Kỳ cuối: 'Rút ngắn' khoảng cách thương mại xuyên biên giới

18/04/2024 - 17:41
(Bankviet.com) Để hiện thực hoá giấc mơ đưa hàng Việt xuyên biên giới cần bản lĩnh "dám mơ lớn" của chính doanh nghiệp và sự hỗ trợ từ cơ quan quản lý Nhà nước và Chính phủ.
Kỳ 1: Bệ đỡ cho hàng Việt vươn xa toàn cầu Kỳ 2: "Giai đoạn vàng" để xuất khẩu trực tuyến tăng tốc Kỳ 3: Hành trình đưa sản phẩm Việt ra thế giới

Hình thành hệ sinh thái số bảo vệ chủ quyền quốc gia

Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), thương mại điện tử xuyên biên giới đang tái thiết chuỗi cung ứng toàn cầu, làm thay đổi cuộc chơi xuất nhập khẩu hàng hóa. Với hình thức xuất khẩu truyền thống: Hàng hóa đưa từ nhà sản xuất qua nhà xuất khẩu - nhà nhập khẩu - nhà bán buôn - nhà bán lẻ và sau cùng là đến tay khách hàng. Hành trình này rất phức tạp, qua nhiều khâu trung gian làm tốn chi phí, thời gian.

Trong khi ở mô hình thương mại điện tử xuyên biên giới, hàng hóa đi thẳng từ nhà máy, nhà xuất khẩu hay chủ thương hiệu đến tay khách hàng (B2C, B2B). Điều này giúp tối ưu hoá chuỗi cung ứng sản phẩm.

Bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đánh giá, bên cạnh xu hướng thương mại điện tử trên di động, mạng xã hội, thương mại điện tử xuyên biên giới đang là xu hướng nổi bật.

"Tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử xuyên biên giới tăng hơn 2 lần so với thương mại điện tử nói chung. Tại Việt Nam, với tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử bán lẻ trên 20%/năm. Đây là một ngành mới được đánh giá có nhiều tiềm năng và phù hợp với chủ trương phát triển nền kinh tế số của Chính phủ" - Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho hay.

Kỳ cuối: "Rút ngắn" khoảng cách thương mại xuyên biên giới
Theo bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, thương mại điện tử xuyên biên giới đang là xu hướng nổi bật, nhiều tiềm năng

Bên cạnh cơ hội và rất nhiều tiềm năng, các doanh nghiệp Việt đang phải đối mặt với rào cản khi gia nhập sàn thương mại điện tử xuyên biên giới. Chỉ ra một số "rào cản" pháp lý, theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, Việt Nam đang ở giai đoạn mới trong quá trình chuyển từ xuất khẩu truyền thống sang xuất khẩu online, do vậy vẫn còn nhiều khoảng trống về chính sách cần khắc phục.

"Hiện nay, một số quy định và nghị định liên quan đến lĩnh vực phát triển thương mại điện tử và xuất khẩu trực tuyến ở Việt Nam còn hạn chế về tính linh hoạt và chưa kịp thời cập nhật theo sự thay đổi của công nghệ và thị trường. Theo đó, cần các quy định rõ ràng về đảm bảo an ninh, an toàn, thông suốt của các hệ thống hạ tầng số, bảo vệ người tiêu dùng trực tuyến, thiết lập một môi trường kinh doanh thuận lợi, khuyến khích sự đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp trên thương mại điện tử" - chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nói.

Luật sư Vũ Như Quỳnh - Công ty Luật TNHH Quang Huy và cộng sự chia sẻ, ngoài những đóng góp của thương mại điện tử vào sự phát triển kinh tế đất nước, thương mại điện tử cũng đem đến tác động tiêu cực như khó kiểm soát cho công tác quản lý trong các lĩnh vực về thuế, cạnh tranh, sở hữu trí tuệ, giải quyết tranh chấp thương mại… hoặc tiềm ẩn các nguy cơ gây ảnh hưởng xấu đến an ninh mạng, an ninh chính trị, chủ quyền quốc gia.

Trước những khó khăn đối với một lĩnh vực còn khá non trẻ tại Việt Nam, nhìn từ kinh nghiệm của một số quốc gia phát triển thương mại điện tử cho thấy, song song với chủ trương khuyến khích và thúc đẩy phát triển thương mại điện tử, các quốc gia trên thế giới cũng đặc biệt quan tâm đến vấn đề quản lý chặt chẽ các hoạt động liên quan đến thương mại điện tử nhằm đảm bảo phát triển thương mại điện tử theo hướng bền vững, lành mạnh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, doanh nghiệp trong nước và duy trì trật tự quản lý nhà nước, đặc biệt là trong những lĩnh vực có liên quan mật thiết đến hoạt động thương mại điện tử như thuế, hải quan…

Cụ thể, Trung Quốc và Hoa Kỳ là hai quốc gia dẫn đầu trong lĩnh vực thương mại điện tử và xuất khẩu trực tuyến. Trung Quốc đã phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực xuất khẩu trực tuyến, trở thành một trong những nền kinh tế lớn nhất thế giới. Trung Quốc đã đầu tư lớn vào hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, bao gồm mạng lưới giao thông và viễn thông, để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu trực tuyến.

Kỳ cuối: "Rút ngắn" khoảng cách thương mại xuyên biên giới
Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp cùng các đối tác uy tín tổ chức các chương trình đào tạo, tập huấn về thương mại điện tử xuyên biên giới.

Chính phủ Trung Quốc đã thúc đẩy hoạt động xuất khẩu trực tuyến thông qua các chính sách hỗ trợ và khuyến khích, bao gồm giảm thuế và hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp. Trung Quốc đã sử dụng thị trường nội địa lớn để xây dựng và phát triển các nền tảng thương mại điện tử, từ đó mở rộng thị trường xuất khẩu trực tuyến ra nước ngoài.

Tương tự, Hoa Kỳ là một trong những quốc gia hàng đầu trong lĩnh vực thương mại điện tử và xuất khẩu trực tuyến. Hoa Kỳ đã đầu tư lớn vào nghiên cứu và phát triển công nghệ thông tin và thương mại điện tử để tạo ra các sản phẩm và dịch vụ có chất lượng cao và cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Chính phủ Hoa Kỳ đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực thương mại điện tử, từ đó tạo ra sự đa dạng và cạnh tranh trên thị trường. Hoa Kỳ đã phát triển các hệ thống thanh toán trực tuyến và dịch vụ vận chuyển hiệu quả, giúp tăng cường tiện ích và tin cậy cho hoạt động xuất khẩu trực tuyến.

Từ những kinh nghiệm của các quốc gia trên cho thấy, sự đồng bộ về hệ sinh thái số là "hàng rào" bảo vệ doanh nghiệp, người tiêu dùng khi tham gia vào sân chơi thương mại toàn cầu. Theo đó, việc giải quyết các điểm nghẽn để hàng Việt tự tin vươn ra quốc tế qua thương mại điện tử hết sức quan trọng và cấp thiết.

"Rộng cửa" cho hàng Việt xuất ngoại

Nhấn mạnh vai trò của các cơ quan chức năng trong việc trợ lực cho doanh nghiệp tham gia vào sân chơi này, ông Võ Văn Khanh - đại diện Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho biết: "Vai trò của Bộ Công Thương, cũng như các bộ, ngành và doanh nghiệp trong việc thúc đẩy xuất khẩu trực tuyến rất quan trọng và đóng vai trò không thể phủ nhận trong quá trình phát triển kinh tế của Việt Nam".

Bộ Công Thương cùng các bộ, ngành đã tạo ra môi trường pháp lý và chính sách hỗ trợ để khuyến khích và thúc đẩy hoạt động xuất khẩu trực tuyến, bao gồm việc đưa ra các chính sách thuế, giải pháp thanh toán và vận chuyển, và các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp; đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức quốc tế như WTO, ASEAN và các tổ chức thương mại quốc tế khác để tạo điều kiện thuận lợi và giải quyết các vấn đề liên quan đến xuất khẩu trực tuyến.

Đánh giá về tầm quan trọng của chuyển đổi số trong bối cảnh của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư theo chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu. Theo đó, thời gian qua, Bộ Công Thương đã quyết liệt triển khai các giải pháp, nhằm tạo nền tảng cho môi trường số văn minh, hiện đại và hiệu quả trên mọi lĩnh vực.

Kỳ cuối: "Rút ngắn" khoảng cách thương mại xuyên biên giới
Theo khảo sát của các tổ chức thế giới, nhu cầu mua sắm online của người tiêu dùng toàn cầu tăng cao là cơ hội cho thương mại điện tử xuyên biên giới "sải cánh".

Cụ thể, đối với lĩnh vực xúc tiến thương mại trên môi trường số, hỗ trợ các ngành hàng xuất khẩu chủ lực theo Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025, Bộ Công Thương đã giao Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số thực hiện nhiệm vụ triển khai Đề án xây dựng sàn thương mại điện tử hợp nhất 63 tỉnh, thành, hỗ trợ đào tạo, kết nối doanh nghiệp các tỉnh tham gia thương mại điện tử.

Để nâng cao nguồn nhân lực nắm vững kiến thức và kỹ năng về thương mại điện tử xuyên biên giới, thời gian qua và trong thời gian tới, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số sẽ tiếp tục phối hợp cùng các đối tác uy tín tổ chức các chương trình đào tạo, tập huấn về thương mại điện tử xuyên biên giới nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực trên khắp cả nước.

Bộ cũng tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan quảng bá và xúc tiến thương mại thông qua tổ chức các sự kiện, triển lãm và chương trình xúc tiến thương mại để quảng bá và giới thiệu các sản phẩm và dịch vụ của Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Bên cạnh đó, Cục Xúc tiến thương mại đã ưu tiên xây dựng Hệ sinh thái Xúc tiến thương mại số. Đây là kết cấu hạ tầng mềm trong thương mại do Chính phủ và Bộ Công Thương đầu tư, quản lý, phát triển, gồm các nền tảng cơ bản dùng chung như: Hội chợ, triển lãm số; kết nối giao thương (B2B) thông minh; tư vấn - huấn luyện trực tuyến,… qua đó thiết lập các kênh tiêu thụ trong nước và quốc tế; đồng thời, hoàn thiện cơ chế, chính sách tạo hành lang pháp lý thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại trên môi trường số.

Góp ý thêm, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, Chính phủ cần tiếp tục đổi mới và hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến thương mại điện tử và xuất khẩu trực tuyến để đảm bảo tính minh bạch, công bằng và bảo vệ đúng mức các bên. Cần có các chính sách hỗ trợ đặc biệt cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào thương mại điện tử và xuất khẩu trực tuyến, bao gồm hỗ trợ về hạ tầng, tài chính và đào tạo.

Đồng thời cần tăng cường đào tạo và nâng cao nhận thức cho cả người tiêu dùng và doanh nghiệp về các vấn đề liên quan đến thương mại điện tử và xuất khẩu trực tuyến; từ đó tạo ra một môi trường hoạt động tích cực và bền vững, góp phần vào sự phát triển kinh tế của Việt Nam.

"Việc thành lập và tham gia các hiệp hội/liên minh hỗ trợ xuất khẩu trực tuyến Việt Nam cũng hữu ích để doanh nghiệp áp dụng xuất/nhập khẩu trực tuyến và biến đây trở thành kênh thương mại điện tử chính thống, tạo động lực mạnh mẽ cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận thị trường quốc tế, qua đó đóng góp tích cực vào kết quả xuất khẩu ấn tượng của cả nước" - chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nêu.

Kỳ cuối: "Rút ngắn" khoảng cách thương mại xuyên biên giới
Hội nghị thương mại điện tử xuyên biên giới: Tinh hoa châu Á, Bứt phá toàn cầu do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương và Amazon Global Selling tổ chức ngày 7/6/2023.

Để giải quyết những thách thức đang đặt ra, xây dựng hành lang pháp lý vững chắc, bảo vệ doanh nghiệp khi tham gia sân chơi thương mại toàn cầu, luật sư Vũ Như Quỳnh cho rằng, hệ thống quy định pháp luật về thương mại điện tử cần được xây dựng và hoàn thiện theo hướng đáp ứng hai yêu cầu cơ bản.

Thứ nhất, tăng cường khuyến khích và thúc đẩy các cá nhân, doanh nghiệp tham gia vào hoạt động thương mại điện tử thông qua các chính sách hỗ trợ cụ thể. Thứ hai, quản lý, giám sát, kiểm soát chặt chẽ các hoạt động thương mại điện tử tại Việt Nam, bảo đảm các hoạt động này diễn ra theo đúng định hướng, chủ trương, mục tiêu của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế số bền vững, hướng tới chuyển đổi số trong bối cảnh Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Đặc biệt, cần lưu ý về bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia thương mại điện tử, đặc biệt là người tiêu dùng và các doanh nghiệp trong nước. Ngoài ra, các chính sách thúc đẩy thương mại điện tử cần được xây dựng và thi hành gắn với việc đảm bảo an toàn, an ninh mạng, an ninh chính trị quốc gia, chủ quyền dân tộc…

"Theo đó, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần tổ chức rà soát, sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý toàn diện liên quan đến thương mại điện tử như Luật Giao dịch điện tử, Luật An toàn thông tin mạng, Luật An ninh mạng, Luật Thương mại… và các quy định hướng dẫn thi hành" - luật sư Vũ Như Quỳnh kiến nghị.

Bên cạnh đó, theo luật sư Vũ Như Quỳnh, Luật Giao dịch điện tử sửa đổi được thông qua gần đây (ban hành ngày 22/6/2023, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024) sẽ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo hành lang pháp lý hoàn thiện, đầy đủ, thuận lợi cho việc chuyển đổi hoạt động kinh doanh từ môi trường thực sang môi trường số, đặc biệt là đối với các vấn đề giá trị pháp lý của chữ ký điện tử, chứng thực điện tử, hợp đồng điện tử nói riêng và giá trị pháp lý của các giao dịch điện tử.

Kỳ cuối: "Rút ngắn" khoảng cách thương mại xuyên biên giới
Thương mại điện tử và bán hàng xuyên biên giới dự kiến sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam với sự đa dạng, hấp dẫn từ hệ sinh thái số.

Về phía Bộ Tài chính, liên quan đến hoạt động xuất khẩu trong thương mại điện tử, Bộ Tài chính được giao chủ trì xây dựng Nghị định về quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được giao dịch qua thương mại điện tử (hiện nay, dự thảo Nghị định đã được trình Chính phủ ký ban hành) và phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan hoàn thiện chính sách, pháp luật thuế về thương mại điện tử.

Theo các chuyên gia, trong tương lai, thương mại điện tử và bán hàng xuyên biên giới dự kiến sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam. Để tạo lực đẩy cho phát triển thương mại điện tử nói riêng và nền kinh tế số nói chung, điều quan trọng là doanh nghiệp Việt phải "dám mơ lớn" cùng với sự hỗ trợ tối đa của các cơ quan quản lý Nhà nước, Chính phủ... sẽ là chìa khoá "hoá giải" những rào cản, "rút ngắn" khoảng cách đưa hàng Việt ra thế giới qua nền tảng số, góp phần đạt được mục tiêu mà Chính phủ đã đề ra vào năm 2025 kinh tế số Việt Nam sẽ chiếm 20% tổng sản phẩm quốc nội và tăng lên 30% vào năm 2030.

Đỗ Nga

Theo: Báo Công Thương