Kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa trong thương mại điện tử

29/06/2024 - 20:40
(Bankviet.com) Quốc hội yêu cầu nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện quy định xác thực tài khoản người bán cá nhân và cung cấp thông tin trên các ứng dụng thương mại điện tử.
Công điện của Thủ tướng về tăng cường quản lý thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số Hệ thống pháp luật ngày càng nâng cao trách nhiệm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử Bộ trưởng Bộ Công Thương giải đáp nhiều nội dung về phát triển thương mại điện tử

Sáng 29/6, tiếp tục Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV theo hình thức biểu quyết điện tử.

Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV
Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV

Kết quả biểu quyết cho thấy, có 472 đại biểu biểu quyết tán thành (chiếm 97,12%). Như vậy, với tuyệt đại đa số đại biểu biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV quyết nghị, Quốc hội thống nhất đánh giá, sau 2,5 ngày làm việc nghiêm túc, dân chủ, trách nhiệm, tinh thần xây dựng cao, phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 7 đã thành công tốt đẹp, thu hút được sự quan tâm của nhân dân và cử tri cả nước.

Quốc hội ghi nhận những nỗ lực, cố gắng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Kiểm toán nhà nước trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ trên các lĩnh vực, đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Qua chất vấn, Quốc hội nhận thấy vẫn còn một số tồn tại, hạn chế và bất cập cần khắc phục trong công tác quản lý nhà nước đối với các lĩnh vực. Quốc hội cơ bản tán thành với các giải pháp, cam kết mà Bộ trưởng các Bộ: Tài nguyên và Môi trường; Công Thương; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Tổng Kiểm toán nhà nước và các thành viên khác của Chính phủ đã báo cáo tại phiên chất vấn.

Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Kiểm toán nhà nước và các cơ quan liên quan tập trung thực hiện một số nội dung.

Trong đó, đối với lĩnh vực Công Thương, Quốc hội yêu cầu tiếp tục hoàn thiện pháp luật về thương mại điện tử và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong việc quản lý, giám sát và giải quyết tranh chấp trực tuyến trong hoạt động thương mại điện tử. Nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện quy định xác thực tài khoản người bán cá nhân và cung cấp thông tin trên các ứng dụng thương mại điện tử.

Đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Tăng cường hoạt động tuyên truyền để người tiêu dùng nghiên cứu kỹ thông tin sản phẩm, người bán hàng trong giao dịch trên không gian mạng. Kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa trong thương mại điện tử; đấu tranh với các hành vi gian lận thương mại, hành vi hạn chế cạnh tranh và cạnh tranh không lành mạnh, sản xuất hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Tăng cường ứng dụng công nghệ trong công tác quản lý, giám sát các trang mạng, ứng dụng thương mại điện tử và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật; bảo đảm thu đúng, thu đủ, kịp thời và chống thất thu thuế trong thương mại điện tử, kinh doanh trên các nền tảng thương mại điện tử, kinh doanh trên các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới. Tăng cường kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các Bộ, ngành, địa phương để khai thác thông tin, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử.

Đồng thời, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng, đa dạng hóa thị trường ngoài nước gắn với nâng cao chất lượng sản phẩm, tham gia sâu vào các chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu. Phối hợp chặt chẽ với các hiệp hội ngành hàng để kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc về sản xuất, vận chuyển, xuất khẩu hàng hoá.

Nâng cao năng lực cơ quan đại diện thương vụ, xúc tiến thương mại, cập nhật kịp thời quy định, chính sách của các thị trường ngoài nước, thông tin, khuyến nghị đối với các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp xuất khẩu. Trong năm 2024, ban hành bộ chỉ số đánh giá kết quả thực hiện Hiệp định thương mại tự do (FTA) tại các địa phương.

Chú trọng công tác thông tin, cảnh báo sớm các vụ kiện phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam và hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp ứng phó, bảo vệ lợi ích trong các vụ kiện; kịp thời áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam để bảo vệ các ngành sản xuất trong nước, nhất là đối với các ngành sản xuất nông nghiệp, công nghiệp chủ lực, theo quy định và phù hợp với các cam kết quốc tế.

Chuẩn bị các điều kiện cần thiết hỗ trợ doanh nghiệp khai thác hiệu quả cơ hội Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len tham gia vào Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Cải cách thủ tục hành chính, vận hành tốt hệ thống cấp Giấy chứng nhận xuất xứ qua mạng và cơ chế Tự chứng nhận xuất xứ.

Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện chính sách, pháp luật về phát triển công nghiệp; xây dựng Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2026 - 2035, tập trung phát triển các ngành điện tử thông minh, ô tô, cơ khí và tự động hóa, công nghệ cao, dệt may, da giày gắn với kinh tế xanh.

Quốc hội cũng yêu cầu Bộ Công Thương có giải pháp phát triển nguồn nhân lực, công tác nghiên cứu, thiết kế, chuyển giao công nghệ, ứng dụng chuyển đổi số, nâng cao năng lực các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ. Hoàn thiện chính sách thu hút tổ chức, cá nhân đầu tư, tham gia phát triển sản xuất công nghiệp nông thôn, đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp, chế biến nông, lâm sản; xây dựng các khu công nghiệp phục vụ nông nghiệp quy mô lớn. Tập trung phát triển chế biến sâu các sản phẩm nông nghiệp chủ lực và có lợi thế.

Phát triển các ngành sản xuất, lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh, thu hút các tập đoàn đa quốc gia đầu tư các dự án quy mô lớn tại Việt Nam, từng bước mở rộng ra thị trường nước ngoài để khai thác tối đa lợi thế từ các FTA đã ký kết. Xây dựng, triển khai chính sách khuyến khích sử dụng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp cơ khí trong nước.

Quỳnh Nga

Theo: Báo Công Thương