Kinh tế vĩ mô tốt, chứng khoán sẽ sớm hấp dẫn trở lại

27/07/2023 - 02:10
(Bankviet.com) Ngày 26/7, tại Hà Nội, Câu lạc bộ Nhà báo Chứng khoán Việt Nam tổ chức sự kiện “Đối thoại tháng 7” với chủ đề “Kinh tế vĩ mô và thị trường chứng khoán”.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô Dòng tiền "ồ ạt" chảy vào thị trường chứng khoán, thanh khoản gần mốc tỷ USD Thị trường chứng khoán hôm nay 26/7/2023: Nhóm Công Thương đổi sắc đỏ, ngân hàng tiếp đà tăng

Nhiều rủi ro, thách thức cho nền kinh tế

Chia sẻ tại Hội thảo, ông Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho biết, năm 2023, kinh tế thế giới suy thoái kỹ thuật, cục bộ. Dự báo của Ngân hàng Thế giới cho biết, năm 2023, tăng trưởng còn 2,1-2,4%, giảm từ mức 3-3,4% năm 2022; lạm phát (CPI) đang giảm (từ 7,6% năm 2022 xuống còn khoảng 5,5% năm 2023.

Theo ông Lực, bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bấp bênh, khó lường do xung đột địa chính trị kéo dài; rủi ro thị trường tài chính - tiền tệ toàn cầu, rủi ro nợ xấu và vỡ nợ gia tăng; rủi ro an ninh năng lượng, an ninh lương thực và áp lực lạm phát, lãi suất còn ở mức cao.

Kinh tế thế giới suy thoái, cục bộ tác động tiêu cực đến xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng, du lịch quốc tế và thị trường tài chính của Việt Nam. Bên cạnh đó, giải ngân Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, đầu tư công chưa thể có đột phá. Doanh nghiệp còn nhiều khó khăn (pháp lý, nguồn vốn, nhân sự, chi phí đầu vào và đầu ra/đơn hàng thu hẹp…). Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước và tổ chức tín dụng vẫn gặp nhiều thách thức; nợ xấu gia tăng; rủi ro thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản cần thời gian xử lý, lành mạnh hóa.

Kinh tế vĩ mô tốt, chứng khoán sẽ sớm hấp dẫn trở lại
Sự kiện “Đối thoại tháng 7” với chủ đề “Kinh tế vĩ mô và thị trường chứng khoán” do Câu lạc bộ Nhà báo Chứng khoán Việt Nam tổ chức

Ông Cấn Văn Lực cho rằng, giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng cho Việt Nam là đẩy mạnh đầu tư công, kích cầu tiêu dùng, giải ngân theo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng các đầu tầu kinh tế, nhất là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, cần tiếp tục phối hợp chính sách hiệu quả (đặc biệt giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khoá và các chính sách vĩ mô khác) nhằm tiếp tục giảm lãi suất, bình ổn tỷ giá, giá hàng hóa thiết yếu và các thị trường tài chính, xây dựng, bất động sản, lao động… Đồng thời, các cơ quan liên quan cần quyết liệt hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là 4 vướng mắc chính: pháp lý và thực thi công vụ; tài chính (cả tiếp cận và năng lực hấp thụ vốn, nghĩa vụ tài chính…); giảm chi phí đầu vào và tìm đầu ra/đơn hàng; giữ chân người lao động.

Nâng hạng thị trường chứng khoán, giảm áp lực vốn cho nền kinh tế

Chia sẻ tại buổi đối thoại, ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ Ngân hàng Nhà nước cho biết, hiện nay tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam đang ở mức 126%, là mức cao nhất trong các nước đang phát triển. Việc nền kinh tế dựa vào tín dụng ngân hàng tiềm ẩn nhiều rủi ro với kinh tế vĩ mô.

Nền kinh tế đang quá phụ thuộc vào kênh vốn tín dụng, điều này tiềm ẩn những rủi ro, thiếu tính bền vững cho hệ thống các tổ chức tín dụng nói riêng và nền kinh tế nói chung vì vốn ngân hàng là ngắn hạn, trong khi nhu cầu vốn vay trung và dài hạn lại rất lớn. Trong bối cảnh đó, sự phục hồi và phát triển của thị trường chứng khoán được kỳ vọng sẽ giúp giảm bớt gánh nặng về nguồn cung vốn cho các ngân hàng.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cũng cho rằng, thị trường chứng khoán phát triển sẽ giúp giảm áp lực cho thị trường tiền tệ, giảm bớt gánh nặng cùng hệ thống ngân hàng về vốn cho nền kinh tế và các doanh nghiệp.

Kinh tế vĩ mô tốt, chứng khoán sẽ sớm hấp dẫn trở lại
Bà Vũ Thị Chân Phương, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán nhà nước phát biểu tại buổi đối thoại

Trong khi đó, bà Vũ Thị Chân Phương, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán nhà nước cho biết, dự kiến trong tháng 8/2023, Ủy ban Chứng khoán nhà nước sẽ làm việc với các tổ chức xếp hạng để đánh giá tiềm năng thị trường chứng khoán Việt Nam nhằm nâng hạng thị trường lên thị trường mới nổi. Khi thị trường chứng khoán được nâng hạng sẽ đem lại nhiều lợi ích cho thị trường vốn trong nước và nền kinh tế nói chung.

Theo bà Phương, lợi ích khi thị trường chứng khoán được nâng hạng, theo ước tính của IMF khoảng 70% các quyết định phân bổ vốn vào chứng khoán phụ thuộc vào sự xếp hạng phân loại thị trường chứng khoán.

Theo World Bank dự kiến khoảng 7,2 tỷ đô một năm sẽ đổ vào Việt Nam nếu được nâng hạng thị trường. Một lợi ích nữa là khả năng định giá cổ phiếu được cải thiện, ảnh hưởng tích cực công tác cổ phần hóa thoái vốn nhà nước. Nâng cấp thị trường nới nổi cũng dẫn tới nhà đầu tư đa dạng hơn, chúng ta hiện nay phải cơ cấu lại cơ sở nhà đầu tư, khi có đến 90% là nhà đầu tư cá nhân.

“Thời gian qua Uỷ ban Chứng khoán đã tổ chức nhiều cuộc làm việc với các bên liên quan tháo gỡ khó khăn vướng mắc, cuối tháng 8 này chúng tôi sẽ tổ chức tọa đàm tại Hồng Kông làm việc với các tổ chức xếp hạng để đánh giá tiềm năng chúng ta có thể xếp hạng thị trường lên thị trường mới nổi”, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán tiết lộ.

Cũng theo bà Phương, có hai nhóm vấn đề trọng yếu cần cải thiện, cần phối hợp các bên có liên quan tiến đến đạt kế hoạch nâng hạng:

Thứ nhất, về yêu cầu ký quỹ, cần hỗ trợ phối hợp từ Ngân hàng Nhà nước. Việt Nam có quy định đảm bảo đủ tiền trước khi giao dịch, trong khi đó yêu cầu của tổ chức xếp hạng là không yêu cầu ký quỹ, phương án tháo gỡ theo chúng tôi là phải triển khai đối tác bù trừ trung tâm cho thị trường cơ sở, giảm ký quỹ, tiến đến giảm tối đa về còn 10% ký quỹ. Hiện nay, nhà đầu tư nước ngoài, ngân hàng lưu ký nước ngoài cũng e ngại khi không được là thành viên thanh toán bù trừ trực tiếp mà phải qua ngân hàng trong nước, nếu họ được thanh toán bù trừ trực tiếp thì tháo gỡ vướng mắc liên quan giao dịch ký quỹ.

Thứ hai, giới hạn sở hữu nhà đầu tư nước ngoài. Chúng tôi đề xuất trước mắt có thể làm là các bộ ngành theo hướng rà soát hạn chế nhà đầu tư nước ngoài chỉ áp dụng với lĩnh vực cần thiết như quốc phòng an ninh bảo hộ thương mại.

Liên quan đến nâng cao minh bạch, chất lượng hàng hóa cho thị trường, cũng có ý kiến cho rằng cần phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát hành trái phiếu ra công chúng, thu hẹp riêng lẻ, tôi không hoàn toàn đồng tình. Vì việc phát ra công chúng phải đáp ứng điều kiện tiêu chuẩn, chúng tôi luôn tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát hành ra công chúng, ra soát văn bản quy phạm pháp luật nhưng doanh nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu phát hành ra công chúng nên họ mới không nộp ra công chúng.

Chưa kể, Ủy ban cũng phải tăng cường giảm sát, hậu kiểm để làm thế nào khi hàng hóa đưa vào thị trường đảm bảo chất lượng trên thị trường đảm bảo công khai minh bạch.

Ngân Thương

Theo: Báo Công Thương