Kiên Giang: Phát hiện 134 vụ hàng hóa vi phạm, 18 vụ kinh doanh vàng vi phạm sở hữu trí tuệ

02/07/2024 - 19:15
(Bankviet.com) Trong 6 tháng đầu năm 2024, lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Kiên Giang kiểm tra và phát hiện 18 vụ vi phạm liên quan đến kinh doanh vàng trên địa bàn.
Kiên Giang: Tháng 5 phát hiện 33 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách gần 1,5 tỷ đồng Kiên Giang: Đón gần 5,5 triệu lượt khách du lịch trong 6 tháng đầu năm Kiên Giang: CIC Group huy động thêm 500 tỷ để làm gì?

Vừa qua, Cục Quản lý thị trường tỉnh Kiên Giang tổ chức Hội nghị sơ kết công tác Quản lý thị trường 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024.

Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2024, Cục Quản lý thị trường tỉnh Kiên Giang đã hoàn thành vượt các chỉ tiêu, kế hoạch chủ yếu. Hoạt động kiểm tra, xử lý có trọng tâm, trọng điểm, thực hiện đúng tiến độ các kế hoạch định kỳ, chuyên đề, làm tốt công tác quản lý địa bàn, kịp thời xử lý các vụ việc nổi cộm phát sinh; Ban hành Kế hoạch kiểm tra chuyên đề mặt hàng xăng dầu và mặt hàng vật tư nông nghiệp theo chỉ đạo của cấp trên và tình hình thực tế tại địa bàn công tác.

Kiên Giang:  Phát hiện 134 vụ hàng hóa vi phạm, 18 vụ kinh doanh vàng vi phạm sở hữu trí tuệ
Lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Kiên Giang kiểm tra cơ sở kinh doanh vàng (Ảnh: Cục QLTT Kiên Giang).

Trong 6 tháng đầu năm, Cục Quản lý thị trường tỉnh Kiên Giang đã đạt được một số kết quả, trong đó, các đơn vị thuộc Cục đã tiến hành kiểm tra 552 vụ việc, phát hiện 134 vụ vi phạm. Đồng thời, xử lý 179 vụ vi phạm hành chính, chuyển xử lý hình sự 1 vụ việc, thu nộp ngân sách 6,7 tỷ đồng. Trị giá hàng hóa tịch thu chờ tiêu hủy gần 230 triệu đồng, trị giá hàng hóa buộc tiêu hủy 1,5 tỷ đồng. Ngoài ra, các đơn vị cũng đã thống kê 1357 cơ sở kinh doanh.

Cũng trong 6 tháng đầu năm, lực lượng thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh Kiên Giang đã kiểm tra 18 vụ đột xuất đối với các cơ sở kinh doanh vàng, phát hiện và xử lý 18 vụ vi phạm về sở hữu trí tuệ, phạt tiền gần 1,9 tỷ đồng, buộc tiêu huỷ hàng hoá vi phạm có tổng trị giá 1,2 tỷ đồng.

Cũng trong 6 tháng đầu năm, Cục đã phối hợp với các Đoàn kiểm tra an toàn thực phẩm tuyến tỉnh, tuyến huyện kiểm tra 892 cơ sở kinh doanh. Trong tháng hành động vì an toàn thực phẩm đã phối hợp kiểm tra 267 vụ. Bên cạnh đó, cử công chức tham gia nhiều đợt phối hợp kiểm tra với các sở, ban, ngành khác theo yêu cầu.

Ngoài ra, Cục Quản lý thị trường tỉnh Kiên Giang đã phối hợp tổ chức Hội thảo phân biệt hàng thật, hàng giả nhãn hiệu Honda đến công chức Cục và các ngành Công an, Hải quan,… nắm thông tin trong kiểm tra và xử lý vi phạm. Đồng thời, Vận động các tổ chức, cá nhân ký 1.731 bản cam kết không kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và các vi phạm khác trong kinh doanh.

Cùng với đó, Cục cũng đưa ra nhiều ý kiến trong quá trình thực thi nhiệm vụ chuyên môn, trong đó nổi bật là những khó khăn trong việc phát hiện và xử lý những vi phạm trong thương mai điện tử, trên môi trường mạng và một số bất cập, chồng chéo trong việc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật vào hoạt động công vụ.

Kiên Giang:  Phát hiện 134 vụ hàng hóa vi phạm, 18 vụ kinh doanh vàng vi phạm sở hữu trí tuệ
Lãnh đạo Cục Quản lý thị trường tỉnh Kiên Giang tặng thư biểu dương cho tập thể Phòng, Đội hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 6 tháng đầu năm 2024.

Kết luận tại hội nghị, ông Lê Khánh Hưng – Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh đánh giá cao những nỗ lực, đóng góp của tập thể Cục, trong điều kiện cơ sở vật chất còn hạn chế và thị trường tiềm ẩn nhiều khó khăn, thách thức đã nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ được giao, đạt và vượt các chỉ tiêu đề ra trong 6 tháng đầu năm 2024.

Ông Lê Khánh Hưng cho rằng, sắp tới, cùng với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, tình hình kinh tế nội tỉnh có nhiều thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, trong đó khó khăn, thách thức nhiều hơn.

"Trước tình hình đó, công chức Cục Quản lý thị trường Kiên Giang cần chủ động nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ, kỹ năng nghiệp vụ, kịp thời nhận diện và ứng phó trước những phương thức, thủ đoạn mới của các đối tượng. Đặc biệt, ở trên môi trường mạng, môi trường thương mại điện tử đang được đánh giá là môi trường kinh doanh mang tính cạnh tranh cao hơn cả thương mại truyền thống, đồng thời cũng tiềm ẩn nhiều vi phạm về hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng,... gây ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng, đến môi trường cạnh tranh lành mạnh và sự phát triển chung của kinh tế xã hội", ông Hưng nhấn mạnh.

Ông Lê Khánh Hưng cũng cho biết, trong 6 tháng cuối năm 2024, đơn vị sẽ quyết tâm tiếp tục đẩy mạnh, tăng cường hoạt động công vụ, bình ổn thị trường, quyết liệt trong đấu tranh ngăn chặn, xử lý vi phạm, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu nhiệm vụ trong năm 2024.

Diệu Kinh

Theo: Báo Công Thương