Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV: Phân cấp, phân quyền để ứng phó kịp thời với các tình huống khẩn cấp

28/05/2025 - 00:36
(Bankviet.com) Trường hợp cần thiết, Thủ tướng Chính phủ có thể áp dụng các biện pháp mà pháp luật hiện hành chưa quy định và báo cáo cơ quan có thẩm quyền...
Chủ trương - Chính sách

Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV: Phân cấp, phân quyền để ứng phó kịp thời với các tình huống khẩn cấp

Hoàng Nguyên 27/05/2025 17:04

Trường hợp cần thiết, Thủ tướng Chính phủ có thể áp dụng các biện pháp mà pháp luật hiện hành chưa quy định và báo cáo cơ quan có thẩm quyền...

Theo Cổng thông tin điện tử Quốc hội, tiếp tục nội dung Chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, chiều ngày 27/5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội đã nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Tình trạng khẩn cấp.

quốc hội bộ trưởng bộ quốc phòng
Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng báo cáo với Quốc hội nội dung cơ bản của dự thảo Luật Tình trạng khẩn cấp

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã báo cáo với Quốc hội nội dung cơ bản của dự thảo Luật Tình trạng khẩn cấp. Theo đó, việc triển khai xây dựng, ban hành Luật Tình trạng khẩn cấp nhằm thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng về nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; khắc phục hạn chế, bất cập trong thực tiễn, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của pháp luật về tình trạng khẩn cấp, qua đó góp phần bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Luật quy định về nguyên tắc, trình tự, thủ tục, thẩm quyền ban bố, công bố, bãi bỏ tình trạng khẩn cấp; các biện pháp được áp dụng trong tình trạng khẩn cấp; tổ chức thi hành Nghị quyết ban bố, Lệnh công bố tình trạng khẩn cấp; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong tình trạng khẩn cấp. Dự thảo Luật được bố trí thành 06 chương, với 42 điều, trong đó:

Chương II, gồm 04 điều (từ Điều 9 đến Điều 12) quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục ban bố, công bố, gia hạn, bãi bỏ tình trạng khẩn cấp; nội dung của Nghị quyết ban bố, Lệnh công bố tình trạng khẩn cấp; chấm dứt hiệu lực của các văn bản pháp luật về tổ chức thi hành Nghị quyết ban bố, Lệnh công bố tình trạng khẩn cấp.

Luật quy định: “Căn cứ diễn biến thảm họa, dịch bệnh, tình hình quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội và trên cơ sở đề nghị của các bộ hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Thủ tướng Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban bố tình trạng khẩn cấp, trong trường hợp Ủy ban Thường vụ không thể họp ngay thì Thủ tướng Chính phủ đề nghị Chủ tịch nước công bố tình trạng khẩn cấp trong cả nước hoặc ở từng địa phương”.

Chương III, gồm 12 điều (từ Điều 13 đến Điều 24), quy định về các biện pháp được áp dụng trong tình trạng khẩn cấp khi có thảm họa lớn về thiên tai, ô nhiễm môi trường, sự cố bức xạ và hạt nhân, dịch bệnh, trong tình trạng khẩn cấp về an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội, về quốc phòng; các biện pháp khắc phục hậu quả; huy động nguồn lực, cứu trợ, hỗ trợ; chế độ, chính sách đôi với tổ chức, cá nhân tham gia ứng phó, khắc phục tình trạng khẩn cấp.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết: “Nhằm phân cấp, phân quyền và bảo đảm linh hoạt để ứng phó kịp thời với các tình huống trong tình trạng khẩn cấp, Luật quy định: Trường hợp cần thiết, Thủ tướng Chính phủ có thể áp dụng các biện pháp mà pháp luật hiện hành chưa quy định và báo cáo cơ quan có thẩm quyền của Đảng, Quốc hội trong thời gian gần nhất để phù hợp với quy định tại Luật Tổ chức Chính phủ năm 2025; Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định áp dụng các biện pháp mà pháp luật hiện hành chưa quy định và báo cáo cơ quan có thẩm quyền của Đảng và Thủ tướng Chính phủ trong thời gian sớm nhất để phù hợp với quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025”.

Chương IV, gồm 08 điều (từ Điều 25 đến Điều 32), quy định về tổ chức thi hành Nghị quyết ban bố, Lệnh công bố tình trạng khẩn cấp; trách nhiệm thi hành các biện pháp trong tình trạng khẩn cấp; điều động lực lượng vũ trang đến địa bàn ban bố tình trạng khẩn cấp; trang bị và sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ; biện pháp xử lý người bị tạm giữ; lực lượng thi hành trong tình trạng khẩn cấp; áp dụng pháp luật về điều kiện bất khả kháng.

