Chứng thực ban hành Luật Đất đai, Luật Các tổ chức tín dụng Luật Đất đai sửa đổi: Phương pháp định giá đất được quy định thế nào? Công dân được tiếp cận thông tin các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất |
Sáng 19/02, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức Họp báo Công bố lệnh của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam công bố các luật đã được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5.
Tại buổi họp báo, thừa lệnh của Chủ tịch nước, đại diện lãnh đạo Văn phòng Chủ tịch nước đã công bố toàn văn Lệnh của Chủ tịch nước về việc công bố Luật Đất đai và Luật Các tổ chức tín dụng.
Theo đó, căn cứ Điều 88 và Điều 91 của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; căn cứ Điều 80 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Chủ tịch nước công bố Luật Đất đai và Luật Các tổ chức tín dụng đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, Kỳ họp bất thường lần thứ 5 thông qua ngày 18/01/2023.
Họp báo Công bố lệnh của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam công bố các luật đã được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5 |
“Đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ”
Tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân thông tin về điểm mới nổi bật trong chính sách đất đai sửa đổi vừa được thông qua. Trong đó, chương quy định quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất đã hoàn thiện quyền của người Việt Nam định cư ở nước ngoài theo hướng đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài có quốc tịch Việt Nam là công dân Việt Nam thì có đầy đủ các quyền liên quan đến đất đai như công dân Việt Nam ở trong nước (cá nhân trong nước).
Luật vừa được thông qua cũng bổ sung quyền lựa chọn hình thức trả tiền cho thuê đất hằng năm hoặc trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê. Quy định cụ thể điều kiện thực hiện quyền của tổ chức kinh tế được Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hằng năm.
Cùng với đó, người sử dụng đất mà được miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất thì có quyền và nghĩa vụ như trường hợp không được miễn hoặc không được giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; trường hợp chuyển nhượng, góp vốn bằng quyền sử dụng đất thì phải nộp cho Nhà nước một khoản tiền tương ứng với số tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đã được miễn, giảm.
Cũng theo Thứ trưởng Lê Minh Ngân Ngân, luật sửa đổi lần này cũng bổ sung quy định cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa trong hạn mức giao đất, trường hợp quá hạn mức thì phải thành lập tổ chức kinh tế, phải có phương án sử dụng đất trồng lúa và phải được UBND cấp huyện phê duyệt; tổ chức kinh tế được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp phải có phương án sử dụng đất nông nghiệp được UBND cấp huyện chấp thuận.
Đối với quy định về thu hồi đất, trưng dụng đất đã quy định cụ thể các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng để thực hiện các dự án xây dựng công trình công cộng. Đồng thời phân cấp cho UBND cấp huyện quyết định thu hồi đất để sử dụng vào mục mục quốc phòng, an ninh, để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng mà không phân biệt theo đối tượng sử dụng đất như Luật Đất đai năm 2013.
Về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, Thứ trưởng Ngân cho biết, luật đã sửa đổi, bổ sung nguyên tắc bồi thường theo hướng đa dạng các hình thức bồi thường: được bồi thường bằng đất có cùng mục đích với đất bị thu hồi hoặc bằng tiền, bằng đất khác hoặc bằng nhà ở.
Cùng với đó, cụ thể hóa nguyên tắc “có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ” thông qua quy định tiêu chí khu tái định cư về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, địa điểm thực hiện tái định cư. Khu tái định cư có thể bố trí cho một hoặc nhiều dự án.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân thông tin về điểm mới nổi bật trong chính sách đất đai sửa đổi vừa được thông qua |
Không chỉ vậy, luật cũng mở rộng thành phần Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định với sự tham gia của đại diện Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp, đại diện của người sử dụng đất có đất bị thu hồi…để đảm bảo sự khách quan, minh bạch, sự tham gia của các bên liên quan…
Đáng chú ý, chương X, quy định về đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Nội dung này đã quy định chuẩn hóa Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.
Theo lãnh đạo Bộ Tài nguyên, chương này quy định rõ thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận, tách riêng giữa vai trò quản lý Nhà nước (việc công nhận quyền sử dụng đất) với việc cung cấp dịch vụ công của cơ quan đăng ký (việc cấp Giấy chứng nhận), đưa công tác cấp Giấy chứng nhận được chuyên nghiệp hóa, làm cơ sở cho việc thống nhất công tác đăng ký đất đai, quản lý hồ sơ địa chính từ trung ương tới địa phương.
Luật cũng giao cho UBND cấp tỉnh quy định các loại giấy tờ khác về quyền sử dụng đất có trước ngày 15/10/1993 cho phù hợp với thực tiễn của địa phương. Bổ sung thời điểm áp dụng quy định về hạn mức đất ở của địa phương, trách nhiệm của Nhà nước trong việc cấp Giấy chứng nhận cho các trường hợp đã đăng ký và đủ điều kiện.
Về tài chính đất đai, giá đất, luật đã bỏ quy định về khung giá đất của Chính phủ; quy định cụ thể nguyên tắc, căn cứ, phương pháp định giá đất; quy định bảng giá đất được xây dựng hằng năm và bảng giá đất lần đầu được công bố và áp dụng từ ngày 1/1/2026, được điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung bảng giá đất từ ngày 1/1 của năm tiếp theo.
Chương này cũng quy định cụ thể thời điểm xác định giá đất, thời điểm tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với từng trường hợp giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, gia hạn sử dụng đất, chuyển hình thức sử dụng đất điều chỉnh quyết định giao đất, cho thuê đất mà làm thay đổi diện tích, mục đích sử dụng đất, thời hạn sử dụng đất.
“Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền phải ban hành quyết định giá đất cụ thể trong thời gian không quá 180 ngày kể từ thời điểm xác định giá đất; đối với trường hợp áp dụng giá đất trong bảng giá đất để tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất thì Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền phải ghi giá đất trong quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, gia hạn sử dụng đất, điều chỉnh thời hạn sử dụng đất, chuyển hình thức sử dụng đất”, Thứ trưởng Lê Minh Ngân cho hay.
Bổ sung quy định về rút tiền hàng loạt
Giới thiệu Luật Các tổ chức tín dụng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đoàn Thái Sơn cho hay, Luật Các Tổ chức tín dụng 2024 có nhiều điểm mới, trong đó hoàn thiện quy định về nâng cao yêu cầu quản trị, điều hành, hạn chế lạm dụng quyền cổ đông lớn, quyền quản trị, điều hành để thao túng hoạt động của tổ chức tín dụng.
Theo đó, Luật Các Tổ chức tín dụng 2024 đã giảm giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông là tổ chức, của nhóm cổ đông và người có liên quan; quy định lộ trình 5 năm giảm dần giới hạn cấp tín dụng; sửa đổi, bổ sung quy định về khái niệm người có liên quan.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đoàn Thái Sơn giới thiệu về Luật Các tổ chức tín dụng |
Luật mới cũng bổ sung trách nhiệm công bố, công khai thông tin của cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng trở lên, thông tin về người có liên quan của người quản lý, người điều hành của tổ chức tín dụng…
“Những quy định trên để nâng cao năng lực quản trị, điều hành, minh bạch hóa hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, hạn chế tình trạng thao túng, chi phối hoạt động của cổ đông lớn, nhóm cổ đông lớn tại tổ chức tín dụng”, theo Phó Thống đốc Đoàn Thái Sơn.
Điểm mới nữa, Luật Các Tổ chức tín dụng 2024 đã bổ sung quy định yêu cầu ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải xây dựng phương án khắc phục dự kiến trong các trường hợp bị can thiệp sớm.
“Phương án khắc phục phải được xây dựng, thông qua trước ngày 01/7/2025 hoặc trong thời hạn 1 năm kể từ ngày được cấp giấy phép”, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh.
Định kỳ ít nhất 2 năm, ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải cập nhật, điều chỉnh phương án khắc phục để đảm bảo phù hợp với thực tiễn hoạt động của tổ chức tín dụng. Luật cũng thay đổi về cách tiếp cận đối với can thiệp sớm tổ chức tín dụng phù hợp với thông lệ quốc tế.
Theo Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, trên tinh thần “từ xa, từ sớm”, khi phát hiện các tổ chức tín dụng thuộc trường hợp can thiệp sớm, Ngân hàng Nhà nước có văn bản gửi tổ chức tín dụng. Văn bản này sẽ nêu rõ các yêu cầu, hạn chế đối với tổ chức tín dụng, bao gồm cả việc xây dựng, cập nhật phương án khắc phục để khắc phục các yếu kém phát sinh trong hoạt động của tổ chức tín dụng.
Trường hợp Tổ chức tín dụng thực hiện thành công phương án khắc phục và trở lại hoạt động bình thường, việc áp dụng các biện pháp hạn chế, yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước cũng chấm dứt.
“Các trường hợp được can thiệp sớm cũng được rà soát, bổ sung so với luật hiện hành”, Phó Thống đốcthông tin.
Luật Các tổ chức tín dụng mới cũng bổ sung quy định về rút tiền hàng loạt, trong đó quy định rõ các biện pháp sẽ áp dụng khi một tổ chức tín dụng bị rút tiền hàng loạt, bao gồm các biện pháp tự thân của ngân hàng và các biện pháp hỗ trợ thanh khoản, đảm bảo an toàn hệ thống, đảm bảo quyền lợi người gửi tiền.
Về kiểm soát đặc biệt và các phương án cơ cấu lại tổ chức tín dụng, luật mới quy định phương án phục hồi, phương án sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, phần vốn góp, phương án chuyển giao bắt buộc, phương án giải thể, phương án phá sản.
“Việc xây dựng, thực hiện các phương án cơ cấu lại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt cũng đã được điều chỉnh để xử lý những khó khăn, vướng mắc phát sinh thời gian qua”, theo lời Phó Thống đốc.
Luật Đất đai số 31/2024/QH15 có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, gồm 16 chương, 260 điều, trong đó sửa đổi, bổ sung 180/212 điều của Luật Đất đai năm 2013 và bổ sung mới 78 điều, với rất nhiều điểm mới nổi bật. Luật Các tổ chức tín dụng gồm 15 chương, 210 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024. Luật cũng bổ sung điều khoản chuyển tiếp cho những quy định được sửa đổi, bổ sung tại luật để hạn chế tác động lớn tới thị trường khi luật có hiệu lực. Quy định chi tiết Luật Các tổ chức tín dụng 2024, dự kiến có có 2 nghị định và 4 thông tư. |
Hoàng Lan