Honda làm gì với 1 tỷ USD 'rót' vào xe điện?

15/01/2021 - 16:46
(Bankviet.com) Honda chuẩn bị rót 1 tỷ USD đầu tư mới, tại bang Ohio, Mỹ, tăng từ mức 700 triệu USD theo công bố ban đầu để đầu tư xe điện trong năm nay.
HondaNissan có thể hủy bỏ thương vụ sáp nhập Điều kiện cần để Nissan được sáp nhập với Honda Top 10 ô tô bán chạy nhất tại Mỹ năm 2024

Honda mở rộng quy mô sản xuất tại Mỹ

Theo CNBC, Honda chuẩn bị rót 1 tỷ USD đầu tư mới, tại bang Ohio, Mỹ, tăng từ mức 700 triệu USD theo công bố ban đầu để đầu tư xe điện trong năm nay. Các nâng cấp đáng chú ý bao gồm việc lắp đặt 6 dây chuyền "giga press", vốn đã được Tesla làm nổi bật và một hệ thống sản xuất các bộ vỏ pin xe điện sắp ra mắt.

Trung tâm sản xuất xe điện mới nổi của Honda tại Ohio bao gồm cả một nhà máy pin trị giá 3,5 tỷ USD, sẽ là cơ sở đầu tàu cho các hoạt động sản xuất toàn cầu của Honda. Điều này bao gồm việc Nhà máy ô tô Marysville của hãng sẽ có khả năng sản xuất xe truyền thống, xe hybrid và xe điện trên cùng một dây chuyền sản xuất.

Honda chuẩn bị 'rót' vốn 1 tỷ USD vào dự án xe điện tại Mỹ. Ảnh: CNBC
Honda chuẩn bị "rót" vốn 1 tỷ USD vào dự án xe điện tại Mỹ. Ảnh: CNBC

"Trung tâm EV của Honda ở Ohio đang thiết lập tiêu chuẩn toàn cầu cho sản xuất xe điện về con người, công nghệ và quy trình. Khi chúng tôi mở rộng sản xuất xe điện khu vực và toàn cầu, đây là dấu ấn và hiệu suất đặc trưng sẽ được sử dụng”, ông Mike Fischer, người đứng đầu các dự án xe điện pin của Honda tại Bắc Mỹ cho biết.

Theo các quan chức của công ty, thông thường, những thay đổi quan trọng trong sản xuất như vậy sẽ bắt đầu từ Nhật Bản, quê hương của Honda và sau đó mới được triển khai tại các cơ sở ở Mỹ và các quốc gia khác.

Các khoản đầu tư tại Ohio đã được công bố lần đầu tiên vào tháng 10/2022 nhằm khôi phục khả năng sản xuất tại Mỹ.

Hướng đến dây chuyền sản xuất kiểu mới

Honda đã sản xuất hơn 1 triệu xe tại 5 nhà máy lắp ráp ở Mỹ vào năm 2024. Khoảng 64% trong số đó được bán tại Mỹ, phần còn lại được xuất khẩu. Hãng cũng có một nhà máy lắp ráp tại Mexico.

Honda sẽ có khả năng sản xuất khoảng 220.000 xe mỗi năm tại nhà máy Marysville, nằm ở trung tâm Ohio ngoài thành phố Columbus, Mỹ. Cơ sở này hiện sản xuất một số mẫu xe của Honda và Acura, dự kiến sẽ được bổ sung thêm mẫu crossover điện Acura RSX hoàn toàn mới vào cuối năm nay. Đây là mẫu xe điện đầu tiên do Honda sản xuất.

Hãng xe Nhật Bản đã “chậm chân” trong việc đầu tư vào xe điện so với các hãng xe khác. Hiện tại, Honda đang bán hai mẫu crossover điện hoàn toàn - Honda Prologue và Acura ZDX tại Mỹ, nhưng những mẫu xe này lại được sản xuất bởi General Motors tại Mexico.

Mẫu crossover Acura mới sẽ được tiếp nối bởi các nguyên mẫu xe điện Honda 0 SUV và Honda 0 Saloon mà công ty đã ra mắt tháng trước tại sự kiện CES ở Las Vegas, Mỹ.

Bộ pin nhôm cho xe điện mới sẽ được sản xuất tại khu phức hợp động cơ gần đó của Honda ở Anna, Ohio, cơ sở sản xuất động cơ lớn nhất của công ty trên toàn cầu đã phát triển từ một tòa nhà hình chữ nhật nhỏ vào năm 1985 thành một nhà máy rộng hơn.

"Chúng tôi đang thiết lập công nghệ sản xuất nhôm lớn này cho tất cả Honda. Mục tiêu ở đây là mở rộng ra cho các sản phẩm khác, các yếu tố khác trên toàn cầu”, ông Tim Stroh, trưởng dự án pin xe điện của Honda cho biết.

Để sản xuất các gói pin và các bộ phận xe điện khác, cũng như có thể là động cơ trong tương lai, công ty đang lắp đặt sáu máy đúc cao áp 6.000 tấn khổng lồ với công nghệ gigacast các vật liệu, như cách Tesla đã gọi. Những máy móc khổng lồ này có kích thước bằng một ngôi nhà nhỏ và sử dụng áp suất rất lớn để tạo ra các bộ phận. Các máy ép hiện tại của Honda tại Ohio có công suất lên đến 3.500 tấn.

Khi được thực hiện đúng cách, công nghệ gigacast có thể cắt giảm chi phí sản xuất mỗi đơn vị bằng cách loại bỏ việc hàn nhiều bộ phận thân xe và thay thế bằng cách đúc một mô-đun duy nhất.

Các nhà máy xe điện của Honda được áp dụng công nghệ mới. Ảnh: CNBC
Các nhà máy xe điện của Honda được áp dụng công nghệ mới. Ảnh: CNBC

Khi các gói pin được đúc xong, chúng sẽ được vận chuyển từ Anna đến nhà máy Marysville và các nhà máy khác để lắp đặt các cell pin từ các hoạt động liên doanh của Honda với LG Energy Solution trước khi được sử dụng trong dây chuyền lắp ráp xe điện cuối cùng.

Để kết hợp các cell pin và gói pin tại Marysville, Honda đang lắp đặt gần 60 "cell" sản xuất linh hoạt, hay các khu vực, cho việc lắp ráp pin. Thay vì một dây chuyền sản xuất truyền thống, nơi các bộ phận được lắp vào khi xe di chuyển, quy trình sản xuất mới diễn ra song song với dây chuyền chính trong các khu vực, giúp bất kỳ sự chậm trễ hoặc vấn đề nào không ảnh hưởng đến dây chuyền chính.

Bob Schwyn - Phó Chủ tịch cấp cao của bộ phận nghiên cứu và phát triển của Honda tại Mỹ - cho biết: "Đây được coi là lần thành lập thứ hai của Honda. Chúng tôi đang tận dụng cơ hội này để hình dung lại cách tiếp cận sản xuất của mình".

Honda đã gọi quá trình chuyển đổi sang xe điện, bao gồm cả xe chạy bằng pin nhiên liệu (sử dụng nhiên liệu hydro) là "sự sáng lập thứ hai" của công ty. Mặc dù việc áp dụng xe điện ở Mỹ chậm hơn dự kiến, công ty vẫn duy trì mục tiêu đã công bố trước đó là đạt được mục tiêu bảo vệ môi trường với ba tiêu chí bao gồm trung hòa carbon, năng lượng sạch và tuần hoàn tài nguyên.

Mục tiêu đó cũng bao gồm việc chỉ bán xe không phát thải vào năm 2040. Nhiều hãng ô tô khác đã hoãn hoặc rút lui khỏi các mục tiêu như vậy trong những năm gần đây.

Các khoản đầu tư hơn 1 tỷ USD vào các cơ sở hiện tại của Honda tại Ohio cũng bao gồm một số quy trình và kỹ thuật sản xuất mới nhằm giảm khí thải và chất thải, bao gồm việc sử dụng một loại nhôm cấu trúc đặc biệt cho các gói pin xe điện có thể tái chế và sử dụng lại.

Ông Bob Schwyn cho biết: "Chúng tôi đang tận dụng cơ hội này để hình dung lại cách tiếp cận sản xuất của mình và tạo ra giá trị mới trong lĩnh vực trách nhiệm với môi trường. Điều này bao gồm các chiến lược thu hồi sản phẩm của chúng tôi khi hết vòng đời, sau đó tái chế hoặc tái sử dụng 100% vật liệu, đặc biệt là vật liệu hữu hạn cho pin EV để tạo ra những chiếc Honda mới từ những chiếc Honda cũ".

Ngoài các cải tiến này, Honda cũng đầu tư vào công nghệ lái tự động. Hãng dự định trang bị khả năng tự lái cấp độ 3 cho dòng xe 0 Series, cho phép tài xế rời mắt khỏi đường khi đáp ứng các điều kiện nhất định, cạnh tranh với những tính năng tự động của Tesla. Điều này liên quan đến yếu tố quan trọng thứ ba của Honda “trí tuệ”.

“Trí tuệ” ở đây không chỉ là học hỏi từ quá khứ mà còn là đảm bảo xe trở nên thông minh hơn theo thời gian. Honda sẽ phát triển hệ điều hành riêng cho xe và kết hợp với các công nghệ kết nối tiên tiến, cung cấp trải nghiệm di chuyển mới cho khách hàng bằng cách áp dụng các công nghệ thông minh được tối ưu hóa cho từng cá nhân.

Trần Đình

Theo: Báo Công Thương