Theo Cập nhật Kinh tế Đông Á và Thái Bình Dương số tháng 10/2023 của Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố, kinh tế Việt Nam dự báo tăng trưởng 4,7% trong năm 2023 do sức cầu trong nước và bên ngoài yếu đi, sau đó dự báo sẽ hồi phục về mức 5,5% trong năm 2024 và 6,0% trong năm 2025.
Nhu cầu trong nước dự kiến vẫn là động lực tăng trưởng chính, mặc dù tốc độ tăng chậm hơn so với năm ngoái. Lạm phát CPI bình quân trong năm ước đạt 3,5%, do dự kiến tăng lương công chức, sau đó giảm còn 3,0% trong năm 2024 và 2025 với giả định giá cả năng lượng và thương phẩm vẫn ổn định.
Bên cạnh đó, cân đối ngân sách dự kiến có bội chi ở mức 0,7% GDP trong năm 2023 khi chính sách tài khóa vẫn phần nào hỗ trợ cho nền kinh tế, nhưng Chính phủ sẽ quay lại vị thế tài khóa thận trọng hơn trong năm 2024, phù hợp với chiến lược phát triển ngành tài chính giai đoạn 2021-2030. Tài khoản vãng lai dự kiến sẽ tiếp tục được cải thiện, nhờ xuất khẩu phục hồi ở mức khiêm tốn, số lượt du khách quốc tế tiếp tục phục hồi và nguồn kiều hối vẫn đứng vững.
Đáng chú ý, tỷ lệ nghèo (theo chuẩn nghèo cho quốc gia thu nhập trung bình thấp) được dự báo giảm từ 3,2% trong năm 2022 xuống còn 3,0% trong năm 2023.
Tuy nhiên, WB cho rằng, triển vọng trên còn phụ thuộc vào một số rủi ro đang gia tăng. Ví dụ như tăng trưởng thấp hơn dự kiến ở các nền kinh tế phát triển và Trung Quốc có thể suy giảm nhu cầu bên ngoài về các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam. Chính sách tiền tệ bị thắt chặt hơn nữa ở các nền kinh tế lớn và phát triển có thể sẽ nhen nhóm gây áp lực tỷ giá cho đồng nội tệ, dẫn đến dòng vốn tháo chạy ra ngoài.
Sự thận trọng trong dự báo về tăng trưởng kinh tế Việt Nam tiếp tục được một số đơn vị nghiên cứu công bố khi hạ chỉ số tăng trưởng so với số liệu công bố hồi đầu năm. Cụ thể, báo cáo tăng trưởng kinh tế quý III/2023 của Bộ phận Nghiên cứu thị trường và kinh tế toàn cầu của UOB đã hạ dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2023 xuống 5% dù mức dự báo trước đó là 5,2%.
UOB đánh giá trong 9 tháng đầu năm 2023, kết quả tăng trưởng 4,24% là một sự cải thiện so với mức 3,72% của nửa đầu năm 2023, tuy nhiên vẫn chỉ bằng một nửa so với tốc độ tăng trưởng 8,85% so với cùng kỳ vào năm 2022. Điều này đồng nghĩa với việc mục tiêu tăng trưởng chính thức là 6,5% là một thách thức. Để đạt được mục tiêu này, tốc độ tăng trưởng trong quý IV/2023 của Việt Nam sẽ cần ít nhất là 12% và điều này khó xảy ra trong bối cảnh hiện tại nếu nhu cầu cơ bản không có sự cải thiện mạnh mẽ.
“Mặc dù tăng trưởng đã vững chắc hơn trong quý III, nhưng kết quả tăng trưởng chậm trong 6 tháng đầu năm vẫn ảnh hưởng đáng kể. Do đó, chúng tôi điều chỉnh hạ dự báo tăng trưởng cả năm của Việt Nam xuống 5,0% (từ mức 5,2% trước đó), với giả định tốc độ tăng trưởng GDP thực tế trong quý IV/2023 là 7,0% so với cùng kỳ (so với dự báo trước đó là 7,6%). Điều này đòi hỏi các hoạt động kinh tế và đơn đặt hàng phải tăng nhanh trong những tháng tới”, UOB nhận định.
Theo thường lệ, quý IV là quý có kết quả hoạt động tốt nhất trong hầu hết các năm ở Việt Nam, mặc dù mức tăng trưởng trong năm 2023 sẽ bị áp lực khi so sánh với số liệu năm 2022 với mức tăng trưởng đặc biệt mạnh mẽ. Trên cơ sở đó, UOB đang giảm dự báo tăng trưởng khi ba phần tư thời gian năm 2023 đã qua và duy trì dự báo năm 2024 ở mức 6,0%.
Lạc quan hơn, tuy nhiên Báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á tháng 9/2023, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng Việt Nam phù hợp với điều kiện chung. Cụ thể, ADB dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2023 là 5,8% (giảm từ mức 6,5% trong dự báo hồi tháng 4/2023), sau đó tăng lên 6% vào năm 2024 (giảm từ mức 6,8% trong báo cáo trước đó). ADB cho rằng, mức tăng trưởng GDP năm 2023 của Việt Nam vẫn đứng đầu so với các nước trong khu vực Đông Nam Á. Sang đến năm 2024, tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á, chỉ sau Philippines (6,2%).
Trước đó, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng đưa ra dự báo rằng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ phục hồi vào nửa cuối năm 2023, đạt khoảng 4,7% cho cả năm nhờ xuất khẩu phục hồi và các chính sách trong nước nới lỏng. Lạm phát dự kiến sẽ được kiểm soát dưới mức mục tiêu 4,5% của Ngân hàng Nhà nước. Trong trung hạn, Việt Nam có thể quay trở lại đạt được tốc độ tăng trưởng cao khi các cải cách cơ cấu được thực thi.
Mới đây, từ tình hình thực tế, báo cáo tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2023 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã cập nhật kịch bản tăng trưởng quý IV và cả năm 2023 với mức cao nhất là 6% chứ không phải 6,5% như mục tiêu đặt ra.
Điều đó cho thấy, không chỉ các các tổ chức, đơn vị nghiên cứu thận trọng trong dự báo mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã xác định mục tiêu tăng trưởng 6,5% là vô cùng thách thức. Tuy nhiên, với yêu cầu tiếp tục kiên định mục tiêu tổng quát đã đề ra, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ và Hội nghị Chính phủ với các địa phương, Thủ tướng Phạm Minh Chính vẫn nhấn mạnh cần bám sát thực tiễn, nắm chắc tình hình, tăng cường năng lực phân tích, dự báo để phản ứng chính sách chủ động, tích cực, kịp thời, linh hoạt, hiệu quả, chuẩn bị kỹ các phương án, kịch bản, giải pháp ứng phó với các tình huống có thể xảy ra; dứt khoát không trông chờ, ỷ lại, đùn đẩy, né tránh, "không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm"; thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng, tăng tốc phát triển sản xuất công nghiệp, nỗ lực phấn đấu đạt mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2023, tạo điều kiện thuận lợi cho triển khai thực hiện kế hoạch năm 2024.
Minh Đức