Doanh nghiệp tận dụng cơ hội, mở rộng thị trường xuất khẩu Báo điện tử Chính phủ đánh giá cao việc phát triển thị trường xuất khẩu mới của Bộ Công Thương |
Đại diện Sở Công Thương các địa phương cho rằng, năm 2024, sẽ kiên trì mục tiêu thúc đẩy tiêu dùng nội địa, chú trọng thực hiện hoạt động xúc tiến mở rộng thị trường xuất khẩu để góp phần hoàn thành kế hoạch chung của ngành Công Thương.
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh:
Kiên trì các mục tiêu thúc đẩy thị trường nội địa
Năm 2023, chúng tôi đã kiên trì thực hiện nhiều giải pháp giúp kinh tế TP. Hồ Chí Minh vượt qua khó khăn. Cụ thể, ngay từ đầu năm 2023, chúng tôi đã cùng các hiệp hội bàn giải pháp gia tăng bán hàng trong nước nhằm tạo kênh bù đắp trong giai đoạn xuất khẩu giảm đơn hàng. Đặc biệt, ngành Công Thương đã thực hiện chủ trương của TP. Hồ Chí Minh liên kết địa phương, liên kết vùng. Qua đó, không dừng lại ở việc tìm nguồn cung cấp nguyên liệu cho doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh mà còn giúp giảm chi phí tiếp cận thị trường.
Nhóm giải pháp thứ hai chúng tôi thực hiện thành công đó là tận dụng chính sách tài chính - tài khóa của trung ương. Cụ thể, đầu năm 2023, khi doanh nghiệp "khát" vốn, khó tiếp cận vốn ngân hàng, chúng tôi đã triển khai các hoạt động kết nối giữa ngân hàng với doanh nghiệp. Qua đó, giúp việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp được thuận lợi hơn.
Nhóm giải pháp thứ ba, tổ chức kích cầu tiêu dùng, giảm tồn kho cho doanh nghiệp. Theo đó, Sở đã bàn bạc với doanh nghiệp, ngành hàng về cách thức triển khai hoạt động kích cầu, thay vì 1 tháng như trước đây, nay, sẽ phải kéo dài hơn để tạo hiệu ứng lan tỏa. Khi thống nhất chủ trương, Sở đã xin ý kiến Bộ Công Thương và thực hiện tháng khuyến mãi tập trung liên tục trong 3 tháng nhằm tạo đợt giảm giá sâu, kích thích tiêu dùng. Đáng mừng là chủ trương này đã đi đúng hướng khi kết quả doanh thu hàng hóa năm 2023 của TP. Hồ Chí Minh đạt 707.000 tỷ đồng, tăng gần 12% so với năm 2022. Từ đó, tác động lại sản xuất công nghiệp, kéo chỉ số sản xuất công nghiệp của thành phố tăng ở mức 6%, cao hơn mức tăng của cả nước (cả nước tăng 2,8%).
Đối với xuất khẩu, Sở thực hiện nhóm giải pháp xúc tiến thương mại qua việc chức Hội chợ hàng Việt Nam xuất khẩu để mời người mua hàng từ nước ngoài đến, giúp doanh nghiệp kết nối bán hàng. Nhờ vậy, chỉ tính trong 11 tháng năm 2023, TP. Hồ Chí Minh đã đạt kim ngạch xuất khẩu 38,5 tỷ USD. Ngoài ra, Sở cũng xác định thương mại điện tử là xu hướng phát triển nên có các hoạt động kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp thích ứng nhanh với phương thức kinh doanh này. Từ đó, góp phần giúp doanh thu thương mại điện tử của TP. Hồ Chí Minh tăng khoảng 60% trong năm 2023.
Bước sang năm 2024, ngành Công Thương TP. Hồ Chí Minh xác định sẽ tiếp tục kiên trì thực hiện những giải pháp đã tạo nên thành công trong năm 2023, đồng thời kiên định với mục tiêu thúc đẩy phát triển thị trường nội địa để tạo bệ đỡ cho hoạt động kinh tế của thành phố.
Ông Hà Vũ Sơn - Giám đốc Sở Công Thương TP. Cần Thơ:
Tận dụng vị trí trung tâm của vùng để phát triển thương mại, dịch vụ
Dù tình hình chung khó khăn nhưng với sự vào cuộc của chính quyền và cộng đồng doanh nghiệp, năm vừa qua, kinh tế TP. Cần Thơ tiếp tục phát triển với kết quả khả quan. Cụ thể, thương mại, dịch vụ tăng trưởng trên 2 con số với trị giá 135.000 tỷ đồng; xuất khẩu được duy trì với kim ngạch trên 2,2 tỷ USD, tập trung chủ yếu vào 2 mặt hàng có thế mạnh chính là gạo và thủy sản.
Với kết quả trên, chúng tôi đang tiếp tục tham mưu cho lãnh đạo UBND tỉnh thực hiện thắng lợi Nghị quyết năm 2024 mà TP. Cần Thơ đã đưa ra như: Kêu gọi đầu tư vào Khu công nghiệp VSIP với diện tích 390 ha (hiện, đã có 2 nhà đầu tư thứ cấp đăng ký số vốn khoảng 1,8 tỷ USD); hoàn thiện các thủ tục để khởi công dự án Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn II, III, IV với tổng mức đầu tư lên tới 4,5 tỷ USD; tạo điều kiện cho Tập đoàn Aeon của Nhật Bản đầu tư đại siêu thị với tổng vốn 250 triệu USD vào Cần Thơ… Đặc biệt, chúng tôi cũng xác định thương mại dịch vụ là mục tiêu quan trọng, do đó, sẽ thực hiện vị trí trung tâm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long để kết nối giao thương với các tỉnh, thành phố trong vùng cũng như với TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương…
Chúng tôi cũng sẽ tạo mọi điều kiện đồng hành và hỗ trợ doanh nghiệp kết nối giao thương, xúc tiến thương mại mở rộng thị trường; hướng dẫn doanh nghiệp tham gia kinh doanh trên thương mại điện tử bởi đây là “sân chơi” lớn rất tiềm năng trong giai đoạn tới.
Với sự chủ động trên, cùng điều kiện về hạ tầng du lịch, hạ tầng sân bay và sắp tới là sân golf Cần Thơ sẽ được khởi công..., chúng tôi kỳ vọng sẽ góp phần giúp TP. Cần Thơ phát triển hơn, đạt các mục tiêu kinh tế, xã hội đề ra.
Ông Phạm Bá Oai - Giám đốc Sở Công Thương Thanh Hóa:
Bứt phá để về đích sớm các mục tiêu trong kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021 - 2025
Năm 2024 được tỉnh Thanh Hóa xác định là năm tăng tốc, bứt phá để về đích sớm các mục tiêu trong kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, 3 động lực tăng trưởng là đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu hàng hóa được hoạch địnhvới mục tiêu là động lực chính cho tăng trưởng.
Để thực hiện thành công mục tiêu này, ngành Công Thương Thanh Hóa sẽ nâng cao năng lực dự báo, đánh giá, phân tích tình hình. Từ đó, đưa các giải pháp phù hợp trong tham mưu xây dựng và tổ chức triển khai kế hoạch hành động về phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 trong lĩnh vực Công Thương.
Bên cạnh đó, ngành Công Thương Thanh Hóa cũng chú trọng thúc đẩy phát triển công nghiệp, thương mại theo hướng phát huy các tiềm năng thế mạnh của tỉnh; phát triển theo chiều sâu và bền vững với các chỉ tiêu chủ yếu như: Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) sẽ tăng 8,0%, giá trị gia tăng công nghiệp (VACN) tăng 14,9%, giá trị xuất khẩu đạt 6.000 triệu USD, tăng 18,6%, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 188.000 tỷ đồng, tăng 8,7% so với năm 2023.
Xác định, năm 2024 là năm tăng tốc trong việc tổ chức thực hiện các mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX, các chỉ đạo điều hành và mục tiêu lớn của Bộ Công Thương... ngành Công Thương tỉnh Thanh Hóa sẽ quyết tâm nỗ lực, tăng tốc, bứt phá để thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2024.
Ông Lưu Văn Phi - Giám đốc Sở Công Thương Tiền Giang:
Tận dụng FTA, mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản
Chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2023 của Tiền Giang ước tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước. Tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng ước thực hiện 82.000 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch, tăng 10,7% so cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, lĩnh vực xuất khẩu có sự tăng trưởng vượt bậc khi kim ngạch cả năm 2023 đạt khoảng 5,1 tỷ USD, tăng trên 18% so với năm 2022, vượt 27% kế hoạch năm (kế hoạch 3,9 tỷ USD). Theo Nghị quyết số 25/NQ-HĐND ngày 17/9/2021 của HĐND tỉnh về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, kim ngạch xuất khẩu năm 2025 đạt 4,5 tỷ USD; do vậy, đến năm 2023, đã đạt và vượt kế hoạch 5 năm.
Trong tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh, riêng xuất khẩu nông sản của Tiền Giang đạt được kết quả rất tích cực. Trong năm 2023, xuất khẩu chính ngạch nông - thủy sản tỉnh Tiền Giang ước đạt khoảng 604 triệu USD, tăng 44,8% so với năm 2022.
Dự báo, năm 2024, kinh tế thế giới vẫn tiếp tục khó khăn bởi dấu hiệu phục hồi vẫn còn chậm và không đồng đều ở các quốc gia. Để hỗ trợ và thúc đẩy hoạt động sản xuất, xuất khẩu, Sở Công Thương Tiền Giang sẽ tập trung kêu gọi các dự án đầu tư chế biến nông - thủy sản có quy mô lớn tại các vùng nguyên liệu tập trung, tận dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ và tiết kiệm chi phí trong hoạt động sản xuất.
Cùng với đó, đầu tư kết cấu hạ tầng phát triển công nghiệp, huy động nguồn lực đầu tư đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp. Trong đó, vận dụng phù hợp các cơ chế, chính sách của trung ương ban hành, kết hợp với cơ chế, chính sách của tỉnh để có sức hấp dẫn các nhà đầu tư. Việc này nhằm huy động tối đa các mọi nguồn lực về vốn, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư làm ăn, xây dựng, kết nối các vùng nguyên liệu, xúc tiến thị trường tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm.
Đồng thời, tập trung đổi mới và tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại hướng đến các thị trường mới, thị trường còn tiềm năng và các thị trường ít bị ảnh hưởng bởi lạm phát và tăng trưởng khả quan. Khuyến khích doanh nghiệp đẩy mạnh khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA). Tạo thuận lợi, tăng cường chuyển đổi số trong cấp Giấy chứng nhận xuất xứ C/O ưu đãi, qua đó, hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong FTA…
Ông Nguyễn Thanh Toàn - Giám đốc Sở Công Thương Bình Dương:
Nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp
Bình Dương nằm trong nhóm những tỉnh, thành phố có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất cả nước nên cũng là địa phương chịu tác động sâu rộng từ suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu, biến động thị trường và điều chỉnh chính sách của các nền kinh tế lớn. Giai đoạn 2021 - 2023, xuất khẩu của tỉnh tăng trưởng không ổn định, có xu hướng giảm dần trong giai đoạn từ giữa năm 2022 đến năm 2023, do thiếu đơn hàng xuất khẩu.
Riêng năm 2023, hoạt động xuất nhập khẩu của Bình Dương đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do suy giảm nhu cầu ở các thị trường quốc tế, nhất là những đối tác lớn đối với ngành xuất khẩu chủ lực của tỉnh (gỗ, dệt may, da giày), nhiều nước gia tăng tiêu chuẩn, hàng rào mới đối với hàng nhập khẩu. Do đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 31,8 tỷ USD, giảm 7,3% so với năm 2022; kim ngạch nhập khẩu đạt 23,1 tỷ USD, giảm 7%.
