Kỳ vọng OPEC+ tiếp tục hạ sản lượng đẩy giá dầu tăng mạnh

27/11/2023 - 17:57
(Bankviet.com) Những tuần gần đây, nguồn cung dầu trên thế giới tăng vượt kỳ vọng, chính vì vậy giá dầu có lý do để hạ đều đặn. Nguồn cung từ Guyana và Biển Bắc dự kiến sẽ tăng từ tháng sau, còn xuất khẩu dầu của Mỹ tăng vọt.

Giá dầu hồi phục khi nhiều nhà đầu tư dự báo về khả năng các nước thành viên Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nước liên minh sẽ hợp tác để ngăn giá dầu sụt giảm sâu như những gì diễn ra trong suốt 4 tuần qua.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày thứ Sáu, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao hợp đồng tương lai tăng 4,1% lên 76 USD/thùng. Các chuyên gia tin rằng các nước thuộc OPEC+ sẽ hành động để bảo vệ giá dầu khi họ có cuộc họp trong tháng này. Giá dầu Brent giao hợp đồng tương lai tăng 4,1% lên trên mức 80 USD/thùng.

Saudi Arabia và Nga, hai nước sản xuất dầu lớn nhất thuộc OPEC+, mới đây đã cam kết duy trì các biện pháp cắt giảm sản lượng bổ sung cho đến cuối năm nay dù rằng những tuần gần đây, xuất khẩu của Nga tăng.

“Chúng tôi tin rằng OPEC sẽ đảm bảo giá dầu Brent tăng lên trong ngưỡng từ 80-100 USD/thùng trong năm 2024 thông qua việc duy trì thiếu hụt nguồn cung”, chuyên gia phân tích thuộc Goldman Sachs nhấn mạnh trong nghiên cứu được công bố mới đây.

Tính cả tuần, giá dầu WTI hạ 1,7% và như vậy ghi nhận tuần giảm thứ 4 liên tiếp. So với ngưỡng cao của năm thiết lập vào tháng 9/2023, giá dầu WTI đã hạ 19%.

Những tuần gần đây, nguồn cung dầu trên thế giới tăng vượt kỳ vọng, chính vì vậy giá dầu có lý do để hạ đều đặn. Nguồn cung từ Guyana và Biển Bắc dự kiến sẽ tăng từ tháng sau, còn xuất khẩu dầu của Mỹ tăng vọt.

Diễn biến sụt giảm của giá dầu trong thời gian qua có nguyên nhân từ các yếu tố kỹ thuật. Các chỉ số thị trường rơi xuống ngưỡng suy giảm lần đầu tiên trong nhiều tháng. Ngoài ra, nhiều phiên gần đây, các chỉ số còn rơi xuống dưới ngưỡng trung bình của 200 ngày giao dịch, áp lực bán vì vậy gia tăng hơn.

Dữ liệu hàng tồn kho từ Mỹ trong tuần cho thấy tồn kho tăng trong thời gian gần đây, đặc biệt tại trung tâm dự trữ ở Cushing, Oklahoma. Tình trạng dự trữ dầu gia tăng diễn ra khi mà nhiều doanh nghiệp lọc dầu trải qua khoảng thời gian bảo dưỡng định kỳ, nhu cầu của họ với dầu thô vì vậy giảm đi. Xuất khẩu dầu thô của Mỹ cũng tăng lên khi mà quy mô sản xuất Mỹ tăng.

Triển vọng nhu cầu khá u ám. Số liệu từ Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, cho thấy nhiều nhà máy lọc dầu giảm tỷ lệ xử lý trong tháng 10/2023 khi mà nhu cầu dầu giảm so với tháng liền trước đó.

Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ tăng lên ngưỡng cao nhất trong gần 2 năm, phát đi thông điệp về việc nhu cầu dầu thô của thế giới giảm.

Saudi Arabia chuẩn bị kéo dài các quyết định giảm sản lượng sang năm sau khi mà OPEC+ tính đến việc cắt giảm thêm sản lượng nhằm ứng phó với giá dầu giảm và căng thẳng leo thang liên quan đến xung đột Israel-Hamas.

Sau khi giá dầu Brent chạm ngưỡng thấp nhất trong 4 tháng là khoảng 77 USD/thùng trong tuần này, nguồn tin từ chính phủ Saudi Arabia cho thấy nhiều khả năng chính phủ nước này sẽ kéo dài việc hạ sản lượng 1 triệu thùng dầu/ngày ít nhất cho đến mùa xuân.

Trước đây, các biện pháp cắt giảm sản lượng được đưa ra trong mùa hè như động thái tạm thời để ngăn giá hạ sâu. Hiện tại, Saudi Arabia đang cung ứng ra thị trường khoảng 9 triệu thùng dầu/ngày so với ngưỡng khoảng 12 triệu thùng dầu/ngày theo công suất tối đa.

Các biện pháp cắt giảm sản lượng bổ sung, yếu tố có thể gây căng thẳng với Mỹ, hiện đang được phía OPEC+ bàn thảo khi chuẩn bị họp tại Vienna vào ngày 26/11/2023.

Ngọc Diệp

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