Thanh tra toàn diện mạng xã hội Tiktok tại Việt Nam Kỳ 1: Sự tăng trưởng “nóng” của TikTok và nguy cơ tiềm ẩn nhiều hệ lụy Kỳ 2: TikTok Shop - “ma trận” hàng giả, hàng nhái “lòe” người tiêu dùng |
Bắt buộc phải tuân thủ pháp luật Việt Nam
Trong những năm trước, Bộ Thông tin và Truyền thông đã từng chỉ ra các hành vi vi phạm của Facebook, Youtube, Google. Đây là những nền tảng hoạt động ở Việt Nam khá lâu, trên dưới 10 năm. Tuy nhiên, từ năm 2019 đến nay tại Việt Nam nổi lên một nền tảng mạng xã hội mới là TikTok với nhiều vấn đề vi phạm pháp luật.
Ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, trước đây nền tảng TikTok có nội dung thuần túy về giải trí. Thế nhưng, bắt đầu từ năm 2022 trở lại đây, nhiều nội dung độc hại đã phát triển mạnh mẽ trên TikTok, gây ảnh hưởng đến trẻ em Việt Nam. Bên cạnh đó, TikTok cũng không có biện pháp kiểm soát hiệu quả các nội dung vi phạm bản quyền; dung túng cho nhiều hoạt động kinh doanh bất hợp pháp... gây thiệt hại về kinh tế và bất ổn cho xã hội.
Ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử: Sẽ kiểm tra toàn bộ hoạt động của TikTok tại Việt Nam |
Từ thực trạng trên, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới phải có trách nhiệm ngăn chặn, gỡ bỏ nội dung, thông tin vi phạm theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền. “Trong trường hợp các tổ chức, cá nhân này không thực hiện, cơ quan có thẩm quyền sẽ triển khai các biện pháp kỹ thuật ngăn chặn toàn bộ nội dung, dịch vụ, ứng dụng trên mạng vi phạm pháp luật” - ông Lê Quang Tự Do nhấn mạnh.
PGS.TS Nguyễn Văn Dững: "Nếu không sớm quyết liệt ngăn chặn, chúng ta sẽ mất đi chủ quyền trên không gian mạng và xa rời những giá trị mà chúng ta cần hướng tới. Giới trẻ dần quên đi lịch sử, truyền thống và mất phương hướng trong hiện tại…". |
Trong thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp về pháp lý, kinh tế, kỹ thuật, ngoại giao, truyền thông... để yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới phải tuân thủ pháp luật Việt Nam. “Bộ sẽ có một đoàn kiểm tra liên ngành vào tháng 5/2023 để kiểm tra toàn bộ hoạt động của TikTok tại Việt Nam” - ông Lê Quang Tự Do thông tin.
Ông Lê Quang Tự Do khẳng định, tất cả những nền tảng xuyên biên giới vào Việt Nam bắt buộc phải tuân thủ pháp luật Việt Nam. Những nền tảng nào không tuân thủ pháp luật Việt Nam, chắc chắn không được tạo điều kiện hoạt động tại Việt Nam.
Nhìn nhận về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Văn Dững, giảng viên cao cấp tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền thuộc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho hay, nếu nhìn vào lợi ích quốc gia, nhất là vấn đề giáo dục đạo đức, lối sống, đến tư tưởng - chính trị cho giới trẻ thì những sai phạm của TikTok là vấn đề không hề nhỏ.
"TikTok dùng ngay chính không gian mạng của chúng ta, tức là “đất” của chúng ta để thao túng nhận thức của giới trẻ, làm lệch lạc nhận thức giá trị, đặc biệt nhận thức sai lệch về lịch sử, giáo dục, văn hoá, từ đó, làm thay đổi nhận thức về chủ quyền quốc gia và trách nhiệm công dân…" - PGS.TS Nguyễn Văn Dững nhấn mạnh.
Accesstrade - một nền tảng tiếp thị liên kết đã chỉ ra các lỗi vi phạm cộng đồng TikTok thường gặp |
Trước thực trạng nhiều nội dung xấu độc xuất hiện trên các nền tảng xuyên biên giới, trong đó có TikTok, theo ông Dững, việc áp dụng các biện pháp mạnh tay là rất cần thiết. Trước mắt, cần sự vào cuộc đồng bộ của hệ thống chính trị; trước hết là các cơ quan như Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, hệ thống nhà trường cùng các cơ quan báo chí - truyền thông.
