Báo cáo của Bộ Tài chính Nhật Bản ngày 16/11 cho biết, giá trị xuất khẩu của nước này chỉ tăng 1,6% so với một năm trước đó, chậm lại so với mức tăng 4,3% trong tháng trước. Các nhà kinh tế đã dự báo mức tăng 1%. Xuất khẩu được thúc đẩy nhờ doanh số ô tô tăng mạnh, đặc biệt là tới Mỹ, nhưng mức tăng bị hạn chế do xuất khẩu thiết bị sản xuất chip tiếp tục giảm ở mức hai con số.
Nhập khẩu giảm 12,5%, phần lớn là do hoạt động mua hàng liên quan đến năng lượng giảm. Tuy nhiên, cán cân thương mại lại quay trở lại mức thâm hụt 662,5 tỷ Yên (4,4 tỷ USD).
Xuất khẩu chậm lại cho thấy một nguồn bất ổn khác đối với Nhật Bản tại thời điểm lạm phát dai dẳng và tăng trưởng tiền lương hạn chế đang cản trở nhu cầu trong nước. Trong quý III, đầu tư kinh doanh sụt giảm trong khi chi tiêu tiêu dùng không thể phục hồi, khiến nền kinh tế Nhật Bản suy thoái sâu hơn dự kiến.
Xuất khẩu tăng mạnh hơn trong ba tháng cuối năm sẽ là một trong những yếu tố có thể giúp quốc gia này tránh được tăng trưởng âm quý thứ hai liên tiếp, nhưng điều đó phụ thuộc vào nhu cầu vững chắc từ các thị trường trọng điểm của Nhật Bản.
Taro Saito, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu kinh tế tại Viện nghiên cứu NLI, cho biết: “Nền kinh tế Mỹ có thể sẽ chậm lại, mặc dù sẽ không tăng trưởng âm. Các nền kinh tế châu Âu đang giảm tốc và Trung Quốc tiếp tục trì trệ. Nhìn chung, các nền kinh tế nước ngoài đang trong tình hình không thuận lợi cho xuất khẩu và tôi nghĩ mọi thứ sẽ trở nên tồi tệ hơn từ đây.”
Trong báo cáo tháng 10, tỷ giá hối đoái trung bình là 148,88 Yên đổi 1đồng USD, đồng Yên yếu hơn 2,6% so với một năm trước - một động thái đáng lẽ phải giúp thúc đẩy hoạt động xuất khẩu ra nước ngoài.
Đồng tiền của Nhật Bản đang dao động gần mức thấp nhất kể từ tháng 10 năm ngoái, khi chính phủ buộc phải can thiệp để hỗ trợ lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ. Năm nay, tính đến thời điểm hiện tại, đồng Yên đã giảm khoảng 13% so với đồng USD và khoảng 14% so với đồng Euro.
Chuyên gia kinh tế Taro Kimura của Bloomberg cho biết: “Nếu không có sự thúc đẩy từ các mặt hàng dễ biến động như tàu thuỷ và máy móc khai thác mỏ, sự suy giảm xuất khẩu trong tháng 10 sẽ còn rõ rệt hơn - và các chi tiết khác của dữ liệu cho thấy thương mại sẽ phải đối mặt với một chặng đường chông gai phía trước”.
Theo Tổ chức Thương mại Thế giới, thương mại toàn cầu trong năm nay dự kiến sẽ tăng trưởng với tốc độ chậm hơn dự báo. Căng thẳng địa chính trị, được khuếch đại bởi các cuộc chiến ở Trung Đông và Ukraine đang cản trở triển vọng.
Xuất khẩu của Nhật Bản sang Trung Quốc giảm 4%, trong khi xuất khẩu sang Mỹ và EU tăng lần lượt 8,4% và 8,9%. Mức tăng giá trị của các chuyến hàng đến châu Âu là thấp nhất kể từ tháng 3.
Nhìn chung, mức giảm xuất khẩu sang Trung Quốc là nhỏ nhất kể từ tháng 5, nhưng xuất khẩu thực phẩm lại giảm hơn một nửa so với một năm trước đó. Mặc dù các chuyến hàng thực phẩm thường chỉ chiếm hơn 1% lượng xuất khẩu của Nhật Bản sang Trung Quốc, nhưng mức giảm mạnh có thể phản ánh tác động của lệnh cấm hải sản do Bắc Kinh áp đặt sau thông tin xả nước thải đã qua xử lý ra biển từ nhà máy điện hạt nhân số 1 Fukushima, nhà máy đã bị rò rỉ chất thải sau trận động đất và sóng thần vào năm 2011.
Tuy nhiên, vẫn có một số dấu hiệu phục hồi đang nổi lên ở Trung Quốc. Chi tiêu tiêu dùng tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vượt kỳ vọng trong tháng 10, mang lại động lực cần thiết cho nền kinh tế nước này khi các nhà hoạch định chính sách cân nhắc nhiều biện pháp kích thích hơn để hỗ trợ sự phục hồi trong năm mới.
Thủ tướng Fumio Kishida cũng đã thực hiện các bước hỗ trợ nền kinh tế Nhật Bản bằng gói kích thích trị giá hơn 17 nghìn tỷ Yên. Các biện pháp này tập trung vào việc cắt giảm thuế thu nhập và trợ cấp cho các hộ gia đình có thu nhập thấp để giúp họ đối phó với mức giá cao hơn.
Sự trượt giá của đồng Yên cũng giúp thu hút nhiều khách du lịch từ nước ngoài hơn và số lượng du khách gần đây đã phục hồi về mức trước đại dịch COVID-19, một điểm sáng tiềm năng cho nền kinh tế Nhật Bản.
Vân Anh