Dân tộc Việt Nam anh hùng đã trải qua hơn 4.000 năm lịch sử. Với ý chí kiên cường, tinh thần đoàn kết, sức mạnh tổng hợp của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, dân tộc Việt Nam đã đẩy lùi giặc xâm lăng, vững bước trên con đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ngày 22/12/1944, tại khu rừng Trần Hưng Đạo, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân được thành lập, đánh dấu bước khởi đầu của Quân đội nhân dân Việt Nam. 80 năm qua, cùng với mục tiêu bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia, Quân đội nhân dân Việt Nam đã làm tròn chức năng của đội quân lao động, sản xuất, phát triển
kinh tế gắn liền với củng cố quốc phòng toàn dân, đưa Việt Nam xứng danh “quốc phú, nội yên, ngoại tĩnh, dân cường”, ngàn năm vang danh sử sách.
(Ảnh minh họa - Nguồn: Internet)
Kinh tế với quốc phòng trong tiến trình lịch sử dân tộc
Phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh của quốc gia đã có lịch sử lâu dài ở Việt Nam. Từ những ngày đầu thành lập nước Đại Việt, vua tôi nhà Lý đã nhất trí, đồng lòng ban hành, thực thi
chính sách “ngụ binh ư nông” (gửi quân vào nông nghiệp, cho binh lính lao động, sản xuất tại địa phương trong một khoảng thời gian xác định) hay “động vi binh, tĩnh vi dân” (khi đất nước có chiến tranh, sẵn sàng làm người lính chiến đấu bảo vệ nhân dân; khi đất nước yên bình, trở thành người dân xây dựng, phát triển kinh tế). Những chính sách này được kế thừa, phát triển rực rỡ trong các triều đại nhà Trần và Lê Sơ, giải quyết hai nhiệm vụ dựng nước và giữ nước, thực hiện song song yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và củng cố quốc phòng, an ninh quốc gia.
Bên cạnh đó, trong xây dựng, phát triển kinh tế, các triều đại phong kiến cũng sử dụng nhiều chính sách như “khai hoang lập ấp” ở những nơi xung yếu để “phục binh sẵn, phá thế giặc dữ” từ xa; phát triển nghề thủ công để vừa tạo ra công cụ lao động, vừa sản xuất vũ khí, phương tiện phục vụ toàn dân đánh giặc; chăm lo mở mang đường sá, đào sông ngòi, kênh rạch, xây đắp đê điều để phát triển kinh tế, tạo thế trận đánh giặc, cơ động lực lượng trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.
Chính sách “Ngụ binh ư nông” dưới các triều đại phong kiến nước nhà (Nguồn ảnh: Đài Tiếng nói Việt Nam)
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ (1946 - 1975), Đảng và Nhà nước ta đã ban hành, tổ chức, lãnh đạo thành công đường lối, quan điểm, chính sách, pháp luật về phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường, củng cố quốc phòng, an ninh. Với chủ trương “trong xây dựng kinh tế, phải thấu suốt nhiệm vụ phục vụ quốc phòng, cũng như trong củng cố quốc phòng phải khéo sắp xếp cho ăn khớp với công cuộc xây dựng kinh tế”1, vừa thực hiện phát triển kinh tế ở địa phương, vừa tiến hành chiến tranh nhân dân rộng khắp đất nước, chúng ta đã chiến thắng hai cường quốc xâm lăng hàng đầu thế giới lúc bấy giờ.
Đặc biệt, trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, chính sách phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường, củng cố quốc phòng, an ninh đã được Đảng ta chỉ đạo thực hiện ở mỗi miền với nội dung và hình thức thích hợp.
Ở miền Bắc, để bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa và xây dựng hậu phương lớn cho miền Nam đánh giặc, Đại hội lần thứ III của Đảng đã đề ra chủ trương: “Trong xây dựng kinh tế, phải thấu suốt nhiệm vụ phục vụ quốc phòng, cũng như trong củng cố quốc phòng phải khéo sắp xếp cho ăn khớp với công cuộc xây dựng kinh tế”2. Theo tinh thần đó, miền Bắc đã xây dựng, phát triển chế độ xã hội mới, nền kinh tế, văn hóa mới, nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân; đồng thời, kết hợp chặt chẽ với chăm lo củng cố quốc phòng, an ninh vững mạnh, đánh thắng chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, bảo vệ vững chắc miền Bắc xã hội chủ nghĩa và chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến lớn nơi miền Nam.
Ở miền Nam, Đảng chỉ đạo quân và dân kết hợp chặt chẽ giữa đánh địch với củng cố mở rộng hậu phương, xây dựng căn cứ địa miền Nam vững mạnh. Đây là điều kiện cơ bản, bảo đảm cho Cách mạng Việt Nam đi đến thắng lợi.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng đồng bào miền Bắc những ngày tăng gia sản xuất, là hậu phương vững chắc
cho đồng bào miền Nam chống Mỹ cứu nước (Nguồn ảnh: Tạp chí Cộng sản)
Kinh tế với quốc phòng trong thời kỳ đổi mới đất nước
Từ khi đổi mới đến nay, nền kinh tế nước ta thực hiện chuyển đổi từ mô hình kế hoạch hóa tập trung sang mô hình kinh tế
thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường, củng cố quốc phòng, an ninh không chỉ dựa vào mệnh lệnh hành chính theo kế hoạch của Nhà nước mà còn theo quy luật thị trường; sử dụng tổng hợp cả biện pháp hành chính có tính pháp lệnh và công cụ đòn bẩy kinh tế theo vận động của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 đã đề cập đến các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh. Trong đó, các Điều 64, 65, 66, 67, 68 đã đề cập đến bảo vệ Tổ quốc, xây dựng lực lượng vũ trang, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh. Trong Pháp lệnh số 02/2008/PL-UBTVQH12 ngày 12/01/2008 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công nghiệp quốc phòng, Quốc hội đã xác định rõ chủ trương kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng, trên cơ sở phát huy nội lực kết hợp với mở rộng hợp tác quốc tế.
Cùng với đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản liên quan đến lĩnh vực kinh tế - quốc phòng như: Quyết định số 135/1998/QĐ-TTg ngày 31/7/1998 phê duyệt Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa; Quyết định số 43/2002/QĐ-TTg ngày 21/3/2002 phê duyệt bổ sung Đề án
quy hoạch tổng thể các khu kinh tế - quốc phòng trong tình hình mới; Quyết định số 1391/QĐ-TTg ngày 09/8/2010 phê duyệt
Quy hoạch tổng thể xây dựng, phát triển các khu kinh tế - quốc phòng đến năm 2020 và những năm tiếp theo; Quyết định số 13/QĐ-TTg ngày 06/01/2017 phê duyệt Đề án tuyên truyền thực hiện chính sách, pháp luật về kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh đến năm 2020. Đặc biệt, ngày 21/12/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 164/2018/NĐ-CP về kết hợp quốc phòng với kinh tế - xã hội và kinh tế - xã hội với quốc phòng… Đây là những văn bản pháp quy, tạo khung khổ pháp lý cho việc phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường, củng cố quốc phòng, an ninh, đồng thời, thể hiện vai trò lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, vai trò làm chủ của nhân dân trong công cuộc kiến thiết đất nước thời kỳ đổi mới.
Nhìn lại chặng đường đổi mới đất nước, Đảng, Nhà nước và toàn thể nhân dân đã và đang thực hiện rất hiệu quả chính sách kết hợp phát triển kinh tế với củng cố tiềm lực quốc phòng, an ninh.
Từ năm 1986 đến nay, với tư duy mới về kinh tế và quốc phòng, an ninh, việc kết hợp chặt chẽ quốc phòng, an ninh với kinh tế trên phạm vi cả nước cũng như từng địa phương, từng bộ, ban, ngành có nhiều chuyển biến trong nhận thức và tổ chức thực hiện, qua đó đạt được nhiều kết quả khả quan. Thực hiện chủ trương “mỗi bước phát triển kinh tế - xã hội là một bước tăng cường quốc phòng, an ninh” các địa phương, các ngành, lĩnh vực đã xây dựng chiến lược bài bản trong ngắn, trung và dài hạn; trong từng công trình, dự án phát triển kinh tế... đều gắn với quy hoạch tổng thể, xây dựng thế trận quân sự trong khu vực phòng thủ. Nhiều ngành, lĩnh vực và các công trình trọng điểm quốc gia đã kết hợp hiệu quả kinh tế với quốc phòng, an ninh như: Ngành đóng tàu, bưu chính viễn thông, giao thông vận tải, xây dựng cầu đường, điện nước với các công trình tiêu biểu như đường dây 500KW, đường mòn Hồ Chí Minh, đường Đông Trường Sơn...
Được mệnh danh là “thiên hạ đệ nhất hùng quan”, từ vương triều nhà Nguyễn, đèo Hải Vân đã trở thành cửa ngõ dẫn đường vào kinh thành Huế. Theo sách “Đại Nam thực lục chính biên”, dưới thời vua Minh Mạng, đường qua đèo Hải Vân được xây cất, lát đá; đặc biệt vào năm Bính Tuất (1826), một cụm công trình được xây dựng giữa đỉnh đèo, cấu thành một pháo đài quân sự kiên cố gọi là Hải Vân Quan
3. Đây cũng chính là những minh chứng đầu tiên thể hiện sứ mệnh kết hợp phát triển kinh tế với quốc phòng, an ninh của ngọn đèo nối liền hai miền Nam - Bắc. Đến năm 1998, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức cho phép đầu tư xây dựng công trình hầm Hải Vân với tổng vốn đầu tư hơn 250 triệu
USD từ nguồn vốn vay của của
Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC) và một phần đối ứng của Nhà nước. Từ đây, hầm Hải Vân đồng thời đảm đương mục tiêu kép khi vừa là công trình giao thông phục vụ phát triển kinh tế, vừa là căn cứ quân sự kiên cố, án ngữ giữa không gian hùng vĩ của núi mây, đại ngàn.
Hầm Hải Vân - biểu tượng của sự kết hợp phát triển kinh tế với củng cố quốc phòng, an ninh của đất nước (Nguồn ảnh: Báo Chính phủ điện tử)
Đặc biệt, các đơn vị kinh tế - quốc phòng của Quân đội nhân dân Việt Nam là lực lượng đi đầu trong kết hợp kinh tế với quốc phòng. Các tập đoàn, tổng công ty kinh tế - quốc phòng đã góp phần đáng kể vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; đồng thời, là lực lượng chủ yếu ở những khu vực khó khăn nhất, tham gia phát triển kinh tế - xã hội địa phương, tạo thế trận quốc phòng vững chắc tại các địa bàn trọng yếu của Tổ quốc. Các tập đoàn, tổng công ty kinh tế - quốc phòng đã thực hiện tốt mục tiêu cơ bản về kết hợp củng cố quốc phòng, an ninh với phát triển kinh tế, góp phần giữ vững ổn định chính trị, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng “thế trận lòng dân” trên các địa bàn trọng điểm của đất nước. Qua đó, góp phần ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh ở vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới, biển, đảo.4
Trong thời kỳ mở cửa, hội nhập đất nước, Đảng ta luôn xác định du lịch là ngành kinh tế quan trọng, có mối quan hệ gắn bó mật thiết với quốc phòng, an ninh. Do vậy, phát triển du lịch gắn với tăng cường quốc phòng, an ninh đã tạo nên sức mạnh tổng hợp, góp phần thúc đẩy du lịch phát triển nhanh, bền vững và củng cố quốc phòng vững chắc cho đất nước, đặc biệt là những khu vực biên giới, hải đảo.
