Bài dự thi Cuộc thi viết "Ngân hàng tôi yêu" của tác giả Sú Lầy Phún, Thủ quỹ Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB)
Ngày đầu tiên bước chân vào ngân hàng tôi chỉ là một con bé 23 tuổi, cái tuổi chập chững bước vào đời với bao nhiêu mơ ước và hoài bão: Ngân hàng! Hai chữ ngân hàng choáng ngợp trong tôi vì chẳng dám mơ có ngày mình lại được vào một môi trường làm việc tốt đến thế này.
Những ngày đầu vào làm việc, bước chân tôi rụt rè đi chẳng dám đi ngồi chẳng dám ngồi, vì nó quá xa vời trong suy nghĩ của tôi, cứ như mình chưa kịp tỉnh sau cơn mơ.
Màn chào hỏi đầu tiên của tôi với người sếp đầu tiên tôi gặp, cặp mắt kính xệ trên gương mặt và ánh nhìn nghiêm khắc, khiến tim tôi loạn nhịp chẳng biết phải nói gì và làm gì, tay chân thừa thãi cứ nắm lấy vạt áo vân vê.
Như hiểu được sự lúng túng và rụt rè, chị ấy đã mỉm cười nhẹ với tôi, hỏi tên tôi, rồi tuổi của tôi, ân cần chỉ về phía cuối phòng đó là vị trí ngồi của tôi.
Tôi bước đi như kẻ mộng du về chỗ ngồi của mình, sau đó là màn giới thiệu tôi với từng người trong phòng, các anh chị lớn tuổi hơn tôi, mặc nhiên tôi là út ít trong phòng.
Ngày đầu học việc tôi chưa được làm gì cả, công việc chính của tôi là photo, giúp các anh chị những việc vặt trong phòng,rồi pha trà tiếp khách. Vì là phòng Hành chính nên công việc thiên hình vạn trạng, rất nhiều các công việc lặt vặt. Cái tuổi mới lớn tôi cũng có nhu cầu ăn ngủ như bao nhiêu người khác, tôi rất hay buồn ngủ trong giờ làm việc.
Anh Bạch là người anh lớn tuổi nhất phòng, rất tâm lý, thấy tôi ngáp ngắn ngáp dài, dù tôi cố che giấu nhưng vẫn không lọt được qua cặp mắt của anh, anh đi qua bàn của tôi chìa cho tôi thỏi kẹo cao su để tôi nhai cho qua cơn buồn ngủ, khi thì một ly nước mát mỗi khi anh đi công tác về. Tới bữa trưa lúc nào trên bàn của tôi cũng có sẵn một hộp cơm, anh biết tôi lạ nước, lạ cái nên cũng không biết chỗ ăn trưa, anh chăm sóc cho tôi như một người anh lo cho em út của mình. Anh lớn hơn tôi rất nhiều tuổi ngang ngửa tuổi chú của tôi ở nhà nhưng vì trong cơ quan anh bảo cứ kêu là anh được rồi.
Thời gian qua đi, rồi tôi cũng phải thích ứng với công việc, ngày trước công nghệ chưa phát triển, gửi thư phải qua đường bưu điện, còn những thư khẩn phải cầm đến tận các cơ quan và nhà của khách hàng, vì là nữ nên cũng bị hạn chế nhiều! Nhưng anh luôn giúp tôi hoàn thành công việc, có những khách hàng tiện trên quãng đường anh về nhà, anh sẵn sàng giúp tôi chuyển thư đến họ.
Rồi những ngày có những công văn phải gửi đi gấp, thì đương nhiên phải ở lại dù đã hết giờ làm, anh thấy vậy cũng giúp tôi hoàn thành công việc một cách nhanh nhất có thể để tôi còn kịp về dùng cơm với gia đình. Anh như một người anh lớn luôn bảo ban tôi phải biết cách cư xử với mọi người trong phòng, động viên tôi mỗi khi tôi không hoàn thành công việc để sếp phải la rầy, anh sẽ pha trò mỗi khi tôi sắp bật khóc, anh chỉ bảo cho tôi phải biết sắp xếp công việc như thế nào để hoàn thành tốt nhất trong khả năng của mình.