Để hỗ trợ doanh nghiệp và lấy lại đà phục hồi và tăng trưởng cho hoạt động xuất khẩu năm 2024, Sở tập trung triển khai một số giải pháp trọng tâm như: Phối hợp đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại nước ngoài, hỗ trợ doanh nghiệp kết nối giao thương, mở rộng thị trường, ký kết các đơn hàng xuất khẩu mới ngoài các thị trường truyền thống như Trung Đông, Ấn Độ, Nam Mỹ… cũng như thị trường của các hiệp định đã ký kết và hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường qua các sàn thương mại điện tử…
Song song đó, hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại trong nước, tìm kiếm hệ thống phân phối, mở rộng thị phần thông qua các chương trình Đưa hàng Việt về nông thôn, hội chợ triển lãm trong cả nước cũng như Chương trình Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Đồng thời, thúc đẩy phát triển dịch vụ logostics, đẩy mạnh các loại hình phân phối hiện đại trên hạ tầng thương mại điện tử. Qua đó, giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp và hàng hóa xuất khẩu.
Đồng thời, triển khai hiệu quả, kịp thời các FTA Việt Nam đã ký kết. Qua đó, giúp doanh nghiệp chủ động xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng, đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật, chủ động nguyên liệu nội khối để được hưởng ưu đãi thuế quan. Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng việc nắm tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; tham mưu UBND tỉnh tổ chức Hội nghị tiếp xúc các doanh nghiệp đầu tư trong nước, hiệp hội, ngành hàng để lắng nghe và lấy ý kiến các doanh nghiệp, kịp thời phản ánh những khó khăn, vướng mắc, đề xuất các kiến nghị để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp...
Ông Hứa Trường Sơn - Phó Giám đốc Sở Công Thương Sóc Trăng:
Nhiều giải pháp để hoàn thành các mục tiêu 2024
Năm 2024, ngành Công Thương Sóc Trăng đặt kế hoạch chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5%; giá trị sản xuất công nghiệp tăng 4,92% so với ước năm 2023 (ở mức 27.800 tỷ đồng); giá trị xuất khẩu hàng hóa đạt 1,5 tỷ USD (tương đương với ước năm 2023). Riêng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội đạt 90.000 tỷ đồng, tăng 9,76%.
Để đạt kế hoạch đề ra, chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ chủ đầu tư các dự án sản xuất công nghiệp để sớm đưa vào hoạt động, tạo giá trị sản xuất công nghiệp tăng thêm cho ngành công nghiệp; hoàn thành 3 dự án đầu tư kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp (Xây Đá B, An Lạc Thôn 1, An Lạc Thôn 2), thu hút, triển khai các dự án thứ cấp. Đẩy mạnh công tác kêu gọi đầu tư đối với các dự án phát triển các cụm công nghiệp Long Đức 1, Long Đức 2, Xây Đá B mới.
Bên cạnh đó, tập trung phát triển thương mại; mở rộng thị trường xuất, nhập khẩu, đa dạng hóa đối tác, nguồn hàng, hạn chế sự phụ thuộc vào một số thị trường; tích cực, chủ động triển khai đồng bộ, toàn diện các hoạt động đối ngoại.
Đối với phát triển thương mại nội địa, ngành Công Thương tỉnh sẽ triển khai thực hiện Đề án Đổi mới phương thức kinh doanh, tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, phân kỳ năm 2024; tham mưu kêu gọi, hỗ trợ nhà đầu tư thực hiện các dự án đầu tư hạ tầng thương mại trọng điểm theo quy hoạch của tỉnh, tạo sức lan tỏa phát triển thương mại nhanh và bền vững. Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, phát triển thương mại điện tử và sự gắn kết giữa thương mại điện tử với các loại hình hoạt động thương mại truyền thống.