Tại tỉnh Lào Cai - địa phương có nhiều cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, lại có vị trí chiến lược quan trọng khi tiếp giáp với Trung Quốc, chính quyền và nhân dân tỉnh đã kết hợp rất chặt chẽ việc phát triển du lịch gắn với tăng cường quốc phòng, an ninh. Năm 2023, tỉnh Lào Cai đón trên 7,2 triệu lượt khách du lịch, trong đó khách du lịch nội địa đạt trên 6,7 triệu lượt, khách quốc tế trên 500 nghìn lượt, tăng 71% so với năm 2022, đạt 121% so với kế hoạch năm 2023. Tổng thu từ du lịch đạt trên 22 nghìn tỉ đồng, tăng 48,9% so với năm 2022, đạt 108,5% so với kế hoạch đầu năm5. Phát triển du lịch nhanh và bền vững đã góp phần giúp tỉnh Lào Cai xây dựng thế trận biên phòng ổn định, giữ vững an ninh biên giới quốc gia. Bao năm qua, cột cờ đỏ thắm bên dòng suối Lũng Pô - nơi sông Hồng chảy vào đất Việt, nơi thu hút hàng triệu lượt khách du lịch ghé thăm hằng năm đã khẳng định chủ quyền biên cương của Tổ quốc, đồng thời giáo dục bao thế hệ về lòng tự hào, tự tôn dân tộc của lớp lớp cha anh.
Cột cờ Lũng Pô, tỉnh Lào Cai sừng sững nơi địa đầu Tổ quốc
(Nguồn ảnh: Trung Hiếu/Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai)
Kế thừa và phát huy kinh tế với quốc phòng trong toàn Đảng, toàn quân, toàn dân
Kết hợp phát triển kinh tế với củng cố tiềm lực quốc phòng, an ninh là một tất yếu khách quan, một nội dung quan trọng trong đường lối phát triển đất nước của Đảng ta, nhằm thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Với tinh thần kế thừa và phát huy truyền thống kết hợp kinh tế với quốc phòng, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta tiếp tục chung sức, đồng lòng thực hiện nhiệm vụ trên với một số định hướng cụ thể sau:
Thứ nhất, nâng cao nhận thức, trách nhiệm về phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường, củng cố quốc phòng, an ninh thời kỳ mới
Trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp như hiện nay, Đảng và Nhà nước ta cần tiếp tục tập trung giữ vững, nâng cao tinh thần, ý thức trách nhiệm của nhân dân về phòng thủ đất nước. Theo đó, các bộ, ban, ngành, địa phương cần thực hiện tốt quan điểm chỉ đạo, nội dung, phương thức, cơ chế gắn kết và các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường, củng cố quốc phòng, an ninh; xác định rõ nhiệm vụ cụ thể của các cấp, ngành, lĩnh vực, thành phần kinh tế trong việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường, củng cố quốc phòng, an ninh trong thời kỳ mới.
Thứ hai, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, phát huy vai trò làm chủ của nhân dân trong phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường, củng cố quốc phòng, an ninh
Trên cơ sở nắm vững tình hình thế giới, trong nước và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, Đảng ta tiếp tục chỉ đạo đường lối, quan điểm lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội gắn liền tăng cường, củng cố quốc phòng, an ninh với mục tiêu và giải pháp đúng đắn. Nhà nước tiếp tục thể chế hóa quan điểm chỉ đạo của Đảng thành pháp luật, cơ chế, chính sách, kế hoạch về phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường, củng cố quốc phòng, an ninh trong điều kiện cụ thể của đất nước gắn với tình hình chung của khu vực, thế giới trong từng giai đoạn; qua đó, tạo khung khổ pháp lý thuận lợi tối đa cho các địa phương, đơn vị, cá nhân vận dụng, thực thi nghiêm túc, sáng tạo, phù hợp với điều kiện cụ thể ở từng cơ quan, đơn vị, địa phương. Đồng thời, phát huy vai trò làm chủ của nhân dân trong phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường, củng cố quốc phòng, an ninh, thực hiện tốt nguyên tắc “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân được thụ hưởng thành quả của việc gắn kết”, phát huy vai trò làm chủ của nhân dân trong giám sát việc thực hiện phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường, củng cố quốc phòng, an ninh tại các cơ quan, đơn vị địa phương. Kịp thời phát hiện những bất cập trong việc hoạch định, tổ chức thực hiện mục tiêu, nội dung, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường, củng cố quốc phòng, an ninh hiệu quả, sao cho gắn kết sát và đúng.
Thứ ba, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường, củng cố quốc phòng, an ninh.
Các nguồn lực cơ bản cho phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường, củng cố quốc phòng, an ninh cần phải huy động, sử dụng có hiệu quả bao gồm vốn, nguồn nhân lực, khoa học công nghệ và tài nguyên quốc gia... Trong đó, tập trung vào các loại vốn như: Vốn từ ngân sách nhà nước, vốn tín dụng, vốn đầu tư của các doanh nghiệp, vốn vay hỗ trợ phát triển chính thức (ODA)... Đặc biệt, chú trọng huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực như nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quân đội; bồi dưỡng kiến thức quân sự, quốc phòng, an ninh cho cán bộ chuyên trách, kiêm nhiệm làm nhiệm vụ công tác quốc phòng ở bộ, ngành, Trung ương. Đồng thời, khai thác và sử dụng có hiệu quả tài nguyên cho thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường, củng cố quốc phòng, an ninh; tiếp tục nâng cao, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong xây dựng phát triển các khu kinh tế - quốc phòng; các dự án phát triển hệ thống đường giao thông, sân bay, bến cảng, các khu công nghiệp, khu chế xuất…
Thứ tư, tăng cường tổng kết thực tiễn, bổ sung, phát triển lý luận về phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường, củng cố quốc phòng, an ninh
Với lập trường quan điểm chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vững vàng, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta cần quán triệt những quan điểm này vào tổng kết thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường, củng cố quốc phòng, an ninh. Đồng thời, đánh giá đúng ưu điểm, hạn chế, chỉ ra được những nguyên nhân hạn chế; khắc phục được tình trạng chủ quan, duy ý chí trong tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận. Thông qua thực tiễn dự báo sự vận động, phát triển của kinh tế - xã hội gắn với tăng cường, củng cố quốc phòng, an ninh trong tương lai, đồng thời đề xuất đối sách ứng phó kịp thời với diễn biến phức tạp phát sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường, củng cố quốc phòng, an ninh của đất nước.
Lịch sử hơn 4.000 năm văn hiến đã minh chứng cho truyền thống, chính sách kết hợp phát triển kinh tế với củng cố quốc phòng, an ninh trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân Việt Nam. Giữ gìn, kế thừa và tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp đó, Đảng, Nhà nước ta luôn giữ vững vai trò lãnh đạo và “thời bình, phải khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc. Đó là thượng sách giữ nước” như lời của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn - danh tướng kiệt xuất trong lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam đã căn dặn.
1 Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 21, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, trang 535.
2 Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới (Đại hội VI, VII, VIII, IX), Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2005, trang 501.
3 Cẩm Nhung (2018). Hầm Hải Vân - dấu ấn trên hành trình Bắc - Nam.
4 Các đơn vị kinh tế - quốc phòng. Cổng thông tin điện tử Bộ Quốc phòng: https://bqp.vn/vn/bai-viet/sa-qpvn/sa-qpvn-bqp-root/sa-qpvn-bqp-child-kktqp
5 Báo Lào Cai điện tử (2023). https://baolaocai.vn/lao-cai-don-tren-72-trieu-luot-khach-du-lich-trong-nam-2023-post377846.html
Tài liệu tham khảo:
-
Báo Lào Cai điện tử (2023). https://baolaocai.vn/lao-cai-don-tren-72-trieu-luot-khach-du-lich-trong-nam-2023-post377846.html
-
Bộ Chính trị (2021). Tài liệu Bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh cho đối tượng 4.
-
Các đơn vị kinh tế - quốc phòng. Cổng thông tin điện tử Bộ Quốc phòng: https:///bqp.vn/vn/bai-viet/sa-qpvn/sa-qpvn-bqp-root/sa-qpvn-bqp-child-kktqp
-
Cẩm Nhung (2018). Hầm Hải Vân - dấu ấn trên hành trình Bắc – Nam.
-
Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới (Đại hội VI, VII, VIII, IX), Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2005, trang 501.
-
Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 21, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, trang 535.
-
TS. Đặng Xuân Hoan (2020). Kết hợp phát triển kinh tế với củng cố tiềm lực quốc phòng, an ninh - Từ góc độ quản lý nhà nước.
Ngọc Linh (NHNN)