Kỷ niệm 75  năm ngày Thương binh Liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2022): Đạo lý, thành kính, tri ân và trách nhiệm

28/07/2022 - 21:35
(Bankviet.com) Nhân dân ta đời đời nhớ ơn các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh đã cống hiến máu xương hoặc một phần cơ thể của mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc giành và giữ vững độc lập, tự do cho Tổ quốc....

Nơi các anh ngã xuống

Máu đã thắm san hô

Anh linh hòa sóng biếc

Cứ tỏa hương từng giờ”

(Thơ Trần Mai Hường)

Để có được một đất nước Việt Nam tươi đẹp, hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng về mọi mặt như ngày nay, nhân dân ta đời đời nhớ ơn các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh đã cống hiến máu xương hoặc một phần cơ thể của mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc thoát khỏi ách ngoại xâm, giành và giữ vững độc lập, tự do cho Tổ quốc, đưa cả nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên của độc lập, thống nhất và cùng nhau xây dựng một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Để đền đáp một phần những cống hiến, hy sinh của đồng bào, chiến sĩ cả nước cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc, ngày 16/2/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 20/SL đặt “chế độ hưu bổng thương tật và tiền tuất tử sĩ”; từ đó đến nay đã trở thành một chính sách lớn của Đảng và Nhà nước ta. Đồng thời, để nhân dân ta tỏ lòng “hiếu nghĩa bác ái” và bày tỏ sự biết ơn các gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng. Ngày 27/7/1947, đại biểu của Tổng bộ Việt Minh, Trung ương Hội Phụ nữ cứu quốc, Trung ương Đoàn Thanh niên cứu quốc, Cục Chính trị Quân đội Quốc gia Việt Nam, Nha thông tin, tuyên truyền và một số địa phương đã họp tại Đại Từ (Bắc Thái) để bàn về công tác thương binh, liệt sĩ và thực hiện Chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn một ngày làm ngày “Thương binh”. Sau khi cân nhắc về nhiều mặt, Hội nghị nhất trí đề nghị Trung ương lấy ngày 27/7/1947 làm ngày “Thương binh toàn quốc”. Chiều ngày 27/7/1947, một cuộc mít tinh quan trọng tổ chức tại huyện Đại Từ (Bắc Thái) có 2.000 người tham gia. Ban Tổ chức ngày “Thương binh toàn quốc” đã trịnh trọng đọc thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong thư Người cho biết đã ủng hộ  một chiếc áo lụa của Hội Phụ nữ gửi biếu Người, một tháng lương và một bữa ăn trưa của nhân viên trong Phủ Chủ tịch. Từ năm 1947, ngày “Thương binh” đã được tổ chức trọng thể thường kỳ hàng năm.

 

75 năm qua, nhất là trong hơn 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, Đảng và Nhà nước ta đã luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác thương binh, liệt sỹ, người có công với cách mạng và tổ chức vận động toàn dân tích cực tham gia các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa,” “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sỹ và người có công với cách mạng.”

Nhiều chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về ưu đãi đối với người có công đã được ban hành; đối tượng hưởng chính sách ưu đãi được mở rộng, các chế độ ưu đãi từng bước được bổ sung, hoàn thiện, thể hiện sự trân trọng, biết ơn, chăm lo của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.

Các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp, các cơ quan, các đơn vị và cá nhân nhà hảo tâm đã tích cực tham gia các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng” với nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực bằng những việc làm đầy trách nhiệm và nghĩa tình.

 Các phong trào đó đã nhận được sự hưởng ứng và tham gia nhiệt tình của toàn xã hội, trở thành nét đẹp trong đời sống văn hóa, góp phần quan trọng vào việc củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nâng cao tinh thần yêu nước, trách nhiệm xã hội, khơi dậy và bồi đắp những giá trị nhân ái của mỗi người Việt Nam.

Bên cạnh đó, với ý chí tự lực, tự cường, nhiều thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ và gia đình người có công đã vượt lên thương tật, khó khăn, hòa mình vào cuộc sống, tiếp tục cống hiến sức lực, trí tuệ trong lao động, sản xuất, công tác, chiến đấu, học tập..., góp phần bảo vệ và xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, xứng đáng là những “Công dân kiểu mẫu”, là tấm gương sáng cho cộng đồng và xã hội noi theo.

Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, cả nước có khoảng 9,2 triệu người có công với cách mạng, chiếm khoảng 10% dân số, được hưởng chính sách ưu đãi. Trong số này, gần 1,4 triệu người đang hưởng chế độ ưu đãi hằng tháng; 4.183 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng (đến tháng 5/2021). Trên đất nước ta đã và đang xuất hiện những việc làm sâu nặng nghĩa tình, từ các em thiếu nhi đến những người cao tuổi; từ các xóm, ấp, khu phố, cơ quan, doanh nghiệp, các tổ chức Đảng, đoàn thể, mặt trận và các tổ chức xã hội… đâu đâu cũng dấy lên phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”. Giai đoạn 2016 - 2020, Quỹ đền đáp nghĩa ở các địa phương vận được được gần 5.600 tỷ đồng, Quỹ đền ơn đáp nghĩa ở Trung ương vận động được 16,8 tỷ đồng; cả nước đã trao 61.650 sổ tiết kiệm với 103,5 tỷ đồng; xây dựng mới từ vận động các nguồn xã hội 39.000 nhà tình nghĩa, sửa chữa 24.650 nhà tình nghĩa trị giá trên 2.200 tỷ đồng. 

Về chăm lo mức sống, tới thời điểm này, 99% gia đình người có công và thân nhân có cuộc sống bằng hoặc cao hơn mức sống dân cư nơi cư trú. 99% xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ.

Để phát huy những kết quả, thành tích đạt được trong hơn 75 năm qua, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng, trong thời gian tới, các cấp, các ngành cần quán triệt sâu sắc, tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về ưu đãi người có công, trọng tâm là Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng; Chỉ thị số 14-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (Khóa XII) về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng.

Ngày 14/6, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội có công văn trình Chủ tịch nước tặng quà cho người có công với cách mạng nhân dịp Kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2022). Theo đó, cơ quan này đề xuất dành hơn 400 tỷ đồng để tặng quà các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, thân nhân liệt sĩ, thương bệnh binh. Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, thương binh loại B, bệnh binh có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 81% trở lên đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 81% trở lên đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng, thân nhân liệt sĩ đang hưởng trợ cấp tuất nuôi dưỡng hằng tháng, thân nhân của hai liệt sĩ trở lên đang hưởng trợ cấp tuất hằng tháng sẽ được tặng quà mức 600.000 đồng.

Cao đẹp thay những hành động chan chứa tình người, tình đồng chí của dân tộc chúng ta! Xin được tỏ lòng thành kính và biết ơn sâu sắc tới các Bà mẹ Việt Nam anh hùng; các chị, các mẹ, các anh thương binh, bệnh binh; các gia đình liệt sĩ, có công với nước, nhân dân ta đã và đang tô đẹp thêm  truyền thống và lý tưởng cách mạng cao đẹp để cho chúng ta có cuộc sống ấm no, hạnh phúc như ngày hôm nay.

Nguyễn Văn Thanh

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