Luật quy định: “(1) Trong trường hợp cần thiết, Thủ tướng Chính phủ đề nghị Chủ tịch nước điều động lực lượng vũ trang đến địa bàn ban bố tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; (2) Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an điều động lực lượng thuộc quyền đến địa bàn ban bố tình trạng khẩn cấp về thảm họa lớn, dịch bệnh để hỗ trợ các lực lượng tại chỗ cứu hộ, khắc phục hậu quả của thảm họa, dịch bệnh hoặc để ổn định, duy trì an ninh và trật tự, an toàn xã hội”.

Cũng theo dự thảo Luật, lực lượng thi hành trong tình trạng khẩn cấp gồm: Lực lượng Quân đội nhân dân và Công an nhân dân; Dân quân tự vệ, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Viện kiểm sát nhân dân, toà án nhân dân, cơ quan thi hành án; Đội công tác tuyên truyền đặc biệt, Đội tuần tra đặc biệt thuộc các lực lượng Quân đội, Công an, Dân quân tự vệ.

Bên cạnh đó, Luật cũng quy định về trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ, ngành trung ương, chính quyền địa phương và của các cơ quan, tổ chức và cá nhân. Luật Tình trạng khẩn cấp có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 12 năm 2026.

quốc hội hôm nay 27-5
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại Lê Tấn Tới báo cáo tóm tắt Thẩm tra dự án Luật Tình trạng khẩn cấp

Trình bày Báo cáo tóm tắt Thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại Lê Tấn Tới cho biết, Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật với những căn cứ chính trị, pháp lý, thực tiễn như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Việc ban hành Luật Tình trạng khẩn cấp, nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về TTKC trong phòng, chống, khắc phục thảm họa, sự cố, biện pháp xử lý các tình huống cấp bách, khẩn cấp về quân sự, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội; sẵn sàng ứng phó hiệu quả với các thách thức an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống. “Luật này không thay thế các luật chuyên ngành đang điều chỉnh các vấn đề liên quan đến TTKC. Tuy nhiên, việc xác định TTKC trong các Luật chuyên ngành chưa đầy đủ, cụ thể, do đó cần nghiên cứu, quy định về xác định TTKC, thẩm quyền, biện pháp áp dụng trong TTKC trong Luật này cho đầy đủ, phù hợp, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật về TTKC”, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại Lê Tấn Tới nêu rõ.

Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại nhận thấy, quy định về các biện pháp được áp dụng trong TTKC là rất quan trọng, tạo tính thống nhất để áp dụng khi xảy ra TTKC. Về việc phân quyền, phân cấp áp dụng các biện pháp trong TTKC, Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại cơ bản tán thành với quy định giao quyền cho Thủ tướng Chính phủ: Trong trường hợp cần thiết, có thể áp dụng các biện pháp mà pháp luật hiện hành chưa quy định và báo cáo cơ quan có thẩm quyền của Đảng, Quốc hội trong thời gian gần nhất, bảo đảm linh hoạt trong việc ứng phó, xử lý các tình huống phức tạp.

Cơ quan chủ trì thẩm tra cơ bản nhất trí quy định về các chính sách và biện pháp hỗ trợ trong TTKC. Về lực lượng thi hành trong tình trạng khẩn cấp, về nguyên tắc, việc xây dựng, tổ chức lực lượng là trách nhiệm của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương. Tuy nhiên, qua việc nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, khảo sát thực tiễn và rà soát với các Luật có liên quan (Luật Phòng thủ dân sự), một số ý kiến đề nghị Luật cần xác định nguyên tắc để tổ chức lực lượng theo hướng có lực lượng chuyên trách, lực lượng kiêm nhiệm và lực lượng rộng rãi thi hành trong TTKC; quy định về lực lượng chuyên trách hoặc kiêm nhiệm tương ứng với từng loại TTKC; đồng thời, bổ sung quy định về đào tạo, huấn luyện, diễn tập và chế độ, chính sách thường xuyên cho các đối tượng để bảo đảm sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi có tình huống xảy ra.

Về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại Lê Tấn Tới cho biết, Cơ quan chủ trì thẩm tra cơ bản nhất trí với các quy định tại Chương này, tuy nhiên đề nghị tiếp tục rà soát để đảm bảo sự phù hợp, thống nhất với các luật có liên quan, nhất là quy định về thẩm quyền của chính quyền địa phương sau khi được sắp xếp, tổ chức lại chính quyền 2 cấp ở cơ sở. Một số ý kiến đồng tình với quy định giao Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định các biện pháp mà pháp luật hiện hành chưa quy định để bảo đảm linh hoạt trong việc ứng phó, xử lý các tình huống phức tạp tại địa phương trong TTKC.

Hoàng Nguyên

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán