Bắc Ninh giữ vững vị trí top 10 địa phương có chỉ số PAPI cao nhất cả nước Bắc Ninh tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam |
Chùa Dâu còn có tên là Diên Ứng, Pháp Vân, hay Cổ Châu, tại xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Đây được coi là ngôi chùa hình thành sớm nhất ở Việt Nam khi Phật Giáo mới du nhập, lưu giữ nhiều công trình kiến trúc cổ như thành cổ Luy Lâu, lăng mộ Sĩ Nhiếp, hệ thống chùa chiền, đền đài, dinh thự, bảo tháp…
Chùa Dâu Bắc Ninh. Ảnh minh họa |
Lễ hội chùa Dâu được tổ chức rất long trọng với quy mô rộng lớn của ba xã thuộc vùng Dâu – Luy Lâu (Thuận Thành) là: Thanh Khương, Trí Quả, Hà Mãn với 5 ngôi chùa lớn thờ Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện và chùa Tổ thờ bà Man Nương – mẹ của Tứ Pháp, lấy chùa Dâu làm trung tâm.
Đây là lễ hội được coi là cổ nhất còn tồn tại đến ngày nay. Sử sách cho biết các vua chúa thường về đây dự lễ hội, lễ Phật, cầu đảo, thậm chí tượng Pháp Vân nhiều lần được rước về kinh đô Thăng Long để cầu đảo. Lễ hội được tổ chức với những nghi lễ trang nghiêm, trọng thể theo đúng phong tục truyền thống kỷ niệm ngày Phật mẫu Man Nương hạ sinh nữ nhi.
Các nghi thức trong Hội Dâu đều là những hoạt động diễn xướng tín ngưỡng cầu Thần Nước của nông dân. Lễ rước trong hội chùa Dâu rất đặc biệt, mang nhiều nét đẹp văn hóa tiêu biểu, độc đáo.
Hoạt động chính của hội là các làng tổ chức rước các tượng Pháp Vân (bà Dâu), Pháp Vũ (bà Đậu), Pháp Lôi (bà Tướng), Pháp Điện (bà Dàn) từ các chùa của làng mình về tụ hội tại chùa Dâu, đám rước gồm ngựa thờ, cờ quạt, tàn lọng, kiệu bát cống, từ các ngả kéo về...
Các nghi thức trong Hội Dâu đều là những hoạt động diễn xướng tín ngưỡng cầu Thần Nước của nông dân. Ảnh minh họa |
Điều đặc sắc, ấn tượng nhất là khi tới chùa Dâu thì diễn ra trò “mẹ đuổi con”. Kiệu bà Dâu, bà Đậu, bà Tướng, bà Dàn, mỗi kiệu được rước chạy 3 vòng rồi trở về chỗ cũ. Sau đó diễn ra trò “cướp nước” được đón đợi nhiều nhất, khi có hiệu lệnh, kiệu bà Sấm, bà Đậu, bà Mưa đua nhau rước chạy ra tam quan. Kiệu rước bà nào đến trước thì bà đó được nước, là thắng.
Người dân xem ai về đích trước để dự báo mùa màng. Nếu bà Mưa thắng thì năm ấy được mùa còn nếu bà Sấm thắng thì năm ấy ruộng đồng lắm sâu bọ, làm ăn trắc trở. Cuộc thi “cướp nước” chính là nghi lễ đặc sắc, nổi bật nhất ở lễ hội chùa Dâu và luôn được người dân, du khách đón đợi nhiều nhất.
Bên cạnh đó, dân xã còn tổ chức rước “Phật Thạch Quang” và “Phật Tứ Pháp” về chùa Mãn Xá (quê mẹ Man Nương để bái tổ), rước “tuần nhiễu”…
Lễ hội chùa Dâu là một nhu cầu không thể thiếu trong đời sống tâm linh của người dân vùng Dâu. Bởi nó không chỉ là nhu cầu tìm về Phật tổ và hòa mình trong hoạt động văn hóa cộng đồng dân gian sôi động và tiêu biểu mà còn với ý nghĩa quan trọng là cầu mong mọi điều tốt lành, cầu cho mưa thuận gió hòa - một ước vọng ngàn đời của cư dân nông nghiệp.