Kinh tế 10 tháng: Tăng trưởng trên nhiều lĩnh vực

07/11/2024 - 13:31
(Bankviet.com) Sáng 6/11/2024, Tổng cục Thống kê công bố Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2024. Theo đó, nhiều lĩnh vực đạt kết quả đáng ghi nhận, như: Thu hút đầu tư nước ngoài; xuất nhập khẩu; sản xuất công nghiệp; số doanh nghiệp thành lập mới tăng mạnh.

Sáng 6/11/2024, Tổng cục Thống kê công bố Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2024. Theo đó, nhiều lĩnh vực đạt kết quả đáng ghi nhận, như: Thu hút đầu tư nước ngoài; xuất nhập khẩu; sản xuất công nghiệp; số doanh nghiệp thành lập mới tăng mạnh.
 

Kinh tế 10 tháng: Tăng trưởng trên nhiều lĩnh vực- Ảnh 1.Vốn FDI thực hiện 10 tháng tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước

Vốn FDI thực hiện đạt kết quả tích cực

Theo Báo cáo của Tổng cục Thống kê, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 31/10/2024 (bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài) đạt 27,26 tỷ USD, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, đáng chú ý nhất là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 10 tháng ước đạt 19,58 tỷ USD, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước.

Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 10 tháng qua có 124 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn của phía Việt Nam là 429,9 triệu USD, tăng 71,2% so với cùng kỳ năm trước; có 21 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn điều chỉnh tăng 43,2 triệu USD, giảm 75,1%. 

Tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và điều chỉnh) đạt 473,1 triệu USD, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước. Đối với đầu tư trong nước, từ đầu năm đến nay, vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương tập trung đẩy mạnh thực hiện. Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 10/2024 ước đạt 68,4 nghìn tỷ đồng, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm trước. 

Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước ước đạt 495,9 nghìn tỷ đồng, bằng 64,3% kế hoạch năm và tăng 1,8% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 bằng 66,5% và tăng 24,6%).

Kinh tế 10 tháng: Tăng trưởng trên nhiều lĩnh vực- Ảnh 2.

Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 10 tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước

Cán cân thương mại xuất siêu 23,31 tỷ USD

Tháng 10, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 69,19 tỷ USD, tăng 5,1% so với tháng trước và tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 647,87 tỷ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm trước.

Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 335,59 tỷ USD, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 93,97 tỷ USD, tăng 20,7%, chiếm 28,0% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 241,62 tỷ USD, tăng 12,8%, chiếm 72,0%. Nhóm hàng công nghiệp chế biến sơ bộ đạt 295,23 tỷ USD, chiếm 88% cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu.

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 312,28 tỷ USD, tăng 16,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 113,58 tỷ USD, tăng 18,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 198,7 tỷ USD, tăng 15,8%. Nhóm hàng tư liệu sản xuất sơ bộ đạt 292,57 tỷ USD, chiếm 93,7% cơ cấu nhóm hàng hập khẩu.

Về đối tác, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 98,4 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất với kim ngạch đạt 117,7 tỷ USD.

Cán cân thương mại hàng hóa sơ bộ xuất siêu 1,99 tỷ USD trong tháng 10 và xuất siêu 23,31 tỷ USD trong 10 tháng.

Số doanh nghiệp thành lập mới và "hồi sinh" tăng 9,1%

Tính riêng trong tháng 10, cả nước có gần 14.200 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 26,5% so với tháng trước. 

Đồng thời, cũng trong tháng, gần 8.700 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 33,5% so với tháng trước và tăng 53,7% so với năm trước;  5.424 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 26,8% so với tháng trước.

Tính chung 10 tháng, cả nước có hơn 202.300 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2023. Bình quân một tháng có hơn 20.200 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Bên cạnh những điểm sáng trên, "bức tranh kinh tế" tháng 10 và 10 tháng cũng ghi nhận kết quả nổi bật đến từ một số lĩnh vực khác. Đơn cử như khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 10 tăng cao, đạt 1,42 triệu lượt người, tăng 27,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong 10 tháng, khách quốc tế đạt hơn 14,1 triệu lượt người, tăng 41,3% so với cùng kỳ năm trước; công tác bảo đảm an sinh xã hội luôn được các cấp, ngành thực hiện kịp thời, hiệu quả; lạm phát được điểm soát; vận tải khách và hàng hóa tiếp tục mức tăng ấn tượng trong tháng 10, lần lượt là 8,8% và 13,2% so với cùng kỳ năm trước./.

Theo Minh Ngọc/baochinhphu.vn

Theo: Tạp chí Ngân hàng