Không để vàng ảnh hưởng đến chính sách kinh tế và tác động tâm lý xã hội

14/06/2024 - 23:41
(Bankviet.com) Không chỉ giảm chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới, việc không để “vàng hóa” nền kinh tế cũng là nhiệm vụ trọng tâm Việt Nam cần thực hiện.
Ngân hàng Nhà nước yêu cầu báo cáo về các giao dịch vàng lớn, đáng ngờ Vẫn còn tình trạng lộn xộn, chen lấn, xô đẩy mua vàng SJC Giá vàng chiều nay 14/6/2024: Giá vàng trong nước đi ngang, vàng thế giới lao dốc

Mua hộ vàng gây mất trật tự, tiềm ẩn rủi ro

Trong gần nửa tháng qua, thực hiện chủ trương của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã tích cực triển khai nhiều biện pháp nhằm bình ổn thị trường vàng, trong đó có việc bán vàng miếng cho 4 ngân hàng thương mại Nhà nước và Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) để các đơn vị này bán vàng trực tiếp cho dân nhằm tăng nguồn cung. Song song đó, Ngân hàng Nhà nước còn thực hiện quyết liệt công tác thanh tra, kiểm tra thị trường vàng, đẩy lùi hành vi đầu cơ, trục lợi, thao túng thị trường.

Với nhiều biện pháp quyết liệt, thị trường vàng đã có những diễn biến tích cực hơn khi mức chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới đã giảm đáng kể, xuống còn khoảng trên dưới 4 triệu đồng/lượng.

Hôm nay (14/6), là ngày thứ 5 liên tiếp giá vàng miếng SJC được Ngân hàng Nhà nước bán ra cho 4 ngân hàng quốc doanh và Công ty SJC neo ở mức 75,98 triệu đồng/lượng. Theo đó, giá vàng SJC vẫn phổ biến quanh mức 75 - 77 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra ở các các doanh nghiệp kinh doanh vàng lớn như Công ty SJC, PNJ, Doji. Bốn ngân hàng tham gia bán vàng bình ổn Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank cũng niêm yết giá bán 76,98 triệu đồng/lượng.

Tuy nhiên, trước những biến chuyển tích cực của thị trường vàng, không ít người dân lại có tâm lý mua gom vàng, tích trữ vàng, mua để tiết kiệm với hy vọng giá vàng thế giới và trong nước sẽ tăng cao. Thậm chí cơ quan quản lý còn cho biết, tại nhiều điểm bán, có tình trạng thuê người xếp hàng gom vàng với mục tiêu đẩy giá, gây bất ổn và thiệt hại cho nền kinh tế. Do đó, Ngân hàng Nhà nước đề nghị Bộ Công an xác minh và xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, thao túng thị trường, đồng thời hạn chế tình trạng các đối tượng có ý đồ xấu thuê người xếp hàng mua gom vàng.

Không để vàng ảnh hưởng đến chính sách kinh tế và tác động tâm lý xã hội
Điểm bán vàng của BIDV, Chi nhánh Sở Giao dịch 1, tháp A Vincom, 191 Bà Triệu rất đông người xếp hàng từ sáng sớm ngày 14//6. Ảnh Minh Quang

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh - khuyến cáo, vàng với tính chất là tài sản tài chính biến động, gắn liền với nhiều yếu tố của thị trường, người dân cần cân nhắc và thận trọng trong việc mua vàng, đầu tư vàng để tránh rủi ro do giá vàng biến động.

Đồng thời, người dân, doanh nghiệp cần hiểu, thực hiện đúng quy định về kinh doanh mua bán vàng miếng, thực hiện tốt các biện pháp ổn định thị trường vàng, hạn chế rủi ro và ngăn ngừa vi phạm pháp luật. “Việc tập trung đông người, xếp hàng mua vàng dễ xảy ra trộm cướp. Đặc biệt mua hộ vàng gây mất trật tự là không cần thiết, tiềm ẩn rủi ro và vi phạm pháp luật về đầu cơ, làm giá và ảnh hưởng đến lợi ích nền kinh tế” - ông Lệnh nói.

Giải pháp để giảm tình trạng người dân chen nhau xếp hàng mua vàng, trong đó có tình trạng xếp hàng mua hộ vàng, ông Lệnh cho rằng, cơ quan chức năng đang tăng cường kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn tình trạng mua gom đầu cơ.

Về phía các ngân thương mại Nhà nước, cũng từng bước triển khai bán vàng online nhằm nhằm giải quyết tình trạng khách phải xếp hàng chờ lấy số mua vàng tại các điểm bán. Đặc biệt, nhiều khách xếp hàng nhiều ngày cũng không mua được vàng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân mua vàng…

Cụ thể, từ ngày 12/6, Vietcombank đã triển khai tiện ích Đăng ký mua vàng miếng SJC trực tuyến cho khách hàng ngay trên Website của ngân hàng này. Theo đó, khách hàng có thể đăng ký mua vàng miếng SJC theo địa điểm mong muốn và nhận được xác nhận lịch hẹn với thông tin về địa điểm, thời gian thực hiện thanh toán và giao nhận vàng miếng SJC mà không cần phải đến trực tiếp để xếp hàng và lấy số giao dịch.

Tương tự, đại diện Agribank cho biết, đang chuẩn bị hạ tầng công nghệ để bán vàng trực tuyến từ tuần sau. “Chậm nhất đến ngày 17/6, khách hàng mua vàng miếng tại Agribank có thể đăng ký trực tuyến trên trang thông tin”, vị này cho hay.

Không để vàng ảnh hưởng đến chính sách kinh tế và tác động tâm lý xã hội
Trước những biến chuyển tích cực của thị trường vàng, không ít người dân lại có tâm lý mua gom vàng, tích trữ vàng

Quyết liệt với chủ trương chống “vàng hoá” nền kinh tế

Nhiều chuyên gia kinh tế cũng đánh giá cao quyết sách của Ngân hàng Nhà nước trong việc thu hẹp chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế. Theo GS.TS. Hoàng Văn Cường - Đại biểu Quốc hội khóa XV: “Tôi đánh giá cao điều hành của Ngân hàng Nhà nước trong việc kiểm soát giá vàng thời gian qua. Tôi thấy Ngân hàng Nhà nước đã thành công ở 2 điểm: Kéo giá vàng xuống, thể hiện sức mạnh của nhà nước và không để cho một nhóm nào lũng đoạn thị trường được”.

Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Đức Độ cũng cho rằng, đây là một bước tiến và thành công của cơ quan quản lý. Tuy nhiên, ông Độ cho rằng, không khuyến khích phát triển vàng thì không nên đưa giá vàng trong nước ngang hoặc sát với giá vàng thế giới mà nên có một khoảng cách nhất định để người dân thấy có rủi ro, nhưng cũng đến mức để người dân chấp nhận được.

Các chuyên gia cũng đồng thời khẳng định, việc người dân tích trữ vàng thay vì đầu tư vào các kênh khác là lãng phí nguồn lực, khiến cho nguồn vốn phát triển kinh tế bị “chôn chặt”. “Tích trữ vàng là một thói quen truyền thống của người Việt từ xa xưa, là một dạng tài sản tiết kiệm để phòng ngừa những biến động về kinh tế, xã hội, là biểu tượng cho sự giàu có và may mắn. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động, việc tích trữ, đầu tư vàng không thật sự hiệu quả so với các kênh đầu tư khác” - một vị chuyên gia nêu quan điểm.

LS. Trương Thanh Đức cho rằng, không nên khuyến khích người dân nắm giữ vàng, phải biến vàng thành nguồn lực phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội.

Ông Nguyễn Đức Lệnh khuyến cáo, người dân chỉ được thực hiện mua, bán vàng miếng SJC tại các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp đã được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng. Các doanh nghiệp kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ không được cấp phép kinh doanh mua bán vàng miếng, nếu thực hiện việc mua bán vàng miếng với cá nhân, tổ chức là trái quy định.

Riêng doanh nghiệp sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ; kinh doanh mua bán vàng các loại buộc phải tuân thủ nghiêm quy định của pháp luật về giấy phép hoạt động; giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng và phương án kinh doanh an toàn; giấy phép kinh doanh mua bán vàng miếng; hóa đơn chứng từ; tem mác, nguồn gốc xuất xứ sản phẩm; chất lượng sản phẩm và công khai niêm yết giá.

Hoạt động này là đảm bảo tuân thủ đúng quy định pháp luật và công khai minh bạch, phòng ngừa, hạn chế rủi ro do sai phạm, do liên quan tội phạm làm hàng nhái, hàng giả, buôn lậu và trốn thuế.

“Mua bán vàng cũng là tài sản tài chính, tài sản đầu tư, người dân cần ý thức, thận trọng trong việc kinh doanh của mình, mua bán sao cho hợp lý, để tài sản sinh lời và việc mua bán phải đảm bảo an ninh trật tự, cũng như phát huy hiệu quả các giải pháp của Ngân hàng Nhà nước. Việc mua bán vàng cần tuân thủ Nghị định 24, trong đó có tuân thủ nguồn gốc xuất xứ, hóa đơn chứng từ... Yêu cầu với việc sản xuất kinh doanh, mua bán vàng là phải công khai minh bạch” - ông Lệnh khẳng định.

Trước những diễn biến phức tạp của thị trường vàng trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính Phủ theo Công điện số 23 ngày 20/3/2024 về tăng cường các biện pháp quản lý thị trường vàng, ngoài việc thu hẹp chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế, Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp với các bộ, ngành triển khai nhiệm vụ không để “vàng hoá” nền kinh tế, tránh để ảnh hưởng xấu đến tỷ giá, thị trường tiền tệ, ngoại hối và an toàn, an ninh tiền tệ quốc gia.

Theo GS.TS. Trần Thọ Đạt - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia - cho biết, hiện chưa có hệ thống đo lường chỉ số vàng hóa trong nền kinh tế, do vậy có nhiều ý kiến đánh giá khác nhau về mức độ “vàng hóa” nền kinh tế. Tuy nhiên, qua tổng hợp, nghiên cứu, GS.TS. Trần Thọ Đạt nhận định, so với các quốc gia khác ở châu Á, thu nhập bình quân của Việt Nam xếp thuộc nhóm thấp, tuy nhiên nhu cầu tiêu thụ vàng trên đầu người lại ở ngưỡng trung bình. Như vậy, mặc dù đã giảm đáng kể, mức độ “ưa thích giữ vàng” ở Việt Nam vẫn còn khá cao khi so sánh với các thị trường khác trong khu vực.

“Xu hướng chung ở các nước là nhu cầu về vàng miếng và tiền vàng đều giảm dần qua các năm so với quy mô nền kinh tế. Tuy nhiên, khi so sánh với hai quốc gia có nhu cầu về vàng đứng đầu của thế giới, tỷ lệ tiêu thụ vàng miếng và tiền vàng so với GDP ở Việt Nam lại cao hơn hẳn - gấp 2 lần Ấn Độ và gấp 10 lần Trung Quốc. Như vậy, nhu cầu tiêu thụ vàng bình quân của Việt Nam xấp xỉ Trung Quốc và Ấn Độ, nhưng khi xét riêng về vàng miếng thì tiêu thụ của Việt Nam lại nhỉnh hơn hẳn” - ông Đạt nói.

Dưới góc độ cơ quan quản lý nhà nước, ông Phạm Quang Dũng - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục nghiên cứu sửa đổi Nghị định 24, trong đó vẫn kiên định mục tiêu chống “vàng hóa” nền kinh tế, không để “vàng hóa” tác động đến điều hành chính sách tiền tệ, đến tỷ giá, ngoại hối, cán cân thanh toán; không để giá vàng chênh lệch cao so với giá thế giới; không để vàng ảnh hưởng đến chính sách kinh tế, không tác động tâm lý xã hội; nghiên cứu từng bước đưa nguồn lực vàng trong dân vào sản xuất - kinh doanh.

Lê Na - Thùy Linh

Theo: Báo Công Thương