Theo thông tin về hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá từ Tổng cục Hải quan, trong tháng 11, xuất khẩu hàng hoá đạt 31,87 tỷ USD, tăng 10,4% so với tháng trước. Nhìn chung các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực đều có tăng trưởng khá trong tháng 11 như máy vi tính, máy móc, dệt may, giày dép, đồ gỗ và sản phẩm…
Tính chung hết tháng 11, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 301,7 tỷ USD, tăng 18,3%, tương ứng tăng 46,7 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái.
Hết tháng 11 của năm 2021, xuất khẩu có tới 34 nhóm hàng đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên. Trong đó có 7 nhóm hàng đạt từ 10 tỷ USD trở lên gồm: điện thoại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị; dệt may; giày dép; gỗ và sản phẩm gỗ; sắt thép.
Ở chiều ngược lại, tháng 11 vừa qua, kim ngạch nhập khẩu đạt 30,6 tỷ USD, tăng 17,1% so với tháng trước.
Tính chung hết tháng 11, tổng kim ngạch nhập khẩu đạt gần 300,3 tỷ USD, tăng 27,9 %, tương ứng tăng 65,5 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái.
Về cán cân thương mại, tháng 11 cả nước xuất siêu 1,27 tỷ USD, qua đó đưa mức thặng dư tính từ đầu năm lên gần 1,5 tỷ USD.
Trong 10 năm qua, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã có sự thay đổi mạnh mẽ. Và cứ hai năm, mốc 100 tỷ USD lại được chinh phục.
Nếu năm 2011, số lượng ngành hàng xuất khẩu đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên mới là 21 nhóm, trong đó chỉ có dệt may đạt kim ngạch chục tỷ USD (đạt hơn 14 tỷ USD). Nhưng mới hết tháng 11 của năm 2021, xuất khẩu có tới 34 nhóm hàng đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên. Trong đó có 7 nhóm hàng đạt từ 10 tỷ USD trở lên.
Đáng chú ý, cơ cấu các ngành xuất khẩu chủ lực có thay đổi đáng kể từ những ngành sử dụng nhiều lao động như dệt may, giày dép, thủy sản, hay hàng hóa là tài nguyên khoáng sản như than đá, dầu thô… nhưng đến nay đã nhường chỗ cho sự vươn lên của các nhóm hàng công nghệ cao như điện thoại, máy vi tính, máy móc…
Xét theo yếu tố địa bàn, trước đây xuất nhập khẩu tập trung chủ yếu ở vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam bộ với TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, thì nay, xuất nhập khẩu phủ rộng cả nước và chứng kiến sự vươn lên mạnh mẽ của vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ với Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Giang, Hải Dương…
Tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng diễn ra vào sáng 14/12/2021, đồng chí Nguyễn Hồng Diên - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương chỉ rõ, sau 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, kinh tế đối ngoại nước ta đã có bước phát triển mạnh mẽ và đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; thế và lực, sức mạnh tổng hợp quốc gia, uy tín quốc tế, niềm tin của nhân dân ngày càng được nâng cao, tạo ra những tiền đề quan trọng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đến nay, nước ta đã có quan hệ ngoại giao với 189 quốc gia và vùng lãnh thổ, có quan hệ thương mại với 224 đối tác và quan hệ hợp tác với hơn 500 tổ chức quốc tế; đã ký hơn 90 hiệp định thương mại song phương, gần 60 hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư; đàm phán, ký kết và thực thi 17 Hiệp định thương mại tự do (FTA). Trong đó có nhiều đối tác lớn với thương mại song phương lên đến hàng chục, thậm chí cả trăm tỷ USD/năm. Có thể kể đến như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, khu vực ASEAN ở châu Á, hay Đức, Hà Lan... ở châu Âu; và tất nhiên không thể thiếu nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ, thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam từ nhiều năm qua.
“Về xuất, nhập khẩu, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề, chưa từng có của đại dịch Covid - 19, song kim ngạch xuất, nhập khẩu của nước ta năm 2020 vẫn đạt trên 545 tỷ USD, dự báo năm 2021 sẽ vượt mốc 660 tỷ USD, đưa Việt Nam vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế” – Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.
Trong tháng cuối cùng của năm, để thúc đẩy xuất khẩu, Bộ Công Thương đã và đang tập trung các giải pháp củng cố và mở rộng thị trường xuất khẩu. Trong đó, chú trọng triển khai triển khai thực hiện các Hiệp định thương mại tự do nói chung, nhất là các Hiệp định thế hệ mới, như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) nhằm phát huy có hiệu quả ưu đãi của Hiệp định, từ đó tận dụng tối đa các cơ hội và hạn chế các thách thức đặt ra từ những Hiệp định này.
Đồng thời ưu tiên triển khai các hoạt động xúc tiến xuất khẩu và các thị trường xuất khẩu sớm khôi phục sau đại địch Covid-19; tập trung theo dõi sát tình hình từng thị trường để rà soát, xác định các chủng loại hàng hóa mà các nước đang có nhu cầu nhập khẩu để khai thác, thúc đẩy xuất khẩu.
Cùng với việc tiếp tục đổi mới, tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu cả trong và ngoài nước trên môi trường trực tuyến và dựa trên những nền tảng mới, Bộ Công Thương cũng sẽ đẩy mạnh công tác đơn giản hóa thủ tục hành chính. Trong đó, tập trung triển khai các thủ tục hành chính về lĩnh vực xuất nhập khẩu theo Cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN,… để tạo thuận lợi cho Hiệp hội và doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu.