Xuất khẩu gạo sang Indonesia: Nâng chất lượng và hướng đến phân khúc cao cấp Sản lượng gạo năm 2023 của Indonesia giảm 2% do hạn hán nên nhu cầu nhập khẩu tăng cao Indonesia mở thầu mua 550.000 tấn gạo, giá gạo Việt Nam sẽ tiếp đà tăng? Thị trường sản phẩm Halal Indonesia: Thách thức nào đang chờ doanh nghiệp Việt? |
Cơ quan Hậu cần Quốc gia Indonesia (Bulog) đã ký hợp đồng nhập khẩu 1 triệu tấn gạo trong tổng hạn ngạch bổ sung được giao là 1,5 triệu tấn từ 4 quốc gia là Thái Lan, Việt Nam, Pakistan và Myanmar.
Theo Bulog, đợt nhập khẩu bổ sung này được tiến hành nhằm tăng cường kho dự trữ gạo của Chính phủ Indonesia đến năm 2024. Bulog sẽ thực hiện nhiệm vụ nhập khẩu gạo từ bất kỳ quốc gia nào đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn.
Ông Mokhamad Suyamto - Giám đốc Chuỗi cung ứng và Dịch vụ Công thuộc Bulog cho biết, hiện tại, Indonesia đã có hợp đồng với một số quốc gia sản xuất gạo lớn, cụ thể là Thái Lan, Việt Nam, Pakistan và Myanmar.
"Indonesia cũng sẽ thăm dò nhập khẩu từ Ấn Độ, Campuchia và các quốc gia khác nếu đáp ứng được yêu cầu", ông Mokhamad Suyamto thông tin.
Indonesia ký hợp đồng nhập khẩu 1 triệu tấn gạo trong tổng hạn ngạch bổ sung được giao là 1,5 triệu tấn từ 4 quốc gia là Thái Lan, Việt Nam, Pakistan và Myanmar. Ảnh minh họa |
Bên cạnh đó, Bulog cũng lưu ý, mặc dù Chính phủ Indonesia đã cấp thêm hạn ngạch nhập khẩu gạo với 1,5 triệu tấn, nhưng việc thực hiện sẽ được điều chỉnh tùy theo nhu cầu phân phối trong nước.
Kho gạo do Bulog kiểm soát hiện còn 1,45 triệu tấn. Với việc thực hiện chỉ đạo nhập khẩu bổ sung, số lượng gạo dự trữ của cơ quan này sẽ tăng lên để đáp ứng nhu cầu phân phối đến năm sau nhằm duy trì ổn định giá gạo trong nước.
Hiện Bulog cũng đang tiến hành giám sát chuyên sâu đối với giá gạo. Theo đánh giá của cơ quan này, giá gạo Indonesia tăng xuất phát từ nhiều yếu tố cả trong lẫn ngoài nước như ảnh hưởng của El Nino và thời điểm đầu vụ gieo trồng.
Từ đầu năm đến nay, Bulog đã phân phối tổng cộng 885.000 tấn gạo nhằm bình ổn thị trường và 641.000 tấn gạo thuộc chương trình hỗ trợ lương thực cho người nghèo trên khắp Indonesia trong giai đoạn từ tháng 9-11/2023.
Về giá gạo trong nước, theo số liệu được Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cập nhật mới nhất, sau đợt tăng giá đầu tháng 11/2023, giá gạo 5% tấm của Việt Nam đang cao hơn mức đỉnh của đợt sốt giá hồi tháng 8 năm nay và bỏ xa các đối thủ như: Thái Lan, Pakistan.
Cụ thể, gạo 5% tấm của Việt Nam đang được giao dịch ở mức 653 USD/tấn, cao hơn giá gạo cùng loại của Thái Lan, Pakistan lần lượt là 93 USD và 90 USD/tấn.
Gạo tấm 25% của Việt Nam hiện giao dịch ở mức 638 USD/tấn, cao hơn hàng cùng loại của Thái Lan và Pakistan lần lượt là 118 USD và 150 USD/tấn.
Kể từ cuối tháng 6, giá gạo xuất khẩu trải qua nhiều lần tăng và tính đến nay đã tăng trên 150 USD/tấn.
Về tình hình xuất khẩu gạo, số liệu của Hải quan Việt Nam cho biết, trong 10 tháng năm 2023, Indonesia là một trong 3 thị trường xuất khẩu gạo chủ lực của Việt Nam. Trong 10 tháng đầu năm, Việt Nam xuất hơn 7,1 triệu tấn gạo, tăng 17% về lượng và 35% về giá trị so với cùng kỳ 2022, vượt kế hoạch đầu năm (6,5 triệu tấn). Riêng tháng 10/2023, xuất khẩu gạo đạt 700.000 tấn, tương ứng 433 triệu USD, tăng 27% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Về thị trường, 3 cái tên dẫn đầu đều thuộc châu Á gồm: Philippines, Trung Quốc và Indoenesia.
Trong đó, Philippines vẫn là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam. Trung Quốc đứng thứ hai và đứng thứ ba là Indonesia. Trong 9 tháng năm 2023, Indonesia nhập khẩu 884.177 tấn gạo từ Việt Nam, kim ngạch 462,61 triệu USD, tăng mạnh tới 1.667% về lượng, tăng 1.794% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 13,8% về lượng và chiếm 13% về kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước.
Hoàng Giang