Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2023 diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp. Trong nước, chúng ta tổ chức nhiều sự kiện kinh tế, chính trị, xã hội và đối ngoại quan trọng, trong đó có các kỳ họp của Trung ương và Quốc hội. Đặc biệt, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư vừa được Quốc hội thống nhất cao bầu giữ chức Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021-2026.
Tại phiên họp, Chính phủ tập đã trung thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội (KTXH) tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2023; tình hình triển khai Chương trình phục hồi, phát triển KTXH, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; giải ngân vốn đầu tư công; thực trạng tình hình thị trường quốc tế và trong nước, các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy phát triển thị trường và thúc đẩy xuất khẩu; dự thảo Nghị quyết về tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế và một số nội dung quan trọng khác.
Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2 tăng 0,45% so với tháng 1 và tăng 0,97% so với tháng 12/2022. Thu NSNN tháng 2 đạt 124,6 nghìn tỷ đồng, lũy kế 2 tháng đạt 362,3 nghìn tỷ đồng, tăng trên 10,6% so với cùng kỳ. Xuất khẩu tháng 2 là 25,9 tỷ USD, lũy kế 2 tháng đạt 49,4 tỷ USD, nhập khẩu 46,2 tỷ USD, xuất siêu 2,82 tỷ USD.
Các ngành, lĩnh vực chủ yếu tiếp tục phát triển ổn định. Sản xuất nông nghiệp với thời tiết thuận lợi, diện tích gieo trồng tăng, trồng rừng mới tăng 4,8%, sản lượng thủy sản tăng 1,3 %. Sản xuất công nghiệp tháng 2 tăng 5,1% so với tháng 1; Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 2 đạt 51,2 điểm so với 47,4 điểm của tháng 1, thể hiện sản xuất có xu hướng phục hồi và mở rộng đơn hàng mới có thể tăng trở lại. Khu vực dịch vụ phát triển tốt, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 2 tháng tăng 13% so với cùng kỳ; khách quốc tế đạt 1,8 triệu lượt, gấp 36,6 lần so với cùng kỳ năm 2022.
Sau khi phân tích tình hình trong nước, khu vực và quốc tế, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo cần nhất quán, kiên trì, kiên định mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Các bộ ngành, địa phương cần chủ động phân tích, đánh giá tình hình, có các giải pháp điều hành cân bằng, hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa tỷ giá với lãi suất, giữa kiểm soát lạm phát với tăng trưởng, giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa, giữa tình hình trong nước và ngoài nước.
Các bộ, ngành, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chủ động triển khai các công việc trên cơ sở bám sát các chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Nghị quyết của Quốc hội, nhất là Nghị quyết 01 của Chính phủ và Chỉ thị 03 của Thủ tướng Chính phủ. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, phân công, phân cấp rõ ràng đi đôi với phân bổ nguồn lực phù hợp, năng cao năng lực thực thi và tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc. Chủ động giải quyết các khó khăn của người dân, doanh nghiệp, các vướng mắc về pháp lý với tinh thần: đã nói phải làm, đã cam kết phải thực hiện, đã làm, đã thực hiện phải có kết quả cụ thể; chủ động, kịp thời ứng phó, xử lý hiệu quả những vấn đề phát sinh, những vấn đề mới.
Thực hiện chính sách tiền tệ, chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả đồng bộ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô. Giảm mặt bằng lãi suất, tăng khả năng tiếp cận vốn, tăng trưởng tín dụng hướng vào các động lực tăng trưởng như tiêu dùng, xuất khẩu, đầu tư.
Về các nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng nêu rõ trước hết là tập trung cho công tác quy hoạch, bảo đảm chất lượng, hiệu quả theo phương châm quy hoạch phải có tầm nhìn chiến lược, tư duy đột phá, đi trước một bước và mở ra cơ hội, không gian phát triển mới.
Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, khẩn trương phân bổ chi tiết toàn bộ hoạch vốn ngân sách năm 2023, quản lý chặt chẽ, thúc đẩy tiến độ các dự án trọng điểm, nhất là các dự án giao thông, làm tổ công tác chuẩn bị đầu tư, tăng cường hoạt động của 6 tổ công tác, giải quyết các khó khăn, vướng mắc ở cơ sở.
Tập trung rà soát, thực hiện hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển KTXH, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, bảo đảm đúng quy định nhưng không ách tắc.
Tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân. Đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, nhất là rà soát, hoàn thiện thể chế, pháp luật; trước các vướng mắc thực tiễn, các vấn đề mà cuộc sống đặt ra thì phải ưu tiên giải quyết ngay. Rà soát, có giải pháp phù hợp, góp phần tháo gỡ khó khăn cho các loại thị trường, nhất là thị trường bất động sản (BĐS).
Bên cạnh giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành, cơ quan, Thủ tướng cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo, thực hiện quyết liệt hiệu quả, đồng bộ các nhiệm vụ trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là chăm lo đời sống nhân dân, xóa đói giảm nghèo, các chương trình mục tiêu quốc gia, góp phần giải quyết tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế. Tập trung thực hiện tốt 5 công tác: Quy hoạch; giải quyết khó khăn, vướng mắc để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh; giải phóng mặt bằng cho các dự án lớn; triển khai các chương trình mục tiêu; xúc tiến đầu tư, thương mại, đa dạng hóa sản phẩm, thị trường, chuỗi cung ứng.
Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng ưu đãi cho thị trường BĐS
Tại cuộc họp báo, Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà cho biết, khó khăn của thị trường có 3 nguyên nhân: pháp lý, thị trường mất cân đối cung cầu, thiếu vốn. Các doanh nghiệp BĐS có nhiều nguồn vốn trong đó có nguồn vốn từ ngân hàng. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc ưu tiên nguồn vốn cho phân khúc nhà ở xã hội và nhà ở cho công nhân, Bộ Xây dựng đã đề xuất với NHNN bố trí gói tín dụng ưu đãi cho 2 phân khúc nói trên.
Sau khi phân tích điều kiện hiện nay và tình hình thực tế, NHNN đã bàn với 4 NHNTM Nhà nước thống nhất dành gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, mỗi ngân hàng khoảng 30.000 tỷ đồng cho 2 phân khúc trên. Nếu có NHTM tham gia thì quy mô có thể tăng lên.
Về lãi suất, để hỗ trợ khó khăn cho thị trường BĐS, các ngân hàng dự kiến lãi suất hơn 1,5-2% so với mức lãi suất cho vay thông thường.
Sau cuộc họp của Chính phủ về thị trường BĐS, Bộ Xây dựng đã dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS. Sau khi Nghị quyết được ban hành, NHNN sẽ triển khai thực hiện đúng chỉ đạo nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, lãi suất thấp hơn 1,5 – 2% cho vay thông thường.
Đã gia hạn hơn 9.000 giấy đăng ký lưu hành thuốc
Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Đức Luận cho biết, tình trạng thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế diễn ra ở một số các bệnh viện, cơ sở y tế. Nguyên nhân cơ bản do sau dịch bệnh, nguồn cung về hàng hoá, đặc biệt là các trang thiết bị, thuốc có dấu hiệu khan hiếm. Giá cả biến động, có loại biến động cao. Nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân sau dịch bệnh tăng nhiều.
Một số hợp đồng cung ứng trước đây đã ký, thời hạn nhiều loại hợp đồng liên quan đến hoá chất, vật tư y tế chỉ 1 năm. Theo Nghị quyết 144 của Chính phủ, các hợp đồng đó không được tiếp tục, hiện nay đang tháo gỡ việc này.
Nhiều gói thầu không tìm được nhà thầu cung ứng, có gói thầu phải đấu thầu 2-3 lần.
Nhân lực để thực hiện công tác đấu thầu không đáp ứng được yêu cầu. Có tâm lý e ngại trong việc đấu thầu mua sắm các loại hàng hoá, đặc biệt là trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc…
Thời gian qua, Bộ Y tế tích cực cùng các bộ ngành tham mưu cho Chính phủ có các giải pháp tháo gỡ, đặc biệt là trong lĩnh vực mua sắm trang thiết bị, vật tư, thuốc. Đáng chú ý, Bộ đã tham mưu cho Chính phủ báo cáo Quốc hội ban hành Nghị quyết 80, cho phép tiếp tục sử dụng các giấy đăng ký lưu hành thuốc đã hết hạn. Cho đến ngày 2/3, Bộ Y tế đã gia hạn được hơn 9.000 giấy phép này.
“Có thể nói, giấy phép về lưu hành thuốc đến nay đã gia hạn hết. Tất cả các loại thuốc trên thị trường đã đăng ký trước đây đã được tiếp tục lưu hành”- ông Luận nói.
Cũng theo Thứ trưởng Bộ Y tế, ngày 2/3, Bộ Y tế đã trình Chính phủ sửa đổi Nghị định 98 và sẽ sớm ban hành.
Ngày 3/3, Chính phủ họp để sửa đổi và tiếp tục kéo dài thời gian có hiệu lực của Nghị quyết 144, bảo đảm trang thiết bị y tế, thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT…
“Các bất cập liên quan đến việc mua sắm trang thiết bị y tế, thuốc và thanh toán BHYT sẽ được giải quyết”- ông Luận nói và khẳng định sẽ tập trung giải quyết vướng mắc về giá.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, trước đây yêu cầu phải có 3 báo giá nhưng có những mặt hàng không lấy đủ 3 báo giá, như các mặt hàng độc quyền. “Chúng tôi đề nghị sửa theo hướng có những mặt hàng chỉ có 1 hoặc 2 báo giá thôi cũng phải chấp nhận lựa chọn”, Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Đức Luận nói.
Ngoài ra, liên quan đến trang thiết bị y tế, cùng một cấu hình, cùng tính năng nhưng nguồn gốc xuất xứ khác nhau, nhà cung cấp khác nhau thì giá cũng khác nhau. “Nếu chúng ta cứ lấy giá thấp nhất thì có thể sẽ không bảo đảm chất lượng. Các hàng hoá khác chúng ta cũng thấy điều này”- ông Luận bày tỏ.
Cùng với đó, Bộ Y tế cũng đề xuất Hội đồng khoa học của cơ sở y tế sẽ quyết định lựa chọn loại nào thích hợp, phù hợp với yêu cầu sử dụng, chứ không phải lúc nào cũng lấy giá thấp nhất.
“Bộ Y tế đã cùng các bộ, ngành rất tích cực với việc tham mưu cho Chính phủ sửa đổi và ban hành các quy định, đặc biệt là Nghị định 98 và Nghị quyết 144, qua đó sẽ tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc hiện nay. Ngay sau khi các văn bản này được ban hành, các đơn vị có thể tiến hành đấu thầu mua sắm các loại vật tư, hoá chất, trang thiết bị y tế, thuốc và sẽ bảo đảm nhu cầu”.
Bùi Trang -