“Cùng với đó, chúng ta cần xây dựng được nền tảng công nghệ, mạng xã hội của riêng mình. Trong cuộc cách mạng 4.0, không làm chủ được công nghệ sẽ dẫn đến nhiều bất cập” - PGS.TS Nguyễn Văn Dững góp ý, đồng thời cho rằng, trước những sai phạm về bản quyền, xuyên tạc chính trị, nội dung xấu, độc tràn lan trên TikTok hiện nay, đòi hỏi tầm nhìn của nhà quản lý văn hoá - chính trị cần đi trước, nhìn xa để từ đó thiết kế chính sách.
Trách nhiệm không của riêng ai!
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, từ 2018 đến 21/9/2022, Facebook đã gỡ 311 tài khoản giả mạo, hơn 12.638 bài viết sai sự thật, bôi nhọ uy tín các tổ chức, cá nhân, thương hiệu; 484 fanpages quảng cáo cờ bạc, đổi thưởng; 2.476 link rao bán, quảng cáo các sản phẩm, dịch vụ bất hợp pháp.
Trong khi đó, YouTube đã ngăn chặn và gỡ bỏ 76.590 video vi phạm, ngăn chặn truy cập từ Việt Nam vào 30/62 kênh YouTube thường xuyên đăng tải nội dung chống phá đất nước.
Còn nền tảng TikTok đã ngăn chặn, gỡ bỏ 1.445 link vi phạm, trong đó có 5 tài khoản thường xuyên đăng tải nội dung chống phá Đảng, Nhà nước. Ngoài ra, TikTok chủ động rà quét, ngăn chặn 3.568 video có nội dung xấu trên nền tảng của mình.
Cần có biện pháp kiểm soát hiệu quả các nội dung vi phạm trên TikTok |
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm cho biết, đấu tranh với các nền tảng mạng xuyên biên giới, chúng ta dùng nhiều phương pháp như: Kinh tế, kỹ thuật, pháp lý, truyền thông. Vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đi theo phương án chặn dòng tiền, cố gắng điều tiết dòng tiền quảng cáo trên không gian mạng không chảy vào những nội dung xấu độc...
“Trong vấn đề này, tôi nghĩ cần kêu gọi một cách mạnh mẽ, rộng rãi hơn các sản phẩm, thương hiệu, dịch vụ hợp pháp của Việt Nam đang quảng cáo trên môi trường Internet thể hiện sự đồng hành với Nhà nước, Chính phủ, xã hội thể hiện trách nhiệm xã hội bằng việc không đưa các quảng cáo của mình cũng như không đưa tiền quảng cáo vào những kênh nội dung xấu, độc, qua đó vô hình chung góp phần nuôi dưỡng các kênh đó phát triển” - Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm bày tỏ.
Ông Nguyễn Ngọc Hân, Tổng giám đốc Thủ Đô Multimedia: "Vì sự phát triển công nghệ đã đến mức riêng biệt, việc phát hiện và xử lý các nội dung không phù hợp trên TikTok cần phải thực hiện ở cả 4 khâu: Người sản xuất nội dung, cơ quan quản lý, chủ thể dịch vụ và người sử dụng". |
Bên cạnh đó, đối với những sai phạm trên mạng xã hội thì truyền thông, xã hội và mỗi gia đình cần truyền đi thông điệp “bảo vệ trẻ em” trên môi trường mạng. Thực tế hiện nay, trẻ em đang tiếp cận quá dễ dàng với Internet và những ứng dụng trên đó nên cần sự quan tâm từ chính gia đình.
Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, ông Nguyễn Ngọc Hân - Tổng giám đốc Thủ Đô Multimedia cho rằng, TikTok là một nền tảng phát video trực tuyến mà các nội dung được gợi ý và cá nhân hóa riêng cho từng người dùng bằng thuật toán, do đó với hàng trăm triệu người dùng khác nhau, hệ thống TikTok sẽ tạo ra hàng trăm triệu hồ sơ nội dung khác nhau tương ứng. Vì vậy, việc phát hiện các nội dung không phù hợp gần như là việc bất khả thi cho đến khi nội dung đó bị cộng đồng phản đối hoặc thành trend ở một chủ đề hay độ tuổi nào đó.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hân, việc phát hiện và xử lý các nội dung không phù hợp trên TikTok cần phải thực hiện ở cả 4 khâu: Người sản xuất nội dung, cơ quan quản lý, chủ thể dịch vụ và người sử dụng.
Với người sản xuất nội dung, ở các nước phát triển, khâu này luôn được coi là giải pháp đầu tiên và quan trọng nhất. Để tạo ra môi trường nội dung lành mạnh, việc cần làm là phải giáo dục, đưa ra các quy tắc ứng xử phù hợp với các nhà tạo nội dung trên môi trường mạng như TikTok. Chỉ dẫn người làm nội dung tập trung vào các chủ đề có lợi cho xã hội và nghiêm cấm sản xuất các nội dung có chủ không phù hợp, không khuyến khích. Tăng cường giáo dục pháp luật và nghĩa vụ, quy tắc cộng đồng với các đơn vị sản xuất nội dung.
Việc thứ hai mà cơ quan quản lý có thể kiểm soát là thông qua lắng nghe các phản hồi từ cộng đồng trên tất cả các nền tảng mạng xã hội lớn, từ đó nắm bắt nhanh được các nội dung chưa phù hợp và có các biện pháp ngăn chặn kịp thời.
Nhiều trào lưu xấu, phản cảm, làm lệch lạc nhận thức, lối sống của giới trẻ xuất hiện trên TikTok |
Ở cấp độ thấp hơn, một số trường đại học và cơ quan nhà nước của các nước châu Âu đã áp dụng biện pháp SIA (Secure Internet Access) là biện pháp lắng nghe các nguy cơ bằng AI (trí tuệ nhân tạo) được Akamai phát triển, nhằm cho phép lọc bớt các nội dung, website không phù hợp, giúp giảm thiểu các rủi ro phát tán nội dung độc hại.
“Đối với chính TikTok, việc hạn chế tốt nhất là đưa ra danh sách phân loại nội dung cho người dùng tải lên để “định tuyến” các thể loại này ngay từ đầu” - ông Nguyễn Ngọc Hân gợi ý, đồng thời cho hay, chính việc để các nội dung được tải lên lan tràn đã khiến việc quản lý các nguy cơ trở nên cực kỳ phức tạp. Đặc biệt, với các nội dung livestream bán hàng và các mặt hàng được đưa lên ngày một nhiều và đa dạng như hiện nay.
Với người dùng, khi tham gia sử dụng mạng xã hội cũng phải trở thành người tiêu dùng nội dung thông thái, tự nhận thức các nội dung không tốt, từ đó báo cáo cho chủ thể dịch vụ các nội dung không phù hợp bằng cách báo cáo các nội dung “Không quan tâm” hoặc cài đặt “Chế độ hạn chế” khi sử dụng mạng xã hội TikTok.
Ông Nguyễn Ngọc Hân - Tổng giám đốc Thủ Đô Multimedia: "Với người dùng, khi tham gia sử dụng mạng xã hội cũng phải trở thành người tiêu dùng nội dung thông thái, tự nhận thức các nội dung không tốt, từ đó báo cáo cho chủ thể dịch vụ các nội dung không phù hợp bằng cách báo cáo các nội dung “Không quan tâm” hoặc cài đặt “Chế độ hạn chế” khi sử dụng mạng xã hội TikTok". |
Ở góc độ pháp lý, để bảo vệ chủ quyền không gian mạng, luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng văn phòng Luật sư Đồng Đội, Đoàn luật sư TP. Hà Nội kiến nghị, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, rà soát, cân nhắc, kịp thời sửa đổi, bổ sung các quy định để siết chặt công tác quản lý các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới, nhất là đối với TikTok; đồng thời tăng nặng chế tài, mức xử phạt các hành vi vi phạm trên môi trường mạng xã hội để đủ sức răn đe, ngăn chặn. Đặc biệt, phải có chế tài đặc thù xử phạt đối với những hành vi vi phạm đã bị xử lý nhiều lần.
Để ngăn chặn những thông tin xấu, độc hại cũng như lành mạnh hóa môi trường thông tin, về phía TikTok cũng đã đưa ra nhiều giải pháp. Cụ thể, TikTok xây dựng một quy tắc ứng xử chung - Tiêu chuẩn Cộng đồng, nhằm khuyến khích người dùng sáng tạo những nội dung phù hợp với nền tảng, đồng thời, giúp người xem hiểu rõ những nội dung vi phạm cần được báo cáo và thực hiện việc kiểm duyệt nội dung chủ động dựa trên bộ quy tắc này. Theo đó, việc gỡ bỏ những nội dung vi phạm sẽ được đánh giá kỹ lưỡng dựa trên sự kết hợp chặt chẽ giữa chính sách, công nghệ và đội ngũ kiểm duyệt của nền tảng.
Ngày 12/4/2023, TikTok chính thức thông báo cải tiến cách thức kiểm duyệt nội dung trên nền tảng thông qua các nhiệm vụ: Ưu tiên gỡ bỏ nhanh nhất các nội dung có tính nghiêm trọng cao như nội dung lạm dụng tình dục trẻ em (CSAM) và chủ nghĩa bạo lực cực đoan; giảm thiểu tổng lượt xem các nội dung vi phạm Tiêu chuẩn Cộng đồng; đảm bảo tính chính xác, thống nhất và công bằng cho các nhà sáng tạo nội dung.
Ngoài ra, TikTok khuyến khích người dùng sử dụng các công cụ an toàn mà đơn vị cung cấp trên TikTok để có trải nghiệm an toàn, ví dụ như: Bộ lọc bình luận, quản lý thời gian truy cập, chế độ hạn chế và tính năng báo cáo trong ứng dụng cho tài khoản để báo cáo bất kỳ nội dung nào mà họ cho rằng vi phạm Tiêu chuẩn Cộng đồng.
Đối với việc ngăn chặn hoạt động kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ trên TikTok Shop, ông Nguyễn Lâm Thanh - đại diện TikTok Việt Nam cho biết, sẽ xử lý nghiêm các hoạt động có nội dung vi phạm pháp luật và áp dụng chính sách không khoan nhượng đối với các hoạt động gian lận thương mại, phân phối hàng giả trên nền tảng.
Để ngăn chặn những thông tin xấu, độc hại cũng như lành mạnh hóa môi trường thông tin, về phía TikTok cũng đã đưa ra nhiều giải pháp |
Ngoài ra, TikTok đã ra mắt cổng thông tin miễn phí: https://ippc.tiktokglobalshop.com/. Đây là kênh báo cáo liền mạch, theo đó chủ sở hữu thương hiệu có thể tìm kiếm và báo cáo bất kỳ hành vi vi phạm nào trên cổng thông tin này.
Đồng thời, TikTok tích cực hợp tác với Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ Việt Nam (VACIP) để đảm bảo rằng các đối tác thương hiệu của hiệp hội được tư vấn đầy đủ về các vấn đề IPPR và đưa ra các giải pháp đúng đắn.
"Tuy nhiên, việc ngăn chặn các hoạt động làm hàng giả ở Việt Nam cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa ba bên: Các nền tảng thương mại điện tử, các tổ chức tư nhân và các cơ quan chính phủ. Vì vậy, TikTok cam kết sẵn sàng hợp tác cùng các tổ chức liên quan trong công tác đấu tranh phòng, chống hàng giả trên nền tảng" - ông Nguyễn Lâm Thanh nhấn mạnh.
Để lành mạnh hoá môi trường thương mại điện tử nói chung và mạng xã hội nói riêng, đối với công tác kiểm soát hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ trên mạng xã hội, trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ triển khai các giải pháp như chủ động rà soát, làm việc với các mạng xã hội, yêu cầu các mạng xã hội (đặc biệt là các mạng xã hội xuyên biên giới) phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước trong việc rà soát, lọc theo từ khóa, gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật; sàng lọc, phòng ngừa, ngăn chặn đối với các tài khoản không cung cấp đầy đủ thông tin, các tài khoản có dấu hiệu kinh doanh hàng hóa vi phạm.
Bộ cũng sẽ phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc quản lý kinh doanh thương mại điện tử trên mạng xã hội thông qua xây dựng cơ chế thu thập thông tin trực tuyến của các cá nhân, tổ chức có hoạt động kinh doanh trên mạng xã hội.
Về giải pháp chống thất thu thuế trong thương mại điện tử, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Tổng cục Thuế chia sẻ cơ sở dữ liệu về thương nhân, tổ chức, cá nhân thiết lập, vận hành website/ứng dụng thương mại điện tử. Tiếp tục tham gia đóng góp ý kiến các văn bản pháp luật về thuế có liên quan đến quản lý thuế trong thương mại điện tử.
Ông Lê Quang Tự Do - Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử: Bộ Thông tin và Truyền thông đã công bố kế hoạch kiểm tra toàn diện hoạt động TikTok tại Việt Nam. Dự kiến đoàn kiểm tra trực tiếp tại TikTok sẽ làm việc từ ngày 15/5 đến hết tháng 5/2023. |
Đỗ Nga - Quỳnh Nga - Thế Tào