318,5 triệu cổ phiếu ROS và hơn 2,6 triệu cổ phiếu ART.

Tại thời điểm bị bắt, ông Quyết bị kê biên 3 tài sản bất động sản tại Khu đô thị Mỹ Đình II, Nam Từ Liêm, Hà Nội với diện tích lần lượt gần 800m2, 200m2 và 200m2.

Ông Quyết và Tập đoàn FLC còn từng sở hữu du thuyền triệu USD FLC Albatross và 2 siêu xe Rolls-Royce. Tuy nhiên, số phận các tài sản hạng sang này đều khá hẩm hiu.

Du thuyền triệu USD FLC Albatross đã được đấu giá 6 lần nhưng bất thành. Giá khởi điểm đấu lần đầu là gần 36 tỷ đồng nhưng đã giảm dần qua các lần đấu giá. Lần thứ 7 diễn ra đầu năm nay, giá đấu còn hơn 23,2 tỷ đồng, giảm hơn 12,4 tỷ đồng so với lần đầu tiên, tương đương giảm 35%.

Ông Quyết từng có 2 siêu xe Rolls-Royce Ghost mạ vàng và Rolls-Royce Phantom Lửa thiêng, sau đó bị ngân hàng thu giữ và xử lý nợ. Tuy nhiên, các tài sản cũng bị hạ giá nhiều lần. Với chiếc Rolls-Royce Ghost mạ vàng, ngân hàng đã hạ giá tới 5 lần còn 8,587 tỷ đồng. Còn chiếc Rolls-Royce Phantom Lửa thiêng cũng hạ từ hơn 28 tỷ đồng xuống hơn 16,5 tỷ đồng.

HNX xem xét hủy niêm yết thêm một cổ phiếu "họ" FLC

Trước KLF, 5 cổ phiếu khác liên quan đến Tập đoàn FLC đã bị hủy niêm yết bắt buộc gồm FLC (Tập đoàn FLC), ROS ...

Nhiều dự án lớn được tái khởi động, cổ phiếu FLC sắp sửa trở lại giao dịch?

Tại ĐHCĐ năm 2024, ban lãnh đạo FLC đã chia sẻ về kế hoạch kinh doanh. Ngoài ra, khả năng quay trở lại giao dịch ...

Ngày 22/7, TAND TP.Hà Nội xét xử vụ án liên quan cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết cùng 50 đồng phạm

Ngày 22/7 tới đây, TAND TP.Hà Nội sẽ tiến hành xét xử cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết cùng 50 đồng phạm ...

PV

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán