Phương tiện tối ưu hóa trả nghiệm của khách hàng
Tại hội thảo “Thị trường BPA và giải pháp tự động hóa” do Công ty CP Quảng cáo và Hội chợ Thương mại Vinexad và Công ty TNHH WorldBaseSys (WBS) tổ chức chiều 5/4 trong khuôn khổ Hội chợ Thương mại Quốc tế Việt Nam 2024 (VIETNAM EXPO), ông Nguyễn Quang Thông - Phó Giám đốc Khối Khách hàng Cá nhân kiêm Giám đốc Trung tâm Ngân hàng số, Nam Á Bank chia sẻ, tại Nam Á Bank, tự động hóa không chỉ là công cụ nâng cao hiệu suất làm việc mà còn là phương tiện để tối ưu hóa trải nghiệm của khách hàng, mang đến dịch vụ ngân hàng cá nhân hóa.
“Chúng ta đang chứng kiến tự động hóa giúp ngành ngân hàng cải thiện thời gian phản hồi, độ chính xác và mức độ an toàn trong mọi giao dịch. Điều này không chỉ khẳng định vai trò tiên phong của chúng tôi trong ngành mà còn thể hiện cam kết không ngừng nâng cao giá trị dịch vụ, đồng hành cùng sự phát triển bền vững của nền kinh tế số”- Đại diện Nam Á Bank quả quyết.
“Trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ tại Việt Nam, tự động hóa đã không còn là lựa chọn mà trở thành yêu cầu cấp thiết cho mỗi ngân hàng…”, đại diện Nam Á Bank, ông Nguyễn Quang Thông đưa ra lời khuyên.
Tăng cường khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp
Ông Hồ Anh Thắng, Giám đốc Giải pháp TNTECH - một trong những doanh nghiệp (DN) đi đầu trong cuộc cách mạng BPA chia sẻ: “Các giải pháp nhà kho thông minh giúp nâng cao hiệu quả vận hành và tăng cường khả năng cạnh tranh bền vững cho DN, giúp DN giảm thiểu thời gian chờ đợi, tối ưu hóa không gian lưu trữ và cải thiện đáng kể luồng hàng hóa.
“Đây không chỉ là bước tiến trong việc tối ưu hóa chuỗi cung ứng mà còn góp phần đặt nền móng cho kỷ nguyên sản xuất thông minh…”- Đại diện TNTECH quả quyết.
“Tự động hóa đã mở ra một kỷ nguyên mới trong việc quản lý và triển khai hệ thống công nghệ thông tin. Tại FaceNet, chúng tôi không chỉ chứng kiến sự tiến hóa của tự động hóa thành một xu hướng cơ bản trong ngành mà còn là động lực chính đằng sau những đổi mới không ngừng…”- Ông Phạm Ngọc Sơn - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty CP Công nghệ Cao và Dịch vụ phần mềm FaceNet chia sẻ.
Cũng theo ông Sơn, tự động hóa không chỉ giúp các DN hoạt động hiệu quả hơn mà còn cải thiện đáng kể trải nghiệm của người dùng cuối.
“Với khả năng triển khai nhanh chóng và linh hoạt, tự động hóa đã trở thành chìa khóa để mở khóa tiềm năng sáng tạo không giới hạn, giúp các tổ chức ở mọi quy mô thích nghi và phát triển trong thế giới số hóa”, đại diện DN khẳng định…
Cơ hội và thách thức…
Tự động hóa quy trình kinh doanh, gọi tắt là BPA (Business Process Automation), là xu hướng tận dụng công nghệ để tự động hóa các hoạt động, quy trình chức năng trong một doanh nghiệp. Mục tiêu của BPA là nâng cao hiệu quả hoạt động, giảm thiểu sai sót, tiêu chuẩn hóa quy trình và giúp nhân viên tập trung vào các hoạt động mang tính chiến lược, có giá trị gia tăng hơn.
Theo GlobeNewsWire, thị trường BPA toàn cầu được dự báo sẽ mở rộng với tốc độ tăng trưởng kép là 11,4%. Năm 2023, thị trường BPA được ước tính trị giá khoảng 14,2 tỷ USD, dự kiến tăng 30,2 tỷ USD vào cuối năm 2030.
Không chỉ dừng lại ở việc tối ưu năng suất, tự động hóa quy trình kinh doanh hứa hẹn sẽ thúc đẩy thương mại toàn cầu qua các ứng dụng như nhà kho thông minh, robot theo dõi lô hàng, quản lý các đơn đặt hàng, các phần mềm số giúp tăng tốc giao dịch thương mại bằng cách hợp lý hóa các thủ tục giấy tờ, thanh toán, các công cụ phân tích dữ liệu hỗ trợ các tổ chức tìm ra xu hướng, đưa ra dự báo chính xác và hợp lý hóa chuỗi cung ứng.
Theo các chuyên gia, việc ứng dụng BPA vào vận hành các nhà máy tại Việt Nam là thị trường có tiềm năng rất lớn.
Theo quy hoạch sử dụng đất quốc gia đã được Quốc hội thông qua ngày 13/11/2021, đến hết năm 2030, diện tích đất phát triển các khu công nghiệp sẽ đạt khoảng 210.930 ha. Như vậy từ nay đến năm 2030 sẽ có thêm khoảng 120.000 ha khu công nghiệp. Ứng dụng tự động hóa không chỉ giúp tăng hiệu suất, mà còn giúp khu công nghiệp đạt được các lợi ích về ESG (Môi trường - Xã hội - Quản trị DN) như giảm phát thải khí carbon, tạo môi trường làm việc an ninh, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, cũng như giảm sai sót trong quy trình, tối ưu hóa chi phí vận hành tài sản, quy trình và nguồn lực.
Đối với các DN vừa và nhỏ (SME), BPA là cơ hội để mở rộng khả năng tiếp cận thị trường toàn cầu. Qua các nền tảng số, SME giờ đây có thể giao tiếp với khách hàng, đối tác và nhà cung cấp trên phạm vi toàn thế giới. Các giao dịch xuyên biên giới trở nên dễ dàng hơn nhờ hệ thống thanh toán kỹ thuật số.
Thế nhưng hiện nay, mức độ ứng dụng tự động hóa của các DN Việt còn chưa cao. Đây vừa là cơ hội cho các nhà cung cấp giải pháp tự động hóa giới thiệu sản phẩm của mình, vừa là thách thức cho DN phải tìm cách thích nghi trong thời đại kinh tế số phát triển mạnh mẽ.
“Việt Nam đang đối diện làn sóng công nghệ tự động hóa. Đây được xem là một yếu tố then chốt để giúp các DN phát triển, nâng cao vị thế cạnh tranh trên thị trường. Những công nghệ mới như Tự động hóa quy trình bằng robot (RPA), Xử lý tài liệu thông minh (IDP), Trí tuệ nhân tạo (AI).... sẽ trực tiếp ảnh hưởng một số ngành nghề qua tác động đến năng suất đầu vào và qua cơ chế thị trường lan tỏa đến nhiều ngành khác…”, bà Nguyễn Hồng Nhung - Giám đốc VIETNAM EXPO 2024 nhấn mạnh
Thanh Thanh