Tôi biết anh cũng có những thăng trầm trong cuộc sống nhưng trong mắt mọi người anh luôn là một người anh lớn, anh xem chúng tôi như những người em của mình, anh ân cần chu đáo, nói chuyện ôn tồn, không giận dỗi ai bao giờ, rất nhiệt thành, sống tình cảm và chan hòa, san sẻ những khó khăn với tất cả mọi người.
Tôi như một đứa em út trong gia đình được anh cưng chiều nhất! Có đôi khi lỗi không phải của anh nhưng anh cũng đứng ra nhận lỗi thay tôi, vì anh biết khởi đầu đều rất khó khăn với tất cả nhưng khi chỉ còn hai anh em thì anh cũng nghiêm khắc chỉ ra những khuyết điểm mà tôi mắc phải, tôi vừa nể sợ anh nhưng cũng rất tôn trọng anh.
Giai đoạn năm 1994 cuộc sống rất nhiều khó khăn, lương của tôi chỉ 800.000 đồng/tháng, đủ để chi tiêu cho bản thân, cũng chẳng giúp gì được cho gia đình, phụ giúp mẹ vài trăm để chợ búa lo cho gia đình, còn một ít thì để phòng túi đi làm, có những lúc phải kềm chế bản thân không mua sắm gì cho bản thân nhưng khi bước chân vào chỗ làm, thì phải trong tâm thế chỉn chu đàng hoàng.
Vậy mà anh lại phải nuôi thêm mẹ già. Tuy anh vào nghề lâu hơn tôi nhưng lương của anh cũng chỉ nhỉnh hơn tôi một chút, anh vẫn cố gắng thu xếp ổn thỏa cho kinh tế gia đình. Tôi chưa bao giờ nghe anh than thở lấy một câu về những khó khăn anh gặp phải. Anh như một cỗ máy chạy với công suất tối đa. Phải chăng những bận rộn thường nhật đã khiến anh không màng đến những cảm xúc riêng tư, tôi thấy ở anh là sự tận tụy với công việc, yêu nghề ,yêu đồng nghiệp!.
Nhiều năm đã trôi qua, tôi không còn làm ở vị trí đó nữa đã có nhiều sự thay đổi. Tôi đã làm ở một vị trí khác nhưng bây giờ ngồi tại chỗ tất cả những gì liên quan đến công việc, chỉ cần nhẹ nhàng một cái nhấp chuột sẽ được gửi đi nhanh chóng, nó làm tôi nghĩ về những ngày tháng khi công nghệ chưa phát triển, chúng tôi vẫn sát cánh bên nhau để hoàn thành công việc một cách nhanh chóng, những giọt mồ hôi, những khoảnh khắc vất vả trong công việc. Chút sẻ chia động viên kết nối chúng tôi thành một tập thể vững mạnh, không còn là khoảng cách đồng nghiệp mà đã xem nhau như một gia đình.
Ngân hàng ngày càng phát triển, cuộc sống của những người làm trong ngành này cũng khấm khá hơn, con người hòa nhập với công nghệ, chuyên nghiệp hơn nhưng sao tôi vẫn bùi ngùi khi nghĩ về những ngày chập chững bước vào nghề.
Năm 2016 tôi vinh dự nhận được kỷ niệm chương VÌ SỰ NGHIỆP NGÂN HÀNG, tôi thầm biết ơn những lớp đàn anh, đàn chị đi trước đã cho tôi có được sự trưởng thành và có một cái nhìn tốt đẹp về tình người! Tôi cũng mong mỏi mình sẽ giúp ích được lớp đàn em kế tục bằng một chút kinh nghiệm của mình đã trải qua sau bao năm gắn bó với ngân hàng.
SCB niềm tin vĩnh cửu trong tôi!
SÚ LẦY PHÚN
Theo Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