Đặc biệt, chú trọng triển khai xúc tiến thương mại, trong đó, quan tâm các mặt hàng tiềm năng, đặc sản của tỉnh, các sản phẩm OCOP; tích cực tổ chức và tham gia các hội chợ trong và ngoài nước; tổ chức cũng như tham gia các sự kiện giao thương, kết nối cung cầu với các doanh nghiệp, hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng bán lẻ, các nhà phân phối lớn trên cả nước. Cùng với đó, tập trung xây dựng các Điểm bán hàng Việt cố định, phiên chợ kích cầu tiêu dùng nội địa tại các huyện, thị xã trong tỉnh.
Chúng tôi cũng sẽ duy trì, tích cực hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh đẩy mạnh phân phối sản phẩm, hàng hóa trên các sàn thương mại điện tử trong và ngoài nước; tổ chức hoạt động và vận hành hiệu quả sàn soctrangtrade.vn; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền hoạt động xúc tiến thương mại; quảng bá hình ảnh các sản phẩm hàng hóa đặc sản, đặc trưng, chủ lực, sản phẩm OCOP của tỉnh đến thị trường trong và nước ngoài; nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp về các hoạt động xúc tiến thương mại.
Ông Nguyễn Thanh - Giám đốc Sở Công Thương Thừa Thiên Huế:
Tập trung tái cơ cấu đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực ngành công nghiệp
Thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành nhiều kế hoạch hành động, xác định mục tiêu, các định hướng, chính sách và giải pháp thực hiện liên quan đến chuyển đổi và phát triển theo hướng xanh và carbon thấp như: Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của các ngành theo hướng nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, đẩy mạnh chuyển đổi sử dụng điện, năng lượng xanh.
Đáng chú ý, nhằm mục đích hiện thực hóa các mục tiêu, giải pháp và lộ trình phát triển công nghiệp theo tinh thần, định hướng của Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị, Sở Công Thương đã tham mưu UBND tỉnh ban hành và triển khai thực hiện Kế hoạch số 191/KH-UBND ngày 24/5/2023 về thực hiện tái cơ cấu ngành Công Thương tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn hiện nay đến năm 2030. Với mục tiêu chung tập trung tái cơ cấu đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực ngành công nghiệp, trong đó tận dụng tốt cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, sử dụng vai trò động lực của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số để phát huy tối đa các tiềm năng, thế mạnh.
Phát triển mạnh công nghiệp về chiều rộng và chiều sâu theo hướng hiện đại, phù hợp với tiềm năng, lợi thế so sánh, sử dụng công nghệ sạch, đảm bảo môi trường; tham gia sâu vào chuỗi giá trị sản phẩm, tạo giá trị gia tăng cao. Ưu tiên phát triển một số ngành như: Công nghiệp hỗ trợ; công nghiệp sản xuất điện từ nguồn năng lượng xanh như LNG, năng lượng tái tạo..
Phát triển lĩnh vực may mặc từ mô hình CMT (gia công may mặc) hiện nay sang mô hình sản xuất ODM (từ thiết kế đến gia công); đẩy mạnh phát triển chuỗi liên kết hoàn thiện sản phẩm may mặc để thụ hưởng các chính sách xuất nhập khẩu từ các Hiệp định thương mại tự do… Phát triển ngành công nghiệp dệt may trở thành một trong những ngành chủ lực về xuất khẩu.
Từng bước hình thành và phát triển công nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô, linh kiện điện tử và ngành công nghiệp hỗ trợ; tập trung thu hút đầu tư, phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao bao gồm sản xuất vật liệu mới, thiết bị điện tử - viễn thông, sản phẩm công nghệ thông tin, công nghiệp sản xuất rô bốt. Tiếp tục hỗ trợ thúc đẩy phát triển sản xuất sản phẩm hàng thủ công mỹ nghệ, quà tặng, hàng lưu niệm phục vụ du lịch; phát triển công nghiệp nông thôn bền vững…
Mai Ca - Thanh Minh