Ký ức sống mãi trong ngôi nhà của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

08/05/2025 - 13:31
(Bankviet.com) Ngôi nhà của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là “địa chỉ đỏ” thiêng liêng, được người dân và khách thập phương tìm đến để dâng hương tưởng niệm.
Nhiều đoàn khách đến thăm nhà lưu niệm và dâng hương mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp Về quê Đại tướng Võ Nguyên Giáp xem đua thuyền ngày Quốc khánh 2/9 Quảng Bình khánh thành Nhà tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thăm và dâng hương tại ngôi nhà của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Một buổi chiều tháng 5, Hà Nội nắng ươm vàng như rót mật. Căn nhà số 30 phố Hoàng Diệu hiện ra sau cánh cổng sắt cổ kính, nép mình trong khuôn viên rợp bóng cây xanh. Nơi ấy, trên con phố đẹp nhất của thủ đô Hà Nội từng là chốn đi về thân thuộc suốt mấy chục năm cuối đời của một vị anh hùng dân tộc, người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam - Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Nhân kỷ niệm 71 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, chúng tôi có dịp ghé thăm và dâng nén hương thơm trước anh linh của vị Đại tướng huyền thoại. Giữa không gian thanh tịnh và ấm áp ấy, chúng tôi được lắng nghe những câu chuyện xúc động từ bà Mạc Thị Thuý Hường. Bà là con dâu út của Đại tướng, người đã gắn bó chăm sóc ông suốt 43 năm, từ 1/1/1983 ngày bà may mắn được về làm dâu con cho đến khi Đại tướng trút hơi thở cuối cùng.

Dâng hương Đại tướng Võ Nguyên tại ngôi nhà của Người
Bức ảnh chụp Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi còn sống tại ngôi nhà số 30 đường Hoàng Diệu - quận Ba Đình - Hà Nội của nhiếp ảnh gia Duy Anh
Dâng hương Đại tướng Võ Nguyên tại ngôi nhà của Người
Ngôi nhà luôn tràn ngập những lẵng hoa tươi với lòng thành kính của người dân Hà Nội và cả nước kính nhớ về Đại tướng. Ảnh: Thanh Thảo

Trong khu vườn xanh mát dưới tán cây cổ thụ, những giò lan từ mảnh đất Điện Biên bỗng nở bung đúng dịp tháng 5, bà Hường xúc động kể lại: “Khi ông yếu, tôi thường đưa ông ra vườn bằng xe lăn để ông ngắm cây, ngắm lan. Hôm nay như một sự tình cờ, giò lan Tam Bảo Sắc được gửi xuống từ Điện Biên treo ngay sát cửa phòng ấy chợt nở bung đúng những ngày đầu tháng Năm.

Và có điều đặc biệt hơn là giàn treo lan ấy được bộ đội làm tặng ông từ những ống tút đạn 155 của chiến trường năm xưa. Bố tôi có niềm yêu thích chơi hoa lan từ những năm 1960. Mỗi khi một bông hoa lan, hay một giò hoa nở trong sân nhà, con cháu lại nhớ thương ông vô cùng”.

Dâng hương Đại tướng Võ Nguyên tại ngôi nhà của Người
Bà Mạc Thị Thuý Hường, con dâu út của Đại tướng. Ảnh: Thanh Thảo
Dâng hương Đại tướng Võ Nguyên tại ngôi nhà của Người
Trong sân nhà là bộ bàn ghế đá granite từ năm 1968, những giò lan thơm ngát của tỉnh Điện Biên, những kỷ vật thân thương của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: Thanh Thảo

Khuôn viên ngôi nhà vẫn còn đó chiếc ao cá nước trong vắt, tiếng róc rách len qua từng kẽ lá. Giữa sân, bộ bàn ghế đá granite được bộ đội công binh làm tặng Đại tướng vào năm 1968 vẫn được gìn giữ nguyên vẹn. Lúc sinh thời, Đại tướng thường tiếp khách quý, đồng đội và bạn bè thân thiết tại đây. Ông thích ngồi thưởng trà, ngắm hoa, nói chuyện về thế sự, về những trang sử hào hùng và cả giấc mơ hòa bình cho đất nước.

Chiếc đồng hồ - kỷ vật đặc biệt của gia đình Đại tướng

Phòng thờ Đại tướng giản dị và trầm ấm. Bức chân dung đen trắng được đặt trang trọng giữa ban thờ nghi ngút hương khói và hoa thơm. Bà Hường chỉ cho chúng tôi chiếc đồng hồ gỗ đặt giữa phòng và ngân ngấn nước mắt nói: “Chiếc đồng hồ này đã được giữ nguyên kể từ giây phút ông mất. Nó vẫn dừng lại ở thời khắc 18h09 phút ngày 4/10/2013. Mỗi lần nhìn thấy giờ phút ấy là lòng tôi lại nghẹn ngào. Con cháu trong nhà ai cũng thương nhớ ông khôn nguôi”.

Dâng hương Đại tướng Võ Nguyên tại ngôi nhà của Người
Chiếc đồng hồ trong phòng khách của Đại tướng Võ Nguyên Giáp (nay là phòng thờ) ghi giữ lại thời khắc Đại tướng qua đời lúc 18h09 phút ngày 4/10/2013. Ảnh: Thanh Thảo

Phía trên bệ lò sưởi cũ là một bức chân dung đặc biệt. Gương mặt Đại tướng mỉm cười hiền hậu được ghép từ 8.800 bức ảnh tư liệu về cuộc đời ông, từ thời niên thiếu, khi chiến đấu cho đến khi nằm trên giường bệnh. Trong nền tranh là ba biểu tượng vĩ đại của dân tộc: Dinh Độc lập; Tượng đài Chiến thắng Điện Biên; và lá cờ Tổ quốc đỏ thắm tung bay trên nóc hầm Đờ Cát. Bức chân dung là món quà của họa sĩ Nguyễn Minh đến từ Đồng Nai, được hoàn thành đúng dịp mừng thọ Đại tướng tròn 100 tuổi.

“Bố tôi rất yêu thích bức tranh này. Nhiều người đến thăm, nhìn vào từng bức ảnh nhỏ, như sống lại những khoảnh khắc đời ông. Một vị Đại tướng huyền thoại, mà cũng là một người cha hiền hậu”, bà Hường rưng rưng chia sẻ.

Dâng hương Đại tướng Võ Nguyên tại ngôi nhà của Người
Gương mặt Đại tướng mỉm cười hiền hậu được ghép từ 8.800 bức ảnh tư liệu về cuộc đời ông. Ảnh: Thanh Thảo

Căn phòng này vốn là phòng khách thân thuộc, từ ngày Đại tướng qua đời đã được cả gia đình gìn giữ làm gian thờ. Cửa sổ vẫn mở đón nắng vàng, hướng ra khu vườn đầy dấu yêu. Dường như vẫn còn đâu đó hình ảnh vị Đại tướng huyền thoại của dân tộc đang lặng lẽ ngồi lắng nghe tiếng gió, ngắm những chồi non đâm lộc.

Ký ức về Đại tướng không chỉ nằm ở những chiến công lẫy lừng mà còn trong cách sống thanh cao, giản dị và đầy nhân hậu. Dẫu ông đã đi xa, nhưng tình cảm mà nhân dân dành cho ông vẫn còn mãi như dòng sông ngọt lành chảy qua từng thế hệ.

Nén nhang thơm tháng 5 dâng vị cha già của Quân đội nhân dân Việt Nam

Tại ngôi nhà số 30 đường Hoàng Diệu, nơi gắn bó suốt nhiều năm cuối đời của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, những bước chân vẫn lặng lẽ tìm về. Đồng đội cũ, người thân, bạn bè và người dân Thủ đô thường xuyên lui tới, dâng hương tưởng niệm, bày tỏ lòng tri ân sâu sắc với vị Đại tướng huyền thoại của dân tộc.

Tháng 5 này, đúng dịp kỷ niệm 71 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, ngôi nhà nhỏ giữa lòng Hà Nội lại đón thêm nhiều lượt viếng thăm. Những bông sen đầu mùa hạ cũng đã được trân trọng dâng lên, như gửi vào đó tình cảm tinh khiết, ngưỡng vọng của nhân dân cả nước dành cho Đại tướng.

Dâng hương Đại tướng Võ Nguyên tại ngôi nhà của Người
Phóng viên Báo Công Thương thành tâm đến kính viếng dâng hương Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại gia đình đúng ngày kỷ niệm 71 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2025). Ảnh: Thanh Thảo

Đại tá, nhà báo Nguyễn Thị Minh Hoài, nguyên phóng viên Báo Quân đội nhân dân nhân dịp này cũng đã đến thăm và lặng lẽ thắp nén nhang thơm trước di ảnh Đại tướng. Bà xúc động chia sẻ: “Dâng nén hương thơm trước anh linh Đại tướng, tôi như được trở về với những năm tháng lịch sử oai hùng của dân tộc. Là một nhà báo từng nhiều lần viết về Đại tướng, tôi càng thấm thía hơn tầm vóc vĩ đại của một người cầm quân lỗi lạc, nhưng cũng vô cùng gần gũi, giản dị. Mỗi lần đứng trước bàn thờ của ông, tôi đều xúc động như thể đang được lắng nghe lời nhắc nhở từ trái tim của một vị tướng suốt đời vì nước, vì dân.

71 năm đã trôi qua kể từ chiến thắng Điện Biên Phủ, nhưng âm vang của chiến công ấy và hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn còn nguyên giá trị không chỉ trong lịch sử, mà trong trái tim mỗi người Việt Nam. Tôi tự hào vì mình là người lính, người cầm bút trong quân đội được sống, được viết trong thời đại có những con người vĩ đại như Đại tướng”.

Dâng hương Đại tướng Võ Nguyên tại ngôi nhà của Người
Đại tá Nguyễn Minh Hoài - nguyên phóng viên Báo Quân đội nhân dân tới thắp hương cho Đại tướng. Ảnh: Thanh Thảo

Thắp nén nhang thơm tưởng niệm, chia tay gia đình, chúng tôi lặng lẽ tạm biệt ngôi nhà số 30 phố Hoàng Diệu và gia đình. Trong lòng mỗi chúng tôi bất chợt dâng lên một niềm tiếc nhớ, một nỗi xúc động khó gọi thành tên. Hình ảnh vị Đại tướng của nhân dân vẫn như còn hiện hữu, vẫn lặng lẽ dõi theo từng bước đi của đất nước, như đã từng suốt cả cuộc đời…

Ngôi nhà số 30 phố Hoàng Diệu, quận Ba Đình, Hà Nội là nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng sống và làm việc trong suốt nhiều thập kỷ. Không chỉ là địa chỉ gắn liền với cuộc sống đời thường của vị tướng huyền thoại, nơi đây còn là “địa chỉ đỏ” thiêng liêng, được người dân và khách thập phương tìm đến để dâng hương tưởng niệm. Đặc biệt là vào mỗi dịp lễ lớn của dân tộc.

Thanh Thảo

Theo: Báo Công Thương